Cổ Gia Định phong cảnh vịnh

Cổ Gia Định phong cảnh vịnh
của không rõ

Đây là bài phú Nôm do Trương Vĩnh Ký sưu tầm, viết lời giới thiệu và chú thích[1]

  • Lời dẫn:

Cái điệu vịnh Gia Định không rõ là của ai làm, làm có đối đáp, song quan, cách cú, gối hạc tất đủ nói về địa cảnh đất Sài Gòn thuở trước Tây (Phú Lang Sa) chưa lấy, bất nội Bến Thành, Chợ Sỏi vô tới Chợ Lớn, Chợ Gạo, Lò Gốm, Cây Gõ, Phú Lâm, Cầu Bông, Thị Nghè, Gò Vấp, đường sá, xóm làng nhà cửa phố phường chùa miếu, lại thú người trên bộ dưới thuyền đủ cả. Nói cho đến Tây Mô ô, tàu bè các nước tới lui nuôn bán thuở ấy nữa. Đặt văn đã hay mà lại kể tích cũ tận xưa cũng nêu dấu tích để truyền lại cho người sau nhớ. Có kẻ nói cái vịnh này là của ông Ngô Nhân Tĩnh ở ngụ xứ Trà Luộc làm ra mà chơi. Nhưng vậy chẳng biết thật hay không? [2].

1. Phủ Gia Định [1], phủ Gia Định, nhà đủ người no chốn chốn,
Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi.
2. Lạc thổ nhóm bốn dân, sĩ nông công thương ngư tiều canh độc
Quy thành [2] xây tám cửa, càn khảm cấn chấn tốn ly khôn đoài.
3. Lợi đất thinh thinh xóm Vườn Mít [3],
Bầu trời vòi vọi núi Mô Xoài.
4. Đông đảo thay phường Mỹ Hội
Sum nghiêm bấy làng Tân Khai [4].
5. Ngói liễn đuôi lân, phố thương khách nhà ngang nhà dọc,
Hiên sè cánh én, nhà quan nhà dân hàng vắn hàng dài.
6. Gái nha nhuốc tay vòng tay kiểng.
Trai xênh xang chơn hớn chơn hài [5].
7. Dù võng nghênh ngang chợ Điều Khiển
Quan quân rậm rật cầu Khâm Sai [6].
8. Trên Cây Da Còm nỡ để ông già gúi đội [7],
Dưới đường cầu Khắc chi cho con trẻ lạc lài [8].
9. Đường Nước Nhỉ [9] chảy tiu tiu người thương khách lại qua hóng mát,
Quán Nước lên [10] dòng dờn dợn khách bộ hành tắm giặt nghỉ ngơi.
10. Kho Cẩm Thảo [11] chứa thuế vua, mạch nước sữa dân ai dám đá?
Chùa Kim Chương [12] làm tôi Phật tương chua muối mặn sãi trường chai [13].
11. Trong làng Cây Gõ nhà bền rường cột,
Ngoài chợ Cây Vông [14] giậu cặm gốc gai.
12. Nhắm kinh Mới [15] như chỉ giăng đường đất,
Đi chợ Hôm vừa tới sập mặt trời.
13. Kẻ lâm dâm vái Bà Chúa Thai Sanh [16] xin mẹ tròn con vuông chẳng đặng trai thì đặng gái,
Người ký cúc lạy chùa Bà Mã Hậu [17] xin thuận buồm xuôi gió đi đến chốn về đến nơi.
14. Cắc cớc chợ Lò Rèn [18] nghe chạc chạc nhà Ban đánh búa,
Lạ lùng xóm Lò Gốm [19] chơn vò vò như Bàn Cổ xây trời.
15. Khỏi lo bề lảm nhảm đám sương, rong vát người đi đường chợ Sỏi [20],
Hằng thấy kẻ hầu hào xóc ốc, nồng nào kẻ ở Lò Vôi [21].
16. Gắng gỏi bấy cho đàn bà xứ Gò Vấp [22],
Thanh thao thay ông hòa thượng chùa Cây Mai.
17. Giếng Hàng Xáo [23] múc lao xao, kẻ chở thuyền người chuyên bộ,
Xóm Cối Xay làm chạc chạc, chồng sửa họng vợ trổ tai.
18. Trước phường phố bày hàng bày hóa
Sau nhà quê trồng bắp trồng khoai.
19. Đồn tiếng Nam châu thì đã phải ghe đen mũi, ghe vàng mũi vào ra coi lòa nước [24],
Người phương đông qua lại bán buôn, tàu xanh mang, tàu đỏ mang hàng hóa chất ngất trời.
20. Trọ trẹ ở dưới sông, quân Huế kéo nhau hò hố hỉn
Xi xô inh đường cái, khách già rao kẹo ổi chau ôi.
21. Dãy thầy bói [25] nhóm bên đường, thấy gieo tiền hào sách hào đơn, lời kỳ cục quẻ rằng linh quẻ,
Bọn quân phường [26] ngồi dưới cội, nghe đổ sứa hồi khoan hồi nhặt, giọng oan ương hơi thiệt tốt hơi.
22. Phiêu diêu cho chú ở dưới ghe, nghề nghiệp ruổi đầu sông đổi nước,
Cắc cớ bấy ông ngồi trên trại, máy móc làm cái ống dòm trời.
23. Lũ Tây dương da trắng bạc, mồm giợt giạt, miệng xếch xác giống thần qủy thần ma thần sát,
Quân Ô-rô mặt đen thui thể lọ nồi, đầu quăn riết, miệng trót môi in thiên bồng thiên tướng thiên lôi.
24. Con bưng rổ te te chạy vát,
Thằng cầm chèo hất hất đứng coi [27].

