Giọt máu chung tình/Hồi thứ sáu

HỒI THỨ SÁU

Giận Đông-Sơ công-tữ cố thù riêng

Thương Bạch-Yến tiễu-thơ gìn nghĩa nặng

Khi Bạch-xuân-Phương về tới nhà xuống ngựa rồi quất con ngựa một roi, làm cho ngựa thất kinh chạy ra sau vườn, đứng ngóng cổ ngó ra, như tuồng không biết việc chi mà chũ bất bình và thạnh nộ. Vợ Xuân-Phương là Trần-thị thấy chồng về lật đật chạy ra, gặp Xuân-Phương bước vô, mặt tràng sắc giận, thì hỏi: Lang quân! hôm nay mình ra diễn-trường thí vỏ, đắt thất thễ nào, mà sao xem nét mặt không vui, dường như có đều chi nghịch ý? Xin mình nói cho tôi rỏ.

Xuân-Phương quăng cái roi ngựa trên bàn rồi nói: tôi rất giận con ngựa Hồng-lô, hôm nay nó đễ một kẻ nghịch kia cởi trên lưng nó trước diễn-trường, làm cho tôi thẹn buồn hết sức.

Trần-thị nói: « Mình nói sao lạ vậy, ngựa là loại súc vật biết ai là người thù, biết ai là kẻ nghịch, hễ ai nhãy lên lưng nó và nắm đặng cương rồi, thì khiến sao nó phải hay vậy, mà ai cởi nó xin mình nói cho tôi nghe »

Xuân-Phương chưa hịp trã lời, thì thấy Tiễu-thơ Bạch-thu-Hà đã bước vô chào anh và hỏi: Bữa nay anh ra diển-trường thể nào chắc anh đã chiếm đặng chức -khoa tấn-sĩ rồi phải chăng? Xuân-Phương thở ra và nói: Hỗm nay công việc qua đã sắp đặt hoàn toàn rồi, và qua cũng chắc rằng, khoa tấn-sĩ nầy sẻ vào tay, mười phần không trật một, vợ là Trần-thị nói: Phải, tôi cũng chắc như vậy, vã lại mình là một vị công-tữ của cữa tướng nhà quan, ai ai lại không biết, mà rồi sao? mình nói phức cho tôi nghe, kẻo lòng nầy nghi ngại.

Xuân-Phương nói: Nhưng chẳng dè có tên Vỏ-đông-Sơ kia dám cã gan, đến tranh tài đấu lực mà chím đoạt khoa trường làm cho thinh giá nhà ta đều hư, và công danh ngày nay trở ra thất bại, thật là một đều rất nên đáng giận.

Trần-thị nghe nói sững sờ rồi hỏi: « Vậy thì tên Vỏ-đông-Sơ ấy cũng vỏ nghệ cao cường lắm sao? nên mới dám cã gan đối địch cùng lang-quân như thế.

Xuân-Phương nói: « Chẳng những vỏ nghệ cao cường mà thôi, mà văn trường nó cũng xuất chúng. »

Tiểu-thơ Bạch-thu-Hà nghe anh nói thì càng đem lòng ái mộ Đông-Sơ, rồi day lại kiếm lời phui pha mà khuyên giãi rằng: « Thưa anh, trong chốn diển-trường là một chỗ danh vọng chung của các đứng anh hùng hào kiệt, ai ai cũng trông mong đến đó mà tranh tài đấu lục, đặng lập hội công danh, ấy là lẻ thường của nhơn tình thiên hạ, xin anh chớ mua sầu chát hận chi cho mệt trí nhọc lòng, và e miệng đời nói mình là người hẹp hòi độ lượng.

Xuân-Phương nghe nói: thì rút gươm bên lưng ra mà chỉ nơi cánh tay mà nói: chừng nào cây gươm nầy hết thép, mạch máu nầy hết nhảy, thì ta mới hết lòng thù hận đặng. » Nói rồi trở vô tư phòng, thay xiêm đỗi áo. Còn Tiễu-thơ nghe rồi thì cái vẻ buồn kia nó đã lần lần tràng ra nét mặt, làm cho cái màu hoa sắc-nước hương-trời, đương ững ững trên má hồng nhan, phúc chúc trở ra vài phần ủ dột

