Cuộc nói chuyện với quan thống soái Sài Gòn ở trên đảo Côn Lôn

Cuộc nói chuyện với quan thống soái Sài Gòn ở trên đảo Côn Lôn  (1909) 
của Phan Châu Trinh

Theo Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng: Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường, Sài Gòn, 1951, trang 104 - 107

Tiểu dẫn: Ngày 8-9-1909, Quan Thống soái Sài Gòn ra ngoài đảo Côn Lôn cùng quan chánh tham biện ở đấy ra nơi trại cụ Tây Hồ ở và có cuộc đàm thoại. Theo thư cụ Tây Hồ gửi cho tôi (tức Huỳnh Thúc Kháng), thuật những lời vấn đáp như sau:

... Quan Thống soái hỏi:

- Ông còn có tư tưởng phản đối nước Pháp nữa không ?

Cụ trả lời:

- Bản tâm không có tư tưởng đó. Tôi phản đối cái chính sách ngược đãi người Việt Nam chúng tôi, chứ không phản đối nước Pháp.

- Có quen biết Phan Bội Châu không ?

- Chính anh em bạn.

- Vậy thì anh cũng là đảng bài Pháp chớ gì ?

- Phan Bội Châu hiệu Sào Nam là một tay hào kiệt ái quốc của nước Nam, trong nước không ai không biết tiếng. Ngày tôi ở Kinh đô Huế, thường qua lại luôn, đến nghị luận việc nước thì ý kiến giữa tôi với Sào quân, hai bên không đồng mà lại trái hẳn nhau.

- Trái nhau thế nào ?

- Phan Bội Châu nhận hẳn rằng người Pháp quyết không có thiệt lòng khai hóa cho người Nam, nên nói việc khai hóa, trước phải tìm cách đánh đổ chính phủ Pháp, mà muốn đánh đổ chính phủ Pháp, không nhờ cậy thế lực một nước mạnh ngoài, thì tự người Nam không làm gì được. Hiện nay, nước mạnh duy Nhật Bản là nước đồng văn đồng chủng nên cầu viện với Nhật Bản ...

Tôi bác cái thuyết trên của Sào quân, lấy lẽ rằng, người nước Nam chui rúc dưới chính thể chuyên chế đã trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dẫu có cậy sức nước ngoài, chỉ diễn cái trò "đổi chủ mà làm đầy tớ lần thứ hai", không có ích gì. Vả lại, nước Pháp là một nước làm tiên đạo văn minh cả hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên dụng tâm về mặt khai trí trị sinh các việc thực dụng. Dân trí đã mở, trình độ một ngày một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau ở đấy. Còn theo chính kiến "cậy sức nước ngoài" thì nó quanh co khúc chiết, mình không tự lập, ai là kẻ cứu mình, Triều Tiên, Đài Loan cái gương rõ ràng, người Nhật chắc gì hơn người Pháp.

Sào quân không nghe, cũng không nhận là phải, phủi áo ra đi, làm theo ý kiến mình.

- Vậy thì ông sang Nhật Bản là ý gì ?

- Chính kiến của tôi, trái với chính kiến của Sào quân, Sào quân sang Nhật có chỗ đứng chân, bèn phát biểu chính kiến của mình, làm sách làm báo gửi về trong nước, người nước Nam phần khổ với ngược chính của quan lại, gia dĩ sưu cao thuế nặng, không biết kêu van vào đâu. Đương giữa lúc người đau cần thuốc, co lâu muốn duỗi, được sách cổ động của Sào quân cổ xúy, gãi nhằm chỗ ngứa, cả nước đều hưởng ứng, một kẻ xướng muôn ngàn người họa, cái chính kiến "tự lực khai hóa" của tôi bị phong trào "Đông học" che át, không xuất đầu ra được, không ai thèm nghe, thực sự trăm phần thiếu thốn, mà cái tiếng trống kêu dội sẽ gây ra mối nguy hiểm cho đường tương lai của quốc dân, không thể tránh được. Bất đắc dĩ, tôi mới băng mình vượt biển thẳng sang Nhật Bản, thuật rõ tình hình phù tháo và cảnh tượng nguy hiểm trong nước cho Sào quân nghe, khuyên Sào quân chăm lo đào tạo bạn thiếu niên du học, mà gác tư tưởng hành vi "bạo động", đợi thời hội khác. Nhưng Sào quân nhất vị cố chấp, lấy lẽ rằng một nước êm đềm trong giấc ngủ như người bệnh gần chết, nếu không giống trống to, trương cờ lớn, thổi kèn, gõ mõ, làm như dông sấm, thì không sao đánh thức giấc ngủ kia được ...

Tôi ở Nhật Bản vài tháng, cùng Sào quân biện cãi nhiều lần, rút cục Sào quân không nghe, tôi bèn từ về, ấy là khoảng tháng 6 năm 1906.

- Về nước ông làm những gì ?

- Tôi không theo chính kiến của Phan Sào quân, cũng như Sào quân không theo chính kiến của tôi, ai làm theo sở kiến nấy. Về nước tôi trù cùng anh em đồng ý tổ chức lập ra những hội công khai như Học hội, Thương hội ... Nhưng vì sĩ phu nước Nam thuở nay chưa có cách tổ chức ấy, ban đầu mới khởi làm, không khỏi có vẻ kinh quái, những lời bàn nghị nổi lên, sẽ sinh ra lắm điều ngăn trở. Vì thế nên tôi trước làm bức thư điều trần, gởi lên quan Toàn quyền, quan Khâm sứ và đăng báo Tây, thuật rõ tình trạng trong nước cùng hiểm tượng Đông Dương, bản ý là cốt tỏ bày mối tâm sự, mở đường khai hóa sau này, chớ không có ý gì khác, không dè vì thế mà mang tội.

Quan Thống soái còn đang ngẫm nghĩ. Tôi (Phan Châu Trinh) nói tiếp: - Tôi xem sử Âu Tây có khi anh em một nhà mà chính kiến khác nhau huống là anh em bạn.

Thống soát gật đầu và nói:

- Ông nói phải, chính kiến không đồng nhau, cái đó vẫn thường. Ông muốn nói gì nữa không ?

- Tôi ra ngoài hòn đảo này đã gần hai năm, cách xa trong đất, tin tức không. Song có bọn tù ở Bắc Kỳ vào đây thuật chuyện ngoài ấy, nói biên giới Bắc Kỳ và phía Bắc Trung Kỳ thỉnh thoảng có những hành vi kịch liệt. Nhà nước xử bằng nghiêm hình trọng phạt, e nhân đó gây ra mối biến loạn to, cái đó rất là thất sách, không phải cách xử trí thích hợp.

- Tôi vâng lệnh quan Toàn quyền ra đây, cốt hỏi ý kiến ông, còn việc gì muốn nói cứ nói ngay, không can ngại gì.

- Vâng, tôi lúc ở trong nước, vào Nam ra Bắc, dân tình lại tệ, nghe thấy cũng nhiều. Khi các nhà đại chính trị sẵn lòng thâu thái, sẽ biên chép và trình bày sau, trong một cuộc đàm thoại không thể nói hết được.

- Ông ở lại mạnh giỏi, tôi sẽ đạt ý ông lên quan Toàn quyền, có lẽ chúng ta sẽ gặp nhau ở Sài Gòn nay mai.(*)

Chú thích

(*) Quả như lời quan Thống soái hứa trên, độ trên một tháng thì có chiếc tàu đặc phái ra đảo Côn Lôn đưa cụ Tây Hồ về Sài Gòn.