Du Nam-hoa tự[1] - 遊南华寺
của Nguyễn Trãi
Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

神錫飛來幾百春
寶林香火契前因
降龍伏虎機何妙
無樹非臺語若新
殿側起樓藏佛缽
龕中遺跡蛻真身
門前一派漕溪水
洗盡人間劫劫塵

Thần tích phi lai[2] kỷ bách xuân ;
Bảo lâm[3] hương hỏa khế tiền nhân.
Hàng long phục hổ[4] cơ hà diệu ;
Vô thụ phi đài ngữ nhược tân[5].
Điện trắc khởi lâu tàng phật bát[6] ;
Khám trung di tích thuế chân thân[7].
Môn tiền nhất phái Tào khê[8] thủy,
Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần.

Gậy thần bay đến đây đã cách mấy trăm xuân rồi ;
Hương hỏa chùa Bảo-lâm giữ theo nhân duyên trước.
Hàng được rồng phục được cọp, sao phép mầu nhiệm thế ?
Không có cây, không phải đài, lời nói như mới luôn.
Bên điện dựng lầu để giấu cái bát của phật ;
Trong tháp còn để dấu lột xác cho chân thân.
Trước cửa một dòng Tào-khê chảy,
Rửa hết bụi bặm bao nhiêu kiếp của nhân gian.

   




Chú thích

  1. Nam Hoa tự: Đại Thanh nhất thống chí chép rằng chùa này ở phía nam huyện Khúc giang (phủ lỵ Thiều châu) cách 60 dặm, do nhà sư Ấn Độ là Trí Dược dựng năm đầu Thiên Giám nhà Lương (502), đến đời Tống mới gọi là Nam Hoa tự
  2. Gậy thần là gậy có phép của thiền sư. Các nhà sư đi vân du người ta gọi là « phi tích » (bay gậy)
  3. Bảo Lâm: chùa Nam Hoa vốn là chùa Bảo Lâm xưa, ở núi Tào Khê, thiền sư Tuệ Năng đời Đường tu ở đấy, làm tổ thứ sáu của phái Thiền tông ở Trung Quốc. Năm Tiên Thiên (712) Tuệ Năng chết. Sau Tống Thái Tổ đổi tên chùa làm Nam Hoa
  4. Hàng long phục hổ: tương truyền rằng nhà sư có phép thần thông cao cường, hàng được rồng, phục được cọp
  5. Phái Thiền tông truyền thụ nhằm thẳng vào tâm, gọi là tâm ấn, không dùng văn tự. Nhớ đến Tuệ Năng có câu kệ: « Bồ đề bản vô thụ; Minh kính diệc phi đài », nghĩa là bồ đề vốn không có cây, gương sáng cũng không có đài. Lại có câu thơ cũ « Bồ đề vô thụ kính phi đài; vạn sự giai tòng tâm lý lai » (Bồ đề không phải là cây thực, gương thì không có đài, muôn việc đều do trong lòng mà đến)
  6. Phật bát: từ Đạt Ma là tổ thứ nhất đến Tuệ Năng là tổ thứ sáu của Thiền tông, các tổ đều truyền y (áo cà sa) và bát (bát ăn cơm) cho đệ tử, đến Tuệ Năng thì cất y bát đi mà chỉ truyền pháp yếu thôi, vì thế có chỗ để bát phật
  7. Ở chùa Nam Hoa có tháp chôn xác sư Tuệ Năng
  8. Tào Khê: một dải sông nhỏ ở phía đông huyện Khúc giang. So với hai câu 7, 8 bài 64 của Quốc âm thi tập