Cửa cái cửa sổ nhà ta

Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ  (1886)  của Jean de La Fontaine, do Trương Minh Ký dịch
Cửa cái cửa sổ nhà ta

Thân con người ta chẳng khác chi như một cái nhà có chủ ở. Vách phên nhà ấy là cái họ kêu là Mình mẩy. Kẻ ở, ấy là Linh hồn. Mà linh hồn không có bị cầm trong mình mẩy như thể tù giam ở trong khám, tứ phía có tường bao che bịch bùng. Nhà ở ấy có cửa cái, cửa sổ, chỗ trống, bởi đó linh hồn nghe, thấy, biết cả thảy việc chung quanh nhà. Cửa cái cửa sổ nhà ấy là cái người ta gọi là Ngũ quan, thấy, nghe, rờ, biết mùi, biết hơi; mắt thấy, tai nghe; tay rờ hay là cả mình đụng đâu hay biết đó; lỗ mũi biết hơi; miệng lưỡi biết mùi. Nếu không có ngũ quan mà dùng, thì mình mẩy giống như một cái ngục: chẳng thấy sáng, chẳng nghe tiếng chi, chẳng biết được hơi chi, mùi chi; không rờ được mà biết, nhám trơn; cũng như ở cách thế gian, cũng như bị cấm cố ở nơi kín đáo. Khi mấy chỗ hở ấy có chỗ nào đóng bít lại, giả như chỗ thấy hay là chỗ nghe bít đi, làm cho phải mù, phải điếc, thì coi kẻ ở nhà ấy khốn nạn, đáng thương xót là dường nào! Vậy nếu cả thảy chỗ hở đấy đều bít hết thì lại càng thảm là ngần nào nữa! Đến đỗi đó chết đi thì còn hơn! Mà lại, nhà tuy có cửa ngõ chắc chắn, tai mắt vẹn toàn, nếu ở trong không có chủ cho có ý có tứ, coi chừng coi đỗi, thì cũng chẳng ra chi. Có ngày kẻ mà mắt ta không thấy đặng đó, bỏ nhà mà đi, còn nhà trống mà thôi. Ngày ấy là ngày người thác mất đi rồi. Linh hồn đã bay đi, còn cái thân ta ở lại một mình, chẳng cựa quậy, không động giạng chi được nữa. Vậy sống là Linh hồn ở chung cùng xác thịt. Như người còn ở trong nhà; còn chết thì phân rẽ nhau ra.