Gia Long tẩu quốc/Hồi thứ mười bốn

HỒI THỨ MƯỜI BỐN

Bá-đa-Lộc dự bàn quốc sự,

Đức Nguyển-vương diển dượt chiến thuyền.


Lúc bấy giờ có một vị Giám mục của nước Pháp kêu là Ê vết-đa-trăng (Evêque d'Adran)[1] lấy theo tên của vua cho, gọi là Bá-đa-Lộc, người qua nước ta giãng đạo thiên chúa, gặp lúc Hoàng-triều biến loạn, chúa thượng lưu ly, người thấy đức Nguyển-Ánh là một vua thông minh, biết nạp sỉ chiêu hiền, thì theo giúp đở tay chơn, và cũng hết sức hết lòng cùng vua, trong cơn hoạn nạn.

Khi Giám mục Bá-đa-Lộc đương ở giáo đường tại Thủ-Thiêm, bổng nghe Đỗ-thanh-Nhơn bị Nguyển-vương xử tữ, tức thì lật đật chống gậy vào triều yết kiến.

Nguyển-vương thấy người đến, thì mừng rở rước vào, và mời ngồi bên ngài mà hỏi rằng:

— Giám mục hỗm rày cách mặt, quã-nhơn có ý đợi trông, nay Giám mục đến viếng quả-nhơn, và có việc chi ích quốc lợi dân, xin Giám mục chĩ giáo.

— Bẩm chúa-thượng, hạ thần đương ở giáo đường thuyết pháp, bổng nghe Đỗ-thanh-Nhơn bị xữ tữ hình, song chẳng rỏ tội chi, nên vội vã đến đây, thăm hõi duyên do, xin chúa-thượng nói cho hạ thần rỏ chút.

Nguyễn-vương nghe hõi thì mặt có vẻ buồn rồi đáp rằng:

— Đỗ-thanh-Nhơn là một người phạm tội ỹ thế chuyên quyền, khi quân nghịch quốc, vậy mà Giám mục chưa rỏ hay sao?

— Bẫm chúa-thượng, hạ thần chưa rõ chi hết.

Nguyển-vương liền thuật đầu đuôi các việc của Đỗ-thanh-Nhơn phạm tội đã nói trước kia cho Giám mục nghe, và hõi rằng:

— Tội Đỗ-thanh-Nhơn như vậy, Giám mục nghỉ có đáng chăng?

Giám mục Bá-đa-Lộc nghe rồi nghĩ nghị một chút day lại nói với Nguyễn-vương rằng:

— Bẫm chúa-thượng, lấy theo các đều của Đỗ-thanh-Nhơn ỹ thế khi quân, chuyên quyền sanh sát, thì tội ấy đả ưng; nhưng mà nghĩ cho Đỗ-thanh-Nhơn giúp chúa cũng có lập đặng nhiều trận công lao, nay chẵng may mà phạm tội tữ hình, thì phận đó đã ưng, tội kia đã đáng, song e một đều là các tướng tâm phúc của Thanh-Nhơn thấy vậy bất bình, mà sanh lòng đồ mưu giấy loạn.

Vậy xin chúa-thượng lấy chút nhơn tình, xét cho Đỗ-thanh-Nhơn cũng là một tôi phụ quốc công thần ngày xưa, mà cho dùng theo tước phẫm quận công, đặng làm lễ tống chung cho rở ràng trong cơn tữ biệt. Vậy trước là tỏ rằng chúa-thượng có lượng đại độ khoan hồng, còn đoái tưởng đến kẽ công thần cựu nghĩa, sau là tỏ cho các tướng của Đỗ thanh-Nhơn thấy vậy mà đẹp ý bằng lòng, cho khõi ngày kia sanh sự bất bình thán oán.

