Chúng tôi để ý đến Viện Dân biểu Trung Kỳ lắm chớ

Chúng tôi để ý đến Viện Dân biểu Trung Kỳ lắm chớ  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng an, Huế, số 65 (11 Octobre 1935), trang 1.

BÁO TRÀNG AN CHÉP VIỆC VIỆN ĐỦ VÀ RÕ HƠN HẾT CÁC BÁO TRUNG KỲ

Nhơn hôm trước ở chỗ nầy[1] chúng tôi có bài bàn về cái ghế nghị trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, tỏ ý lửng lơ, bảo rằng ghế ấy ai ngồi cũng được, thành thử có người ngờ cho chúng tôi coi Viện Dân biểu bằng cặp mắt lãnh đạm, không thiết gì đến lắm.

Không phải thế đâu. Bài hôm trước chỉ vì thấy nhiều người trách vọng ở ông nghị trưởng thái quá nên chúng tôi mới tỏ sự thực ra như thế mà thôi; chứ thực ra thì chúng tôi để ý đến Viện Dân biểu lắm chớ: coi tờ báo của chúng tôi đối với công việc của Viện thì đủ biết.

Đối với những người trách vọng ở chức nghị trưởng thái quá thì chúng tôi phải nói rõ cho họ biết để họ đừng thất vọng. Nhưng đối với cái tiền đồ chánh trị nước nhà, nhất là đối với cái chánh thể đại nghị thì chúng tôi phải coi Viện Dân biểu là chỗ học tập cho người mình mà không thể không săn sóc đến luôn.

Chúng tôi sở dĩ để ý đến Viện Dân biểu như vậy vì muốn cho các bạn đọc là nhân dân xứ Trung Kỳ cũng để ý đến.

Chúng tôi thấy ra người mình hay có những tư trưởng viển vông mà ít hay vụ thực. Tức như đối với cái chánh thể đại nghị, người chẳng biết thì chớ, người biết thì họ cứ phân bì với các nghị viện bên Tây, nhất là bên nước Pháp, rồi coi nghị viên của mình không ra chi và phó mặc cho các ông đại biểu làm gì thì làm.

Họ không nghĩ rằng thứ nghị viện của ta mà nó “ra chi” làm sao được. Thứ nghị viện sản sanh ra bởi chánh phủ thì đâu có phải là nghị viện có quyền ăn nói. Mà cái đó là tại nhân dân không đủ tư cách tự sản sanh ra nghị viện, thôi còn trách ai?

Bởi chánh phủ sản sanh ra nó nên chánh phủ có quyền đem đặt nghị viện ở đâu thì đặt. Viện Dân biểu Trung Kỳ hồi trước còn đeo cái tánh chất tư vấn lại được đặt dưới quyền Bảo hộ, mà từ đổi ra cái tên lớn lối như ngày nay lại đem đặt dưới quyền bộ Lại của Nam triều. Điều đó là một điều quan trọng lắm mà bấy lâu cũng chẳng thấy nhân dân nói chi. Thế rồi có một hạng người cứ bĩu môi coi nó là vô giá trị, sao mà dở hơi đến thế!

Không, chúng ta đừng nên nghĩ như thế. Dân tộc ta từ mấy ngàn năm nay không quen với cái chánh thể đại nghị, mà cái chánh thể ấy lại rất cần cho chúng ta từ nay về sau, thế thì dù nghị viện của ta có không ra chi nữa, ta cũng nên lợi dụng nó để luyện tập là hơn.

Một nước mà có đến ba cái cơ quan đại nghị (Hội đồng quản hạt Nam Kỳ và hai viện Dân biểu Trung, Bắc Kỳ), sự chia rẽ về chánh trị ấy lắm lúc chúng tôi nghĩ đến mà bực mình. Nhưng lại cũng có lắm lúc chúng tôi nghĩ rằng mình đương cần luyện tập cho thạo về cái chánh thể đại nghị thì có nhiều nghị viện chừng nào lại có nhiều trường sở cho chúng ta luyện tập chừng nấy: sự đó hoặc giả là có ích mà không có hại.

Coi Viện Dân biểu là một cái trường cho người mình học về chánh trị, bởi vậy, khác với cái thái độ hờ hững của các báo, báo Tràng an chúng tôi rất để ý đến nó lắm, sự ấy đã thấy rõ trong kỳ nhóm thường niên năm nay.

Từ hôm bắt đầu nhóm, 5 Octobre trở đi, không có một buổi nhóm nào là không có mặt chúng tôi tại Viện; và những cuộc bàu cử chức việc của Viện, những lời thảo luận của mỗi ông nghị viên, chúng tôi đều chép thật đầy đủ và thật kỹ mà chẳng hề bỏ qua chút nào.[2] Những bài diễn văn khai mạc và bế mạc, chúng tôi đã đăng và sẽ đăng hết thảy. Có bài rỗng tuých chẳng có chi cả mà chúng tôi cũng đăng: trong ý chúng tôi muốn đăng để cho nhân dân thấy cái rỗng tuých của người đọc nó.

Sở dĩ chúng tôi làm kỹ lưỡng hơn báo khác như thế, bởi chúng tôi có một cái thâm ý mà cũng nên nói nốt ra đây. Ngày xưa ông vua nhất cử nhất động ra việc gì, sử quan đều chép cả, như thế để cho ông vua sợ người ta sẽ chép việc xằng của mình mà không dám làm xằng. Đối với các ông nghị ta, chúng tôi cũng muốn dùng cách ấy. Ở giữa nghị trường hoặc có ông cử chỉ không được đứng đắn, hoặc có ông nói nhiều mà nói ra ngoài đề, xong việc họ quên đi, nhưng khi họ đọc báo chúng tôi họ sẽ nhớ lại mà hối cải trong lần khác.

Về phần nhân dân khi đọc báo chúng tôi cũng sẽ biết rõ những cử chỉ ngôn ngữ của mỗi một ông nghị của mình, tự nhiên họ sẽ đốc trách những ông nào không xứng chức bằng một cách vô hình, và lần khác họ sẽ bỏ đi mà bàu ông khác. Bên các quan bộ thay mặt Triều đình đứng đối đáp với các ông Dân biểu cũng thế.

Còn nói chi những điều thảo luận về chánh trị kinh tế trong xứ mà chúng tôi chép rõ chừng nào, người đọc xem càng có hứng vị chừng nấy; mà cái hứng vị ấy chúng ta nên nuôi nó để dựng nền cho cuộc tham chánh mai sau.

Thế thì chúng tôi có hề lãnh đạm đối với Viện Dân biểu đâu!      

TRÀNG AN

   




Chú thích

  1.  “ở chỗ nầy”: ý nói vị trí cột 1 trang 1, ngay dưới nhan đề tên báo (manchette), vị trí đặt các bài xã thuyết quan trọng nhất của mỗi số báo; cụ thể chỗ này là nhắc đến bài Phan Khôi bàn về việc bầu cử ghế nghị trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (Tràng an, số 58, ngày 17/9/1935)
  2. Các bài tường thuật các phiên họp của Viện Dân biểu đăng Tràng an thời kỳ này thường được thực hiện bởi Tiêu Diêu Tử (bút danh của Nguyễn Đức Bính).