  • Chú thích:

[1] Gia Định: là tên chung khi trước kêu cả Nam Kỳ lục tỉnh. Ban đầu thì đặt là phủ mà thôi mà đây là chỉ về phủ Gia Định là Bến Thành Chợ Sỏi Chợ Lớn.
[2] Kêu Quy thành theo bát quái vì có làm ra 8 cửa ấy là thành cũ của Gia Định. Ông Ollivier là người Lang Sa đã xây thành ấy còn cho tới đời Minh Mạng, Ngụy Khôi choán lấy làm giặc, vây ba năm mới hạ được mà Mih Mạng dạy phá đi mà xây thành mới là thành Pha Lang Sa đã lấy và đốt đi.
[3] Xóm Vườn Mít là xóm làm bột ở thân ngoài Chợ Đũi: vườn mít là chỗ trường điếm, khi trước ở trong thành.
[4] Làng Tân Khai là tại Chợ Sỏi. Mỹ Hội ở trên Chợ Sỏi chạy lên cho tới kinh Cây Cám.
[5] Nam thanh nữ tú (gái lịch trai xinh) gái đeo vàng trai đi giày đi dép.
[6] Chợ Điều Khiển ở thôn trong Chợ Đũi đường vô Chợ Lớn, nguyên thuở trước có quan điều khiển ở đó. Cầu Khâm Sai tại Chợ Lớn bây giờ đường Gò Công nguyên ông khâm sai làm nên kêu tên như vậy.
[7] Chợ Da Còm đường Chợ Lớn ra Bến Thành, chợ ở ngoài chợ Đũi. Lấy ý trong tên cây da còm mà thêm nỡ để ông già gùi đội. Vì hễ nhà nước thái bình thì không thấy “lão giả bất phụ đai ư đạo lộ” (lời thầy Mạnh ông già không gùi đội nơi đường sá).
[8] Cầu Khắc này là cầu Bà Châu. Còn một cái cầu Khắc khác ở ngoài Chợ Kho đi lên Nước Nhỉ nữa. Lấy ý khắc đi cho có chừng cho vững chơn, đối câu ông già rằng con trẻ đi cho khỏi trợt khỏi té.
[9] Đường Nước Nhỉ là khúc đường Chợ Lớn ra Bến Thành ở ngoài chùa Kim Chương mà trong Cây Da Thằng Mọi chỗ ấy cũng có kêu là cóm lá buôn.
[10] Quán nước lên là quán ở đường Lò Gốm xuống ruộng tức Ngã tư rạch Lào bâu giờ.
[11] Kho Cẩm Thảo là dãy nhà kho bây giờ ở làng Tân Triêm ( tại chỗ nhà thờ Chợ Kho).
[12] Chùa Kim Chương là chùa của vua đã có thuở vua Gia Long ở Gia Định ở ngoài miễu Hiển Trung tự mà trong Nước Nhỉ.
[13] Chính là trường chai mà đặt trường chai có ý đối với dám đá.
[14] Chợ Cây Vông ở phía cửa tả thành Gia Định thẳng vô Cầu Bông.
[15] Kinh Mới là kinh ruột ngựa đào thẳng qua rạch Cát. Chợ Hôm là chợ thuở xưa ở ngoài Cây me quán bánh nghệ (cây me mát) mà trong xóm Bột đường trên Chợ Lớn đi ra.
[16] Chùa Bà Chúa Thai Sanh tại Chợ Lớn, một bên chùa Ông Lớn có biển hiệu là Tam Dơn hội quán. Chỗ người ta hay cầu khẩn mà xin cho đờn bà sinh đẻ cho bằng yên.