Nguyễn-vương nghe Giám mục Bá-đa-Lộc bàn luận mấy lời, rất ý hiệp tâm đầu, thì đáp lại rằng:

— Quả nhơn sẽ y như lời Giám mục chỉ khuyến, nói rồi liền truyền lịnh cho quan Lễ-bộ-thượng-thơ phải sắp đặt nghi tiết trang hoàn, mà hậu táng Đỗ-thanh-Nhơn theo lễ quận-công thượng-tướng, và hạ chỉ khuyến dụ các tướng tâm phúc của Đổ-thanh-Nhơn.

Nhưng có hai tướng của Đỗ-thanh-Nhơn là Đỗ-Bãng với Vỏ-Nhàn, không chịu qui thuận Triều-đình, rồi kéo nhau trốn xuống Ba-giồng mà đồ mưu dấy loạn, dặng báo thù cho Đỗ-thanh-Nhơn, sau bị Nguyển-vương bắt đặng đem về Saigon xử tữ.

Khi làm lễ táng Đỗ-thanh-Nhơn rồi, Nguyển-vương liền hạ lịnh phân binh của Đỗ-thanh-Nhơn ra làm bốn đạo, rồi sai Đô-đốc-Quãng thống lãnh về các đạo binh bộ. Huỳnh-thiêm-Lộc làm Đại-đề-đóc về các đạo chiến thuyền binh thủy. Lê-văn-Quân lãnh làm tiền quân, Trương-văn-Bác lãnh làm hậu quân, Vỏ-giãng-Triêm lãnh làm hữu quân, các tướng đều nhứt nhứt thi hành mạng lịnh.

Trong năm Tân-sửu (1781) nhằm khoản ba xuân cuối tiếc, chín hạ giửa mùa; bữa nọ vừa lúc bóng ác rựng hồng, trời mai mát mẻ, ngó ra non sông bốn mặt, kiển vật có sắc đẹp đẽ tươi cười, gió lặng sóng êm, thảy đều hiện ra một màu cây xanh nước bích.

Lúc bấy giờ tại ngã ba sông Nhà bè, thấy hai đạo-chiến-thuyền của Nguyễn-vương, đậu dọc hai bên mé sông, cả thảy hơn tám chục chiếc, mỗi chiếc đều có cột bườm vòi vọi cao lên, đối với ngọn bần hai bên mé sông, như một đám rừng cây, mọc lên lố xố, trên cột bườm đều có treo cờ đỏ vàng xanh trắng, xem rất oai nghi, một đạo bốn chục chiếc đậu theo phía tả; và một đạo bốn chục chiếc đậu theo phía hữu, lại có ba chiếc đại chiến-thuyền đóng theo kiểu ta rất to, trên tàu có thuyền-lầu, trước mũi sau lái, có trí mấy vị súng đại-bát thần-công rất lớn.

Từng dưới để quân thủy thủ trạo phu, từng trên để bài binh liệt trận, sau lái thuyền có dựng một cây đại-kỳ sắc vàng, trên chót cột bườm giửa tàu, có treo một lá cờ chưn rít, phất lại đưa qua để làm hiệu lịnh.

Hai bên be thuyền, đều liệt bài khí giới, hàng ngủ nghiêm trang, xem rất oai nghi thứ tự.

Ba chiếc đại-chiến-thuyền nầy, một chiếc để cho Huỳnh-thiên-Lộc làm thũy sư đại Đề-đốc; còn hai chiếc kia, thì để cho Nguyễn-hữu-Thoại và Dương-công-Trừng làm phó Đề-đốc.

Lại có hai chiếc đại-chiến-thuyền đóng theo kiểu phương tây, trên mỗi chiếc đều có vọng đài,[2] và súng ống khí giới bài trí tề chỉnh.

Một chiếc thì Tôn-thất-Thiện làm phó Đề-đốc, một chiếc thì quan Chưởng-Cơ là Mạng-Hòe, (Manuel)[3] lãnh làm phó thũy sư Đề-đốc, ông nầy là người nước Pháp ở bên Bông-đi xê-ri (Pondichéry) nhờ ông Giám-mục Bá-đa-Lộc tiến dẫn cho Nguyễn-vương, để giúp việc chiến-thuyền và tập luyện binh thũy.

