Gia Định phú
của không rõ

1. Phủ Gia Định![1] phủ Gia Định! Nhà đủ người no chốn chốn,
Xứ Sài Gòn! xứ Sài Gòn! Ở ăn vui thú nơi nơi.
2. Lạc thổ[2] nhóm bốn dân: sĩ nông công thương ngư tiều canh độc [3],
Kim thành[4] xây tám hướng: càn khảm cấn tốn ly khôn đoài.[5].
3. Lợi đất thinh thinh[6] xóm Vườn Mít[7]
Bầu trời vòi vọi núi Mô Xoài[8].
4. Đông đảo thay phường Mỹ Hội[9],
Sum nghiêm bấy làng Tân Khai.[10]
5. Ngói lợp vẩy lân [11], phố thương khách nhà ngang nhà dọc,
Hiên che[12] cánh én, nhà quan dân hàng vắn hàng dài.
6. Gái nhơ nhởn tay vòng tay xuyến,[13]
Trai xênh xang chơn hớn chơn hài [14].
7. Dù võng nghênh ngang chợ Điều Khiển[15]
Quan quân rậm rật cầu Khâm Sai[16].
8. Kẻ vào Chợ Quán, ra Bến Nghé [17],
Người xuống Nhà Bè[18] lên Đồng Nai.
9. Coi ngoài rạch Bà Nghè[19], dòng trắng hây hây tờ quyến trải[20],
Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai[21].
10. Dưới bến hát lẳng lơ, giọng con đò, giọng con rổi,
Trên bờ ca khỏng khảnh, tiếng thằng mục, tiếng thằng nài [22].
11. Chợ Cây Da thằng Mọi, coi bán đủ thuốc xiêm, cau mứt [23],
Cái rạch cầu Con Miên[24], thấy làm nguyên cột vắp, ván trai[25].
12. Trên Cây Da Còm [26], nỡ để ông già đầu đội[27]
Dưới đường đi cầu Khắt[28], bỏ chi con trẻ lạc lài (loài).
13. Đường Nước Nhỉ[29] đất tiu tiu, người thương khách lại qua mát mẻ,[30]
Quán Nước lên[31] dòng cuồn cuộn, kẻ bộ hành tắm giặt nghỉ ngơi[32].
14. Kho Cẩm Thảo chứa thuế vua, mạch nước sữa dân [33] Mạch nước sữa dân ai dám phá,
Chùa Kim Chương[34] làm tôi Phật tương chua muối mặn sãi trường chay.
15. Kinh Gạo[35], người bán gạo, lưng vơi chẳng dám điều hết kiếp,
Chợ Rau, kẻ buôn rau, mắc rẻ ở ăn cái đồng nài[36].
16. Trong làng Cây Gõ[37], nhà bền rường cột,
Ngoài chợ Cây Vông[38], chất đống chông gai.
17. Nhắm kinh Mới[39] như chỉ giăng đường đất,
Đi chợ Hôm[40] vừa tối sập mặt trời.
18. Chùa Cẩm Đệm[41] nên nghiêm, rực rực thấy thầy nằm nệm gấm,
Xóm Hoa Nương [42] đua nở, dầy dầy coi khách bẻ ngụy người.
19. Trong Chợ Lớn[43] thinh thinh, góp nhóp bốn phương đủ hết loài rừng vật biển,
Trên cầu Quan[44] lồ lộ, lại qua mấy phía, thảy đều chú đội cậu cai.
20. Giếng Bà Nhuận[45] mạch cam tuyền, trai gái thảy thỏa tình khát vọng,
Cầu Bà Thuông[46] đường quan lộ, gần xa đều phỉ chí quy lai.
21. Chói chói bấy! chùa Ông Quan Đế[47], chí trung nghĩa cao xa ngàn thuở,
Thăm thẳm thay! miếu Đức Thánh Nhân[48] mối tư văn[49] dựng để muôn đời.
22. Nhìn thấy chùa Ông Bổn Đầu Công[50], dám quên chữ ngọn rau tấc đất,
Ngó thấy miếu Công Thần[51] chư vị, chạnh tưởng câu niềm chúa nghĩa tôi.
23. Kẻ lâm dâm vái Bà Chúa Thai Sanh[52], xin mẹ tròn con vuông, chẳng sanh trai thời sanh gái,
Người ký cúc lạy chùa Bà Mã Hậu[53], xin thuận buồm xuôi gió, đi đến chốn về đến nơi.
