THIÊN THỨ HAI


Bàn về việc nước ta giao thiệp với nước Tầu.

Xét ra nước Tầu cai-trị nước ta, trước sau có hai lần; lần thứ nhất là từ đời vua Thủy-hoàng nhà Tần, lấy nước ta chia làm ba quận, nhưng mà chưa phải là cách cai-trị. Kể cách cai-trị nước ta, mới từ vua Hán Vũ-đế là đầu, từ nhà Tây-Hán cho đến nhà Nam-Hán, vận hội đến 1.000 năm. Lần thứ hai cai-trị nước ta là nhà Minh, chỉ có mười bốn năm mà thôi.

Xem ra các đời ấy, có lúc thì dân ta chịu phục, có lúc thì dân ta không phục. Tưởng cũng bởi vì trong sự cai-trị mà ra.

Nhưng mà xét sự cai-trị ấy có hai cách: một cách là nhẽ chung, nghĩa là việc phải nên làm như thế thì phải làm, dẫu có nặng nề thế nào thời dân ta cũng không nên oán. Một cách là quyền mạnh, nghĩa là công việc không đáng làm như thế, mà cũng cứ làm, dẫu là đè nén thế nào thời dân ta cũng không chịu theo. Mà cái nhẽ chung ấy thường bởi ý kiến chung của nhà-nước. Cái quyền mạnh ấy thường bởi ý kiến riêng một hai người.

Vậy nên trừ ra những đời Nam-triều, cùng đời Ngũ-quí, dẫu có cai-trị nước ta, nhưng cũng là những đời suy loạn, không nên kể làm gì. Mà lấy nhà Tây-Hán nhà Đông-Hán làm hồi thứ nhất; nhà Ngô nhà Tấn làm hồi thứ hai; nhà Đường làm hồi thứ ba; nhà Minh làm hồi thứ tư, chia làm bốn hồi, rồi so sánh trong việc cai-trị, mà xét ra cái gì là phần chung của nhà-nước, cái gì là bởi ý riêng của quan lại, để cho biết dân nước ta phục cùng chẳng phục, bởi tại cớ gì, thử kể ra như sau này:

Một khoản là xét công việc nước Tầu cai-trị về phần chung của nhà-nước ra thế nào?

Từ đời nhà Tần, vua Thủy-hoàng lấy nước ta, chia làm đất Nam-hải, đất Quế-lâm, đất Tượng-quận, mà đặt một quan úy ở đất Nam-hải, quan lịnh ở đất Long-xuyên, thế thì làm sao mà trông nom cho khắp mọi việc được? Nên chi trong đời ấy chưa phải là cách cai-trị. Làm thực ra việc cai-trị, từ vua Hán Vũ-đế là đầu. Lúc ấy chia đất ta ra làm chín quận, mỗi một quận có đặt quan thái-thú, mà tóm quyền cai-trị ở quan thứ-sử, công việc nhà Hán so lại với nhà Tần thời kỹ hơn, trong đời nhà Tây-Hán nhà Đông-Hán, tuy có chia đất đặt quan, mà chưa thấy nói đến việc đánh thuế, mà lại nhiều cách làm ơn cho ta; như là đổi Giao-chỉ làm Giao-châu, nghĩa là đãi ta cũng như các tỉnh trung-châu nước Tầu. Cùng là cho người nước ta là ông Lý-Tiến, làm quan thứ-sử, đều là đãi cho ta lấy cách rộng rãi, ấy là cách nhà Hán cai-trị nước ta thiệt là tử tế vậy.

