Đêm rằm, cậu Thượng Tứ leo lên xe mà đi, thiệt cậu giận vợ cành hông, song giận là giận vợ không mở tủ đưa bạc cho cậu xài, chớ cậu không có trách vợ về chuyện gì khác nữa. Cậu tính về nhà xin tiền mẹ, rồi trở qua thị nhục vợ chơi, nào dè xin tiền bà Kế hiền không cho, cậu thất vọng, cậu phiền luôn mẹ, nên mới tính đi vay bạc mà xài cho mẹ và cho vợ biết chừng.

Khi tới nhà ông Giáo Chuột, thì tâm sự của cậu chỉ có bao nhiêu đó mà thôi; trời khiến cậu lại gặp cô Hai Hẩu, mà gặp rồi cậu lại phát ái tình trong lòng, làm cho cậu ngờ ngẩn ngẩn ngơ, rồi cậu so sánh cô nọ với vợ nhà; hồi tối cậu mới hờn vợ mà thôi, mà tới khuya cái hờn ấy nó sâu thêm rồi hóa thành cái ghét.

Có được một ngàn đồng bạc trong bóp phơi rồi, cậu chưa tính để dùng mà xài cách nào, cậu quyết trở về nhà quăng trên mặt vợ mà nhục nó chơi đã, bởi vậy từ giã thầy thông Hàng tại khách sạn rồi thì cậu lên xe chạy thẳng qua chợ Ông Văn, đi ngang Mỹ Hội cậu không thèm ghé nhà.

Buổi sớm mới, cô Ba Mạnh tay bưng quảu[1] lúa ra đứng giữa sân mà rải cho bầy gà ăn. Gà trống, gà mái, gà mẹ, gà con đều chạy vù lại mà bao chung quanh cô, gà cồ vừa lượm lúa vừa vè đạp mái, gà mẹ vừa lo ăn vừa túc túc kêu con. Mấy con chim dòng dọc ở trên cây cũng đáp xuống rồi chen lộn với gà mà ăn lúa, vì mỗi bữa được ăn như vậy đã quen rồi, nên cô Ba Mạnh đứng đó, mà gà với chim không sợ chút nào hết.

Có lẽ cô Ba Mạnh cũng vui mà đãi cái tiệc sớm mơi ấy, nên cô đứng vãi lúa cho gà chim ăn mà miệng cô chúm chím cười. Thình lình cô nghe tiếng xe hơi chạy ồ ồ phía ngoài lộ, chắc là cô đã có ý trông xe chồng về, nên cô ngừng tay, không vãi lúa nữa, mặt lại day ra ngoài cửa mà ngó chừng. Cách chẳng bao lâu, thiệt quả xe của chồng quẹo vô cửa ngõ rồi chạy thẳng vô nhà xe. Cô Ba Mạnh lật đật vãi cho mau hết quảu lúa đặng có vô nhà.

Cậu Thượng Tứ cất xe rồi, cậu đi xăn xớm vô cửa, cậu thấy vợ đứng đó mà cậu không thèm ngó. Cô Ba Mạnh không hờn về sự lạt lẽo ấy, mà cô lại ngó chồng mà cười, rồi trút hết quảu lúa trên lưng mấy con gà đứng gần và xây lưng đi vô cửa nhà sau. Cô móc cái quảu trên vách, cô dặn mấy đứa ở sửa soạn nhúm lửa nấu cơm, cô biểu gọt trái bầu mà nấu canh, hái trái đu đủ mà làm gỏi, rồi cô thủng thẳng bước lên nhà trên. Cô thấy cha mẹ đương ngồi uống nước trà, không nói chuyện chi hết, mà cũng không có chồng cô ở đó, thì cô đi tuốt vô buồng.

Thượng Tứ đã thay đồ mát rồi, cậu đương nằm ngửa trên giường. Cô Ba Mạnh vừa ngó thấy chồng thì cô hỏi rằng:

- Hổm nay mình về bên nhà hay là đi đâu?

- Tôi muốn đi đâu tôi đi, mình không được phép tra hỏi.

- Tôi hỏi coi có phải mình về bên nhà thăm má hay không, chớ tôi tra làm chi.

Thượng Tứ muốn gây, mà bị vợ nói xuôi quá, cậu không có cớ gây được, bởi vậy cậu nín thinh mà mặt coi quạu lắm. Cô Ba Mạnh muốn dã lã cho chồng hết giận, nên cô cười và hỏi rằng: “Chắc bữa hổm mình biểu tôi đưa bạc, tôi không đưa, mình giận nên mình đi đó chớ gì, phải hôn?”.

Thượng Tứ vùng ngồi dậy mà nói rằng: “Còn nhắc tới chuyện đó nữa à! Tôi nói cho mà biết, đừng có tưởng tôi mạt, nên bòn tiền của vợ mà ăn. Cái giàu của mình đó tôi xài một vài bữa là hết, không giàu bao nhiêu đâu, đừng có làm phách. Muốn xin tiền đặng để thêm vô tủ hôn? Như muốn tôi cho”. Cậu và nói và mở bóp phơi lấy xấp giấy xăn liệng trên giường nghe một cái xạch.

Cô Ba bị chồng nhiếc mà cô cũng cười và đáp rằng: “Tôi có khoe với mình tôi giàu hồi nào đâu mà mình mắng tôi … Mình có tiền nhiều thì mình xài, mình cho tôi làm chi. Thuở nay tôi có biết xài việc gì đâu”.

Thượng Tứ trợn mắt nạt rằng: “Nín. Tù mặt thấy phát ghét”.