24. Cắc cớ[54] chợ Lò Rèn[55], chát chát tựa nhà Ban[56] đánh búa,
Lạ lùng xóm Lò Gốm[57], chạy vo vo như Bàn Cổ [58] xây trời.
25. Khỏi lo bề lẩm nhẩm dầm sương, rong vát người đi đường chợ Sỏi[59],
Hằng lấy kẻ gầu hào, xúc ốc, nồng nã kẻ ở xóm Lò Vôi[60].
26. Gắng gỏi bấy cho đàn bà xứ Gò Vấp[61]
Thanh thao thay hình hòa thượng chùa Cây Mai[62]
27. Giếng Hàng Xáo[63] múc dập dìu, kẻ chở thuyền người chuyên bộ,
Xóm Cối Xay [64] làm tở mở, chồng sửa họng vợ đục tai.
28. Trong Cầu Đường[65] bào chuốt ngọt ngon, đủ đường phổi, đường cát, đường phèn, đường hạ,
Ngoài Xóm Bột[66] phơi phong trắng dã, nhiều bột mì, bột đậu, bột lọc, bột khoai.
29. Đồng Tập Trận [67] rộng cả ngàn, coi xấp xỉ bằng Thái Nguyên dã,[68]
Gò Mô Súng [69] cao lúp xúp,
Nhằm sâm si nửa tợ Vọng Vân Đài [70]
30. Chốn thi trường[71] lẩy lẩy nho sinh, đều nhắm cánh hộc hồng, một thuở bảng vàng lăm chiếm,
Nhà quốc học dầy dầy sĩ tử, gắng gia công đèn sách, mười thu nghiêng sắt chuyên mài.
31. Cầu Cây Gõ[72] trầy trầy, hốt gẫn hổ ngươi cho cái cầu Ông Bỉnh,
Quán cao lâu vòi vọi, đành hay mắc cỡ cho cái quán Bà Cai[73].
32.Trước phố phường bày hàng bày hóa
Sau nhà quê trồng bắp trồng khoai.
33. Thuyền An Nam lui tới, ghe đen mũi ghe vàng mũi [74] vào ra coi lòa nước,
Người phương Đông qua lại, tàu xanh mang, tàu đỏ mang hàng hóa chất ngất trời.
34. Trọ trẹ ở dưới sông, quân Huế kéo nhau hò “hố hụi”
Lô xô dầy trên chợ, khách già lạu chèo ỏi “ài ô”.
35. Lều thầy bói[75] cắm bên đường, thấy gieo tiền hào[76] sách hào đơn mà quyết đoán quẻ rằng linh quẻ,
Bọn quân phường ngồi dưới cội, nghe đổ sứa hồi khoan hồi nhặt, giọng dầy vang hơi thiệt tốt hơi[77].
36. Phiêu diêu cho chú ở dưới ghe, nghề nghiệp ruổi đầu sông đổi nước,
Cắc cớ bấy ông ngồi trên trại, máy móc làm cái ống dòm trời.
37. Lũ Tây dương da trắng bạc, mồm giợt giạt, miệng dứt lác[78], tóc quăn co, tưởng thần qủy, thần ma, thần sát,
Quân Ô-rô mặt đen thui, môi tếch tác, đầu quăn chít, ngỡ thiên bồng, thiên tướng, thiên lôi [79]
38. Con bưng rổ te te chạy vát,
Thằng cầm chèo hất hất đứng coi.
39. Lính nghèo ngoài cửa kéo chổng khu, tội báo ham vui chơi con thỏa,
Trùm ruộng trong ghe xui mất của, thương vì vác mặt ngó cái đòi.
40. Nhiều nhà giàu một lạ một lùng, có kẻ giàu dư muôn dư triệu,
Mấy ai khó cho bần cho thiểu, khó không trơn bề đất cắm dùi.
41.Chốn chốn phong hoa ca vịnh[80]
Nhà nhà lịch sự vui chơi.
42.Lũ bảy đoàn ba, rật rật thấy ban mai khách trúc,
Kẻ qua người lại, dầy dầy nghe lạc ngựa chuông voi.
43. Nhắm cảnh vật lịch ư quá lịch,
Nhìn phong quang vui rất đổi vui.
