Chữ gia nghĩa giảm
Trong tiếng ta có một cái nguyên tắc tôi tìm ra được mà thấy là lạ lắm: cái nguyên tắc "chữ gia nghĩa giảm".
Khi dùng chữ gì đó, lấy một chữ mà thôi, để hình dung một sự vật gì, khiến cho sự vật ấy tỏ ra cái trạng thái, cái sắc tướng hay cái tánh chất nó đến một trình độ nào, thì khi dùng cùng chữ ấy mà đến hai chữ để hình dung, đáng lẽ làm cho cái trạng thái, cái sắc tướng, cái tánh chất của sự vật ấy gấp đôi cái trình độ ban nãy lên mới phải. Cái nầy lại trái thế hẳn, nên tôi mới lấy làm lạ.
Nói một cách khác gọn hơn: nếu là thường thì khi chữ gia tất nghĩa cũng gia; nhưng đằng nầy lạ là ở chỗ chữ gia mà nghĩa lại giảm.
Tôi tìm được cái nguyên tắc hay cái công lệ đáng buồn cười ấy trong tiếng ta nhân nhiều khi tôi dịch tiếng Pháp: chữ toujours là thường, lại nhiều khi khác, dịch chữ souvent là thường thường.
Sự dịch hai chữ Pháp ấy ra nghĩa tiếng Nam như thế, nào có phải một mình tôi. Nhưng người ta, thế nào thì không biết; còn tôi, thấy lạ, tôi đã phải nhiều lần tự hỏi trong đầu mình.
Trước hết tôi hỏi: chỉ về thời gian, một chữ thường là nhiều hơn hay hai chữ thường là nhiều hơn? Rồi tôi lấy sự yên trí từ lâu mà trả lời: Hình như hai chữ thường là nhiều hơn, vì nói thường đến hai lần.
Tôi lại hỏi: Lấy cái tánh chất của hai chữ Pháp ấy so sánh nhau, chữ souvent chiếm thời gian ít hơn, sao lại tương đương với đến hai chữ thường? Còn chữ toujours chiếm thời gian nhiều hơn, sao lại tương đương với chỉ một chữ thường ?
Tôi vừa nói thời gian ít và nhiều đây là nghĩa thế nầy: Như trong câu: "je le fais toujours", thế nghĩa là tôi làm việc ấy luôn, không thôi, có thể nói được rằng cả cái thời gian của một đời tôi tôi đều dùng làm việc ấy. Còn như trong câu nói: "je le fais souvent", có nghĩa là tôi hay làm việc ấy lắm và làm nhiều lần trong một thời gian không lâu.
Ừ, nếu thế thì souvent nên nói là thường, và toujours là thường thường mới phải; cớ sao cái chữ đáng đem dịch cho chữ nầy lại đem dịch cho chữ kia?
Giá một mình tôi dịch như thế thì còn có thể bảo là dịch sai. Nhưng, đã lâu rồi, ai ai cũng dịch như thế cả, và ai ai cũng công nhận dịch như thế là đúng cả, thì tôi dám chắc ở trong phải có cái lý làm sao đó ta nên cố tìm mà hiểu.
Một ngày kia tôi bỗng dưng tỉnh ngộ. Cái điều mình yên trí từ lâu đến bây giờ mới vỡ ra là cái điều mình lầm lạc. Thực ra thì một chữ thường, nói thường, chiếm thời gian nhiều hơn; hai chữ thường, nói thường thường, trở chiếm thời gian ít hơn: thế mới kỳ!
Nhưng, không kỳ đâu, đó là mẹo luật tự nhiên của tiếng Việt Nam!
Thôi, chúng ta không còn đợi gì mà không lập cho văn pháp tiếng ta một cái công lệ:
Những chữ thuộc về hình dung từ (adjectif), khi dùng chữ đôi thì cái sức hình dung của nó lại giảm kém khi dùng chữ chiếc.
(Bạn đọc hãy chú ý: tôi chỉ nói về hình dung từ mà thôi, còn mấy mối chữ khác tôi chưa nói đến).
Thử lấy cái công lệ ấy mà suy ra, thì đều thấy đúng cả.
Nói tờ giấy kia trắng, chỉ ra sự trắng đến một trình độ nào đó chẳng hạn; nhưng khi nói tờ giấy nầy trắng trắng, tất là nó không trắng bằng tờ giấy kia.
Nói mực nầy đen thì ai cũng hiểu mực ấy thật đen; nhưng khi nói mực nầy đen đen thì ai cũng phải hiểu là mực ấy không đen mấy.
Người anh hôm nay coi bộ buồn; nói như thế, tỏ ra anh ấy có điệu bộ thật buồn. Nhưng, người anh hôm nay coi bộ buồn buồn, nói như thế thì lại tỏ ra anh ấy chỉ có cái điệu bộ hơi buồn mà thôi.
Cụ Tôn Thất thân Thần năm nay chín mươi tuổi, ấy là tra, thật già rồi. Còn cụ Huỳnh Thúc Kháng, mới sáu mươi, chưa già mấy, nên trong bài thi tự thọ vừa rồi của cụ có câu: "Sáu mươi vẫn bậc thọ tra tra".
Chuyện lạ. Ấy là chuyện ấy lạ lắm. Chuyện lạ lạ. Ấy là chuyện ấy chỉ lạ vừa vừa.
Khi ông gặp một người đàn bà, đoạn ông tả tướng mạo cho bạn ông nghe, ông nói: Người ấy cao, mình gầy, mặt dài, mũi lõ, mắt lộ, tóc quắn.
Còn tôi cũng gặp một người đàn bà, đoạn tôi tả tướng mạo cho bạn tôi nghe, tôi nói: Người ấy cao cao, mặt dài dài, mũi lõ lõ, mắt lộ lộ, tóc quắn quắn. Như thế, ắt là người đàn bà tôi gặp còn đỡ xấu hơn người ông gặp, vì người ít cao hơn, mặt ít dài hơn, mũi ít lõ hơn, tóc ít quắn hơn.
Thôi, tôi không cần kể những cái tệ chứng ra nhiều hơn nữa, chỉ chừng nầy cũng đủ thấy về hình dung từ, khi nào dùng chữ đôi thì cái sức hình dung nó lại giảm kém khi dùng chữ chiếc. Cho nên một chữ thường bằng với chữ toujours mà hai chữ thường lại bằng với chữ souvent.
Nhân đó thấy ra chữ thường hay thường thường của ta là hình dung từ chứ không như chữ toujours hay souvent là trợ động từ (adverbe). Vì nó là hình dung từ cho nên nó mới hợp với cái công lệ ấy.
Về mối tiếng khác như động từ (vebre) hay trợ động từ, chẳng những không hợp với công lệ ấy mà lại trái nhau.
Động từ và trợ động từ, khi dùng chữ đôi thì cái lượng của nó lại tăng lên hơn khi dùng chữ chiếc.
Khi ta nói: ngủ, ăn, nói, cười thì cái sự hành động ấy chỉ có một lần. Nhưng khi ta nói: ngủ ngủ, ăn ăn, nói nói, cười cười thì hẳn là hành động nhiều lần hơn.
Nói lắm chắc là trình độ không bằng lắm lắm; nói thôi chắc là cái ý quyết tuyệt không bằng thôi thôi; nói luôn chắc là sự tiếp tục không bằng luôn luôn. Suy ra cho đến rộng thinh thinh hẳn là hơn rộng thinh, buồn rượi rượi hẳn là hơn buồn rượi.
Động từ và trợ động từ thì lại như thế, chữ gia nghĩa cũng gia.
PHAN KHÔI