Thượng Tứ chạy trở về nhà mẹ mà ngủ. Mây đứa ở mở cửa giăng mùng lộp cộp làm cho bà Kế Hiền giựt mình thức dậy. Bà thấy con sửa soạn ngủ thì bà hỏi rằng: “Sao bữa nay không về bển, mà lại về đây?” Thượng Tứ không trả lời, cứ cổi áo cổi giày mà đi ngủ.

Thượng Tứ nằm lim dim, nhớ cô Hai Hẩu mặt sáng rỡ, má miếng bầu, mắt láo liên, tóc láng mướt, tướng đi yểu điệu, miệng nói như cười, gò má trắng đỏ tợ hoa sen, nước da mịn mà coi mát rượi, thì trong lòng cậu khoan khoái, ước thầm chớ chi có người đó nằm một bên mình, chắc là mình vui vẻ chẳng có chi bằng. Cậu nhớ cô Hai Hẩu rồi cậu nhớ tới vợ nhà; cậu so sánh hai người, thì cậu chê vợ nhà đủ thứ, chê nước da không trắng, chê cặp mắt không lanh, chê giọng nói không có duyên, chê tánh ý hay hà tiện. Cậu nhớ chuyện gây gổ với vợ hồi chiều, nhớ chuyện không tiền mà trả nhà hàng hồi nãy thì cậu lấy làm tức giận, quyết thế nào cũng phải vay cho được một ngàn đồng bạc đặng chơi bời với anh em; mà xài hết số đó rồi không biết chừng kiếm thêm nữa. Mình tiếng con rể nhà giàu, người ta kêu mình là “Cậu Tư Mỹ Hội”, mình là người có học thức, mình chơi với thầy ký thầy thông, mà trong bóp phơi không có năm ba tấm giấy xăn[1], thì còn gì là danh giá. Phải có tiền, làm sao cũng phải có tiền mới được. Còn có vợ thì thây kệ vợ, làm sao cũng phải trai gái với cô Hai Hẩu, như cô nài phải cưới thì mình cưới, làm hôn thú bực nhì, vợ nói sao được mà sợ, mà như vợ muốn sanh điều thì mình đạp đít, không tiếc gì. Cậu suy nghĩ riết mệt trí nên mơ màng rồi ngủ quên.

Sáng bữa sau, Thượng Tứ thức dậy đi ra đi vô, vì cậu có việc lo tính riêng trong trí, nên cậu không muốn nói chuyện với mẹ, mà cũng không tính trở về bên vợ. Chừng ăn cơm rồi, bà Kế hiền mới nói với con rằng:

- Cơm nước rồi, thôi con sửa soạn đi về bển đi. Con đi từ hồi hôm cho đến bây giờ, anh chị không biết con đi đâu, chắc là anh chị trông lắm.

- Trông thì trông, có hại gì mà lo.

- Vậy chớ hồi hôm con đi, con có nói con về bên nây hay không?

- Không.

- Con không nói cho người ta hay, con đi biệt như vầy, người ta lo chớ.

- Họ lo giữ tiền, chớ có biết lo giống gì.

- Con nói sao vậy! Dầu mà họ có lo giữ tiền đi nữa, ấy là cái phước của con, chớ sao con lại trách người ta. Cầu cho họ giữ đặng ngày sau có mà để lại cho vợ chồng con chớ.

- Má cứ ham tiền hoài! Tại má ham tiền, nên tôi mới mắc một con vợ như vậy đó!

- Vợ sao? Cha chả! Vợ như vậy, con còn chê nỗi gì! Phải, nó đen đúa thiệt, nhưng mà coi mặn mòi, chớ không phải xấu xa gì đó!

- Tốt với má chớ tốt với ai. Đi ra thấy người rồi dòm lại nó mà mắc cở.

- Sao mà mắc cở? Tuy nó không có bóng sắc, song nó hiền đức, nó giỏi việc nhà, nó có tiền nhiều, nó có chỗ gì mà chê được đâu. Con đừng có nói bậy. Ở đời vợ xấu mới chắc là vợ của mình đa con, chớ đồ bóng láng có ra gì đâu.