44. Muốn nói mà chẳng hay vừa hết,
Muốn coi mà chẳng hay vừa thôi.
45. Tôi nay học còn muốn học,
Tài hãy sơ tài.
46. Mặt thấy dân khang vật phụ[81],
Tình ưng xúc cảnh hứng hoài[82]:
Bỡ ngỡ lầy tây xế bóng hường,
Trông chừng non nước chạnh quân vương.
Lơ thơ nội lục cây mờ khói,
Man mác non xanh lá đượm sương.
Đèn thỏ mãi chờ miền hải đảo,
Thuyền ngư vắng nhóm bãi Tiêu Tương[83].
Lẽ hằng đắp đổi theo hôm sớm,
Cơn cớ chi người luống chạnh thương.

   




Chú thích

  1. Phủ Gia Định: Đơn vị hành chính này do thống suất Nguyễn Hữu Cảnh lập năm 1698. Trong quá trình Nam tiến, đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, lãnh thổ miền Nam được sắp xếp lại và đất Gia Định thuộc dinh Phiên Trấn. Ở thời điểm tác giả làm ra bài này (phỏng định ở đầu thế kỷ 19), phủ Gia Định đã không còn tồn tại, nhưng cái tên ấy thỉnh thoảng vẫn còn được dùng do thói quen. Như ở đây tác giả dùng cái tên “phủ Gia Định” để chỉ vùng Sài Gòn và Chợ Lớn.
  2. Lạc thổ có nghĩa như lạc cảnh, tức cảnh vui.
  3. Theo quan niệm của người Việt xưa, thì ngư, tiều, canh, độc (đọc sách) là tứ ẩn, tức là bốn cái thú điền viên, xa lánh trần tục.
  4. Bản Trương Vĩnh Ký chép là Quy thành, tức "thành Gia Định" hay "thành Phiên An" do chúa Nguyễn Phúc Ánh ra lệnh khởi công xây dựng vào ngày 4 tháng 2 năm Canh Tuất (1790) tại làng Tân Khai. Theo Trương Vĩnh Ký thì trung tâm tòa thành ở đúng vị trí nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hiện nay. Tòa thành có 8 cạnh nên còn gọi là "Thành Bát Quái" hay "Thành Quy". Năm 1835, sau khi đánh dẹp cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng sai phá thành cũ, xây thành mới gọi là "Thành Phụng". Năm 1859, quân thực dân Pháp tấn công thành. Và sau khi thành bị đánh hạ, họ đã phá hủy hoàn toàn.
  5. Đây là 8 quái trong Bát quái.
  6. Chưa rõ nghĩa, nhưng rất có thể như thênh thênh, tức rộng rãi, đối với từ vòi vọi (rất cao) ở câu dưới.
  7. Theo Vương Hồng Sển, xóm Vườn Mít ở lối đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nơi đặt Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho biết ngày xưa dân nghèo ở đây lấy hột mít xay ra bột để bán (Sài Gòn năm xưa, tr. 149 và Sài Gòn tạp phín lù, tr.367). Bản trong Tổng tập dư địa chí (tập 4) giải thích: Đây là xóm làm bột, ở ngoài thôn chợ Đũi, và Vườn Mít là chỗ trường diêm khi trước ở trong thành Quy (tr. 137).
  8. Núi Mô Xoài còn gọi là núi Dinh ở Bà Rịa.
  9. Thôn Mỹ Hội bắt đầu từ mé kinh Cây Cám (là con kinh ở phường Bến Nghé, do kỹ sư Bovet đề xuất đào năm 1867, bị lấp năm 1892. Cây Cám là loại cây, lá có phấn mịn như cám, mọc cạnh kinh) chạy lên tới ranh làng Tân Khai (tục danh là Chợ Sỏi). Theo Vương Hồng Sển thì "thành phố Sài Gòn" buổi ấy nằm trên phần đất thôn Mỹ Hội (theo Sài Gòn năm xưa, tr. 100).