Đến đời nhà Ngô nhà Tấn, nhà Ngô thì chia đất Giao-châu, mà đặt thêm ra đất Quảng-châu. Nhà Tấn thì lại chia đất Giao-châu làm ba quận, công việc chia đất lại càng kỹ hơn nhà Hán thủa trước, tuy rằng buổi ấy chưa nghe đến sự bắt dân nộp thuế, nhưng mà các quan thứ-sử đã phải dâng đồ sản vật, các châu đã phải chịu sự phu tượng, thế thì buổi ấy nước ta cũng đã phải chịu việc quan. Vả lại lúc ấy nhà Ngô nhà Tấn, còn đương tranh cạnh với nhau, nên chi không muốn thay đổi quan lại, mà để làm phiền nhiễu cho dân, như là ông Sĩ-Nhiếp làm quan đến 40 năm, ông Đào Huỳnh cũng là bốn đời làm quan thứ-sử, ông Cố-Bý ông Cố-Tham, cũng là cha con nối nhau, thế thì việc sắp đặt quan lại cũng là một cách khôn ngoan vậy.

Đến đời nhà Đường thời lại chia đất Giao-châu ra làm 12 châu, để cho dễ việc cai-trị, bắt các lái-hộ cho nộp nửa thuế, việc thuế khóa từ đó mới là thi hành, công việc đã là kỹ hơn nhà Ngô nhà Tấn thủa trước, vả lại quan nước Tầu thì gọi rằng đô-hộ, quan nước ta thời gọi rằng ki-mi nghĩa là chia ra làm bên quí bên tiện, mà lại khi thì bỏ đô-hộ, mà đặt lại hành-châu, khi thì bỏ hành-châu mà đặt lại đô-hộ, quan gia thay đổi vuỗn đã không thường, vì chưng nhà Đường cũng đã suy rồi, nên chi công việc cai-trị không được tử tế, như là các đời trước vậy.

Đến đời nhà Minh, khi mới lấy nước ta thì đổi nước An-nam gọi rằng đất Giao-chỉ, nghĩa là bảo rằng đất cũ nước Tầu mà lại đặt ra quan tam-ty, đặt ra quan châu huyện, đặt ra việc thuế khóa, đặt ra lính vệ binh, là có ý lấy người ta mà cai-trị dân ta, lấy của nước ta mà chi dùng việc nước ta vậy.

Lại như bắt dân ta phải để tóc, quần dài áo ngắn, phải mặc như người nước Tầu, thế là muốn hóa lấy sự phong tục. Thâu những sách sự tích của nước ta đem về đất Kim-lăng, mà ban sách tứ-thư ngũ-kinh đại-toàn cho nước ta, là muốn hóa lấy sự học hành, chẳng qua muốn ta đồng chưởng đồng văn, để cho dễ việc cai-trị, mà công việc nhà Minh, so với nhà Đường, càng ngày càng thêm kĩ vậy.

Ấy là công việc nước Tầu các đời cai-trị nước ta về phần chung của nhà-nước như thế.

Một khoản xét việc nước Tầu cai-trị nước ta về phần riêng quan lại ra thế nào?

Từ đời nhà Tần sai ngươi Đồ-Thư làm quan tướng sang lấy nước ta, thì buổi ấy dân nước ta đã là không chịu phục mà giết quan tướng nhà Tần vậy.

Đến đời nhà Tây-Hán vua Vũ-đế mới lấy nước ta, sợ rằng dân khó cai-trị, nên chi mới đặt ra sáu điều để mà xem xét các quan thứ-sử, cho nên quan lại buổi ấy nhiều kẻ hẳn hoi, như là ông Tích-Quang dậy dân ta lấy việc lễ-nghĩa; ông Nhâm-Diên dậy nước ta những phép giá-thú cùng việc cầy bừa, thực là có sự ích lợi; lại như ông Giả-mạnh-Kiên lựa chọn những quan thú lịnh, mà dân ta yêu mến gọi lấy làm cha; ông Sĩ-Nhiếp dậy việc học hành mà dân ta tôn sùng gọi học-tổ.

Tuy rằng buổi ấy tàn ngược như là ngươi Chu-Ngung, tham bạo như là ngươi Tô-Định, phần ấy là phần có ít, mà những kẻ tuần-lương thì là phần nhiều, thế thì quan lại nhà Hán cũng là tử tế vậy.