Cô Ba mạnh nghe tới mấy lời đó, cô mới hết cười nữa được, cô đứng ngó ngay mặt chồng, rồi cô bước ra ngoài.

Bà Hội đồng thấy con thì bà hỏi rằng:

- Thằng Ba nó về nãy giờ, sao nó đi đâu mất vậy kìa?

- Thưa, nằm trong buồng.

- Kêu nó ra cho má hỏi thăm chút coi nào.

Cô Ba Mạnh không dám không vưng lời mẹ, nên cực chẳng đã cô phải trở vô buồng, song truyền lịnh mẹ cho chồng rồi thì cô ra liền và đi thẳng xuống nhà dưới.

Thượng Tứ thức cả đêm nên mệt, phần đương gây gổ với vợ nữa, bởi vậy cậu bước ra, tóc chôm bôm, mặt bí sị, coi không có vẻ thanh tao nho nhã chút nào hết.

Bà Hội đồng tay xĩa thuốc sống, mắt liếc ngó rể mà hỏi rằng:

- Hai bữa rày con về bên nhà hay là đi đâu?

- Thưa, về bên nhà.

- Chị ở nhà mạnh há?

- Thưa, mạnh.

Bà ngồi nín thinh ngó ra ngoài sân một hồi rồi bà hỏi nữa rằng: “Con giận vợ con nên con đi hổm nay đó phải hôn? Con đừng có dại như vậy. Con có cần dùng tiền mà mua sắm vật chi, sao con không hỏi thầy của con, hoặc hỏi má, con lại biểu vợ con mở tủ lấy mà đưa cho con? Vợ của con nó thiệt thà lắm. Thuở nay má cho tiền nó nhiều khi nó cũng không lấy nữa; tuy là nó giữ chìa khóa, chớ chẳng bao giờ nó dám lấy một đồng xu trong tủ. Con biểu như vậy, nó đâu có dám nghe lời con. Con đừng có dại như vậy nữa. Con ở bên nhà thì có chị; về bên nây thì có thầy má. Con muốn làm việc gì, con phải thưa cho cha mẹ biết, Con biểu nó đưa tiền cho con chi vậy?”.

Thượng Tứ nghẹn cổ, không có sẵn lời mà đáp, cậu đứng suy nghĩ một chút rồi mới nói rằng:

- Thưa, tôi muốn thử bụng vợ tôi, nên tôi biểu chơi coi nó nghe lời hay không, chớ có phải là tôi thèm đồng tiền của nó đâu.

- Con thử bụng nó, mà nó không chịu đưa tiền, sao con lại mắng nhiếc giận hờn nó rồi bỏ mà đi về bển?

- Tại tôi thử bụng nó mà nó trở lại khinh khi tôi quá. Nó trọng đồng tiền, coi đồng bạc lớn bằng bánh xe, nó không biết nhơn nghĩa gì hết. Nó tưởng tôi cưới nó đặng đoạt gia tài của nó hay sao không biết. Tôi có phải mạt ở đâu, mà nó khinh khi tôi quá.

- Con đừng có nói như vậy. Con của má đẻ, má nuôi nó nhỏ lớn, má không biết tánh ý nó hay sao. Con Mạnh có bao giờ mà nó khi dễ ai. Rất đổi là đứa ở trong nhà hoặc là tá điền tá thổ, mà nó cũng chẳng hề khinh thị ai, có lý nào chồng nó mà nó khinh khi… Vợ chồng còn nhỏ, nói chơi với nhau, một đứa hơn một tiếng tự nhiên sanh xích mích. Thôi, bỏ chuyện đó đi, đừng có giận hờn chi nữa hết. Con có muốn xin tiền làm chi, thì nói với má đây; nếu nên cho thì má cho, bằng không nên thì thôi, chớ con đừng có hỏi vợ con nữa, nó không có tiền riêng tư gì đâu mà hỏi.

- Tôi hỏi nó chơi, chớ tôi thiếu gì tiền đây.

Thượng Tứ và nói và phành bóp phơi đưa xấp giấy xăn cho mẹ vợ coi.

Ông Hội đồng Thưởng nãy giờ ngồi lặng thinh để nghe vợ nói chuyện với rể, đến nỗi rể kiếm lời nói gay gắt con gái của ông, ông cũng không thèm can dự đến. Chừng ông thấy rể phành bốp khoe bạc, phát biểu cái thái độ vô lễ với cha mẹ ông không thế dằn lòng nữa được, ông mới nói rằng: “Con giàu, thầy với má cũng vẫn biết, con phải khoe làm chi. Ở đời lễ nghĩa mới quí, chớ giàu hay là nghèo cũng không có nghĩa gì. Con về ở bên nây hơn một tháng nay, thầy coi con còn thiếu xót đạo làm người nhiều lắm. Con có vợ rồi, nay mai đây con sẽ có con, chớ không phải còn con nít, mà con không tính làm ăn chi hết, bữa nào cũng leo lên xe đi chơi hoài. Đời nầy chơi thì hư thân, chớ chơi mà có ích gì. Đi chơi tự nhiên phải cập bè cập bạn, người tốt thì ít, người xấu thì nhiều, họ rủ bài bạc, rượu chè, đĩ thả, hễ sa mê vô thứ nào cũng phải chết hết thảy. Con là con rể, bây giờ con ở với thầy nên thầy phải chỉ chỗ quấy của con cho con chừa. Con đừng có đi chơi nữa; thầy nói chắc, hễ con đi chơi hoài thì con phải hư … Bữa nay sẵn dịp, thầy cũng chỉ luôn cái tánh xấu của con cho con biết mà sửa mình. Thầy dòm coi con ở trong nhà đối với vợ con, thì con lỗ mãng, còn đối với cha mẹ thì con ngang tàng lắm. Con là con nhà tử tế, con phải giữ lễ phép, con phải ăn nói cho đúng đắn, đừng có vút vắt nghinh ngang người ta cười. Con phải coi cách ăn ở của thiên hạ mà bắt chước. Dầu con giàu, con cũng phải giữ lễ nghĩa, chớ không nên ỷ giàu mà nghinh ngang. Thầy ít hay nói, mà vì thầy thấy con làm quá, nên thầy phải nói cho con biết”.