  10. Làng Tân Khai, tục danh là "Chợ Sỏi" hay Bến Sỏi" (vì bến sông có nhiều cát sỏi), hay Vàm Bến Nghé", ranh đất giáp với đường Trường Tiền (đầu đường có sở đúc tiền thời chúa Nguyễn lập năm 1796), tức đường mé sông lối Cầu Mống. Khi xưa, đường mé sông nhà cửa đông đúc lớp trên bờ, lớp dưới mé nước, chạy dài chen chúc khúc khít nhau (Trịnh Hoài Đức ghi là chợ phố Lịch Tân), có bến tắm ngựa. (theo Sài Gòn năm xưa, tr. 100 và Sài Gòn- Gia Định qua thơ văn, tr. 270).
  11. Lân tức Kỳ lân, là một trong 4 linh vật của tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Á Đông. Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam là "Ngói liền liền đuôi lân" (tr. 137).
  12. Bản Trương Vĩnh Ký chép là "sè", có nghĩa là thấp lắm. Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam cũng chép là "sè".
  13. Nhơ nhởn có nghĩa vui vẻ, không lo lắng (Thanh Nghị, tr. 1020). Bản Trương Vĩnh Ký chép là: "Gái nha nhuốc tay vòng tay kiểng". Kiểng là vòng đeo ở chân hoặc ở cổ. Xuyến là vòng đeo ở cổ tay. Vậy, chữ "xuyến" dùng trong bản này đúng hơn. Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam chép là "Gái nha nhuốc tay vòng tay niễng" (tr. 137)
  14. Chơn hớn (Hán) chơn hài có nghĩa là chân giày chân dép.
  15. Chợ Điều Khiển lập năm 1731, nằm gần đồn Dinh (ở góc đường Nguyễn Trãi với Phạm Ngũ Lão ngày nay) thời chúa Nguyễn. Nguyễn Đình Đầu giải thích: "Chợ này nằm gần đường quan lộ (nay là đường Nguyễn Trãi), cụ thể là nằm trên đường Nam Quốc Cang (Địa chí tập 1, tr. 164)
  16. Rậm rật: "Thôi thúc trong lòng đến mức khó có thể dừng được" (Nguyễn Như Ý chủ biên, Từ điển Tiếng Việt thông dụng. NXB Giáo Dục, 1996, tr. 919). Cầu Khâm Sai là chiếc cầu bằng gỗ nằm cuối đường Kim Biên, phường 13, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, do một viên quan làm chức khâm sai tạo lập, nên có tên ấy. Về sau, cầu bị phá bỏ.
  17. Chợ Quán khi trước ở tại làng Tân Kiểng (kế làng Nhơn Giang và Bến Nghé) nên còn gọi là chợ Tân Kiểng. Đây là một trong số ít ngôi chợ có từ nửa cuối thế kỷ 18 ở trấn Phiên An. Gọi là Chợ Quán vì thuở trước chợ nhóm ở lối nhà thương Chợ Quán (nay là Trung tâm Bệnh Nhiệt Đới ở số 190 Bến Hàm Tử, phường 1, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, chung quanh chợ có nhiều quán xá. Bến Nghé là tên chỉ vùng đất trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Theo Vương Hồng Sển, thì người Việt đã tụ tập ở đây từ 1790 (Sài Gòn năm xưa, tr. 88).
  18. Nhà Bè là ngã ba sông Nhà Bè. Kêu vậy là vì trước đây Võ Thủ Hoằng cho kết tre làm bè, cất nhà trữ gạo củi…để cho người qua đây ăn ở mỗi khi gặp phải con nước ngược. Lần hồi về sau, người ta bắt chước làm hai ba chục cái bè để bán hàng, thành ra cái chợ Nhà Bè. Đến sau khi đường bộ thông, cộng thêm nỗi quân Tây Sơn vào đánh mới tan nát Nhà Bè đi (theo bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam, tr. 137).
  19. Rạch Bà Nghè, tức rạch Thị Nghè (tên chữ là Bình Trị Giang), là một con rạch (hoặc sông) bắt nguồn từ rạch Nhiêu Lộc đổ ra sông Sài Gòn. Gia định thành thông chí chép: "Bà Nghè là con gái đầu của Khâm sai Chánh thống Vân Trường hầu, tên bà là Nguyễn Thị Khánh, có chồng là thư ký mỗ, người đương thời gọi là Bà Nghè mà không gọi tên thật. Nhân vì khi đầu bà khai chiếm đất ở, bắc cầu ngang qua sông để tiện đi lại, nên dân quen gọi là cầu Bà Nghè (cầu Thị Nghè), cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè" (mục "Trấn Phiên An").