[17] Chùa Bà Mã Hậu (Mã Châu) là chùa Quảng Đông ở tại Chợ Lớn đường Cây Mai. Chỗ người đi thuyền vượt biển hay tới mà xin đi cho bình yên, đi cho thuận buồm xuôi gió cho đi tới nơi về tới chốn bình an vô sự.
[18] Chợ Lò Rèn ở bên kia đầu cầu phố. Nhà Ban là lò rèn nghe tiếng búa đập sắt lạc chạc cả ngày.
[19] Xóm Lò Gốm ở tại làng Phú Lâm rạch thông ra Ngã Tư thông vô cầu Khâm Sai. Chỗ người ta làm lò gốm làm ngói gạch, xây vò cha565u lu mái. Làm như ông Bàn Cổ xây trời vậy.
[20] Chợ Sỏi là chợ ở ngoài vàm Bến Nghé tại làng Tân Khai sắp vô tới đường Trường Tiền, thuở xưa kia đông đảo nhà lớp trên lớp dưới mé sông chạy dài khít nhau.
[21] Lò vôi khúc sông Bến Nghé ngay lối rạch Ông Bé sắp vô trong Chợ Lớn.
[22] Gò Vấp là tên chợ Gò Vấp ở xã Hanh Thông. Vì đó có gò khi trước mọc cây vắp nhiều nên lấy nó đặt tên. Chùa Cây Mai ở thân trong Chợ Lớn tại đầu cầu Ông Tiều.
[23] Giếng Hàng Xáo là giếng ở dưới sông bên này Chợ Lớn bên kia thì xóm Than. Xóm Cối xay xưa kia ở một bên lối bên chùa Chợ Cây Da thằng mọi đi ra.
[24] Ghe các tỉnh mỗi tỉnh mũi ghe có sắc riêng tàu bè các nước Tây, Tàu, Nhựt Bổn, Xiêm, Cha-và, đều tới Gia Định buôn bán.
[25] Dãy Thầy bói là dãy nhà thầy bói ở bên đường lối chợ Da Còm đi vô chợ Đũi.
[26] Bọn quân phường là quân ăn mày nghề bị 9 quai hay ngồi dưới bón cây mát, nhịp sứa mà nói thơ cho người đi đường thấy mà cho tiền,
[27] Thuở ấy có ngoại quốc Ô-rô Chà-và tới Gia Định buôn bán người dị hình dị dạng cho nên con gái đi chợ bưng rổ thấy xa c chạy te te, bạn ghe chèo đi dưới sông ngừng chèo hất mặt đứng coi.

   




Chú thích

  1. Chép đúng nguyên văn, không chỉnh sửa lại theo cách viết bây giờ. So với bản Gia Định phú do Vương Hồng Sển sưu tầm thì bản này thiếu nhiều. Xem thêm bài Gia Định phú do Vương Hồng Sển sưu tầm.
  2. Theo sử liệu thì danh sĩ Ngô Nhân Tĩnh đã mất khoảng năm 1813, mà trong bài phú lại có nói tới nhiều việc xảy ra sau đó, như con Kinh Mới thì đến năm 1819 mới đào, ngôi miếu Bà Chúa Thai Sanh mãi đến năm 1839 mới dựng. Điều này có nghĩa: Ngô Nhân Tĩnh không phải là tác giả, và nếu có phải thì tác phẩm đã được người đời sau thêm bớt ít nhiều. Khi đề cập đến tác phẩm này, nhà văn Sơn Nam cũng chỉ cho biết bài phú này còn gọi là Gia Định hoài cổ vịnh, tác giả (khuyết danh) soạn ra trước khi Lê Văn Khôi khởi binh (1833), tức thuở Quy thành hãy còn nguyên vẹn (Bến nghé xưa, tr. 42).

 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.