Dưới hoa/VI
VI — VẮNG BẠN
Nét chữ như hoa, lời văn chuốt ngọc, chàng đem bài từ của nàng đọc đi đọc lại mấy lượt, bỗng động mối thương tâm, thở dài mà than rằng: Giai nhân hiếm có, tạo hóa bất nhân, có tài không phận, đến như thế này! Nỗi lòng uất ức, không sẵn rượu mà tưới cũng nên đem bút mà quét đi mới được. Nghĩ thế rồi liền rỏ lệ mài mực, cầm bút viết luôn 8 bài thơ. Thơ rằng:
I — Trận ốm mê man, giấc mộng dài.
Oanh vàng sao khéo ghẹo trêu ai?
Véo von như bảo xuân hồ hết,
Hương đã tàn mà sắc đã phai.
II — Tình riêng ta đã biết cho ta.
Thơ thẩn chờ ai dưới bóng tà?
Giáp mặt vì đâu không gặp mặt.
Lòng gần thêm xót nỗi người xa.
III — Một tấm hồn thơ yếu đã lâu,
Tìm hoa cố gượng bước qua cầu.
Dạ phiền muốn gửi cho dương liễu,
Cành gió la đà, lá rụng mau...
IV — Gió đông phây phẩy thoảng đưa hương.
Trước án nhìn hoa luống đoạn trường.
Vâng biết lòng người bẻ đưa tặng.
Truyện mười năm cũ nghĩ thêm thương.
V — Sống thừa mang lấy cái hư danh.
Riêng cảm phong trần cặp mắt xanh.
Lưu lạc ta đà hao nước mắt.
Lại đem nước mắt khóc cho mình!
VI — Buồn cho ly biệt, xót cho xuân,
Bể cả bèo trôi một tấm thân.
Đã chắc cùng đời xa cách hẳn,
Tri-âm đâu bỗng lại nên gần.
VII — Dưới hoa ngần ngại vuốt tờ hoa,
Tay thảo thơ sầu lệ nhủ sa.
Chỉ sợ phận hèn không có phuc,
Chưa chua tên họ sổ trăng-già!
VII — Tơ sầu tung rối, mộng buồn tanh.
Rét mới ai hay lại nhẹ mình!
Trời tối mịt mù, mưa lác đác
Tai nghe không rõ, ngọn đèn xanh..!
Mộng-hà viết xong, lại lấy riêng một tờ giấy mầu xanh-nhợt viết một bức thư ngắn, bỏ cả vào phong-bì, đưa Bằng-Lang đem về cho Lê-ảnh. Thư rằng:
« Đã gửi tờ mây, lại ban lời ngọc, vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa Tài văn chương đã vâng biết ít nhiều, mà nỗi lòng buồn bã, tấm tình chua cay, lại như phảng phất ở chỗ lời thư hàng chữ. Như bà-chị mới thật là người biết thương thân tủi phận. Mộng-hà hồ hải lênh đênh, phong trần lận đận, một đời chìm nổi, nào kẻ tri-âm; xót liễu vì hoa, nặng lòng họ Đỗ; phun châu nhả ngọc, kém tài chàng Giang; đọc đến bài từ, lòng thấy ngổn ngang trăm mối: Bút hoa tạm thảo tám bài, gọi là góp lệ cùng người đồng tâm.. .. »
Một bức thư phong, mấy hàng chữ thảo; phấn son có bạn. bút mực là duyên. Sau đó tin ong sứ điệp, đều trông ở thư từ. những thư từ ấy đều nhờ ở Bằng-lang đưa đón; mảnh tình đổi trao, câu thơ xướng họa, gặp mặt tuy không mấy lúc, tin nhau đã chắc mười phần. Bút nghiên luống những lữa lần. Hồn thơ lai láng, câu thần ngâm nga. Cảnh buồn lại thấy mặn mà! Ngày giờ ngồi rỗi mà ra vội vàng. Kéo nào cái được tơ vương? Thước nào đo được văn-chương tài tình? Trông ra gió mát trời thanh, Hè sang, xuân đã bỏ mình xuân đi....