  20. Tờ quyến: tờ giấy mỏng thường dùng để vấn thuốc lá.
  21. Giồng Ông Tố (Lão Tố cang) là vùng đất cao ở Thủ Đức. Khi xưa, cây giâu gia (hay dâu gia, giâu da) mọc đầy ở đây, người Xiêm La sang Sài Gòn buôn bán gọi cây này là chàm rai. Xem [1]. Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam chép "Cây xanh mịt mịt lá chàm rai", và chú thích là: Giồng ở bên kia sông Sài Gòn, dài 7 dặm, rộng 4 dặm, có cây cối mọc rậm rạp, 4 phía có ruộng, trước mặt có rạch, cũng kêu là rạch Giồng Ông Tố (tr. 138).
  22. Con rổi: người đi bán cá (theo Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn xưa, tr. 263). Thằng mục: người chăn nuôi súc vật. Thằng nài: người cỡi voi hay ngựa.
  23. Theo Trương Vĩnh Ký trong “Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận”, thì chợ Cây Da Thằng Mọi ở gần chợ Điều Khiển (Huỳnh Minh nói hai tên đó chỉ cùng một chợ)...Vương Hồng Sển cũng nói đây là hai ngôi chợ ở gần nhau. Và vì chợ ở cạnh gốc cây da, thường bán loại chân đèn bằng gốm, có hình người màu đen (mọi), đội trên đầu dĩa đèn chứa dầu lạc hay dầu dừa, nên có tên này. Thuốc xiêm: thuốc lá xắt và ướp theo cách người Xiêm La.
  24. Cầu Con Miên, tức cầu Cao Miên, nay là cầu Bông, bắc qua rạch Thị Nghè nối quận 1 với quận Bình Thạnh. Trịnh Hoài Đức cho biết năm 1736, triều đình Chân Lạp lại xảy ra việc tranh chấp ngôi vua, buộc Nặc Tha chạy sang Gia Định. Sau khi được phép ở chỗ này, Nặc Tha bèn cho làm cầu ván bắc qua sông để tiện việc qua lại, được người đời gọi là cầu Cao Miên. Sau đổi là Cầu Hoa, rồi vì kỵ úy bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng) nên đổi là Cầu Bông.
  25. Vắp là tên cây, âm gốc từ tiếng Khmer là Kompăp. Đây là một loại danh mộc, cây cao, gỗ cứng chắc. Gia Định thành thông chí chép: "Cây váp, lá như lá khế, thân cao xỏng, cứng chắc, sắc tím đen, muốn dùng làm đồ xài thì dùng lúc cây mới đốn còn tươi, để lâu thì dao búa đẽo cũng không vào, chịu đựng được nước mưa, đốt làm than để nấu đồng sắt, rất cần cho việc quốc gia.
    Cũng theo sách này, thì "cây trai (chay) có lá nhỏ mà dài, cành thẳng lên như cán chổi, gỗ bền chắc, trăm năm không mục, lâu ngày gân cây như răng lược, người ta thường dùng làm quan quách và cột mốc giới" (Sản vật chí).
  26. Cây Da Còm là một cây da nhánh còm, lá gie khòm xuống mặt đất. Bên cây da này có chợ gọi là chợ Cây Da Còm. Sau, nhà cầm quyền Pháp cho dẹp chợ và cất lên Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon), nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ở số 69, đường Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
  27. Thời thái bình, theo Mạnh Tử thì không có cảnh “lão giả bất phụ đai ư đạo lộ” (ông già không gùi đội nơi đường sá). Tác giả dùng tích này có ý nói ngược lại.
  28. Cầu Khất: Cầu có nhiều trẻ em ăn xin. Bản Trương Vĩnh Ký chép là Cầu Khắc và giải thích đây là cầu Bà Châu (còn một cái cầu trùng tên ở ngoài chợ Cầu Kho nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1). Xét ra, cái tên Cầu Khắc hợp lý hơn.
  29. Trịnh Hoài Đức chép: "Phía bắc chùa Kim Chương có suối nước ngọt bốn mùa dưới đất chảy tràn ra ướt dầm cả đường đi". Trương Vĩnh Ký giải thích thêm rằng vì con đường thường bị ngập lụt, tư mùa ẩm ướt nên có cái tên này. Theo Sài Gòn-Gia Định qua thơ văn xưa' thì đường Nước Nhĩ nay là khúc đường Cống Quỳnh thông qua đường Phạm Ngũ Lão (tr.268).