Thượng Tứ nghe mẹ khuyên lơn đã không cám ơn, mà lại rùn vai rồi bỏ đi ra phía trước, coi bộ vô lễ hết sức. Bà Kế Hiền vì thương con nên không thấy cái quấy của con, con ngỗ nghịch mà bà không giận, lại cứ theo khuyên dỗ biểu con về hoài. Thượng Tứ thấy vậy bèn làm núng, xin bà phải cho năm trăm cậu mới chịu về. Bà nghe nói tiền thì bà la ó; cậu làm giận, cậu thề không thèm về vợ nữa. Bà cùng thế, tuy bà rầy om sòm, song rốt cuộc rồi bà cũng phải lòi cho cậu hết một trăm đồng bạc.

Thượng Tứ lấy tấm giấy xăn bỏ vào bóp phơi rồi cậu mới thay áo mang giày lên xe mà đi. Bà tưởng con biết nghe lời nên thấy con đi trong bụng mừng thầm, chẳng dè ra khỏi cửa ngõ rồi, cậu không chạy về chợ Ông Văn, mà cậu lại quẹo lên Mỹ Tho.

Lúc ấy đã ba giờ chiều, Thượng Tứ biết thầy thông Hàng mắc làm việc, nên cậu không ghé nhà mà kiếm. Cậu ngừng xe đổ dầu xăng đầy thùng mà đổi tấm giấy bạc, rồi chạy theo đường mé sông cầu quây. Chạy ngang nhà ông Giáo Chuột, cậu cho xe chạy chậm chậm đặng có liếc mắt ngó vô nhà mà kiếm cô Hai Hẩu. Bận chạy qua thì không thấy tâm dạng, mà chừng trở lại thì cậu thấy cô nọ đứng trước cửa. Cậu dở nón chào cô; cô cũng cúi đầu đáp lễ, mà cô lại chúm chím cười, làm cho cậu hân hoan, quên bóp kèn, gần cán con xẩm ghánh nước. Cậu xuống nhà hàng trả tiền rượu hồi hôm, rồi ngồi đó uống sữa đá mà đợi 5 giờ sẽ đi đón thầy thông Hàng.

Thầy thông Hàng chơi với anh em, hễ thầy hứa giùm giúp việc gì, thì thầy hết lòng lo lắng. Hồi hôm thầy hứa với cậu Thượng Tứ mấy điều, thì sáng ra thầy lo làm liền, chớ không dám để trễ. Buổi sớm mơi thầy lên sở bằng khoán mà xin sao lục tờ chúc ngôn tương phân của ông Kế hiền Toại. Trưa về ăn cơm rồi thầy không thèm nghỉ, thầy kêu xé kéo tuốt lên nhà ông Giáo chuột mà đưa tờ tương phân cho ông coi.

Ông Giáo chuột đã mười mấy năm chuyên nghề cho vay đặt nợ, ông lành nghề của ông lắm; ông cầm tờ chúc ngôn tương phân coi từ đầu chí cuối rồi nói rằng: “Cậu Thượng Tứ bây giờ đứng bộ 100 mẫu ruộng thực, 50 mẫu hương hỏa, rồi ngày sau cậu được 50 mẫu trong phần dưỡng lão nữa. Cậu có 200 mẫu điền mà cậu vay có một ngàn, thì cho vay không phải sợ gì. Ngặc vì, theo lời chúc ngôn, chừng nào bà Lý Thị Nho qua đời rồi thì cậu mới được hưởng huê lợi. Cậu có ruộng mà không có huê lợi, cho cậu vay rồi cậu lấy gì cậu trả? Năm ngoái tôi thấy thầy Ban biện Chí là con nhà giàu, tôi làm bướng cho thầy vay năm ngàn. Hôm tháng giêng thẩy trả tiền lời, còn vốn thẩy trả không nổi. Kế tôi nghe ông già thẩy chúc ngôn chia ruộng đất mà không cho ăn huê lợi, tôi chết điếng xưa rày, không biết làm sao mà đòi vốn lại. Tôi bị người anh mà mắc kẹt hết năm ngàn đồng bạc, tôi rầu quá, giúp cho người em nữa sao được”.