Đến đời nhà Ngô, nhà Tấn thì cha con ông Đào-Huỳnh, ông Đào-Oai, cha con ông Cố-Tham, ông Cố-Bý; cha con ông Đậu-Viên, ông Đậu-tuệ-Độ, đều là những người tử tế, không hay sinh sự nhiễu dân, mà đều là ba bốn đời nối nhau làm quan, nên chi dân ta cũng là yêu mến vậy.

Đến đời nhà Đường thì hay thay đổi quan lại, mà không lựa chọn những kẻ tuần-lương, như là ngươi Cao-chính-Bình là người tham tàn; ngươi Lưu-diên-Hựu là người dữ độc, thuế nộp nửa mà bắt dân phải nộp cả, thành đã cao mà lại bắt đắp rộng thêm, nên chi từ đó, hoặc là giữ lấy châu mà làm phản, hoặc là đuổi quan thứ-sử mà tự làm, không lại vâng mạnh với nước Tầu vậy.

Đời nhà Minh thời quan tướng như là ngươi Trương-Phụ lấy sự thảm hình mà giết người nước ta không kể xiết được; quan lại thì như ngươi Mã-Kỳ, lấy sự tham lam lấy của nước ta không biết là bao nhiêu, mà dân nước ta cũng từ đó không lại phục tùng với nhà Minh vậy.

Ấy là công việc nước Tầu cai-trị về phần riêng của quan lại như thế.

Xét ra xưa nay dẫu là nước nào mà đã đi lấy thuộc-địa, chắc là trước hết cũng phải hao người tốn của mới dựng nên được cái công việc lớn lao, nên chi khi đã lấy được rồi thì hoặc là chia đất, hoặc là đặt quan mà lại cũng phải bắt nó nộp thuế để mà tiêu dùng, bắt nó làm lính để mà sai khiến, cũng là sự thế phải nên làm như thế, nhưng mà sợ rằng lòng dân không phục thời lại phải ra đó lấy sự ân huệ, mở đó lấy sự giáo hóa, để mà cố kết lấy lòng người ta, dẫu xưa nay chẳng kể nước nào cũng là phải theo trong một cách ấy, chưa có nghe rằng nước nào đi lấy thuộc-địa mà lại muốn dứt hết loài giống người ta bao giờ; mà loài hơn thì được, loài kém thì thua, cũng là lẽ tự nhiên trong giời đất. Mình là loài kém thì phải nhờ loài hơn để mà khai hóa, thì dẫu rằng nộp thuế cho nhà-nước, chịu lính cho nhà-nước, cũng là cái phận sự những loài hèn ấy phải nên làm; nếu mà không biết nhẽ phải, lại không theo cái bản-phận của mình, mà chỉ muốn lấy loài kém mà chống lại với loài hơn, thì thế lực đã không ngang được với nhau, chắc là loài-giống cũng phải dứt mất.

Xem như nước ta từ đời nhà Hán, nhà Ngô, nhà Tấn cho đến nhà Đường, nhà Minh, tuy rằng công việc cai-trị trước còn là lược, mà sau thời lại thêm tường; trước còn là khoan, mà sau lại cũng thêm nhặt, cũng bởi vì việc khôn-ngoan càng ngày càng mở ra, thì việc chính-trị càng ngày càng tấn bộ, cho nên bây giờ không nên bảo rằng công việc nhà Hán, nhà Ngô, nhà Tấn là đáng khen ngượi, mà công việc của nhà Đường, nhà Minh là nên oán thù, nên chi dân-sự nước ta trong mấy đời ấy, chưa nghe có khi nào vì cớ nhà-nước mà làm phản bao giờ, ấy là công việc chung của nhà-nước cai-trị mà dân đối lại với nhà-nước thì nên như thế.

