Giọt máu chung tình/Hồi thứ bảy

HỒI THỨ BẢY

Luận vỏ nghệ tráng sĩ luyện tinh thần,

Khãy tỳ bà Tiễu-thơ đờn phụng-khúc.

Khi Tiễu-thơ trở vô tới khuê-phòng, thì trong lòng hảy còn hồi hộp, rồi nghĩ đến sự chim bạch-yến bị tang xương nát thịt dưới một vấu chưn con dều kia, mà không ai cứu tữ huờn sanh, thì lại càng đau lòng thê thảm. Sự ấy nó làm một gương dữ tợn mà dọi ngay nơi lòng Tiễu-thơ, đặng mà nhắc Tiễu-thơ nhớ lại sự thằng cường bạo hôm nọ, nếu chẳng có Đông-Sơ cứu mạng thì trong nháy mắt cũng bị hại như con chim bạch-yến ngày nay đó vậy. Nghĩ như vậy chừng nào lại càng tư tưởng Đông-Sơ chừng nấy.

Bởi vậy nên cái mối duyên nợ nó càng ngày càng ràng buộc tấm lòng thương, còn con sóng ân tình nó cũng càng ngày càng tràng trề nơi biễn ái.

Cách ít bữa Tiễu-thơ và Thể-nử dắc nhau ra lương-đình, xem trăng hứng mát. Nguyên chỗ lương-đình nầy là một chỗ cảnh tình thanh lịch, gió mát trăng trong, chung quanh có trồng đủ các thứ hoa, nào là mẩu-đơn thược-dược đỏ trắng xen hàng, nào là vạn-thọ tường-vi, xanh vàng ững sắc, bên thì mấy cụm trúc nó lao rao tiếng quyễn; bên thì mấy nhành đào nó đỏng đảnh đưa duyên, phía trước thì thấy do de mấy bụi tóc tiên, dây thì vấn theo sơn ly, dây thì vấn theo cữa sổ, bông hoa dà đuộc, hình như Tây-thi mê giấc, mà trâm chuổi bỏ lòng thòng, nhánh lá phất-phơ, dường như thục-nữ sầu ai, mà tóc tai cài dã dượi.

Còn phía trong lương-đình thì có đủ văn-phòng tứ-bữu, liễn cẩn màng thêu, chén bạc dĩa vàng, ghế bàn tinh khiết. Trên vách có treo một mặt Tỳ-bà, vành ốc xoa-cừ, đầu vơi ngậm tụi. Kế đó lại có treo một tấm tượng nhứt họa nhứt thi, vẻ hình yêu-ly đương đâm Khánh-kỵ.

Khi Tiễu-thơ và Thễ-nữ đi thơ thẩn theo mấy vòng hoa, rồi vô lương-đình ngồi dựa cữa sỗ, thấy một cái bông tường-vi với phù-dung đương đưa qua phất lợi, dường như nó ngã ngớn giỡn trăng, và rung rẩy băng xăng, dường như nó lẳn lơ cười gió, rồi thấy cung trăng lắp ló, trong mấy lùm mây, ẩn ẩn tàng cây, và giọi ngay cữa sỗ, tợ hồ nàng Hằng-nga ở nơi nguyệt-điện, thấy Tiễu-thơ ngồi đó, mà lắp ló dòm chơi, đặng sánh sắc so hình, coi ai đẹp xinh cho biết.

Tiễu-thơ thấy trăng thanh gió mát, thì xúc cãnh quang tình, chẳng lẻ làm thinh, bèn ngâm chơi ít vận.

Ngâm thơ như vầy:

Tơ tóc lăng xăng mối sự tình,
Bên trời vặc vặc bóng trăng thinh,
Thuyền-quyên sóng sắc đào trên nhánh,
Quân-tữ phơi hình trúc dựa ranh.
Sương đọng cỏ đeo châu trắng trắng,
Gió đưa mành xụ liểu xanh xanh.
Hãi đường ngơ ngẩn còn phong nhụy,
Chưa khứng cho ai bẻ một nhành.

Ngâm rồi day mặt ngó qua tây viên. Bỗng thấy một người phăng phăng đi tới, lưng mang gươm, tay cầm một ngọn roi, quất bốp bốp trên đôi vỏ hài và đi và hút gió. Chừng đi gần tới thì Tiễu-thơ mới biết anh mình là Bạch-xuân-Phương, bèn vội vả buớc ra chào hỏi. Xuân-Phương và Tiễu-thơ trở vô ngồi nơi ghế. Thể nử lật đật bưng trà cho Công-tữ uống. Tiểu-thơ day lại hỏi rằng: thưa anh, chẳng biết anh đi đâu về khuya vậy?

Công-tữ nói: Anh đi tháo luyện vỏ nghệ bên Tây-Viên về, thấy em ở lương-đình, nên ghé lại chơi và hứng mát luôn thể.

