Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
XIV. — Ép duyên

XIV — ÉP DUYÊN

Viện sách xuân về, song the ốm dậy; quang âm thấm thoắt, tâm sự vẩn vơ. Lê-nương ốm một trận xuýt chết, may được một con người ngọc, đem ba tấc lưỡi, dùng đôi bàn tay, gây ra cái diệu kế của Lê-nương, đem lại mối kỳ duyên cho Mộng-hà, vì đó mà cái bệnh mê man khó chữa kia, chỉ trong sớm tối đã như cất gánh đổ đi, như đương giạo trời dâm bỗng nẩy ra ánh nắng. Lòng nàng khoan khoái biết bao, lòng chàng khoan khoái biết bao mà đến lòng Quân-Thiến nữa cũng khoan khoái có kém gì hai người. Tuy nhiên, bệnh đến từ đâu thì nàng tự biết, chàng cũng biết, duy có Quân-Thiến là không biết: bệnh khỏi sao chóng thì duy có nàng là tự biết. Quân-Thiến cố nhiên không biết, mà đến chàng cũng chẳng biết được nào. Nàng tuy đã biết rõ đem ý kiến đó ra bầy tỏ, nên hay chăng chưa chắc thế nào, song khi đó muốn giãi ngay nỗi nghi nan ở trong lòng thì không bầy tỏ ngay không được. Mộng-hà vì cớ nàng đau không thể dứt ra về được, nay biết nàng khỏi, có thể cuốn gói về được rồi đấy, song chàng còn quyến luyến chưa nỡ về ngay là còn mong tiếp được thư nàng sau khi ốm rậy, cho thỏa lòng khao khát bấy lâu. Một hôm sớm rậy, thấy bên gối có một Phong thư gián kín, mở ra coi đã biết là thư của nàng. Sau khi ốm rậy, viết còn run tay, nét chữ nguêu ngoao không được cứng cho lắm. Chàng đoán tất có tin lành, chưa mở đọc đã mặt mày hớn hở, ngờ đâu khi đọc xong lại khiến cho chàng bỗng chốc giận, bỗng chốc mừng, bỗng chốc lắc đầu, bỗng chốc chau mặt, cầm bức thư mà lòng những bàn hoàn. Trong thư nói gì, tức là nàng đem bầy tỏ ý kiến của nàng, muốn chàng cầu hôn với Quân-Thiến. Lời thư như sau này:

« Mắc bệnh mấy tuần, tưởng như kiếp khác. Trước có được thư thăm hỏi thì vừa vào lúc mệt đương nặng, không thể vịn giường đứng rậy, tì bàn viết thư được, thương nhau hẳn cũng lượng tình cho nhau. Bệnh của Lê-ảnh, nguyên vì thương tâm, nay may đã lành, xin thưa để anh yên dạ. Thư trước của anh, nói thống thiết quá, không khỏi quá si về tình. Đem lời nói chết không hối, kể nỗi tức rẹp không yên, một mảnh tình chung, nghĩ sao viết vậy, song đối với cái địa vị của đôi ta đương đứng lúc này thì thực chưa kịp nghĩ chín, thân Lê-ảnh, Lê-ảnh không dám tiếc, song không muốn vì cớ yêu anh mà để lụy cho anh, lại không muốn đem cái mình đã nhầm mà để anh cũng nhầm, tấm-tình của anh, Lê-ảnh biết lắm rồi, Lê-ảnh cảm lắm rồi, song lời nói của anh thì Lê-ảnh không dám nghe đến. Anh tự nói rằng: tôi đã đành lòng như thế rồi, thế nhưng sao chẳng nghĩ lòng mình thế đã đành, song lòng kẻ đối với mình như thế sao cho đành? Huống chi cứ Lê-ảnh nghĩ ra thì lòng anh cũng có nhiều chỗ khó mà đành sao cho được. « Tội bất hiếu có ba, vô hậu là nặng nhất » vua Thuấn kia còn tự chuyên; Vợ chồng việc quan hệ, nghĩa cả của loài người » đức thánh xưa đã có dậy. Anh trên còn mẹ già, dưới chưa con cái, vui cảnh cửa nhà, nối dòng tiên tổ, vốn là việc nên có của con người ta, thế mà anh lại cho mình là phải, làm trái đạo trời; không mong tìm bạn sắt-cầm, lại chỉ muốn cùng đời quyết tuyệt; ôm lòng tự hỏi, rồi lấy ai làm người hầu hạ sớm hôm, phụng dưỡng cho tròn đạo hiếu, ai làm người ra vào bếp nước, trông nom giúp hộ việc nhà? Bỏ hạnh phúc tìm vào cảnh khổ, trái nhân luân quyết giữ lòng si; làm con ma chết oan trong tình trường, đóng một vai có tội với danh-giáo; anh vốn là người đọc sách vở, biết nghĩa lý, sao mà hành vi lại trái ngược, tư tưởng lại sai nhầm đến thế? Lê-ảnh trộm nghĩ, thế có hay gì đâu, anh! Tục ngữ có nói: Trời định hơn người, người định không lại với trời. Anh si như thế, có lẽ muốn hơn trời sao? Tôi sợ ông xanh vô tình kia sẽ cho lời anh là trách lẫn trời già, sẽ giam mãi đôi ta phải đắm đuối vào nơi suối lệ, bể oan, muôn kiếp không bao giờ ra thoát. Tuổi xanh chưa mấy, đã vội chán đời, anh dù chẳng tự tiếc mình, song lại không tiếc thân của cha mẹ, tiếc tài cho nước nhà sao? Lấy một người như anh, thông minh linh lợi, đời ít kẻ bằng, sự nghiệp sau này, biết đâu mà hạn. Thế mà vì một kẻ bạc mạnh như Lê-ảnh, cam lòng bỏ hết mọi việc, suốt đời ôm dạ bi quan, thì thật là mua cười gây chuyện cho khắp cả bốn phương, thiên hạ đời sau, tất đem anh ra mà bàn nói... Họ cho là lấy một người tài học như anh, chí thú như anh, thế mà vì một người con gái đến nỗi hàm oan một kiếp, để giận nghìn thu; anh dù ngậm cười chín suối, e nữa cũng khó mà đành lòng, thế mà nay bảo rằng lòng đã đành như thế rồi sao được? Anh thật là người đa tình, mà không biết tự nén để đến nỗi thái quá. Thái quá cũng như bất cập, thành ra anh đa tình đấy mà chẳng khác gì kẻ vô tình, Lê ảnh yêu anh, song Lê-ảnh cũng không dám yêu anh nữa. Nói tóm lại là kiếp này Lê-ảnh cùng anh không có chi là quan hệ cả; Sứ-quân tự tìm lấy vợ, La-phu vốn đã có chồng. Đôi bên cùng nhiều công việc chưa xong, cùng để mối duyên không dứt, nợ lòng muốn trả, thôi đành hẹn đến kiếp sau, hương nguyện chưa thề, sao chẳng