Cổ nhân đàm luận của Trần Trung Viên
56. Thái-sư hóa hổ

56. — THÁI-SƯ HÓA HỔ

Bà Dương-Thái-Hậu lấy vua Lý-Thánh-Tôn không có con, sau vua Thánh-Tôn lấy một người con gái hái dâu phong làm Ỷ-Lan-Nguyên-Phi, sinh đặng một Hoàng-tử. Sau vua Thánh-Tôn băng-hà (1072), Hoàng-tử lên ngôi, tức là vua Lý-Nhân-Tôn. Ỷ-Lan-Nguyên-Phi xui vua con giết bà Dương-Thái-Hậu và 72 người thị-nữ. Giết xong vua phong mẹ lên làm Hoàng-Thái-Hậu. Trong Triều-Đình đều có ý bất bình. Lúc bấy giờ có quan Thái-Sư là Lê-văn-Thịnh, có phép phù-thủy, thấy cơ hội như vậy, mới manh tâm ngấp-nghé ngôi rồng. Một hôm vua Nhân-Tôn ngự thuyền rồng ra chơi Tây-hồ, đương xướng cuộc đồng thuyền thi tửu, bỗng đâu một con hổ rất lớn, nhăn nanh múa vuốt, nhẩy chồm vào thuyền rồng. Vua cùng bá quan mất vía kinh hồn. May sao có lão chài là Mục-Thận quăng lưới ra, bắt được hổ. Hổ luống-cuống trong lưới một chốc hoàn hình là Thái-Sư. Vua truyền bãi cuộc, rồi điệu Thái-Sư về chào. Vua nhìn mặt Thái-Sư hỏi rằng: « Ngươi đỗ đến Trạng-nguyên, quan đến chức Thái-Sư, ta đãi ngươi không bạc, sao ngươi nỡ đem lòng toan hại vua. Nay cái tội toan giết vua đã sờ sờ đó, nếu không có lưới chài Mục-Thận, thì còn gì là ta, không những mình ta bị hại, mọi người cùng thuyền chắc đều bị hại; cái tội ngươi là tội thí quân, không sao dung được, vậy ngươi chớ oán hận ta. » Thái-Sư cãi rằng: « Tâu Bệ-hạ, tôi dẫu chết cũng cam, song trước khi chết xin Bệ-hạ cho tôi nói mấy nhời. Tôi từ bé đọc sách có câu: Thượng bất chính hạ tắc loạn, tại bề trên ở chẳng chính ngôi, bề dưới chúng tôi mới hỗn-nghịch. Nay Bệ-hạ giết Thái-Hậu và 72 cung-nữ là bất hiếu, bất nhân. Vả chăng giang-sơn, triều-đình là của Quốc-dân, nay Bệ-hạ chuyên làm việc vô công lý, phi nhân đạo như thế, mà lại khép tội tôi là bất chung sao? Tôi bất chung thì cái tội bất hiếu của vua giết mẹ, lại không đáng chết sao? Nếu tôi mà bất trung thì dưới suối vàng còn Thái-Hậu và 72 người cung-nữ, trên trần còn trăm họ làm chứng. Nếu Bệ-hạ xét lời tôi nói đây là bất trung, xin cứ thẳng tay mà giết, bằng xét ra là có lý, xin Bệ-hạ cũng chớ lấy quyền trên mà giết oan tôi. Tôi chỉ e rằng: Bệ-hạ giết được tôi, và Thái-Hậu với 72 cung-nữ, cho thỏa lòng tư-dục, sau này lòng dân công phẫn, 100 họ phản-nghịch, chỉ sợ bấy giờ Bệ-hạ không giết được cả muôn dân thôi. Nay Bệ-hạ khép tội tôi là toan giết vua, thì cái án ấy đã lấy gì làm bằng, bảo rằng tôi hóa hổ hại vua, vậy trên mặt vua đã có vết hổ cào nào chưa? mình vua đã có vết hổ cắn nào chưa? Vậy cái thú hóa hổ đó, lại chẳng là một cái thú đặc biệt dâng vua trong cuộc thi-tửu sao? Nếu sét lý ra, tôi thực là vô tội. Tôi ví mà có tội thì hoặc dả là đã giết vua mới là có tội. Nay Bệ-hạ lấy gì làm tang-chứng mà khép tội tôi, giết vua? Thằng ăn trộm có bắt được quả tang nó khoét dào, đào ngạch, lấy của đốt nhà, cái đó mới là minh chứng nó ăn trộm. Một người toan làm sự sằng bậy, mà chưa có tí gì là minh chứng sằng bậy, thì lấy tội gì mà khép là sằng bậy? Bệ-hạ mà nhất định khép tội tôi, tôi chết cũng cam lòng, chỉ e hậu thế, sẽ có một đoạn lịch-sử nói là hình luật nhà Lý không minh, không công bằng. Vả lại nếu tôi có lòng hại vua, thì hà-tất tôi phải hóa hổ, tôi hầu rượu vua dùng một mũi dao là đủ, tôi không dùng dao, tôi dùng thuốc độc lại càng êm truyện, tôi không dùng thuốc độc, tôi dùng kế cùng Bệ-hạ chuốc chén thực say, trong thuyền ngủ say cả, mời ngay Bệ-hạ xuống chơi mát Hồ-tây, không được hay sao, hà tất tôi nhẹ mình quốc-trang hóa hổ làm chi? Vậy sự hóa hổ chẳng là tiêu khiển cho Bệ-hạ sao? Nay ví dù Bệ-hạ nhất định khép tội là toan giết vua, vậy thì toan hại mà không hại, thì rồi toan lợi thì cũng lợi chứ sao? Thánh hiền có câu: có lỗi mà biết đổi thì không lỗi gì, nay túng sử tôi có lỗi nữa, toan lòng hại vua thực, song nay, tôi vẫn là tôi, vua vẫn là vua, hà tất Bệ-hạ phải buộc tội tôi. Tôi đã nói hóa hổ là một cuộc vui đặc biệt dâng Bệ-hạ, bây giờ Bệ-hạ có buồn, tôi xin chiều lòng lập tức hóa hổ cho Bệ-hạ xem, chẳng dám cắn chết ai cả. » Nói xong hét lên một tiếng lại toan hóa hổ, vua và quần thần đều thất sắc, vội vàng sai dam, siềng sích Thái-sư lại rồi viết chiếu đầy Thái-sư lên Thao-giang gần Việt-trì, để Thái-sư thỏa chí bình sinh, vùng vẫy nhẩy nhót chốn rừng xanh. Còn Mục-Thận thời vua cảm ơn phong cho Hồ-Tây làm thực-ấp, đến nay vẫn còn đền thờ.