Chí thành  (1919) 
của Nguyễn Bá Học

Bài số 22 trong loạt bài viết mang tựa đề chung Lời khuyên học trò đăng nhiều kỳ trên Nam Phong tạp chí.

Thành nghĩa là gì? — Nghĩa là thật lòng, không dối mình dối người, không giả nhân giả nghĩa; việc phải dù tính mạng cũng không từ, việc phi nghĩa dù phú quý cũng không tưởng.

Đem lòng thành ấy mà ở với cha mẹ thì nên con thảo; đem lòng thành ấy ở với nước nhà thì nên tôi trung; suy ra anh ở với em, vợ ở với chồng, chúng bạn ở với nhau, ở với người đồng loại, ở với hết mọi loài cũng nên người có nhân có nghĩa, có tín huệ. Thánh thiền tiên phật, cũng bởi cái lòng chí thành ấy mà nên.

Những người có tài mà hay khinh bạc, lời nói vẫn hay việc làm vẫn giỏi, đến khi hoạn nạn hay đổi lòng, gặp lúc kinh quyền[1] hay biến tiết, cũng vì không có chí thành làm bản lĩnh.

Chí thành cũng có lúc xử trí, có lúc dụng mưu. Nếu cứ chắc như đười ươi[2], thẳng như ruột ngựa[3], như thế gọi là ngu thành, chỉ đủ cho người ta đánh lừa, hay người ta nói dối.

Người ta thường nói: "Không biết nói dối, không buôn bán được, cứ giữ thật thà không ra ngoài được", ấy là lời nói của những người quen lèo lá[4] hàng chợ[5]. Cho nên người nước ta ở với nhau không có đoàn thể[6], ra đến ngoài không có người tin, cũng vì tập nhiễm những câu hủ bại ấy mà mới mất hẳn cái đạo chí thành đi. Người có chí thành mới là người có giá trị, như ông tượng gỗ, vàng son rực rỡ là đồ trang sức bên ngoài; mà thần minh cảm ứng[7] là cái chí thành ở trong. Nếu không có thần minh cảm ứng, thì có ai thờ chi ông tượng gỗ.

   




Chú thích

  1. Kinh quyền: bởi câu "Xử thường chấp kính, xử biến tòng quyền" (Ở cảnh thường thì giữ đạo thường, ở cảnh biến thì theo quyền, nghĩa là tùy nghi mà định đoạt đối phó).
  2. Đười ươi: Tục ngữ ta có câu "đười ươi giữ ống", chế sự ngờ nghệch khờ dại của giống ấy.
  3. Thẳng như ruột ngựa: tục ngữ, ý nói dễ tin người, quá thật thà, không biết những mánh khóe hiểm hóc của người đời.
  4. Lèo lá (lèo: cái dây buộc ở lá buồm để lựa theo chiều gió cho thuyền đi): nghĩa bóng là lật lọng.
  5. Hàng chợ: ta vẫn hho những đồ bán ở cửa hàng, ở ngoài chợ không được bền vững bằng những đồ làm lấy để nhà dùng (đồ gia dụng), nên chữ "hàng chợ" nghĩa bóng là đơn bạc, giả dối, chỉ tốt đẹp hay tử tế bề ngoài.
  6. Đoàn thể (đoàn: bọn, lũ; thể: mình, vóc): nhiều người liên lạc tổ chức thành một cơ quan.
  7. Cảm ứng (cảm: xúc động đến; ứng: đáp lại): nói về việc quỷ thần đã cảm động đến thì báo ứng ngay.