Thượng Tứ gục mặt mà nghe, nhưng vì ông Hội đồng nói phải mà ông nói nặng lời, bởi vậy cậu chừ bự, coi bộ không vui nghe chút nào hết.

Bà Hội đồng thấy vậy bà bèn nói rằng: “Từ nhỏ chí lớn nó mắc đi học, nó chưa hiểu việc làm ăn, nó chưa thạo cách ở đời, nên nó mới như vậy đó. Để thủng thẳng tập lần nó … Con phải ráng mà nghe lời thầy con dạy. Con phải coi cách ăn ở của anh Hai con đó mà bắt chước. Dầu con học chữ Tây, chớ con cũng là người An nam, phải ăn ở theo An nam coi mới được. Cha mẹ thương con nên mới dạy con. Nếu con biết thương cha mẹ thì con phải nghe lời, đừng có ham chơi bời, rủi sa bước vào đường không phải rồi chị bên nhà phiền trách cha mẹ. Thôi, con coi nhựt trình hay là làm việc gì thì làm đi”.

Thượng Tứ bỏ đi vô buồng, mà sắc mặt coi quạu lắm. Cậu đi qua đi lại mà bộ cậu hầm hầm, cậu giận vợ, giận cha vợ, giận mẹ vợ, giận mẹ ruột, giận hết thảy. Cậu trách vợ sao học chuyện mình biểu đưa bạc cho cha mẹ nó hay chi vậy? Cha vợ có quyền gì mà được rầy mình? Mẹ vợ không biết dạy con mà còn nói hơi binh con chớ! Tại mẹ mình ép uổng nên mình mới vướng cái bọn khốn nạn nầy! Cậu đi vòng một hồi mỏi chơn, rồi cậu lên giường mà nằm, cậu đạp gối hất mền nghe đùng đùng. May lúc ấy bà Hội đồng mắc đi ra sau vườn, nên không hay cách cùng quằn của cậu đó. Vì cậu thức chơi một đêm đã mệt rồi, nên tuy cậu giận, song cậu nằm một lát rồi cậu ngủ quên.

Cơm dọn xong rồi, bà Hội đồng biểu con vô buồng kêu rể ra mà ăn. Cô Ba Mạnh bước vô thấy chồng nằm nghinh ngang trên giường mà ngủ khò, cô lại gần nắm tay mà lúc lắc! Thượng Tứ mở mắt thấy vợ thì hỏi rằng: “Muốn cái gì”. Cô Ba Mạnh cười mà đáp rằng: “Dậy ăn cơm. Cơm dọn rồi, thầy má chờ ở ngoải”.

Thượng Tứ day mặt vô vách. Cô Ba Mạnh sợ cha mẹ chờ đợi cực lòng, nên cô kêu nữa, khuyên chồng dậy ăn cơm một chút rồi sẽ ngủ lại. Tiếng cô khuyên chồng thiệt là dịu ngọt, tiếc vì tiếng ấy nói với Thượng Tứ chẳng khác nào nước cam lộ mà rót trên cục đá, rót thì uổng nước, chớ đá có biết mùi ngon ngọt chút nào đâu.

Cô Ba Mạnh khuyên vừa dứt tiếng, thì Thượng Tứ nạt rằng: “Ăn uống gì thì ăn đi. Không ai thèm ăn đâu: Kêu nữa đánh thấy cha đa!” Phận làm phụ nữ, may gặp chồng tử tế thì nhờ, rủi gặp chồng lổ mãng thì chịu, song lổ mãng thì nhiếc mắng rầy rà chẳng nói làm chi, chớ lổ mãng mà tới chửi cha thì phàm nhơn còn nịch lục căn lục trần, có thế nào mà nín cho được. Cô Ba Mạnh giận run, cô đứng ngó chồng mà nói rằng:

- Tôi có quấy, hay là mình có giận, thì mình mắng nhiếc tôi, chớ cha tôi có can phạm gì mà mình nói động tới cha tôi!

- Ừ! Tao nói vậy a. Làm sao tao?

- Té ra mình là quân du côn mà!

- Du côn hả?...

Thượng Tứ vừa nói vừa ngồi dậy, vói tay đánh một thoi, trúng ngay con mắt bên tả của vợ. Ba Mạnh ôm mặt kêu trời và chạy ra. Hai vợ chồng ông Hội đồng nghe con la, không biết chuyện gì, nên bỏ mâm cơm, lật đật chạy lên nhà trên: Ông thấy con đậy con mắt mà khóc, thì ông biết con đã bị chồng đánh, nên ông bước vô cửa buồng mà hỏi rằng: “Mầy lầm cái gì vậy hử? Vợ chồng dầu phải dầu quấy cũng lấy tiếng nói mà nói với nhau, chớ sao mầy lại đánh nó? Mầy thiệt vô phép quá! Cha chả! Rất đổi ở bên nây mà mầy còn như vậy, nếu cưới mà đem về bển thì mầy giết nó còn gì”.