Thầy thông Hàng cười mà đáp rằng: “Tôi nghe nói ông thạo nghề cho vay lắm, mà sao ông lại sợ như vậy. Ông cầu mà cho anh em thầy Ban biện Chí vay chớ. Phàm cho vay thì cốt lấy tiền lời. Cho mấy chủ chắc chắn mình cầu họ đừng trả vốn, để cho mình lấy tiền nhiều năm. Ví như ông cho một ngàn, ông lấy tiền lời trong 3 năm thì đủ số vốn rồi, mà số một ngàn cũng còn đó, coi không phải là lợi nhiều hay sao. Đã biết thầy Ban biện Chí với cậu Thượng Tứ tuy đứng bộ làm chủ ruộng đất, song chưa ăn huê lợi. Ruộng đất như vậy mới chắc chớ, bởi vì có đem bán cho ai được, mà mình sợ mất nợ. Còn như ông có muốn cho chắc nữa thì ông cho vay nhiều nhiều rồi ông buộc phải làm tờ treo cho ông. Ông với tôi là anh em quen biết nhau lâu rồi, tôi tỏ thiệt với ông: cậu Thượng Tứ còn nhỏ mà tôi coi cậu ham phá nhà quá. Ông thử nhử mà đưa cho cậu chừng mười ngàn đồng bạc thì ông lấy ruộng đất của cậu hết. Tôi hứa tôi sẽ làm mối giùm cho ông. Cậu tin cậy tôi lắm, tôi nói giống gì cậu cũng nghe hết thảy. Ông cho lần một ngàn mà nhử cậu đi. Ông cứ tính tiền lời theo bạc mười bốn. Nếu ra giêng cậu không trả, thì ông bắt chồng vốn lời mà thay giấy. Ông chồng như vậy trong năm ba năm và nếu cậu hỏi thêm thì ông đưa thêm nữa, thì ông sẽ lấy ruộng của cậu”.

Ông Giáo Chuột nằm xuống làm thuốc mà hút ít điếu; ông suy hại tính lợi đã cạn rồi, song ông còn làm bộ dục dặc mà nói rằng:

- Cậu Thượng Tứ còn con nít, tôi không nỡ toan mưu kế mà giựt sự nghiệp của cậu. Thà là cậu vay của ai cậu vay, chớ thiệt trong bụng tôi không muốn giúp cho cậu đồng nào hết. Mình lớn, cậu nhỏ, mình dính dấp với cậu sợ e mình phải mang tiếng chớ. Ngặt vì cậu là anh em của thầy, thầy nói giúp giùm mà tôi không chịu, thì thất thể diện thầy chăng?

- Thôi đi bác. Bác đừng có đánh đạo.

- Không phải đánh đạo. Thiệt tình như vậy chớ.

- Thôi, chiều nay như cậu qua, thì tôi dắt cậu lên làm giấy lấy bạc đa.

- Cũng được. Mà thầy phải nói trước với cậu, tiền lời tính bạc 14 đa, nghe hôn. Chịu như vậy tôi mới cho.

- Chịu mà. Ông cứ đòi lời theo bạc 14 đi. Để tôi nói vô cho. Nè, mà ông phải nói tôi đứng bảo lãnh nữa, nghé.

- Bảo lãnh làm chi?

- Ậy! Ông cứ nài bảo lãnh đặng cho cậu tin, rồi sau làm công chuyện mới được chớ. Ông hiểu hôn?

- Hiểu, tôi hiểu rồi.

- Ông trả tờ tương phân lại cho tôi, đặng chừng cậu qua tôi trao cho cậu rồi tôi dắt lên đây. Thôi, để tôi về cho ông nghỉ.

Thầy thông Hàng xếp tờ tương phân mà bỏ vào túi rồi lấy nón đội lên đầu. Lúc thầy nắm tay ông Giáo mà từ giã, thì thầy vừa nheo mắt vừa cười mà nói rằng: “Ông đừng có đòi một trăm đồng bạc của tôi nữa. Nếu ông biết xử phải, thì tôi sẽ làm cho ông có lợi năm bảy ngàn cho ông coi”.

Ông Giáo Chuột gặc đầu mà đáp rằng: “Biết, biết, tôi biết xử phải mà”.

Tội nghiệp cho “cậu Tư Mỹ Hội”, người ta sắp đặt như vậy mà cậu không dè, cậu ngồi nhà hàng uống sữa, khí sắc hân hoan, khi thì nhớ gương mặt của cô Hai Hẩu tròn trịa bảnh bao, khi thì ngó chừng đồng hồ đặng đi đón thầy thông Hàng mà hỏi thăm chuyện vay bạc.