tìm vào nơi khác. Anh chẳng thề thì tấm tình của anh, Lê-ảnh cũng không quên, anh dù thề thì điều ước của anh, Lê-ảnh cũng xin chịu. Thiên hạ thiếu gì giai nhân, nhà cửa có nhiều hạnh phúc, tội chi mà mua sầu chác não, chết chẳng đổi lòng, tông-đường không nghĩ về sau, uất ức tự tìm lấy khổ, làm một hạng người si thứ nhất ở trong thế-giới ba nghìn. Lê-ảnh mong anh nên mau mau dũ phăng nợ nghiệt, dứt đứt tơ tình, đừng nghĩ chi đến kẻ bạc mạnh này nữa. Lê ảnh thờ anh làm thày, anh coi Lê-ảnh là bạn, chăm chút con thơ, phận gái góa thiếp xin giữ trọn, vui vầy duyên mới, đạo làm con chàng phải tính ngay. Tấm tình của đôi ta, rút lại thế là thôi, Lê-ảnh nghĩ đã nhiều mà tính cũng đã chín. Thế nhưng một tấm tình chung Lê-ảnh thực suốt đời ghi tạc, không dám phụ lòng anh. Bấy lâu những muốn tìm một người con gái đa tình, có thể thay chân cho ý-trung nhân của anh, để bù lại cho anh cái hạnh phúc kiếp này, đó là điều Lê-ảnh mong đền ơn anh đó Chỉ vì càng nóng tìm lại càng khó gặp, tấc dạ băn khoăn, muốn đền lại ơn anh mà không sao đền nổi, ấy vì thế mà Lê-ảnh thành ra mang bệnh bấy chầy. Một bức tiên thề, đau đớn cho Lê-ảnh biết bao mà kể, Anh Mộng-Hà ơi! Anh lại chẳng phải là người yêu Lê-ảnh đó sao? Anh lại chẳng phải là người coi sự đau đớn của Lê-Ảnh là sự đau đớn của mình đó sao? Nếu anh không muốn cho Lê-ảnh phải chịu đau đớn, thì xin nghĩ đến cái khổ tâm của Lê-Ảnh mưu tính cho anh, đừng cho lời Lê-Ảnh là câu truyện trái tai mà cho kế của Lê-ảnh là việc bất đắc dĩ; xét lòng thành thực, đem bụng nghe theo; đó là điều Lê-ảnh xin kính dâng ba nén tâm hương mà khấn đất cầu trời, mong anh đừng để phụ bức thư của Lê-ảnh sau khi ốm rậy. Cái kế của Lê-ảnh tính giùm anh, nay đã xong xuôi cả. Nhà họ Thôi còn người con gái út tên là Quân-Thiến, tức là em Lê-ảnh, mà là một tay xuất sắc ở trong nữ-giới ngày nay. Tóc vừa chấm trán, tuổi đương vòng sen ngó đào tơ; tài sớm hơn người, chí khác bọn trâm cài lược giắt; anh được người ấy, đủ kéo lại Lê-ảnh rồi. Ông nhà tôi chỉ có mình nó là gái, yêu quí hơn hòn ngọc trên tay; thường nói muốn kén được một người rể hiền như anh, để vui cảnh già. Kế đó vì nó say mê tự do, nên việc đành tạm gác. Anh về mượn mối nói ngay, tất là được việc. Quân-Thiến ăn ở với Lê-ảnh thân thiết lắm: anh nói với ông nhà tôi, còn tôi thì nói hộ với Quân-Thiến, thì việc thế nào cũng xong. Đó là cái kế « mất Lũng được Thục », thành ra thì Lê-ảnh trả được ơn anh, mà anh cũng yên ủi được lòng Lê-ảnh. Bệnh Lê-ảnh hiện nay đã khỏi, anh mà nghe lời Lê-ảnh thì Lê-ảnh được mang ơn suốt đời. Nhược bằng say mê không tỉnh, cho câu thề là không nên trái, coi lời khuyên là chẳng đáng tin, cùng với Lê-Ảnh bạc mạnh này giằng co đến nước, quấn quít không buông, thì bệnh Lê-ảnh không khó gì mà không phải lại. Nợ lòng không còn mong lấy gì mà trả anh được nữa, đành nhẽ chỉ có cách là liều đem một chết báo đền ba sinh. Tuy nhiên, Lê-ảnh dù chết cũng không quên được anh. Tấm tàn hồn của Lê-ảnh còn muốn đi về trong lúc chiêm bao, muôn một mong khuyên bảo cho anh tỉnh lại. Anh thương Lê-ảnh, chắc là anh biết theo lời Lê-ảnh, chắc là không nỡ để cho Lê-ảnh đến phải ốm vì anh mà chết vì anh. Mực hòa lệ rỏ, lạo thảo mấy trang; chủ ý thế nào, phục thư cho biết. »