Bà Hội đồng gỡ tay con mà coi, thì thấy con mắt bên tả đỏ lòm, mà phía trên chơn mày lại u một cục nữa. Bà chắt lưỡi than rằng: “Trời đất ơi! Nó đánh như vầy, may hôn lọt tròng còn gì!”. Ông nghe nói “lọt tròng”, ông lật đật trở ra mà coi. Ông thấy thương tích, ông càng thêm đau lòng, nên ông la lớn rằng : “Bà đi Mỹ Hội, bà mời chị sui qua đây. Nghinh ngang quá như vầy không ai chịu nổi! Tôi coi mòi tôi đã biết trước. Tại bà gấp lắm, bà sợ con Mạnh ế chồng, nên bà giục giả. Đó, bà thấy hay chưa, hử?”.

Bà huỡn đãi đáp rằng :

- Vợ chồng con nít, sao cho khỏi rầy rà với nhau. Ông nóng quá. Chuyện gì cũng thủng thẳng mà nói, chớ làm om sòm chi vậy.

- Nó ăn ở như vậy, bây giờ tôi phải năn nỉ nó hay sao? Hứ! Còn binh nữa chớ!

- Không phải binh. Nó là con rể, nó có quấy thì thủng thẳng mà nói cho nó biết. La ó làm chi?

- Bà đi ăn cơm đi. Thôi, đừng thèm nói gì nữa hết. Có thằng Tiều hay đứa nào đó, bây lại chợ mướn một cỗ xe ngựa qua Mỹ Hội mời chị Kế hiền qua đây. Đi đi cho mau.

- Thôi mà! Chuyện chút đỉnh, mình nói với nó, mời thỉnh chị sui làm gì?

- Mời chỉ qua đây, coi chỉ xử làm sao chỉ xử đi cho xong.

- Làm như vậy vỡ lỡ cùng hết. Xin ông đừng có nóng nảy mà mích lòng sui gia. Chỉ có xúi con như vậy hay sao mà mình mời qua đặng trách móc chỉ. Để bữa nào gặp chỉ rồi tôi sẽ nói chuyện cho chỉ nghe cũng được mà... Bầy trẻ, đừng có đi Mỹ Hội đa bây.

Ông Hội đồng cưng con, ông thấy con bị đánh thì ông nổi nóng, nên ông rầy quá. Mà người nóng mau thì nguội cũng mau, bởi vậy bà nói một hồi thì ông bớt giận, ông không biểu đi mời chị sui nữa, ông hỏi con chớ tại sao mà chồng đánh. Cô Ba Mạnh và khóc và nói rằng : “Tôi kêu ra ăn cơm, chớ tôi có làm sao đâu. Khi không rồi đòi đánh thấy cha tôi. Tôi giận tôi cự, rồi nhảy thoi tôi”.

Ông nghe nói ông nổi giận hơn nữa; ông trợn mắt nói rằng : “Đó, bà nghe hay không?”.

Bà nói : “Thôi, thôi” rồi bà hối con rửa mặt. Hai vợ chồng ông Hội đồng cũng đi xuống nhà dưới rồi ngồi lại bàn ăn cơm, ông còn giận rể, thương con, bà mắc lo tính giải hòa, nên hai ông bà không nói chuyện chi nữa hết. Cách chẳng bao lâu, bỗng nghe ngoài nhà xe có tiếng xe hơi lên máy rồi chạy ra cửa. Bà Hội đồng kêu thằng Tiền là, đứa ở, mà hỏi rằng :

- Thằng Ba nó đi xe phải hôn?

- Thưa phải. Dượng Ba kêu tôi biểu tôi vác rương để lên xe cho dưởng, rồi dưởng quây máy dưởng đi.

Bà Hội đồng chống đũa ngồi thở ra.

Ông Hội đồng châu mày nói rằng : “Ối! Thứ đồ như vậy, nó đi đâu nó đi cho khuất con mắt; nuôi nó ở trong nhà như nuôi ong tay áo, nó làm mình nhọc lòng chớ có ích gì”.

Bà ngó ông mà đáp rằng :

- Ông nói kỳ cục quá! Tay lỡ dính chàm, mình nỡ chặt tay hay sao? Tuy tánh nó ngang tàng, song nó còn con nít, cũng như mụt măng, để thủng thẳng mình uốn mình sửa nó, chớ ông nóng quá, ông bẻ gãy còn gì.

- Tôi coi rồi, thằng đó hoặc may ông trời sửa nó, chớ ai mà sửa nó được. Bà nghĩ đó coi, tôi mới nói phải quấy cho nó nghe đó, nó vô buồng nó đánh vợ nó rồi nó chưởi tôi. Tôi hiểu mà, nó đánh vợ nó đó là nó đánh gởi cho tôi đa. Chứa nó trong nhà đây mai một nó đánh tới tôi nữa.

- Hồi gả con, ông giao bắt rể. Bây giờ không chứa nó trong nhà sao được.

- Rể tử tế thì mình nuôi nó, chớ thứ rể như vậy mà nuôi làm gì!

- Nếu ông không chịu nuôi nó nữa, ông trả nó về bển, thì ông phải cho con Mạnh đi theo.

- Ý! Được đâu! Rất đỗi ở bên nây mà nó còn dám làm như vậy, cho theo về bển nó giết con nhỏ còn gì.

- Chớ vợ chồng con nít, mà ông biểu một đứa ở một nơi vậy sao được.

Ông ngồi lặng thinh mà ăn hết chén cơm rồi ông quăng đũa đứng dậy mà nói rằng : “Tại bà đa! Tại bà giục gả lắm, bây giờ như vậy đó cho sáng con mắt bà”.

Mới 9 giờ sớm mai mà con Mang đã bưng mâm cơm lên để trên ván, rồi chạy ra vườn kiếm chủ mà mời vô ăn.

