Giới nho sĩ
của Lê Thánh Tông

Bài thơ này nằm trong sách "Thập giới cô hồn quốc ngữ văn", trong bộ "Thiên Nam dư hạ tập". Toàn văn gồm 11 bài, một bài mở đầu và mười bài răn giới mười hạng người như sau: 1/ Thiền tăng, 2/ Đạo sĩ, 3/ Quan liêu, 4/ Nho sĩ, 5/ Thiên văn địa lý, 6/ Lương; 7/ Tướng quân, 8/ Hoa nương (người làm nghề đào hát), 9/ Thương cổ (người làm nghề buôn bán, 10/ Đãng tử (bọn du đãng). Cuối mỗi bài văn biền ngẫu lại có một bài kệ theo thể thơ Đường luật.

Kềnh kềnh áo bá[1] lẽn khăn sa,
Trường ốc hôm mai để lễ nhà.
Lạnh lẽo đường thu như án tuyết,
Nắng sương mấy phút lọn hài hoa.
Tài cao hơn nữa Công Tôn sách[2],
Sự thịnh còn truyền Ninh Thích ca[3].
Bút mực chẳng quên bề chí lũ[4],
Lộc cao[5] sao khéo lỡ người ta.

   




Chú thích

  1. Áo bá: Áo may bằng một thứ the lụa
  2. Công Tôn sách: Bài sách của Công Tôn Hoằng người đời Hán Vũ đế. Trong kỳ thi Hiền Lương, Hoằng làm bài sách, đỗ đầu
  3. Ninh Thích ca: Bài ca của Ninh Thích người nước Vệ, có tài mà không ai biết, sau qua nước Tề gõ sừng mà hát một bài ca. Tề Hoàn công du hành qua đấy nghe tiếng hát, biết ông là bậc hiền sĩ, bèn phong cho chức tước
  4. Chí lũ: Chí khí lúc bần hàn (: lam lũ, bần hàn)
  5. Lộc cao: Bổng lộc nhiều. Cả câu này ý nói: chức trọng lộc cao, chỉ khéo dụ dỗ người ta đi đến chỗ lầm lẫn