« Nay kính. Lê-Ảnh »

Mộng-hà đọc xong, ngồi lặng giờ lâu, như ngây như dại. Thuận hay không thuận, nhất thời chưa biết tính bề nào. Kế đó lại nghĩ đến lời Lê-nương, thật là hết tình hết nghĩa; nàng cho ta là quá si, ta cũng tự biết là si quá! Thế nhưng bấy giờ ta ở vào cái cảnh trăm khó nghìn khó; muốn xum họp thì duyên xưa đã lỗi, muốn bỏ đi thì lòng nghĩ không đành; can trường bối rối, vội chẳng kịp suy; cho nên trong lúc viết thư cho là không thế không đủ để tạ lại tấm lòng tri-kỷ; bao nhiêu những việc sau này sẩy đến, nào bấy giờ đã tính đến đâu. Một lời nói ra là ta đã cam lòng hy-sinh hết thẩy, uất ức suốt đời rồi; dù biết rõ là quá-si, song không muốn nói lời rồi lại ăn lời làm kẻ bạc tình phụ nghĩa. Nay nàng nói năng uyển chuyển, khuyên bảo ân cần, lẽ phải lời nghiêm, thật khiến cho ta khó nghĩ. Huống chi lại lấy chết mà dọa, ép ta vào cái thế không thuận không xong. Ta nếu khăng khăng một mực không chịu đổi lòng, tất không khỏi sinh ra nhiều sự biến mà ta không ngờ đến. Thế nhưng nếu ta lại « ăn lời mà béo », nghĩa nặng tình sâu, đều phó cho dòng nước chẩy thì lòng tực hỏi lòng sao đang? Cái kế mất Lũng được Thục, rằng hay thì thực là hay; thế nhưng ngọc lành không vết, chắc gì hơn đàn tốt nối giây, nước không phải bể không đầy, một thân con bướm biết bay mấy cành? Hiện nay nàng yếu mới khỏi, nếu ta không chiều ý, thì con ma bệnh vô tình kia ngày đêm vẫn bên mình luẩn quất, lọ là phải đón mới về. Ta không thể làm cho nàng khỏi ốm, song sao nỡ để cho nàng lại ốm. Cơ mầu như thế, đành lẽ dùng đến kế hoãn binh. Nghĩ thế rồi cầm bút viết thư trả lời. Trong thư đại ý nói: Lận đận hồn quê, lòng về đương nóng. Việc chị tính hộ, bây giờ chưa thể quyết được. Vậy xin cho để nghĩ trong một tháng. Đợi sang thu khi lại sang dạy học, sẽ liệu bề bắn sẻ deo cầu. Việc nên chăng tuy chưa biết thế nào, song không dám cứ cố ý để bận lòng tri-kỷ nữa... Cuối thư lại viết thêm bốn bài thơ:

I — « Khuyên nhau chắp nối sợi tơ hồng,
      « Phải trái đôi bề nghĩ chẳng xong.
      « Đường Thục cheo leo đi chửa được.
      « Trông xuân đầu Lũng luống đau lòng,

II — « Đất rộng trời cao kiếp sống thừa.
       « Con đường hạnh phúc nghĩ buồn rơ.
       « Tân-Di dù mượn mầu son phấn,
       « Vẫn kém cành lê đượm giọt mưa.

III — « Thân còn chẳng tiếc, tiếc chi mà!
        « Đất rậm trời hoang nghĩ xót xa,
        « Ngắm lại Thanh-lăng thân bướm lẻ.
        « Một xuân nào đậu mấy cành hoa,

IV — « Duyên mới dù cho được mặn mà,
         « Gió xuân để tội một mình hoa.
         « Đêm nay quán khách trời mưa gió,
         « Xót nỗi người gần mộng vẫn xa. »

Chiếc bóng đèn xanh, đôi đường nợ trắng; tình-si một giống, trò rối trăm năm. Bức thư hôm ấy của Lê-nương, đã định số phận một đời cho Quân-Thiến.