Tiểu-thơ thấy anh vui-vẻ thì kiếm chuyện đàm đạo và hỏi rằng: thưa anh, em có nghe người ta thường nói: hễ lúc thái-bình thì yển vỏ tu văn, còn cơn bác loạn mới yễn văn mà tu vỏ. Chớ như nay triều Nguyễn đức Gia-Long đã trung hưng phục nghiệp, nhứt thống san hà, Nam, Bắc, và Trung-Kỳ, lê dân đều an cư lạc nghiệp, vậy lúc nầy là lúc yển vỏ tu văn, mà sao anh hãy còn tập rèn vỏ nghệ làm chi cho mệt nhọc? Vã lại trong bốn năm nữa mới có một kỳ vỏ-khoa, thì từ đây tới đó còn xa, anh cần chi tập luyện mổi ngày, tôi e nhọc nhằn vô ich.

Công-tữ nghe nói thì mỉn cười rồi đáp rằng: số là em chưa rỏ, đễ qua nói cho em nghe. Sự tập luyện vỏ nghệ nầy chẳng những là làm cho huyết mạch đặng sung túc châu lưu cả và tứ chi, và các đường cân cốt đặng nở nang mạnh mẻ, mà lại làm cho tráng kiện tinh thần, cho mở mang trí thức hơn nửa; và làm cho những sự biếng nhác giật giờ, trở ra siêng năng chẫm hẩm, tinh thần liệc nhược, trở ra phấn chấn hùng hào, làm cho các bịnh hoạn ít đến mà cãm xút xâm nhiễm vào mình, và đặng trở ra khương ninh trường thọ.

Vậy qua nói tắc một lời sự tháo luyện vỏ nghệ ấy nó làm cho con người đặng tráng kiện cân cốt tinh thần; cũng như vật thực kia làm cho bổ dưỡng tráng kiện thân thễ vậy, chớ chẳng phải như bọn liệc nhược tinh thần, quần áo xùng-xình, móng tay đà đuộc, chẳng biết cử động tứ chi, chẳng biết tháo luyện thân thể, để cho gân teo thịt bũng, bộ tướng giống cò ma, vóc yếu mình gầy, hình thù như mèo ước, dẫu ai phung nước miếng trên mặt cũng chẳng dám hờn, ai đánh trên lưng cũng chẳng dám giận. Bởi vậy nên qua mới tập luyện cho mạnh mẻ tinh thần, dẫu chẳng ra mà tá quốc an ban, công thành đoạt trại, thì ở nhà cũng có sức mà chống cự với đứa côn đồ, và trừ đặng quân thù kẻ nghịch, sao mà em gọi rằng vô ích?)

Tiểu-thơ nói: ấy là tánh anh phòng lo như vậy đó thôi; chớ tôi tưỡng nhà mình là nhà đại gia binh bộ, tước trọng quờn cao, bộ hạ gia đinh, nó tiền hô hậu ũng, nào ai dám kết oán gây thù mà anh phải nhọc lòng nghi ngại?

Công-tữ trợn mắt ngó Tiểu-thơ và nói: « Thế em quên rồi sao? kẻ nghịch thù với nhà ta là Vỏ-đông-Sơ đó chớ ai, em lẻ nào không nhớ? Qua nói thật qua với Vỏ-đông-Sơ cũng như Yêu-Ly với Khánh-Kỵ trong tấm tường treo nơi vách nầy vậy. Yêu-Ly giết Khánh-Kỵ rồi thì mới an lòng; còn qua giết Đông-Sơ rồi thì mới đành dạ. Nói rồi từ giả Tiễu-thơ, bước ra khép cữa lại, mà trở về tư thất.

Lúc nầy Vỏ-đông-Sơ đương đứng ngoài Hoa-Viên, có ý chờ cho Thu-Hà ra đặng tỏ ít lời tâm sự, xảy nghe Xuân-Phương buông lời thù hận, thì cái lữa giận nó đã lừng lẩy phừng gan, liền rút gươm ra, muốn xốc vô lương-đình mà giết quách Bặch-xuân-Phương cho rãnh, nhưng tự nghỉ rằng: nếu mình cùng Xuân-Phương vì một chúc cừu riêng mà gây ra việc sống chết phi lý như vậy. Thì sao cho khỏi mích dạ Thu-Hà, thì việc mình muốn gá nghĩa lương duyên cùng nàng, e cũng khó bề xe tơ kết tóc, nghỉ vậy liền dừng chơn đứng lại, và nhẫn khí hàm thinh, rồi trở ra đứng dựa bụi phù-dung đặng chờ diệp gặp Tiểu-thơ mà tỏ lời hơn thiệt.

Còn Tiểu-thơ nghe anh nói như vậy, thì lại càng dàu dàu sắc mặt, bối rối tơ tình, không biết phương thế chi mà khuyên giải anh mình, cho ngui lòng oán hận.

Thễ-nử thấy Tiểu-thơ ngồi buồn, thì kiếm đều khuyên giãi mà nói: thưa cô, trong lúc canh khuya đêm tịnh, gió mát trăng trong nầy, sao cô không đờn một ít bài chi mà giãi khuây, nở đễ ngồi không, cho canh tang đêm lụn, thế thì cũng uổng.

Tiễu-thơ nghe nói thì day lại mà biễu rằng: « Vậy thì con hảy lấy cây tỳ-bà lại đây.