Đồng hồ gõ 5 giờ. Thượng Tứ lên xe mà đi. Xe chạy vừa khỏi nhà ga xe lửa thì gặp thầy thông Hàng ở trên đường hàng gáo đương lơn tơn đi xuống. Thượng Tứ ngừng xe, anh em mừng rỡ, rồi rủ nhau chạy một vòng chơi.

Thầy thông Hàng vừa bước lên xe thì Thượng Tứ nói rằng:

- Tôi khoái quá, thầy. Tôi mới gặp mặt cô Hai hồi nãy.

- Cô Hai nào?

- Cô Hai Hẩu.

- Ờ, ờ. Ở đâu mà cậu gặp?

- Tôi chạy ngang nhà. Cô đứng trước cửa cô chào tôi, mà cô lại cười nữa chớ, khoái quá!

- Cậu nầy đa tình thiệt mà! Cậu dám quá!

- Tôi chạy ngoài lộ, có động tới ai mà không dám.

- Ông Giáo khó lắm, nói cho cậu biết.

- Con ổng khó thì tôi mới lo, chớ ổng khó hay là dễ, nhắm cũng không hại gì.

- Cậu muốn vay bạc của ổng, mà cậu làm lộn xộn đây ổng ghét, ổng không giúp bạc cho cậu chớ.

- À! Thầy xin sao lục giùm tờ đó rồi chưa?

- Rồi, nội buổi sớm mơi. Mà rồi cũng không ích gì, bởi vì hồi trưa tôi gặp ông Giáo, tôi đưa cho ổng coi thử. Ổng coi rồi ổng nói ruộng cậu làm chủ mà cậu không được ăn huê lợi; cậu lấy bạc rồi cậu lấy gì mà trả. Ông già thiệt là khó chịu. Tôi năn nỉ trọn một buổi trưa. Tôi nói riết rồi ổng muốn xiêu lòng, song ổng đòi tiền lời tới mười bốn mười lăm. Gắt gớm quá!

- Mười bốn mười lăm là sao?

- Nghĩa là cậu vay một ngàn, ra ngoài ngày cậu phải trả vốn lời một ngàn tư hoặc một ngàn rưỡi.

- Trời ơi! Ăn lời gì mà nhiều quá vậy?

- Thì họ cho vay họ ăn lời như vậy chớ sao. Nhơn nghĩa lắm thì ít nữa cũng là bốn trăm đồng bạc lời. Vì lúc nầy muộn rồi, không ai còn bạc mà cho, nên ổng mới làm ngặt.

- Năn nỉ với ổng ăn chừng bốn trăm đồng bạc lời được hôn? Bây giờ tháng mười rồi, từ đây cho tới tháng giêng tháng hai, có ba bốn tháng mà gì.

- Để tôi nói lại với ổng coi. Ổng còn buộc tôi phải bảo lãnh nữa đa cậu.

- Không hại gì, thầy làm ơn bảo lãnh giùm cho tôi.

- Tôi với cậu không ngại gì. Lãnh thì lãnh chớ sao. Không lẽ cậu bỏ nợ cho tôi trả.

- Đâu có như vậy. Chừng nào làm giấy lấy bạc được?

- Để mình ăn cơm rồi dắt lên nhà ổng nói lại coi. Như ổng chịu thì làm giấy lấy bạc liền.

- Chắc ổng chịu mà. Ổng là cha vợ tôi, ổng muốn ăn lời bao nhiêu ổng ăn, tôi không cần.

Thầy thông Hàng nghe nói như vậy thì thầy cười, Thượng Tứ tưởng thầy cười về mấy lời nói chơi của mình có duyên, chớ nào dè thầy cười là cười miếng mồi thầy thả ra mà cá đã táp nuốt.

Hai người chạy xe chơi ít vòng rồi ghé lại nhà hàng ăn cơm. Thượng Tứ bữa nay có sẵn gần một trăm đồng bạc trong túi, đã mới thấy mặt cô Hai Hẩu, mà lại chắc sẽ có thêm một ngàn nữa, bởi vậy cậu hân hoan, nói nói cười cười không ngớt. Thầy thông Hàng cũng vui về việc của thầy, nên cũng nói cũng cười, mà thầy chẳng nói việc chi khác hơn là việc ông Giáo Chuột cho vay, thầy chẳng cười việc chi hơn là cười cậu Tư mê Hai Hẩu.