Bà Kế hiền đương coi cho thằng Ngộ bẻ dừa, bà nghe mời ăn cơm thì bà nói rằng : “Tao mới nhai miếng trầu chưa dập mà ăn cơm giống gì. Vô lấy lồng bàn[2] mà đậy lại, để tao coi cho nó bẻ hết liếp nầy rồi tao vô”. Thằng Ngộ bẻ dừa quăng dưới đất thùi thụi. Bà Kế hiền mặc áo bà ba xuyến đen, quần lụa trắng, chơn đi guốc sơn đỏ, đầu đội khăn hột mè, bà đứng một tay chống nạnh, một tay xỉa thuốc, bộ tướng mạnh mẽ lắm, coi thế các con chưa dẽ hưởng gắp huê lợi ruộng đất được.

Bà ngước mặt mà đếm coi còn mấy quày dừa sẽ bẻ được, thình lình bà nghe tiếng xe hơi chạy ngoài lộ, tới nay cửa ngõ rồi lại bóp kèn mà quẹo vô nhà. Bà chắc là Thượng Tứ về nên trong trí bà nghĩ thầm rằng : “Thằng hay đi quá! Mới về bển hồi xế hôm qua, bữa nay lại trở qua nữa!”. Ban đầu bà tính không thèm vô, mà một lát bà nghĩ không biết chừng con chưa ăn cơm, nên bà vô đặng cho nó ăn với bà, kẻo đồ ăn nguội hết. Bà vô tới sân, thiệt thấy xe nhà, song Thượng Tứ đã vô nhà rồi nên bà không gặp. Bà vô tới trong nhà mới thấy Thượng Tứ mặc một bộ đồ lụa trắng, đương đứng rửa mặt. Bà vừa cười vừa nói rằng :

- Thằng quỉ này nó có cái xe nó đi mãi. Ăn cơm rồi chưa?

- Chưa.

- Thôi, rửa mặt rồi đi ăn cơm luôn thể. Mang a, lấy thêm chén đũa, con.

Bà bước lại dở lồng bàn lên mà dẹp một bên, rồi bà bưng tô nước mà súc miệng. Con Mang bới cơm và đem thêm một cái chén một đôi đũa. Mẹ con ngồi ăn cơm. Bà nói chuyện dong dài, song bà không dè nên bà không nói tới con dâu. Cậu còn giận mà lại mệt, nên cậu ừ hữ cầm chừng với mẹ, và riết hết chén cơm rồi cậu đi uống nước.

Cậu đương đứng tại cửa sau, cậu thấy thằng Ngộ ngoài vườn đi vô, cậu kêu mà nói nhỏ ít tiếng rồi cậu bỏ vô buồng mà nằm.

Bà Kế hiền ăn cơm rồi, bà thấy vắng con, bà bước vô buồng con, thì thấy con đã ngủ khò. Ba quay trở ra, lại gặp thằng Ngộ vác rương đi vô. Bà hỏi rằng:

- Rương ở đâu vậy?

- Thưa, rương ở đâu không biết, cậu Tư chở trên xe. Hồi nãy cậu có biểu tôi chừng ăn cơm rồi ra vác đem vô buồng cho cậu.

- Rương nầy là rương của nó mà. Nó đem về bên nây làm gì.

Thằng Ngô vác thẳng cái rương vô buồng mà để. Bà Kế hiền bước vô dở nhớm nấp rương bà thấy rương khóa chặt, nên bà trở ra bộ ván gõ giữa mà nắm. Cái rương ấy nó làm cho bà phải suy nghĩ hoài, nên bà nằm không yên, một lát ngồi dậy ăn trầu rồi nằm xuống, bà không đi ra ngoài vườn nữa.

Đến nửa chiều, Thượng Tứ mới thức dậy. Bà Kế hiền đợi cậu rửa mặt chải đầu xong rồi bà mới hỏi rằng:

- Sao con đen rương con về bên nây?

- Chớ để bển làm giống gì?

- Sao vậy?

- Tôi không thèm ở bển nữa.

- Thằng quỉ nầy, khéo nói nhiều chuyện hôn! Giao ở bển, thì phải ở chớ nói chúng chứng với ai vậy?

- Má muốn ở thì má qua đó má ở. Tôi không thèm ở nữa đâu. Đồ khốn nạn quá, ai ở cho được.

- Cha chả! Con gì mà ngang tàng quá như vầy không biết! Ai khốn nạn? Khốn nạn làm sao đâu nói nghe thử coi?

- Một lũ khốn nạn hết thảy. Con đó cũng vậy, mà cha mẹ nó cũng vậy.

- Trời ơi! Nó nói hơi dộng đầu xuống đất, trở cẳng lên trời, ai chịu nổi thì chịu thử coi nè! Ai đời cha mẹ vợ nó mà nó dám kêu là một lũ khốn nạn chớ! Khốn nạn làm sao đâu, tao biểu mầy nói cho tao nghe sao mầy không nói?

- Đồ gì mà hễ mở miệng ra thì binh con. Tại má a, tại má cho tôi ở bển, họ tưởng đâu tôi mạt rồi, theo ăn chực cơm của họ, nên họ mới làm phách như vậy đó.

- Trời đất ơi! Người ta hiền lành hết sức, vợ chồng cắn cơm không bể, mà nó dám nói nhiều chuyện như vậy chớ. Ý hị! Vô phước quá... Tao biểu mầy phải trở qua bển mà ở. Cưới vợ giao ở bên vợ thì phải ở, tao không chứa mầy đâu.