Từ khi Mộng-hà đến Rong-hồ, đến bấy giờ đã được hơn một tháng. Chiếc bóng phương trời, nào ai là người thân thiết. May đâu lại được một người bạn gái thơ từ xướng họa, cũng được đỡ buồn. Ngoài ra chàng lại mới biết một người bạn trai, cảnh ngộ tuy khác nhau, song tâm tính thì hợp nhau như đúc.
Đất khách biết nhau, không phải là dễ; đường bụi nghiêng ô song thu nối sáp, chàng vẫn tự cho là ba sinh âu cũng duyên trời chi không Người ấy họ Tần, tên Tâm, tự là Thạch-Si, tức là người sáng lập ra nhà trường mà chàng đến dậy học; nhiều hơn chàng 2 tuổi, đã từng học qua ở trường đại-học Nam-dương; tài hoa lỗi lạc, mặt mũi khôi-ngô, kể là một tay xuất sắc nhất ở trong làng. Làng ấy ở dưới Rong-hồ: cách xa thành thị, riêng một phong quang, chu-vi độ 10 dậm; người làng ở phân ra hai bờ phía Nam, phía Bắc, quanh co khuất khúc như hình con ốc xà cừ. Đất đã hẻo lánh, người lại ngu si, phong khí lú lấp kể đã lâu lắm. Thạch-si nặng lòng vì quê hương, sốt ruột vì giáo dục, thường lo cách khai hóa cho dân làng. Sau khi tốt nghiệp ra, một mình bỏ tiền mở ngay mấy lớp tiểu-học để các trẻ trong làng được tiện nơi học tập. Khi Mộng-hà đến thì trường ấy lập lên đã được ba năm. Người cha Thạch-Si là Quang-hán, vừa có tuổi, vừa có danh vọng, cả vùng đều tôn là bực lão thành; nha con một, chỉ sinh được có mình Thạch-si, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chàng muốn sao, cha mẹ cũng chiều cho được vậy. May được chàng tuy quen thói bốc rời, song vẫn biết giữ ngọc gìn vàng, những nơi cờ bạc, trăng hoa, chưa hề có bước chân đến. Chỉ có đối với việc nghĩa thì chàng hay bỏ tiền giúp: bạc nghìn bạc vạn, coi nhẹ như không. Người cha không phải như ai quen tính hủ-bại, thấy Thạch-si thế thì cũng mừng thầm cho con là kẻ nghĩa khí, có thể làm nên được; bởi vậy, chàng muốn thế nào cũng sẵn lòng cho. Về việc mở trường. mỗi năm chàng phải chịu tốn rất nhiều, những tiền đó đều là nhờ có cha mẹ tin chàng mà thu xếp giúp chàng. Gia đình chàng tử tế như thế nên chàng mới được rộng tay làm việc.
Nước bèo gặp gỡ thanh khí nhẽ hằng Thạch-si là tay vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa, tính tình phóng khoáng khác đời, thật có cái khí tượng « mình trần chân đất » của « cậu ấm Thái-nguyên, » trong các tay tân-học gần đây, được như chàng kể đã là hạng thượng lưu nhân vật. Chàng cùng Mộng-hà, gặp nhau lần đầu, đã thân thiết ngay như bạn cũ, chí khí giống nhau, tài học ngang nhau, bạn văn-chương, duyên tri ngộ, kể cũng không phải là ngẫu nhiên. Nhà trường làm ở đất nhà