Thể-nữ lật đật lấy rồi trao cho Tiễu-thơ. Tiễu-thơ bèn vặn trục lên giây, rồi đờn một bài tương tư gọi là Phong-quang bảo-điệu.

Cái giọng đờn ấy tiếng to tiếng nhỏ, lúc nhặc lúc khoan, cái giọng tích tịch tồn tang, dường như ai khóc ai than nghe rất tiêu tao thê thãm.

Ấy là:

Khúc đờn Tư mã hoàng cầu,
Nghe ra như oán như sầu với ai!

Lúc nầy Vỏ-đông-Sơ đương đứng ngoài hoa viên, muốn bước tới lương-đình, đặng can tỏ với Tiểu-thơ ít lời tâm sự. Song cữa lương đình đều đóng chặc, vì vậy nên phải đứng đợi ngoài hoa-viên. Bổng nhiên nghe cái tiếng đờn thâm trầm tao nhã ấy nó vẳn vẳn lọt vào tai, làm cho Đông-Sơ mê mẫn tâm thần, dường như hồn tiêu phách lạc. Nghe rồi thì biết khúc đờn ấy là đờn bài Phong quang hão.

Nguyên Đông-Sơ tuy là văn nho vỏ sĩ, song cũng đứng bực tài tữ phong lưu, nên khi nghe Tiễu-thơ đờn tới mấy câu tao nhã tuyệt diệu ấy, thì xúc động tâm tình, rồi đứng dưới bụi phù-dung ca bài Phong quang hão đó như vầy:

Ôi nhơn duyên, ôi nhơn duyên!
Nhìn mái lương đình cãnh tợ tiên.
Chạnh tình riêng.
Tương tư mấy khúc cung đờn dập,
Hơi cao thấp,
Khiến kẻ bên hoa bấn ruột phiền,
Hởi Thuyền-quyên!!

Tiểu-thơ nghe tiếng ca ngâm vẳn vẳn ngoài Hoa-viên, thì thôi đờn mà nói với Thể-nữ rằng: « Con hảy nghe coi ai ca ngâm ở đâu vậy? » Thễ-nử lật đật lại vạch cữa sổ ngó thấp thố ra hoa-viên, song chẳng thấy ai hết, thì nói: « Thưa cô, không có ai hết. » Tưởng tiếng ca ấy ở ngoài đường, chớ chẳng phải trong hoa-viện.

Tiễu-thơ cũng hồ nghi, nhưng không biết ai, song nghe câu ca thì dường có ý vị thâm trầm, chắc là những bọn trộm phấn buôn hương nào đấy, nó thấy mình trong lúc canh khuya đêm vắng, nên nó thã giọng bướm lời ong, mà trêu hoa ghẹo nguyệt đó chăng? Nghĩ vậy bèn biễu Thễ-nữ đóng mấy cữa sổ lại rồi lấy đờn mà đờn nửa.

Đông-Sơ nghe đờn thì ca thêm một bài nữa như vầy:

Ôi trăng thinh, ôi trăng thinh!
Soi thấu cho ta mấy đoạn tình,
Giữa trời thanh.
Bên tường mỏi mắt năm canh nguyệt,
Lòng tư thiết.
Biết có ai thương tới phận mình.
Nở làm thinh!?

Cái tiếng ca ngâm thanh thao êm ái nầy nó thĩnh thoản lọt vào tai Tiểu-thơ, rồi lần lần thấm vào gan ruột, làm cho Tiễu-thơ cãm động tình thương, liền buông đờn mà ngồi sững, rồi day lại kêu Thễ-nữ và nói rằng: « Lạ thay cái tiếng ca ngâm này ta nghe thĩnh thoãn gần đây, thật là văn tứ thâm trầm, tình từ tao nhả, sao mi gọi là ngoài đường cũng lạ, mà ai vậy? »

Thễ-nữ nói: Vậy thì xin cô bước lại cửa sổ dòm coi, ai dám cả gan vào hoa-viên trong lúc canh khuya đêm vắng.

Tiểu-thơ liền bước lại cữa sổ vạch màn, ló mắt dòm ra. Lúc nầy Đông-Sơ đương đứng dưới bóng tối bụi phù-dung ngó vô. Bổng thấy Tiễu-thơ ló mặt dòm ra, trên thì bóng trăng giọi xuống, làm cho Đông-Sơ thấy rỏ ràng Tiểu-thơ, mặt mày như tiên-nữ hạ bồng-lai, cách điệu như Hằng-nga ly nguyệt-điện, làm cho Đông-Sơ mắt ngó châm châm và đứng trơ trơ như tượng gỗ.

Còn Tiễu-thơ thì rảo mắt kiếm coi, khi ngó tới bụi phù-dung, bổng thấy một người đứng trơ, y cân hoa mỉ, tướng mạo trang nghiêm, khiến cho Tiễu-thơ dựa cữa mà sững sờ, ngó không nháy mắt. Lúc nầy cũng như Điêu-Thuyền với Lữ-Bố, kẻ liết mắt, người đưa tình, mườn tượng Phụng-nghi-Đình một thứ vậy.