- Ủa! Mà không chứa sao được. Nhà của tôi thì tôi ở, má có phép gì má đuổi?

- Ừ, tao đuổi mầy qua bên vợ mà ở, tao không cho ở trong nhà tao.

- Nhà gì mà nhà của má? Má dở tờ di chúc của cha ra mà coi. Cha trí nhà nầy làm nhà thờ, cha giao cho tôi ở mà phụng tự ông bà, má đuổi tôi cái gì?

Bà Kế hiền nghe nói tới câu đó thì bà giận muốn ói mật. Bà nghẹn cổ, ứa nước mắt, bà nói không được nữa, nên bà vói tay kéo ô trầu lại gần têm mà ăn. Thượng Tứ bỏ đi vô buồng. Bà Kế hiền leo lên võng năm đưa lúc lắc, tay gát qua trán, miệng nhóc nhách nhai trầu, một lát nghe bà thở dài một cái, thì đủ biết bà lo rầu lung lắm.

Cách một hồi lâu, Thượng Tứ ở trong buồng bước ra, mình mặc một bộ đồ tây tút xo, đầu đội một cái nón nỉ xám sậm, mùi dầu thơm bay bát ngát. Bà Kế hiền ngồi dây hỏi rằng:

- Bây giờ tính đi đâu mà thay đồ tây đó hử?

- Đi lên chợ chơi.

- Chơi hoài! Chơi làm chi không biết! Nầy con, con ngồi đó, để má nói cho con nghe. Con đừng có dại như vậy. Vợ chồng có giận nhau, con nói vợ con làm sao con nói, con đừng có hỗn với cha mẹ vợ chớ. Con nói bậy nói bạ, sui gia người ta phiền tới má, biết hôn? Thôi, con đi với má về bển, đặng má giáp mặt con Tư, má hỏi coi tại sao mà rầy rà với nhau như vậy. Con ngồi đó chờ má gỡ đầu rồi má đi với con.

- Má đi đâu má đi. Tôi lên chợ tôi chơi. Tôi nhứt định không thèm bước chưn tới nhà đó nữa đâu; tôi thề nếu tôi trở về đó nữa thì lịnh ông Quan Đế vặn họng tôi đi.

- Ê! Đừng có nói bậy nà! Chuyện gì mà thề. Nhà cha vợ con mà con không tới, vậy chớ con tới nhà ai?

- Tôi không thèm vợ con gì nữa hết.

- Ủa! Không thèm sao được? Vậy chớ vợ của con đó, con bỏ cho ai?

- Nó lấy ai nó lấy, tôi bỏ, tôi không thèm nữa.

- Con nói cái gì vậy?

- Đồ như chúa ôn, mà cha mẹ nó nói hơi cầu cao; tôi ghét lắm; tôi nhứt định bỏ, để kiếm vợ khác coi có hơn nó hay không mà.

- Ý hị! Có vợ như vậy mà còn chê người ta tệ mạng, thiệt má không biết nói sao nữa được. Má nghĩ má vô phước quá! Mà sanh có một mình con, mọi việc má đều lo cho con hết thảy, đến nỗi đầu nầy oán, đầu kia thù cũng vì con, mà bây giờ con không biết thương má, thiệt má tiếc lắm.

- Tôi có nói má giống gì đâu, mà má nói tôi không thương má?

- Con thương má sao má nói con không chịu nghe lời.

- Má biểu giống gì bây giờ tôi cũng chịu hết thảy, duy có trở về bên vợ, thiệt là không được. Họ kỳ quá mà; họ nói tôi nghe tôi ghét quá, ở chịu sao nổi.

- Má biểu con có một việc đó…

- Không được, tôi có thề rồi.

Thượng Tứ nói dứt tiếng liền bước ra cửa leo lên xe mà đi.

Bà Kế hiền lắc đầu, thấy con như vậy bà buồn quá, nên nằm chèo queo trên võng, ăn một đợt năm sáu miếng trầu, mà bà không nói với mấy đứa ở một tiếng chi hết.

Đêm đó Thượng Tứ không về ngủ, mà sáng bữa sau đến chín mười giờ cũng không thấy cậu về. Bà Kế hiền chờ hết hơi mà không được, cùng thế bà biểu dọn cơm cho bà ăn, rồi bà mướn một cỗ xe ngựa mà đi qua chợ Ông Văn, bà tính qua trước thăm chị sui, sau hỏi coi tại làm sao mà con dâu bất hòa với nhau như vậy.

Trời nắng chang chang, gió thổi phay pháy. Xe chạy cục kịch trên bờ lộ, một lát người xa phu phải giựt cương, tróc lưỡi, hoặc phải lấy roi mà quất nhẹ nhẹ một cái trên đít, con ngựa mới nhớm chạy mau mau, mà mau đó là mau theo sức ngựa dở mà thôi, bởi vì bà Kế hiền ngồi trên xe bà buồn, nên bà trông chừng hoài, mà không thấy tới. Chớ chi đi đường có ai nói chuyện, hoặc có cảnh chi lạ mà ngó chơi, thì có lẽ cũng giải khuây được; ngặt vì bà ngồi một mình với tên xa phu, hai bên ruộng lúa, trước mặt cũng ruộng, sau lưng cũng ruộng, đám lúa đương trổ thì coi màu xám xám, đám lúa gần chín thì coi màu vàng vàng, trên lộ không thấy kẻ đi đường, ngó chừng mấy xóm xa xa chỗ nào cũng dừa với cau chớ chẳng có chi lạ mắt. Bà buồn chừng nào, bà càng nhớ tới chuyện con, mà nhớ tới chuyện con bà còn lo rầu hơn nữa.

