Chùa Pháp Vũ
của Lê Thánh Tông

Chùa Pháp Vũ còn được gọi là chùa Diên Ứng ở xã Khương Tự, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Chùa có một trăm gian, tháp chín tầng, và cầu chín nhịp, do Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên triều nhà Trần xây dựng. Chùa thờ bốn tượng Phật và Pháp Vũ, Pháp Vân, Pháp Lôi và Pháp Điện. Theo Đinh Khắc Thuần, chùa Pháp Vũ là chùa Đậu, còn gọi là chùa Thành Đạo, thờ thần Pháp Vũ, thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình. Trên một biền gỗ của chùa này có khắc bài thơ này, lạc khoản ghi năm Vĩnh Trinh thứ 14 (1718) và bài này được cho là của chúa Trịnh Căn. (Tạp chí Hán Nôm, số 1/1968)

Vô biên công đức dậy lừng danh,
Phơi ngỏ hồ thiên[1] cảnh tú thanh.
Ngọc thỏ một vầng in địa trục[2],
Bàn long đòi thế[3] mở đồ tranh[4].
Cầm thông[5] gió quyến khi tuyên pháp[6],
Hoa báu mưa rây[7] thuở diễn kinh[8].
Tiết gặp thăng bình[9] nhân thưởng ngoạn,
Tuệ quang[10] thay, được khí chung linh[11]!

   




Chú thích

  1. Hồ thiên: Ý nói thu cả trời đất vào trong một cái bầu
  2. Địa trục: Trục đất
  3. Đòi thế: Bao đời
  4. Đồ tranh: Dư đồ
  5. Cầm thông: Đàn thông
  6. Tuyên pháp: Tuyên bá pháp giới cho chúng sinh nghe
  7. Rây: Rắc
  8. Diễn kinh: Diễn giảng kinh nhà Phật
  9. Thăng bình: Thái bình
  10. Tuệ quang: Trí tuệ sáng láng
  11. Linh: Thiêng