Thạch-si, cách một bức tường là đến ngay phòng chàng. Hôm nào chàng cũng đến trường, vì chính chàng cũng nhận dậy hai món, chữ Anh và cách-trí. Dậy xong lại cùng Mộng hà ra đồng chơi mát, vừa để rộng thêm về tri thức cần dùng, vừa để thở hút lấy khí trời trong sạch. Phong vị nơi thôn dã, khác hẳn với cảnh phiền hoa ở các thị-thành. Phong cảnh chiều hôm, giắt tay cùng ngắm; câu ca tiếng hát, đối đáp làm vui; tấm thân hạc nội mây ngàn, dễ mấy kẻ thanh nhàn được thế. Mãi đến khi chim hôm về rừng, ác vàng lặn bóng, bấy giờ mới chia tay về nghỉ. Hôm nào cũng thế, kể cũng là một cái thú hiếm có của kẻ xa nhà Có hôm lại đóng kín cả cửa, cùng ngồi trong một chiếc phòng con: hoặc bình văn, hoặc bàn thơ, hoặc kể lể phàn nàn, hoặc truyện trò vui vẻ! Khói chè mới bốc, tiếng nói thưa dần; mối nghĩ âm thầm, đôi lòng cùng hiểu. Có lúc bàn rộng đến việc thiên hạ thì lại động mối thương tâm, nước mắt chan hòa, máu tim sôi nổi, những toan bắt chước như ai nâng chén hỏi trời, tuốt gươm chém đất; vì hai người vốn cùng là kẻ thất ý mà lại cùng là bạn biết lo việc đời. Cảnh ngộ chàng tuy có khá hơn Mộng hà, thế nhưng công danh lỡ bước, tâm tính ngược đời, thì cũng cùng với Mộng-hà một duộc. Gió mây u ám phương trời. Nỗi mình lưu lạc, nỗi đời tang thương Biết nhau sao khéo muộn màng? Nhìn quanh mấy kẻ cung làng tri-âm! Cùng nhau cùng bạn hữu tâm, nước non luống những âm thầm vì đâu!...
Chao ôi! « Chí-sĩ đau lòng ngồi đợi chết! danh-hoa cám cảnh nở đương mưa »! Ở đời còn có gì đáng tiếc đáng thương hơn thế nữa. Lấy cái hoài bão cái khí-khái của hai chàng, ai bảo không phải là những tay chí-sĩ. Ấy thế mà chịu, một người thì bơ vơ đất khách, một người thì nằm xó quê nhà. May gặp nhau thành ra mến nhau, nhân mến nhau thành ra thương nhau, đã mến nhau, thương nhau tự nhiên tìm cách để cùng nhau gần gụi. Có khi thong thả, Thạch-si lại bảo bạn: Nhà trường chật hẹp, không đáng làm chỗ ở cho người hiền-giả. Ông anh ở nhà trọ, hôm sớm đi về vất vả, lòng em vẫn áy náy không yên. Nhà em còn rộng, ông anh nên dọn sang cùng ở cho vui. Ngày ta cùng dậy học, tối ta cùng ngồi chơi, pha trà nói truyện, thắp nến làm thơ, đêm vắng canh dài, gác chân nhau to nhỏ nỗi lòng, còn gì thú hơn nữa. Chàng nói hai ba lần, Mộng-hà đều kiếm lời thoái thác. Chàng thấy thế tưởng rằng bạn nề hà hình tích thì vẫn lấy làm lạ, cho rằng bạn chưa thật biết mình; có biết đâu « vắng trăng thì đã có sao, vắng hoa thiên lý có đào mận tơ, » buồng văn thư thả, còn lắm điều hay, sự tình ấy bạn có ngỏ cùng chàng sao được...