Khi hai đạo chiến-thuyền bài liệt hai bên tề chỉnh rồi kế một lát, thấy trong sông Saigon, một chiếc tàu lớn, cột cao bườm rộng, bọc gió phăn phăn chạy ra, sau lái cậm một cây đại-kỳ sắc vàng, trên lá cờ nầy có thêu một con rồng xanh rất to, bọc gió phất phơ, xem như con rồng ấy xung xăng bay múa, chiếc thuyền nầy quanh qua lộn lại, uốn éo theo mấy khúc sông, rẻ nước làm hai, từ từ lước tới.

Khi lại gần thấy trước vọng-đài có một tấm bản sơn on thếp vàng, đề bốn chữ: « Nguyển-vương Ngự-thuyền » thì biết là chiếc Ngự-thuyền của vua Nguyễn...

Khi thuyền nầy ra tới Nhà bè, bổng thấy trên chiếc chiến-thuyền của quan Đề-đốc Huỳnh-thiêm-Lộc, nhán lên một ánh hào quang và xẹt ra một lằng khói trắng, kế phát lên một tiếng súng thần-công, rền cả trời nước, tức thì hai đạo chiến-thuyền hai bên mé sông, cả thảy tám chục chiếc, đều kéo cờ hoan nghinh, và chào rước Nguyễn-vương một cách nghiêm chỉnh.

Khi chiếc Ngự-thuyền của Nguyển-vương tới giửa sông Nhà bè, thì hạ bườm xuống neo, rồi đậu giửa trường giang xem rất xuê xang oai thể.

Lúc bấy giờ Nguyễn-vương mình mặc một áo nhung y, đầu đội một nón chiến-lịp,[4] đứng trên vọng-đài với các tướng, ngó ra hai đạo chiến-thuyền, rồi hạ lịnh cho các quan thũy diển bài trận thế.

Bổng thấy trên chiếc thiến-thuyền của đại Đề-đốc Huỳnh-thiêm-Lộc phất cờ lịnh lên, thì đạo tả dực, trường bườm chạy ra, rồi đạo hữu dực cũng kéo nhau xáp lại, khi dang ra, lúc xáp lại, khi chạy tới, lúc trở lui, cách vận động tấn thối lẹ làn, và binh thũy chiến đều tập rèn thuần thục.

Nguyễn-vương xem hai đạo chiến-thuyền diển dượt một hồi, rồi hạ lịnh cho nghĩ, và truyền lịnh cho các quan thũy, hạng ba ngày thì phải diển dượt chiến-thuyền một lần.

Từ đấy các đạo binh bộ, và binh thũy của Nguyễn-vương ở tai Saigon đã đặng thắng số hơn ba chục ngàn, còn một đạo binh bộ của quan Khâm-sai Đô-đốc Châu-văn-Tiếp cũng hơn ba ngàn, đương trấn tại Khánh-Hòa và Bình-Thuận.

   




Chú thích

  1. Evêque d'Adran tục ta có người kêu là cha cả, lăng người bây giờ còn tại làng Tân-sơn-Nhứt (Giadinh) sau đức Gia-long phong tước là Quận-công.
  2. Vọng-đài là cái lầu nhỏ mà cao ỡ trên tàu, để cho quan thủy sư ở đó mà coi 4 phía và đốc suất ban truyền hiệu lịnh.
  3. Mạng-Hòe, chính tên tây là Manuel, theo lời sữ Histoire-d'Annam của Charles Maybon, nói Manuel là lính thủy của nước Pháp ơ bên Pondichéry, nhờ Bá-đa-Lộc đem qua tiến dẫn cho Nguyễn-vương, sau vua phong làm chức Khâm-sai Chưởng-Cơ.
  4. Nhung y, chiến-lịp là áo và nón để mặc và đội trong khi đánh giặc.