Ăn cơm xong rồi, thầy thông Hàng mới kêu bồi biểu đem cái bông thiếu tiền rượu hồi hôm đặng thầy trả luôn thể. Cậu Tư nói cậu đã trả tiền rượu rồi, mà cậu lại giành cậu trả tiền cơm, cậu không cho thầy thông hao tốn với cậu. Thầy thông làm giận làm hờn, ngoe ngoảy bỏ đi trước ra xe mà ngồi, chừng cậu Tư ra theo thầy mới nói rằng: “Mỏa giận toa quá, mỏa muốn không thèm dắt toa lên ông Giáo, để toa nhớ cô Hai đêm nay toa khóc cho biết chừng …”. Cậu Tư cười mà đáp rằng: “Tội nghiệp tôi mà, thầy thông. Thầy muốn tôi chết hay sao? Nếu đêm nay mà tôi không ngó thấy mặt cô Hai được, chắc là tôi phải tự vận quá”. Thầy thông cười ngất rồi biểu chạy xe vô nhà thầy mà lấy tờ sao lục tương phân đặng có lên ông Giáo cho sớm.

Chẳng hiểu cô Hai Hẩu có biết trước bữa nay sẽ có khách tới nhà hay không, mà gần đỏ đèn cô gỡ đầu bới láng nhuốt, cô dồi phấn mặt trắng đỏ, cô mặc áo màu trứng gà, cô bận quần lụa trắng bông hường, cô đi dép quai nhung đen, sắc cô đã đẹp mà cô còn tô điểm thêm nữa, nên bợm háo sắc ai thấy cũng phải mê mẩn.

Khi thầy thông Hàng với cậu Thượng Tứ bước vô nhà, cô Hai Hẩu mắc ở dưới nhà sau. Ông Giáo tiếp khách mời ngồi, rồi kêu đứa ở mà biểu đem nước uống. Vì ông phân cử, ban đêm thường tám giờ ông mới hút, bởi vậy bên cái giường chưa thấy nổi đèn. Ông ngồi tại bộ ghế giữa mà nói chuyện với khách. Con nhỏ ở bưng nước trà vừa để trên ghế, thì cô Hai Hẩu ở trong cửa buồng bước ra, cô cúi đầu chào hai người khách rồi cô vói tay để một gói thuốc với cái hộp quẹt trên dĩa, dựa hai tách nước đó.

Thượng Tứ phần thì khớp về hương trời sắc nước, phần thì sợ ông Giáo thấu đáo bụng của mình, bởi vậy cậu ngồi trân trân, cậu không dám ngó mặt cô Hai Hẩu khi cô để gói thuốc trên dĩa, cậu liếc thấy bàn tay của cô trắng nõn, ngón tay nhỏ xíu, phao tay ửng hồng, thì cậu hồi hộp trong ngực, lộn xộn trong trí, nếu ai cắc cớ hồi đó hỏi cậu tại sao mà vậy, thì chắc cậu cũng không biết sao mà nói được.

Cô Hai Hẩu lại ghế xít đu mà nằm, và nói chuyện nho nhỏ với con ở. Cái ghế xít đu ở nhằm phía sau lưng cậu Thượng Tứ, cậu không dám day đầu lại mà ngó cô, cậu lấy làm tức vì sự vô ý của cậu, chớ chi hồi mới vô cậu ngồi phía bên kia thì bây giờ liếc ngó dễ biết chừng nào. Cậu mắc tiếc về sự đó, nên cậu quên tưởng chuyện vay bạc. May nhờ có thầy thông Hàng lanh lợi, thầy khởi đầu mà nói với ông Giáo giùm cho cậu.

Ban đầu ông Giáo làm khó, không chịu cho, ông nói rằng ông có coi tờ chúc ngôn tương phân rồi, ruộng đất lộn xộn lắm, làm chủ mà không ăn huê lợi, vay bạc rồi lấy gì mà trả, nếu ông kiện ông lấy ruộng, ông cũng không cho mướn được. Thầy thông theo năn nỉ trót nửa giờ đồng hồ, ông mới chịu cho, song ông buộc nội tháng giêng phải trả vốn trả lời, tiền lời tính bốn trăm, mà phải có thầy thông đứng bảo lãnh mới được. Thượng Tứ nghe nói ổng đòi tiền lời theo bạc mười lăm, tẻ ra bây giờ ổng tính theo bạc mười bốn, thì cậu mừng nên cậu chịu liền.