Nhưng mà nhà-nước đã lấy thuộc-địa, thế tất phải đặt quan-lại ra mà cai-trị, mà những kẻ quan-lại ấy là người thay mặt cho nhà-nước, mà để chủ tể cho nhân-dân, nếu mà quan-lại được người tốt thì dân yên, quan-lại phải người dở thì dân khốn. Xem như đời nhà Hán tham bạo có ông Tô-Định, thời nước ta phản đối lại có bà Trưng-Vương; đời nhà Lương tham tàn có ông Tiêu-Tư thì nước ta phản đối lại có vua Lý-Bý; đời nhà Đường tham bạo như ông Lưu-diên-Hựu, ông Cao-chính-Bình, thì nước ta phản đối lại có ông Đinh-Kiến, ông Phùng-Hưng. Những việc giống như thế còn nhiều, không kể cho xiết được, vả những đời ấy cũng đã lâu rồi, xin kể gần đây, như là nhà Minh. Lúc nhà Minh sang lấy nước ta, trước vuỗn nói rằng lập con cháu nhà Trần, mà sau thì chiếm lấy, người nước ta có ông Lê-cảnh-Tuân là người học-trò, có danh tiếng, có làm ra ba bài sách, mà khuyên nhà Minh rằng phải lập con cháu nhà Trần thì nước ta mới yên, nếu không làm thế thì về sau sẽ loạn, tưởng rằng ông ấy nói như thế, chẳng những có ích cho nước ta mà cũng có ích cho nhà Minh nữa, thế mà quan nhà Minh đã là không nghe lại thêm bắt tội, giải cha con ông ấy về đất Kim-lăng, mà về sau đều phải chết cả. Làm như thế thì nước ta làm sao mà chẳng thù? Chẳng những thế mà thôi, mà lại nặng đó lấy việc thuế-khóa, như là thuế muối, người nước ta ai mà nấu muối đã phải thuế rồi, mà những kẻ bán kẻ mua lại đặt quan ra mà coi sóc. Chẳng qua là mượn tiếng thêm thuế, để mà cầu lấy sự thăng thưởng. mà không nghĩ những sự phiền nhiễu cho dân ta. Chẳng những thế mà thôi. mà lại buông lấy lòng tham lam, như là bắt dân đi khai mỏ để mà lấy vàng bạc; bắt dân mò xuống bể để mà lấy hạt trai, chẳng qua là tham của mà cầu sự ích riêng, mà không nghĩ đến nỗi thiệt hại cho dân sự. Vả lại quan lại nhà Minh đã như thế, mà dùng những người nước ta làm quan thì dặt những đồ bôn-cạnh, như là ngươi Lương-như-Hốt, ngươi Đậu-duy-Trung cũng đều là một lũ tham-tàn, thế thì dân ta làm sao mà không oán? Đến khi người nước ta đâu đâu cũng là dấy, mà ông Lê-Lợi cũng đã dựng cờ ở núi Lam-sơn. thế mà quan nhà Minh, tâu với vua nhà Minh, một thì nói rằng: ông Lê-Lợi đã chết; hai thì nói rằng: ông Lê-Lợi đã hàng. Đến lúc tướng Liễu-Thăng phải chết, thành Đông-quan phải hàng, mà trong khoảng mười bốn năm giời, nhà Minh phải bỏ mà về, không còn cai-trị nước ta được nữa. Thế có phải rằng việc cai-trị của một người riêng. mà làm hại cho sự cai-trị của nhà-nước chung vậy.

Tuy thế dân nước ta thủa trước còn đương mọi rợ, từ khi nước Tầu sang cai-trị nước ta, chẳng những làm cho ta hóa được cái sự giống nòi, mà lại mở cho ta lấy đường giáo-hóa, dẫu như ông Nhâm-Diên, ông Sĩ-Nhiếp là những người dạy cho ta lễ nghĩa, bởi sự lễ nghĩa ấy, mới nên ra giống văn-minh; dẫu đến như ông Lý-Bân, ông Mã-Kỳ làm cho ta oán thù, bởi sự oán thù ấy, mới nên cho ta lấy sự độc-lập.

Thế thì chung lại mà nói rằng: người hay người dở cũng đều là có công với nước ta vậy.