Cô bé thơ ngây, lòng chưa bận nghĩ; chị dâu lúng-túng, ý muốn buộc vào. Chỉ hồng mà hóa sợi tơ mành, mạnh bạc lại tìm ngưười xấu số. Kẻ chép chuyện thực không kịp phàn nàn cho cái số phận long đong của hai người nữa, mà phải vì Quân-Thiến kêu trời rằng oan!... Bạn tri kỷ dễ mà được mấy, mảnh tình chung khôn lẽ sẻ đôi; Duyên đã lỡ xưa thì thôi. Duyên sau hồ dễ đền bồi mà mong. Tấm tình của Mộng-hà đã thề xin sống thác một lòng thủy chung, thì dù nhan sắc như Tây-thi, Trịnh-đán khó mà làm chuyển được lòng, mồm mép như Tô-tần Trương-nghi, hồ dễ đã nói xiêu được dạ. Tấm lòng yêu Lê-nương không thể sẻ để yêu sang Quân-thiến, điều đó ý Mộng-hà đã quyết mà lòng Lê-nương cũng chẳng lạ gì. Đã chẳng lạ gì mà còn can là chỗ khổ-tâm của nàng: đã chối hẳn rồi mà lại ưng, là chỗ bất đắc-dĩ của chàng đó. Hai người thì không kể, chỉ khổ nhất là Quân-thiến mà thôi. Nàng đương mừng cho chị, nạn khỏi tai qua, có biết đâu rằng chị đã hãm mình vào chỗ hang sâu vực thẳm, giây oan giắt díu, để hại bao người; sóng gió bể tình, ai ngờ đến thế. Kẻ đa tình thường khổ-sở vì tình, mình làm mình chịu. kêu mà ai thương. Thế nhưng như Quân-thiến, oanh yến chưa từng mang nợ, thơ ngây nào đã biết sầu, thế mà cũng phải ông trời ghen ghét, bà chị ép vào, để đến nỗi ê chề đau đớn suốt đời, thì nào có tội tình gì mà thế!

Lê-nương được thư của Mộng-hà, biết chàng sắp sửa về ngay, thì cũng không khỏi buồn nỗi biệt ly, động lòng thương nhớ. Kế lại nghĩ việc mình làm mối Mộng-hà đã có ý nhận thì trong lòng cũng hơi yên ủi: Cho là nếu việc ấy mà xong thật, thì sau này đôi bên còn được nhiều lần gặp mặt, tạm thời xa cách, cũng không đáng để bận lòng. Sáng hôm sau Bằng-lang lại cầm về cho nàng một phong thư, thì ra Mộng-hà đã xuống thuyền về quê từ buổi tinh-sương, mà trong thư thì là sáu bài thơ « tích-biệt »,

I — Thân bệnh đường xa bước lạc loài
      Má hồng lại sẵn mắt trần ai,
      Áo xanh đầm ướt đôi hàng lệ.
      Tri-kỷ mười năm mới một người.

II — Vừa lúc mai tàn mới gặp nhau,
       Giờ trông lựu đã nở canh đầu.
       Bao nhiêu ân ái bao nhiêu cảm,
       Ly biệt còn thêm một mối sầu.

III — Sắp sửa hành trang xuống sạp ngồi,
        Đầu thu xin hẹn buổi trùng lai,
        Lệ tình mình hãy lau cho ráo,
        Đợi lúc nhìn nhau sẽ khóc đôi!...

IV — Kẻ ở người đi luống ngại ngùng,
         Tơ sầu muôn trượng cắt không xong.
         Sân hoa chớ đứng đêm sương lạnh,
         Gắn bó xin ai nhớ hộ cùng.

V — Đầu trống canh năm tỉnh giấc nồng,
        Đa tình chị nguyệt vẫn ròm song.
        Đêm nay trăng sáng trong như nước,
        Soi hộ cho nhau một tấm lòng.

VI — Hẹn bể thề non dám hững hờ.
         Nhạn Nam én Bắc nghĩ buồn chưa?
         Hoa sen nhớ lấy kỳ sinh-nhật,
         Rồi sẽ cùng nhau nhận ước xưa.