  30. Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam chép "Đường Nước Nhỉ chảy tiu tiu/ Người thương khách lại qua hóng mát".
  31. Quán Nước Lên là quán nằm ở trên khúc đường Lò Gốm xuống ngã tư rạch Lào thuộc quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ.
  32. Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam chép "Quán Nước Lên dòng dờn dợn/ Khách bộ hành tắm gội nghỉ ngơi.
  33. Kho Cẩm Thảo còn gọi là kho Giản Thảo ở làng Tân Triêm, do chúa Nguyễn sai lập năm 1741. Đây là dãy nhà kho chứa lúa thuế từ Nam Kỳ lục tỉnh chở lên nộp cho triều đình. Trên bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815, nó được vẽ rõ rệt (hình vuông, có sông rạch bao quanh). Vị trí kho nay là nhà thờ Chợ Kho. Mạch nước sữa dân, ý nói số lúa này dành để phục vụ cho dân cho nước.
  34. Chùa Kim Chương hay Kim Chung Tự. Chùa này lại xây trên một nền chùa Chân Lạp đã có trước đời Gia Long. Theo Trương Vĩnh Ký thì chúa Nguyễn Phúc Thuần và chúa Nguyễn Phúc Dương đều bị quân Tây Sơn hành quyết tại đây lối năm 1777. Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ (1861), chùa Kim Chương đã được tháo dỡ đem về xã Mỹ Thiện (nay là xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
  35. Kinh Gạo ở vùng Chợ Quán, và vì nằm trong xóm chuyên bán gạo nên có tên này. Cây cầu bắt qua kinh này cũng gọi là cầu Gạo.
  36. Chợ Rau là Chợ Rẫy ở chỗ bệnh viện Chợ Rẫy ngày nay (Bến Nghé xưa, tr. 21). Nài ở trong câu này có nghĩa là cố mời, cố xin.
  37. Làng Cây Gõ ở vùng Phú Lâm, nay thuộc quận 6 (Thành phố Hồ Chí Minh).
  38. Chợ Cây Vông khi xưa ở lối nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi (ngày nay là Công viên Lê Văn Tám thuộc quận 1), gần cầu Bông.
  39. Theo Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn, thì kinh Mới tức kinh Tàu Hủ do phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý đốc suất đào năm 1819. Khi đào xong, được nhà vua cho đặt tên là An Thông hà, tục gọi là Kinh Mới, Pháp gọi là Arroyo Chinois. Và vì chảy ngang Chợ Lớn nên còn gọi là Rạch Chợ Lớn. Trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, Trương Vĩnh Ký viết: "Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hàng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hoá chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ hoặc để bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn". Theo Huỳnh Tịnh Của thì từ Thổ Khố (tức là khu nhà lớn bằng gạch để chứa hàng hóa), người Triều Châu phát âm từ Tàu Khậu, sau đọc trại ra thành Tàu Hũ. Bản Trương Vĩnh Ký giải thích kinh Mới là kinh Ruột Ngựa do quan Nguyễn Cửu Đàm cho đào vào mùa thu năm Nhâm Thìn (1772), phá một đường sình lầy để đào con kinh thẳng như ruột ngựa, nên gọi là "Mã Trường Giang". Nguyễn Đình Đầu theo ý này (xem phần “tác giả” ở trên).
  40. Chợ Hôm lúc bấy giờ nhóm lúc chiều tối ở quảng đường từ Bệnh viện Phước Kiến (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi vào Chợ Lớn.