Ông Giáo biểu làm giấy phải biên nói vay một ngàn bốn trăm đồng, giao qua tháng giêng An Nam năm sau thì trả, nếu tới kỳ mà không trả đủ số, thì chủ nợ kiện đòi số ấy và đòi tiền lời theo phép kể từ ngày làm giấy. Lại cũng phải khai trong giấy rằng người vay có giao cho chủ nợ một bổn sao lục chúc ngôn tương phân cầm làm bằng, nếu chưa trả đủ số nợ mà lén bán ruộng đất cho người khác thì chủ nợ được phép kiện đến tòa Hình mà buộc tội sang đoạt.

Thượng Tứ quyết lấy cho được một ngàn đồng bạc, nên buộc thế nào cậu cũng chịu hết. Ông Giáo bèn kêu con lấy giấy mực rồi ông xin lỗi với khách đặng ông nằm hút ít điếu.

Ông Giáo qua bên giường nổi đèn nằm chinh chòng. Thầy thông ngồi viết cái não giấy nợ. Cậu Thượng Tứ ở không, cậu đứng dậy làm bộ coi thầy Thông viết, mà kỳ thiệt cậu qua đứng phía bên nây đặng liếc ngó cô Hai Hẩu chơi. Cô Hai Hẩu nằm trên ghế xích đu, cô tự nhiên, không ái ngại chi hết, cậu ngó cô thì ngó, cô cứ lúc lắc cái ghế, hoặc nói cười với con nhỏ ở như thường.

Thầy thông làm não tờ xong rồi mới đem đưa cho ông Giáo coi. Ông bắt bẻ thêm bớt một hai câu cho rành, rồi ông đưa cho Thượng Tứ chép lại và ký tên. Thầy thông cũng đứng bảo lãnh một bên đó, thầy và ký và nói[2] rằng: “Từ nhỏ tới bây giờ tôi mới lãnh nợ lần nầy là lần thứ nhứt. Vợ tôi nó hay đây chắc nó cằn nhằn dữ lắm. Cô có gặp ở nhà tôi, cô đừng có học đi học lại, nghe hôn cô Hai”. Cô Hai Hẩu cười và đáp rằng: “Bẩm thầy, thầy làm ơn cho anh em, em tưởng dầu cô thông có hay, cô cũng vui lòng, chớ sao mà thầy lo. Tuy vậy mà thầy dặn trước, thì em đâu dám học.”

Thượng Tứ nghe tiếng nói mềm mỏng, khôn ngoan, trong ngần, lảnh lót, thì cậu ngẩn ngơ trong lòng, nên cậu đứng ngó cô mà miệng chúm chím cười. Ông Giáo đọc cái giấy rồi ông đi mở tủ sắt lấy một ngàn đồng bạc mà trao cho Thượng Tứ.

Thầy thông Hàng biết ý Thượng Tứ muốn chà lết ở mà ngó cô Hai Hẩu chơi, nên thầy leo lên giường nằm đợi ông Giáo làm thuốc cho thầy hút vài điếu rồi mới chịu từ giã mà đi. Thượng Tứ ra về, cậu chào cô Hai Hẩu mà cậu cười đưa tình. Cô cũng đáp lễ và cũng cười, song không hiểu cô có rõ thấu ý tứ của cậu Thượng Tứ hay không.

Thượng Tứ lên xe mà đi, cứ trầm trồ cô Hai Hẩu hoài, ước mong làm sao phải nói chuyện được với cô một lần mới phỉ dạ. Thầy thông Hàng khuyên cậu chậm chậm rồi thầy sẽ liệu giùm. Thầy ép cậu ở chơi một đêm, rồi thầy bày đặt mướn một cái phòng, kêu hai cô ca nhi, dọn mâm á phiện, mua rượu sâm banh sắp đặt đủ các cuộc vui cho Thượng Tứ. Cậu Thượng Tứ vui thì vui, mà một lát cậu nhắc cô Hai một lần, dường như cái hình của cô đã chạm vào trí cậu rồi, chẳng có giây phút nào mà cậu quên được.

Chơi đến sáng bét rồi, Thượng Tứ mới cho tiền sắp ca nhi, trả tiền phòng, tiền rượu và từ giã thầy thông Hàng mà về.

   




Chú thích

  1. (cent) giấy bạc một trăm đồng
  2. Vừa ký vừa nói