Mưa mới buồn tình, gió đông trêu khách, Mộng-hà bỏ nhà sang đấy, đem cái tính tình gàn dở, kiếm cách sinh nhai lần hồi; tự biết mình không hợp với đời, đi đến đâu cũng gặp phường mắt trắng; con én lạc đàn, chiếc thân vò võ; nếm đủ mọi mùi rát lưỡi, chịu đủ mọi trò trêu ngươi; hay đâu trong làng son phấn, đã tìm được bạn tri-âm mà giữa bước phong trần, lại gặp được người đồng chí, ai bảo không phải là một sự may mắn ở nơi khách-địa, mà ai bảo không phải là một điều đắc ý cho cả một đời chàng? Tiếc thay, song the nối sáp, trò truyện đương vui; bến nước buông chèo, biệt ly vội dục; giữa vào lúc mùa tầm vừa tới, chính là ngày vó ngựa thẳng dong; sang thượng tuần tháng tư, Thạch-si bỗng quyết chí định đi Nhật-Bản. Việc chàng đi, chính là tự Mộng-hà thúc dục. Như chàng cha mẹ song toàn, cửa nhà khá có, tài cao chí cả, tuổi trẻ đầu xanh, chính là lúc có thể mong làm được việc to, so với Mộng-hà tiêu mòn hết chí khí, bó buộc vì sinh nhai, khác nhau nhiều lắm. Thế mà từ khi chàng ở trường Nam-dương ra, chỉ biết chăm việc làng mà quên cả việc nước; ngồi mà ném cái thì giờ một khắc nghìn vàng cho phao phí vào nơi vô dụng, Mộng-hà vẫn tiếc cho chàng. Bởi vì mỗi khi bàn đến việc thiên-hạ. Mộng-hà lại rớt nước mắt mà khuyên bạn rằng: Thời cục sắp nguy, nhân tài đương hiếm; suối rừng cam phận, giận thân tôi đành lẽ bỏ đi; non nước còn giài, như tài bác có làm được. Lấy cái tuổi, cái sức. cái chí của bác, chính là lúc nên cố sức cùng công, bền lòng định chí, liệu thuyền buông lái, làm nên cái sự-nghiệp oanh oanh liệt liệt, để mở mặt cho non sông, rửa hờn cho nòi giống, họa chăng mới khỏi phụ đức sinh thành của Thượng-đế, mà cam lòng trông cậy của đồng bào; cớ chi đem tấm thân sức rộng vai dài, không ra mà gánh vác lấy việc lo dân thương nước ở trên sân khấu hiện thời, lại chịu vùi đầu ở chỗ ao tù, bó cẳng ở quanh làng xóm, đem cái thì giờ được việc bỏ làm ngày tháng ngồi không; nhìn gió trông mây, cùng năm chí tối, tôi nghĩ anh không nên như thế. Hiện nay tìm lối ra ngoài, người đông như kiến, mong đàn tuổi trẻ, cứu giống da vàng; mau gót nhanh chân, dịp này tốt đấy, anh có nghĩ gì đến không? Thạch-si nghe lời bạn khuyên bảo ân-cần, sực động đến tấm lòng du-học năm xưa, liền đáp: Em có phải là kẻ mến nhà mà quên nước đâu. Tự nghĩ tính tình gàn dở, khủng khỉnh với đời; mấy năm ở Thượng-hải, có tiếp nhiều các bạn anh-tuấn bốn phương, tuyệt nhiên không ai là kẻ biết em được như ông anh cả. Bao nhiêu nỗi bất bình chứa chất trong lòng uất ức không sao chịu nổi; vì thế mà cắp cặp ra về, lửa lòng lạnh ngắt, không còn nghĩ chi đến sự lại ra gánh vác với đời, Nay nghe ông anh nói, lòng này khác nào tro tàn lại bén, chiêm bao mới hồi, ông anh còn biết tiếc cho đời em, lẽ nào em lại chẳng biết thương thân, chịu bỏ phí một đời, để phụ lời khuyên bảo. Lòng em đã quyết rồi. Chỉ đợi ở nhà bằng lòng là sắp ngay hành lý, đáp tầu sang Nhật. Thế nhưng sau khi em đi thì công việc nhà trường vắng kẻ chủ trương, việc coi sóc em trông nhờ vào ông anh cả. Phiền anh một việc nặng nề như thế, lòng em thật áy náy trăm bề. Mộng-hà quả quyết mà rằng: Bác đã không cho lời tôi là viển vông mà bắt trước ai « nghe gà gáy tuốt gươm dậy múa », thế là may cho tôi lắm; việc nhà trường, một mình tôi cũng không gánh vác được cả. Thế nhưng cũng xin cùng công cố sức để khỏi phụ lòng nhau. Bác đã không phụ tôi, khi nào tôi lại phụ bác được. Thạch-si mừng rỡ mà nói: Nếu được vậy thì « chỉ có cha mẹ là người sinh tôi, mà chỉ có ông anh là người biết tôi thôi đó. « Đội ơn ông anh quá yêu. Đi chuyến này may có tấn tới được chút nào đều là nhờ ơn ông anh cả. Mai một đá mòn sông cạn, cái giao-tình của đôi ta cũng đời đời kiếp kiếp, không đời nào phai...