Đó rồi trở về khuê phòng ngồi một mình mà thầm suy trộm nghĩ rằng: từ khi ta tri ngộ Vỏ-đông-Sơ tại Quan-âm-Cát đến nay, tuy là chưa tỏ một lời chi gọi là biễn hẹn non thề, nhưng mà cái mối dây tình kia nó xăng văng dường như đã vấn vích vào lòng, khiến cho mình nhớ gió trông mây, thương hình tưởng dạng. Nhớ là nhớ cái ơn phò nguy cứu nạn, trong lúc gặp gở thình-lình. Thương là thương cái tài vỏ lược văn thao, đáng phường kim môn ngọc bội. Nhưng mà chưa biết ba sanh duyên nợ, trăm năm có đặng như nàng Thôi-thị với Trương-quân ấy chăng? thật nghĩ rồi lại buồn, buồn là buồn:

Người đâu gặp gở làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay chăng?

Vã lại anh mình nay lại sanh một đều gây thù kết hận với Vỏ-đông-Sơ, thì biết ngày nào cho liễu nọ đặng kề mai, biết chừng nào cho loan kia gần đặng phụng. Mãng đương hầm suy trộm nghĩ như vậy, bỗng đâu hiu hiu gió mát, ngó ra thì ác đã tà tà, bèn bước chơn ra dạo kiễn chơi hoa, đặng xem cây cỏ cho tiêu sầu khiển-muộn. Xảy thấy trong đám nhành che lá phủ kia, có một bông hãi-đường rất xinh đẹp, mùi hương phưỡng phất, phong kính nhụy hồng, dường như ở đó mà núp lũ bướm đoàn ong, cho khỏi bị chúng nó trộm hương nếm phấn, đặng chờ những khách Giai-nhơn kiệt sĩ thì mới chịu trỗ sắc khoe màu; và đợi gặp người tiếc ngọc thương hương, mới chịu trao thân gởi phận.

Khi Tiễu-thơ xem rồi thì đứng ngẩm nghĩ một hồi, và nói: thật là xinh đẹp thay cho cái bông Hãi-đường nầy, hèn chi cổ thi có câu rằng:

Đáo để bất vi phong điệp luyến,
Thĩ tri hoa vị thắng quần phương.

(Nghĩa là cái hoa nào mà không bị ong bướm ve vảng, thì hoa ấy mới thiệt xinh đẹp thơm tho hơn các thứ hoa.)

Đó rồi Tiễu-thơ đi sang qua mé tường đông, gần phía Quan-âm-Cát, thì thấy một con chim bạch-yến, đương đứng sè cánh rĩa lông trên một nhánh dương kia, và kêu hát giọng rất liễu lăng thãnh thót, bổng đâu một con dều trên không thình lình đáp xuống, bắt chim bạch-yến nơi dưới vấu chưn, rồi hả miệng khè khè, dường như muốn ăn tươi nuốc sống chim bạch-yến kia vậy. Chim bạch-yến thất kinh, kêu la, tiếng rất ai bi thê thãm, tuồng như khóc than năn nĩ với dều rằng:

« Ớ vua loại phi cầm ôi! tôi là một loại rất nhỏ mọn yếu đuối, ở dưới tay chơn ngài, chưa hề dám làm đều chi xúc, phạm đến oai ngài, và cũng chẳng hề mích lòng đến ai hết. Nay tôi lâm lụy vào dưới chơn ngài, thế nào tôi cũng chẳng thoát khỏi ngài phanh thây xé thịt, nhưng mà xin ngài lấy lòng nhơn từ đại độ, mà dung thứ tôi một phen, và ban cho tôi một sự thong thã, đặng tôi về nuôi dưởng con tôi, kẻo nó chiêu chiêu chích chích trong một ổ kia, và sẻ bị đói lạnh mà chết, tôi xin hứa với ngài một lời; mỗi bửa tôi sẻ đến mà ca hát những tiếng thanh thao tao nhả, cho ngài nghe mà giãi khuây.

Con dều tàng bạo nầy liền hả miệng dăng cánh ra, kêu tiếng khè-khè, dường như nói với chim bạch-yến rằng: bụng tao đói, lổ tai tao chẳng biết nghe, đó rồi lấy mỏ xé thây chim bạch-yến mà nuốc phức.

Tiễu-thơ thấy sự quái gở dữ tợn ấy, thì nhớ trực lại sự gặp thằng cường-bạo hôm nọ nơi miễu Quan-âm, nó còn phưỡng phất trong trí khôn, thì dực mình quày chơn mà trỡ lại.