Cái ghế nghị trưởng trong ngày nhóm Viện Dân biểu sắp tới đây
Một tờ báo ở nơi có một cái nghị viện mà sắp tới ngày nghị viện ấy nhóm để bầu lại chân nghị trưởng, việc cũng ra dáng quan hệ lắm, tờ báo ấy lại không nói đến một lời, thì nghĩ cũng tệ thật. Bởi nghĩ vậy nên hôm nay chúng tôi mới có bài này.
Bài này cốt chúng tôi muốn nói về việc cất đặt chân nghị trưởng. Nhưng, trước khi viết, chúng tôi đã nghĩ kỹ lắm mà chẳng thấy trong đó có sự lợi hại hơn thiệt gì đáng đem bày tỏ cho công chúng, nhất là cho các ông nghị viên. Thành ra, cái bài xã thuyết đáng lẽ dùng toàn giọng tích cực, chúng tôi lại dùng toàn giọng tiêu cực, e cho bạn đọc không khỏi đọc tới mà lấy làm thất vọng.
Tuy vậy, ở đời duy có cái sự thực là đáng quý. Trong mọi việc, lại là việc có vẻ trừu tượng khó thấy, nếu ta có thể biết được cái sự thực của nó, lại còn là đáng quý hơn. Thế thì chúng tôi tưởng các ngài cũng nên lấy làm đáng quý mà biết được cái sự thực cất đặt chân nghị trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ.
Nói là đại biểu cho nhân dân nhưng thực ra, chính hạng dân chỉ biết nạp thuế đi xâu trong mười ba tỉnh đạo thì họ có biết gì đến người đại biểu của mình, huống nữa là chân nghị trưởng. Một phần đông ù ù cạc cạc ấy tuy không đáng làm dân ở dưới chánh thể đại nghị, ấy thế mà lại hóa ra họ hiểu sự thực hơn.
Còn ngoài ra, bao nhiêu người có thể liệt vào hạng trí thức ở dân gian, chính vì họ có biết việc quan, việc dân, việc chánh trị đôi chút mà lại hóa ra lầm. Cái lầm chính ở chỗ họ biết mà biết không tới nơi tới chốn.
Hiện nay còn có vô số người thấy bốn chữ “nhân dân đại biểu” mà tưởng rằng các ông nghị viên dân biểu ta có quyền lớn lắm. Nghị viên còn thế, huống chi nghị trưởng: họ phải tưởng ông nghị trưởng Viện Dân biểu là có quyền hơn nữa, can thiệp vào các việc trong dân xã dễ như chơi, nói đâu được đó.
Họ đối với ông nghị trưởng đã tưởng như thế, tất nhiên họ trách vọng ở ông lắm sự cao xa. Trải lâu ngày mà chẳng thấy có hiệu lực gì, quả nhiên họ đã đeo lòng thất vọng.
Hai tháng nay ở các nơi đưa đến cho nhà báo chúng tôi lắm bài trách bị ông nghị trưởng tại chức mà chúng tôi không đăng. Đăng làm chi, chúng tôi nghĩ, bởi họ lầm cho nên họ nói quá sự thực.
Việc đạc điền có nhiều khoản bệnh dân, việc nhà Đoan bắt thuốc lá quá ngặt, việc bị ép uống rượu, việc năm ngày lưu hương bị lấy gần hết cho đến việc đắp con đường gì đó mà dân bị chết vì nước độc, đào cái rạch gì đó mà dân bị chết trôi… họ đều đem đổ lỗi cho ông nghị trưởng, nói rằng tại ông không chịu can thiệp hay là tại ông không kháng luận với chánh phủ cho đến cùng. Rõ thật người ta đã tưởng ông nghị trưởng của Dân viện xứ Trung Kỳ này cũng có quyền hạn và thế lực như ông nghị trưởng ở Hạ nghị viện Paris vậy!
Do sự thất vọng đó, đối với kỳ bầu lại nghị trưởng này, ở trong dân có một hạng người tha thiết trông mong lắm. Họ không đi ra vận động cuộc bầu cử được nhưng ở nhà, họ còn biết nể ai mà không ao ước: hễ có ông nào tài đức hơn ông Hà Đằng lên ngồi thay ghế nghị trưởng một cái là họ lập tức ra khỏi chốn bùn than!
Người ta quên bẵng đi rằng Viện Dân biểu chỉ khác cái tên mà thôi, còn tư cách và quyền hạn thì vẫn không khác gì Viện Tư vấn ngày xưa là mấy!
Ai đã biết quyền hạn chức nghị trưởng vẫn không được vượt ra ngoài sự thỉnh cầu thì hẳn không trách vọng ở cái chức ấy làm chi cho quá. Vậy thì, trên cái ghế nghị trưởng, người phái cựu ngồi hay phái tân, ông hưu quan ngồi hay ông thầu khoán, sự thực vẫn như nhau, chứ chẳng có người nào là được việc, người nào là không được việc.
Vì vậy, đối với việc bầu lại nghị trưởng ở Viện Dân biểu trong kỳ nhóm ngày 5 Octobre tới đây, chúng tôi đã nói rằng không thấy cái gì lợi hại hơn thiệt ở trong đó; và chúng tôi sẽ ngồi im mà coi trong ngày ấy chứ chẳng hề lên tiếng cổ động, bảo cái ghế nghị trưởng là đáng về người nào.
Ấy không phải chúng tôi làm ra dáng lãnh đạm trước một việc người ta cho là to tát; chính cái sự thực nó bảo chúng tôi nên làm như thế.
Chúng tôi thì vậy, nhưng giữa các ông nghị viên chắc không khỏi có sự tranh nhau. Các ông tranh nhau là phải. Không làm nghị viên thì thôi, chứ đã làm và có thể làm nghị trưởng được thì ai lại chẳng muốn nếm cho biết mùi nghị trưởng?
Dù vậy, chúng tôi lại nghĩ các ông nên nhượng nhau là phải. Vì nó là một cái vị trí để nhà nước “chiêu hiền đãi sĩ”, ta nên để cho nhau ngồi mỗi người một lúc. Trong các ông có tư cách làm nghị trưởng được, ông nào có việc làm có miếng ăn rồi nên để cho ông không có, làm là phải hơn. Mà chân nghị trưởng đã thế, thì hai chân kia trong ban thường trực cũng thế.
Người ngoài còn trách sao ông nghị trưởng không thấy làm gì mà ăn mỗi tháng đến hai trăm đồng bạc. Họ trách vậy cũng lại khí quá nữa. Nếu nghĩ như họ thì những người ăn năm bảy trăm một tháng còn phải làm việc nhiều hơn hay sao? Có phải vậy đâu!
PHAN KHÔI