  41. Chùa Cẩm Đệm tức chùa Giác Lâm, còn gọi là chùa Cẩm Sơn, dựng năm 1774 (Bến Nghé xưa, tr. 18). Buổi đầu có một cư sĩ tên Cẩm, chuyên nghề đan đệm bán, đến cuộc đất cao ráo ở Phú Thọ dựng một am lá. Người địa phương gọi cư sĩ ấy là ông Cẩm Đệm và ngôi thờ tự ấy là am (sau là chùa) Cẩm Đệm. Tuy nhiên, theo nhóm Nguyễn Khuê, gọi Cẩm Đệm là vì gò Cẩm Sơn cỏ mọc xanh mướt, điểm hoa dại trông như gấm thêu (tr. 269). Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cũng đã khen ngợi cảnh chùa như sau: "Ở trên gò Cẩm Sơn, cách lũy Bán Bích về phía tây 3 dặm, gò chùa nầy như đống vàng bỗng nổi lên giữa chỗ đồng bằng trải thẳng cả trăm dặm…, cây to thành rừng, hoa núi dệt gấm, sớm chiều mây khói bốc lên quấn cuộn, tuy nhỏ nhưng lý thú" (mục "Thành Trì Chí"). Theo Vương Hồng Sển, thì Tư Mắt, tay anh chị nổi tiếng một thời khi già thường đến nghe kinh niệm Phật tại đây (Sài Gòn năm xưa, tr. 213).
  42. Xóm Hoa Nương nằm tại trung tâm Chợ Lớn, nhưng chưa biết ở lối nào. Vương Hồng Sển cũng chỉ ghi như thế này: Tục lệ thành Sài Gòn và Chợ Lớn, cho đến về sau lâu lắm mới dẹp là dân trong thành phố hễ quá mười giờ đêm muốn ra đường phải xách theo một lồng đèn, lại nữa riêng Chợ Lớn, xóm của gái điếm cũng gọi "Xóm Lồng Đèn", đã là xóm huê nương tức nhiên phải về khuya, khách làng chơi cơm nước phủ phê rồi mới xách lồng đèn đến thăm, sự ấy cũng dễ hiểu (Sài Gòn năm xưa, tr. 152.
  43. Chợ Lớn là trung tâm điểm của vùng Đề Ngạn xưa (theo Vương Hồng Sển thì người Hoa đã tụ tập ở đây từ năm 1778 [Sài Gòn năm xưa, tr. 88]). Chợ ven kinh, buôn bán sầm uất tại khu vực Bưu điện Chợ Lớn thuộc quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
  44. Cầu Quan, tục gọi là cầu Gọ, ở ngang Thủ Thiêm, gần xóm Thủy Trại. Sở dĩ có tên Cầu Quan là vì trong xóm có nhiều quan viên ở. Nơi đây vẫn còn một ngôi đình mang tên Đình Cầu Quan (theo Sài Gòn năm xưa, tr. 116-117.
  45. Nhóm Nguyễn Khuê giải thích đấy là giếng chùa Bà, gần Chùa Bà Thiên Hậu (Chợ Lớn). Vì nước tốt và ngọt nên còn gọi là giếng Cam Tuyền (tr. 269).
  46. Cầu Bà Thuông tên chữ là Thị Thông kiều. Cầu ở đầu kinh An Thông hà, do phó tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý đốc suất đào năm 1819.
  47. Chùa (thật ra là miếu) Ông tọa lạc tại số 676-678 đường Nguyễn Trãi, quận 5, do người Hoa khởi dựng từ năm 1840, thờ Quan Công, nhân vật thời Tam Quốc. Ðây cũng là nơi hội họp của người Triều Châu nên còn gọi là "Nghĩa An Hội Quán" (Nghĩa An là tên một vùng đất ở Quảng Đông (Trung Quốc) nơi đa số người Triều Châu sinh sống). Ngoài ra, trong Chợ Lớn còn có “ít nhất” bốn nơi thờ Quan Võ Đế nữa đó là: Phước An hội quán (đường Hùng Vương), Bửu Sơn Hội quán (đường Xóm Vôi) và Nghĩa Nhuận Hội quán (đường Gò Công). Theo Sài Gòn năm xưa, 208-209.
  48. Miếu Đức Thánh Nhân tức Văn Thánh miếu thờ Khổng Tử dựng năm Minh Mạng thứ 5 (1824) nhưng nay đã mất dấu. Chỉ biết ngôi miếu khi xưa ở địa phận thôn Phú Mỹ (Thị Nghè), huyện Bình Dương, phía đông tỉnh thành Sài Gòn (Gia Định xưa, tr. 63), tức ở lối cầu Văn Thánh bây giờ. Đàn Xã Tắc cũng được lập tại đây, nhưng nay cũng không còn chút dấu tích gì (Sài Gòn năm xưa, tr. 221).