« Trông nhau giọt lệ ướt đầm. Đưa ai lòng những âm thầm vì ai » Biệt-ly là một cảnh khổ ở đời, mà đất khách tiễn người lại là một cách biệt-ly khổ nhất trong bao nhiêu cảnh khổ. Thạch-si về nhà, đem việc du-học trình với cha mẹ. Cha mẹ lấy làm mừng lắm, dục chàng nên sắp sửa đi ngay. Vừa hay chàng lại tiếp được bức thư của một người bạn học ở An-huy, trong thư nói các bạn đồng chí có rủ nhau cùng sang Nhật du-học, và khuyên chàng cũng nên đi một thể. Chàng vội vàng viết thư đáp lại hẹn cùng ra Thượng-hải, cùng đáp chuyến tầu kia của một công-ty Nhật. Trước hôm đi, chàng có đặt rượu mời Mộng-hà. Đêm ấy Mộng-hà không về, ở lại để cùng chàng từ biệt; ngồi đôi đánh chén, chuyện nở như hoa. Mãi đến lúc rượu thật say, chàng mới sực nhớ đến nông-nỗi biệt-ly, thì buồn dầu mà bảo Mộng-hà rằng: Em cùng anh quen với nhau chưa mấy; ở với nhau chưa lâu, tình ý đương nồng, tăm hơi đã vắng; hôm nay bỏ quê nhà sang nước khác, phút chốc xa nhau, chân trời góc bể, chén mừng lại cạn, nào biết ngày nào. Nghĩ nông nỗi ấy, sao khỏi đau lòng cho được. Nói xong, chàng không sao cầm được nước mắt. Mộng-hà thấy thế, nâng chén mà rằng: « Trên đời miễn được bạn thân. bên trời góc bể cũng gần chung quanh. Đừng lo thiếu kẻ mắt xanh, người trong thiên hạ biết mình chan chan »; tôi xin đọc bốn câu ấy để tiễn anh dấn bước lên đường! Cố lên! cố lên! Tiền đồ còn man mác đấy! Bao giờ thành tài về nước, anh không tiếc cái sở-học, đem san sẻ cho tôi một ít. « ấy là tình nặng, ấy là ân sâu. » Bọn mình chơi với nhau cốt lấy tấm lòng chứ có cứ gì ở hình-tích. Chơi bằng hình tích thì dù tay bắt mặt mừng, thân tình cũng vẫn là nhạt nhẽo; chơi lấy tấm lòng thì dù qua đèo lặn suối hồn mộng có khó gì đi về. Người ta nào phải đàn vật mà có thể xum họp với nhau được mãi đâu, bắt chước chi nhi-nữ thường tình, dư nước mắt khóc khi ly-biệt. Có một điều đáng buồn nhất là anh đi mà em đành phải ở lại nhà; trông người lại ngắm đến ta, nghĩ lại trăm chiều hổ thẹn. Này lúc cánh buồm thẳng chỉ, bạn tiễn anh ra tận bến đò ngang; mà khi áo gấm mặc về, anh thấy bạn vẫn là phường khố rách; ngậm sầu đưa gót, lòng tôi chua xót hơn chanh; quyết chí ra đời, tài bác mông mênh như bể; thì giờ xum họp, còn được là bao, tôi giẫu ngu si, lòng nào không cảm; hồn thơ lai láng, nhân nghĩ được tám bài, vừa là ý tiễn bạn, vừa là ý thương mình, nếu bác nhận cho thì xin bỏ vào tráp, để sau này làm vật kỷ-niệm, Mộng-hà nói đến đấy, gác chén không uống nữa, bước lại gần bàn, lấy bút mực viết thơ Thạch-sị cũng bỏ rượu đứng lên, ra sân đi bách bộ. Bấy giờ trời đã nửa đêm, trăng sáng đầy sân, bốn bề lặng ngắt; nhìn quanh vắng vẻ, hàng lệ nhủ sa. Đứng một lúc thấy khí đêm lạnh buốt, mảnh áo đơn không chịu nổi gió sương, liền lại quay vào trong nhà. Lúc ấy Mộng hà đã ráp xong thơ đưa cho chàng, chàng vội vàng cầm lấy thơ đọc. Thơ rằng:
I — Khen anh chí cả tài cao,
Dọc ngang bể học, đời nào mấy ai?
