Cổ nhân đàm luận của Trần Trung Viên
55. Nghĩa-sĩ chết oan

55. — NGHĨA-SĨ CHẾT OAN

Kiều-Công-Tiễn diết Dương-Đình-Nghệ, chiếm thành Đại-La, mưu mô với người Tầu, cõng rắn cắn gà nhà. Ông Ngô-Quyền đem binh từ Châu Ái ra vây thành Đại-La. Tướng của Tiễn là Lưu-Định ra đánh, chẳng may chúng kế Ngô, bị bắt. Khi dẫn đến trước mặt Ngô-Quyền, Định lườm lườm không chịu quỳ. Quyền nói: « Đến nước này mà mi chưa biết ăn-năn sao? Dương-Công trước vì dân an-nam, đánh đuổi Lý-Tấn với Lý-Khắc-Chánh về Tầu, cứu dân khỏi tai ương đồ thán. Thế mà Tiễn dám tham danh mê lợi, không suy ơn trước nghĩa sau, đem lòng phản nghịch, trăm họ ai nghe thấy Tiễn diết Dương-Công, đều ngậm hờn ôm oán, Thế mà mi là người an-nam, dẫu mi không chịu ơn riêng của Dương-Công, thì cha mẹ bà con mi, cũng nhờ có Dương Công, mới an cư lạc nghiệp được, khỏi tay tàn-ác người Tầu, nhẽ thì mi phải cùng trăm họ diệt-chu Tiễn đi mới phải, sao nay mi lại su-phụ với kẻ bất lương. Ta từng nghe danh mi là nghĩa-sĩ, mà nay mi là ngày gần chết mà mi còn chưa biết hối sao, nếu mi muốn còn danh nghĩa-sĩ, nên nghe ta cải tà quy chánh, ta sẽ trọng dụng, bằng còn theo thói dan-tà, không nghe lời trung-nghĩa, ta sẽ sai phân thây cho bớt một đứa bất chính. » Định nghe xong, cúi mặt đáp rằng: « Thưa ngài, chẳng phải là tôi sợ chết, đứng trượng-phu nếu chết vì nghĩa thì có sợ gì? Nãy giờ nghe ngài nói, tôi đã tỉnh-ngộ ăn-năn, ngặt vì tôi đã thờ lầm Công-Tiễn, không lẽ phản mà theo ngài. Nay xin ngài diết dùm tôi cho tôi toàn danh-tiết, chớ ngài để tôi sống, theo ngài mang tiếng là phản-thần, theo Tiễn thì mang danh bất nghĩa, xin ngài diết dùm tôi với. » Ngô-Quyền nói: « Ấy mới là trượng-phu, nay ta diết đi thì mang danh bất nghĩa thôi ta tha cho, mặc ý muốn theo ai thì theo, nhưng ta chỉ khuyên từ nay nên cải tà quy chánh. » Nói xong xai tha Định ra đường. Định một mình vừa đi vừa nghĩ, chốc chốc lại thở dài, than rằng: « Ta tiếc vì đang ở chốn non xanh, sung sướng là bao, nghe người ta mấy lời khuyên-dụ, nên mình mới ra mà dúp Tiễn. Nay tỉnh-ngộ, biết là mình nhầm, há lại còn đi xu-phụ nó nữa sao? Làm tài giai, biết việc nghĩa mà làm thì dù ăn muối cũng cam, ta thấy Ngô-Quyền chân chánh mà mình đầu hàng không được, nay lại dở về theo dúp đứa dan tà, thì ai còn gọi ta là nghĩa-sĩ. Thôi đành mình lại dở về núi, mai danh ẩn tích, cho danh tiết vẹn toàn ». Vừa đi vừa nghĩ, đã tới cửa thành Đại-La, đã toan không vào, nhưng lại nghĩ rằng: « Khi mình hạ san xuống dúp nó, rõ-ràng trước mặt thiên-hạ, nay nếu mình không bằng lòng su-phụ nó nữa, cũng vào nói rõ ràng cho nó biết, nếu bỏ mà đi luôn, thì là mình chốn nó, đã là nghĩa-sĩ, khi ở khi đi phải cho minh-bạch. » Nghĩ vậy mới vào thành, đi thẳng tới trước mặt Tiễn, Tiễn thấy về mừng quá, hỏi han, ai ngờ Định không quỳ, đứng nói to rằng: « Tôi tuy sanh trưởng chốn non cao rừng rậm, nhưng vẫn dữ lòng thanh bạch, không làm đều phi nghĩa bất nhân. Tôi mà bỏ chốn mao lư xuống đây, chẳng phải là ham tước lộc, ấy vì tôi nghĩ phận làm giai đứng trong vũ-chụ, dù hay dở cũng phải có công nhiều ít với non sông, nên mới dúp ngài. Nay tôi đã hiểu rõ ngài là bất nhân, có lòng phản nghịch, nên tôi về chào ngài mà chở về núi. »

Công-Tiễn nói: « Thôi ngươi đã bị Ngô-Quyền nó dụ ngươi, nên thay lòng đổi giạ, về mắng ta là bất nhân, nay ta nói cho mà biết, nguyên trước Khắc-Chánh đem binh đánh Giao-Châu bắt Khúc-Thừa-Mỹ mà diết, nên dân hờn oán. Đình-Nghệ dả danh ái quốc, nói là báo thù cho họ Khúc. Kịp đến khi khôi phục giang-sơn, lại dành lấy ngôi Tiết-Đạt-Sứ, hưởng giầu sang, không tìm họ Khúc mà lập, nên ta mới diết đi, ấy là vì nghĩa đó ». Đinh nói: « Thế thì ngày nay ngài diết Đình-Nghệ đi, mà cũng không tìm họ Khúc, thế thì ngài cũng có nghĩa sao? Tôi nay là kẻ quê mùa không hợp với cái nghĩa của ngài, để tôi về chốn rừng xanh, còn ngài ở lại mà làm việc nghĩa ». Nói xong lui ra. Em Kiều-Công-Tiễn là Kiều-Thuận, thấy vậy tức quá, xin anh cho đuổi diết. Tiễn gật đầu. Thuận chạy một mạch ra đến cổng thành gập Định liền chém cắt đầu mang về. Thương ôi! một vị nghĩa-sĩ, chỉ vì nhầm trong một lúc, nỡ bỏ thú non xanh, ra lập thân, nào ngờ chết oan như vậy!