Gương sử Nam/Thiên thứ nhất/Tiết thứ nhất/Hồi thứ hai

HỒI THỨ HAI

Năm 1858, là đời vua Tự-đức năm thứ 10, nước Pha-lang-sa cùng nước Y-pha-nho, đem tầu đến cửa Tourane, đưa thơ xin ta ba việc:

Việc thứ nhất là xin giảng giáo,

Việc thứ hai là xin thông thương.

Việc thứ ba là xin làm phố ở núi Trà-sơn.

Ngài giao ba việc ấy cho các quan đình-thần hội nghị, thời ai ai cũng đều xin đánh. Ngài mới sai ông Nguyễn tri-Phương vào làm Tổng-thống, đóng quân ở tỉnh Quảng-nam.

Năm 1860, là năm vua Tự-đức thứ 12, nước Pha-lang-sa lại bỏ cửa Tourane mà kéo vào cửa Cần-giờ, đánh phá thành Gia-định ngay. Rồi lại đứa thơ xin đất, từ bến Thành cho đến đồn Cây-mai, để mà lập phố thương mại. Nhưng mà ta cũng không cho, lại sai ông Nguyễn-tri-Phương kéo quân vào Gia-định.

Lúc ấy nước Pha-lang-sa còn đương mắc việc đánh nước Tầu, chỉ lưu ít nhiều tầu bè binh lính ở tại Gia-định mà thôi.

Năm 1862, là năm vua Tự-đức thứ 14, việc nước Tầu đã yên rồi, thì nước Pha-lang-sa và nước Y-pha-nho mới kéo quân giở lại, đánh một trận ở Đại-đồn, quân ta phải thua. Vì cớ ấy ta phải xin hòa, mà xin cắt đất ba tỉnh, giao cho nước Pha-lang-sa, để mà đền tiền tổn phí. Nước Pha-lang-sa thì chịu nhận đất, mà giả tiền lại cho nước Y-pha-nho.

Năm 1863, là năm vua Tự-đức thứ 15, Ngài sai ông Phan-thanh-Giản, sang nước Pha-lang-sa ký lời hòa-ước. Lúc ấy tỉnh Gia-định, tỉnh Biên-hòa, tỉnh Định-tường, là ba tỉnh ngoài, đã giao cho nước Pha-lang-sa. Còn tỉnh Vĩnh-long, tỉnh Yên-giang, tỉnh Hà-tiên là ba tỉnh trong, còn về phần nước ta cai trị.

Vì chưng lúc ấy có tên Trương-công-Định nổi lên, mà dân sáu tỉnh có ý thông đồng, cho nên nước Pha-lang-sa lấy luôn cả ba tỉnh trong nữa.

Lúc ấy, ông Phan-thanh-Giản đương làm Kinh-lược, ký tờ giao ba tỉnh trong cho nước Lang-sa, rồi uống thuốc độc mà tự tử.

Xét ra công việc lúc ấy, nước Pha-lang-sa mới đến, chỉ là cầu lấy sự thông thương. Mà sự thông thương ấy, thật là có ích lợi chung cho hai nước. Thế mà không cho, lại gây sự đánh, đánh mà không được, lại chịu sự bồi thường. Mà sáu tỉnh Gia-định, từ đó đã thuộc về nước Pha-lang-sa vậy.