Dở dang, ta chịu kém người,
Hoa hèn mấy độ khóc cười gió đông.
II — Cùng nhau tình ý đương nồng,
Ngồi rù, hát nhảm thật ngông đủ đường.
Đưa ai chén rượu canh trường,
Tóc đầu chưa bạc, hoa dương đã tàn.
III — Khóc đời hàng lệ chứa chan,
Học đòi thời thế muôn vàn không nên.
Thương ta, người bảo ta hèn,
Đắng cay ôm tấm dạ phiền đến nay.
IV — Phải rằng nghe hát mà hay,
Đường cùng giọt lệ vơi đầy ai đong!
Nghêu ngao khúc hát « Sang sông »,
Muốn bay không bổng cực lòng biết bao!
V — Cánh buồm vượt ngọn sóng đào,
Giang sơn nước cũ trông vào còn không?
Miễn cho thuyền đến non Bồng,
Trời Nam vui thật, đừng mong đường về.
VI — Không còn lệ khóc anh đi.
Thôi thì ném chén cười khì mà chơi!
Gươm ta, ta gác ngang trời,
Tặng anh vượt bể chém loài kình nghê.
VII — Trời cao bể rộng đê mê,
Bên cầu những lúc đi về nhớ anh.
Chiều hôm gió thổi đầy thành,
Anh đương vượt bể Thái-bình phải chăng?
VIII — Nương thân trong cảnh suối rừng,
Nước non quanh quất, trông chừng thấy chi.
Xuân về, ta ở, anh đi,
Gió trăng đất khách lấy gì làm vui?...
Thạch-si đọc xong cám ơn bạn mà nói: Anh đã quá yêu mà cho, lòng tôi vừa cảm, vừa thẹn. Muốn làm mấy bài họa lại, song trong óc lúc này thấy vơ vẩn những mối sầu ly biệt, tấc lòng đã rối, một chữ không ra. Vậy đợi khi tới Đông kinh, có rỗi thì giờ sẽ họa gửi về anh coi vậy. Mộng-hà nói: Viết láo mấy bài, chẳng qua là để đem tâm sự tôi mà nói cho anh rõ. Tự nghĩ lại thẹn chưa xứng đáng là thơ tiễn bạn, anh hiểu ý mà đừng chấp lời thế là đủ, họa lại mà làm gì! Cổ nhân có câu: « Xin anh ngồi rốn nửa giờ, còn hơn lúc khác viết thơ dài dòng. » Thì giờ này là thì giờ một khắc nghìn vàng ta không nên bỏ phí vào câu chuyện suông. Nói thế rồi, hai người lại lấy rượu cùng uống cho mãi đến lúc sáp nến đã tàn, khắc canh hồ cạn; nửa trời bóng trăng nhạt, quanh xóm tiếng gà mau; người nhà quẩy gói dục đi, chú lái cắm sào đứng đợi; Thạch-si mới trở vào từ dã cha mẹ, rồi lại ra với Mộng-hà. Lúc ấy mặt đất chưa rõ, người đi còn thưa; mầu cỏ trêu ngươi, tiếng chim tiễn khách; một người đứng đầu thuyền, một người đứng trên bến, cùng nhau chắp tay làm lễ từ biệt; « Anh ở tôi đi! Muôn vàn trân trọng! » Mông mênh khói nước cánh buồm thăm thẳm biết là về đâu.....
Mộng-hà đứng ngẩn người ra ở trên bến sông, một lúc mới lủi thủi về trường dạy học.