Xe ngừng ngoài cửa ngõ, bà Kế hiền thủng thẳng che dù đi vô. Mấy con gà đương rảo trước sân kiếm ăn, chúng nó thấy bà thì vụt chạy. Con chó mực nằm ngủ trước thềm, nghe động đất nó cũng thức dậy mà sủa.

Bà Hội đồng đương nằm trên ván, bà ngó thấy chị sui, bà lật đật bước ra la chó rồi mời chị sui vào. Bà kêu mấy đứa ở biểu chến nước lấy trầu; bà lấy dao bửa cau, bà kêu đem ống nhổ. Bà Kế hiền ngó chừng mấy cửa buồng rồi ngó xuống phía nhà dưới, có ý kiếm con dâu. Cô Ba Mạnh mình mặc một cái áo xuyến cũ, một cái quần lãnh đen nhục nhục, chơn không có giày guốc chi hết, cô ở dưới nhà dưới đi lên chào mẹ chồng, bộ vui vẻ như thường. Cô xin với mẹ trao con dao với trái cau lại cho cô bửa. Bửa cau rồi cô đứng cắt cuống trầu; bà Kế hiền liếc dòm cô, bà chẳng thấy có vẻ chi lạ.

Ông Hội đồng ăn cơm rồi ông nghỉ trưa trong buồng. Ông nghe nói có khách chộn rộn, ông bước ra chào hỏi chị sui, rồi ông ngồi bên bộ ghế giữa, vấn thuốc mà hút.

Hai bà sui, bà nào cũng muốn đem chuyện con mà nói, song không bà nào dám khởi đầu, bởi vậy ngồi uống nước ăn trầu nói chuyện với nhau rất lâu, mà chẳng nghe nói chuyện chi khác hơn là hỏi thăm mùa màng, hỏi ruộng trúng hay thất, hỏi lúa chín hay chưa.

Ông Hội đồng tánh chơn chất, ít nói mà nóng nảy, ông ngồi chờ hoài ông lấy làm khó chịu, nên vùng hỏi chị sui rằng:

- Thằng Ba nó có về bên chị hay không?

- Thưa, nó về bển.

- Hôm qua nó đánh vợ nó rồi nó chở đồ đi, nó không thèm nói với vợ chồng tôi một tiếng gì hết.

- Bất nhơn dữ hôn! Sao mà tới đánh vợ nó lận? Hèn chi nó về bển bộ nó buồn hiu. Tôi hỏi nó về chi mà về hoài vậy: nó nói về chơi. Tôi tưởng thuở nay nó ở nhà nó quen, qua ở bên nây nhà lạ nó nhớ nhà nên nó buồn, chớ tôi có dè chuyện gì đâu.

- Thằng quá quắc lằm mà. Tôi nói trước cho chị biết, nó phải hư. Tôi coi rồi, thằng bất trị lắm, làm thế nào nó cũng không nên được.

Ông Hội đồng nói vắn tắt mà châm hẩm lắm, làm cho bà Kế hiền ngồi ngẩn ngơ, không biết sao mà trả lời.

Bà Hội đồng thấy vậy, bà muốn sửa câu chuyện nghe cho dịu ngọt, nên bà nói rằng: “Thằng Ba nó về bên nây hơn một tháng nay, tôi coi ý nó còn ham chơi quá. Bữa nào nó cũng xách xe đi chơi hoài, không nghe nó tính làm ăn chi hết. Đời nầy thiên hạ họ ma qủy lung lắm. Đi chơi làm giống gì. Mình có ăn, mình đi chơi rồi kẻ không phải nó rù quến bậy bạ, có phải hại cho mình hay không...”.

Bà Kế hiền không đợi cho chị sui nói hết câu chuyện, bà chận mà đáp rằng:

- Chị nói phải lắm. Đi chơi thì hại chớ có ích lợi gì. Tôi thưa thiệt với anh chị, tôi có một mình nó, tôi cưng nó quá, nên từ hồi nhỏ cho tới bây giờ nó chúng chứng muốn ngang nào được ngang nấy. Nay nó về bên nây với anh chị, tôi xin anh chị răn dạy nó giùm cho tôi. Nó sợ anh chị có lẽ nó sửa tánh được.

- Vợ chồng tôi thấy nó mới về ở, nếu dạy dỗ nó gấp quá e nó buồn.

- Có hại gì! Chị thấy nó làm sái chỗ nào, chị rầy liền nó đi mà. Nó là con rể trong nhà. Ngại giống gì.

- Chớ chi nó đi chơi, mà về nhà nó ăn ở cho có lễ nghĩa chẳng nói làm gì. Cái nầy nó đi riết hết tiền, rồi bữa hổm nó biểu vợ nó phải mở tủ sắt lấy bạc đưa cho nó. Vợ nó không dám, nó mắng chưởi rồi leo lên xe mà đi, nó không thèm nói một tiếng gì với vợ chồng tôi hết.

- Thằng bất nhơn quá! Vậy mà tôi có hay đâu! Nó về ở bển mấy bữa, nó có nói giống gì đâu mà biết. Tôi có cho nó mấy trăm đồng bạc, sao nó không lấy bạc đó mà xài, lại hỏi vợ nó chi vậy kia. Có lẽ nó muốn thử bụng con Tư hay sao chớ?

- Thưa phải. Sớm mới hôm qua nó về. Thầy nó có nói chuyện phải quấy cho nó nghe. Nó nói nó muốn thử bụng vợ nó, chớ không phải nó muốn xài đồng tiền của vợ chồng tôi. Nó phành bốp, chưng giấy xăn với vợ chồng tôi, coi ngộ lắm...

- Thằng dại quá!

- Thưa, nó dại thiệt. Bởi thấy nó dại, nên vợ chồng tôi cũng không chấp gì.

- Thưa, phải. Nớ là con rể trong nhà, nó khờ dại thì anh chị trong nhà rầy la nó, chớ có lẽ nào mà chấp nhứt.

- Chưa có rầy la. Thầy nó mới giảng chỗ phải chỗ quấy cho nó nghe mà thôi. Tưởng là nó biết nghe, té ra mới nói với nó đó, rồi nó vô buồng nó chưởi vợ nó nát tan hết. Con nhỏ tôi nó không biết chưởi, mà thẳng cứ theo chưởi cha nó hoài. Nó giận nên nói đi nói lại, rồi thẳng nhảy nắm đầu thoi đạp nó gần chết. Đó, bữa nay mà con mắt còn đỏ, trán còn u một cục đó … Con Mạnh mới đây bỏ đi đâu mất rồi? Lên biểu đây con.

Cô Ba Mạnh ở dưới nhà dưới đi lên, cặp mắt cô ướt rượt. Bà Kế hiền ngó mặt dâu và nói rằng: “Thằng bất nhơn ác nghiệt quá! Thiệt nó là du côn rồi! Để tôi về tôi biểu bầy trẻ căng dùi nọc, tôi đánh nó cho nó tởn. Dầu quấy, dầu phải, cũng thủng thẳng lấy tiếng nói mà nói, chớ sao lại đánh người ta”.

Bà Kế hiền vẫn biết tánh nết con; bà nghe như vậy thì bà chắc là có, nên bà buồn lung lắm. Bà lấy trầu têm mà ăn, mà ba suy nghĩ coi phải dùng lời nào mà chữa lỗi cho con. Bà ngồi một hồi lâu rồi nói rằng : “Con tôi nó ở bên nây, mà nó không kiêng nể anh chị, nó đánh vợ nó như vậy, thiệt nó lỗi lắm. Tuy vậy mà tôi xin anh chị nghĩ nó còn dại khờ mà tha lỗi cho nó; vợ chồng nó còn con nít, sao cho khỏi xích mích với nhau. Nếu anh chị không thương, anh chị chấp trách, thì tội nghiệp cho nó. Để tôi về tôi rầy nó, rồi tôi biểu nó qua lạy anh chị mà xin lỗi. Hèn chi hồi sớm mới tôi biểu nó đi qua bên nây với tôi, nó rút cổ không dám”.

Ông Hội đồng châu mày nói rằng : “Nó ghét vợ chồng tôi, nó tính không thèm ở bên nây nữa. Hôm qua nó đi, nó chở đồ đạt đi hết. Nó không chịu trở qua nữa đâu mà chị biểu nó cho thất công”.

Bà Kế hiền gượng cười mà đáp rằng :

- Thưa anh, anh giận anh nói như vậy, chớ có lẽ nào mà nó không chịu trở qua bên nây. Nó dại nó đánh vợ nó, rồi nó sợ anh chị rầy, nên nó trốn chạy về bển đó chớ.

- Ờ, tôi nói vậy, nếu chị không tin thì chị biểu thử coi rồi biết mà.

- Thiệt thằng nhỏ tôi có tánh cang cương nhưng mà áo mặc sao qua khỏi đầu. Tôi xin anh chị thương, anh chị hỉ xả cho nó thì mới được. Xưa rày lần nào về bển nó cũng nói nó sợ anh chị quá, nó không dám nói chuyện gì với anh chị hết. Nó muốn xin với anh chị cho vợ chồng nó về bên tôi mà ở. Tôi rầy nó, tôi nói anh chị có một mình con Tư, nếu dắt nhau về bên tôi thì anh chị buồn.

- Về bển sao được. Hồi tôi gả con Mạnh, vợ chồng tôi có giao nó phải ở với tôi. Bây giờ tôi có chịu cho đi đâu.

- Bở vậy tôi mới rầy nó.

Bà Kế hiền vẫn đã biết ý con bà rồi, song nói chuyện với sui gia bà phải môi miếng chút đỉnh. Bà dọ ý, thấy anh sui quyết không cho con dâu của bà đi về bển thì bà lấy làm buồn. Chàng rể không chịu ở với bên vợ, anh sui gái không chịu cho con theo chồng, bây giờ phải làm sao? Bà Kế hiền lo liệu trong trí lung lắm, song bà phải gắng gượng làm vui mà nói chuyện với sui gia cho người ta khỏi thấy cái buồn cái lo của mình.

Cô Ba Mạnh lo cơm nước dưới bếp lăng xăng, đến xế mới dọn một mâm cơm bưng lên đãi mẹ chồng : Bà Kế hiền ăn cơm rồi mới từ giã sui gia mà về. Cô Ba Mạnh đưa bà ra xe. Lúc sửa soạn bước lên xe, bà nói với dâu rằng : “Chồng con nó ngỗ nghịch lắm, nhưng mà má khuyên con đừng có phiền. Má sợ e nó làm bậy rồi, nên nó không dám léo hánh qua bên nây nữa. Như nó không qua, thì vài bữa con về bển mà thăm má, nghe hôn con”.

Cô Ba Mạnh cúi đầu, mà cô ứa nước mắt. Bà Kế hiền lên xe rồi ngựa rút chạy, lục lạc khua lổn rổn...

   




Chú thích

  1. Thúng nhỏ, quảu gạo: thúng nhỏ đựng gạo, quảu may: thúng đựng dụng cụ may vá
  2. Dụng cụ bằng tre, dùng đậy đồ ăn trên bàn