  49. Tư văn: lễ nhạc, chỉ giới văn học, giới làng nho (Thanh Nghị, tr. 1278)
  50. Chùa Ông Bổn Đầu Công tức Miếu Nhị Phủ, hiện tọa lạc tại số 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5. Ông Bổn, vị thần được thờ chính trong chùa, theo nhiều người đó là thái giám Trịnh Hòa đời nhà Minh.
  51. Miếu Công Thần tức Đền Hiển Trung ở địa phận thôn Tân Triêm xưa, trong vòng thành Ô Ma (Camp des mares) nằm bên đường Nguyễn Trãi ngày nay. Đền do chúa Nguyễn Phúc Ánh sai dựng năm 1795, đến năm 1804 thì sửa lại để thờ 1.015 vị công thần thời đánh nhau với quân Tây Sơn. Năm 1945, đền đã bị quân Pháp phá bỏ sau khi quân Nhật rút đi (theo Sài Gòn năm xưa, tr. 97 và 154).
  52. Bà Chúa Thai Sanh là vị thần chuyên coi việc sinh đẻ theo tín ngưỡng của người Hoa. Ngôi miếu thờ vị thần này được lập (Nguyễn Đình Đầu còn nghi ngờ năm dựng như đã dẫn trên) năm 1839, ở cạnh chùa Ông Quan Đế đã ghi trên.
  53. Chùa Bà Mã Hậu tức chùa Bà Thiên Hậu (Chợ Lớn), hiện tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi.
  54. Cắc cớ: Đùa bỡn, trêu chọc (Thanh Nghị, tr. 201).
  55. Chợ Lò Rèn ở chỗ nhà thờ Cha Tam ngày nay tức ở khu vực đường Học Lạc, phường 14, quận 5.
  56. Theo Sơn Nam (Bến Nghé xưa, tr. 90) thì Ban ở đây là Lỗ Ban (tên thật là Công Thâu Ban), tương truyền là ông tổ của nghề mộc. Trương Vĩnh Ký chỉ chú thích nhà Ban là lò rèn.
  57. Xóm Lò Gốm ở làng Phú Lâm, bên rạch Lò Gốm.
  58. Bàn Cổ được coi là vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ trong thần thoại Trung Quốc.
  59. Chợ Sỏi xem chú thích làng Tân Khai ở câu 4.
  60. Xóm Lò Vôi ở bên sông Bến Nghé, ngay lối rạch Ông Bé (nay thuộc quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) chảy vào trong Chợ Lớn (theo Sài Gòn năm xưa, tr. 100).
  61. Gò Vấp tức "gò có nhiều cây vắp" (vắp nói trại thành vấp). Người Chàm gọi cây này là Krai và xem như là thần mộc, yểm hộ cho dân tộc họ. (Gia Định xưa, tr. 93). Xứ Gò Vấp xưa nay là một quận nội thành thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
  62. Chùa Cây Mai tọa lạc trên gò Mai, thuộc Gia Định xưa. Trong thời Pháp thuộc, ngôi chùa đã bị tháo gỡ, chỉ còn lại gò Mai gần như phẳng lì, nằm ở góc đường Hồng Bàng-Nguyễn Thị Nhỏ thuộc phường 16, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
  63. Trước khi vô đến Chợ Lớn, ngang Xóm Than (chỗ này ghe từ lục tỉnh lên thường neo đậu) có một cái giếng gần mé sông, tên gọi là Giếng Hàng Xáo. Nước tốt nên người dân đua nhau đến giếng này để giành giựt đổi chác (Sài Gòn năm xưa, tr. 133).
  64. Xóm Cối Xây ở trong hẽm thuộc khu vực chợ Cây Da Thằng Mọi.
  65. Cầu Đường bắt qua rạch Cầu Đường ở trong xóm bán các loại đường thuộc Chợ Lớn.
  66. Xóm Bột xưa ở quãng từ Chợ Quán đến Bệnh viện Phước Kiến (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi). Đi tới nữa thì gặp Chợ Hôm, nhóm lúc chiều tối (Sài Gòn năm xưa, tr. 157(.
  67. Đồng Tập Trận là một cánh đồng rộng lớn thuộc quận 3 và quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu năm mới, Tổng trấn Lê Văn Duyệt thường cho quân tập trận ở lối Mô Súng, tức ở khoảng khu vực Ngã Sáu Dân chủ ngày nay.
  68. “Thái Nguyên dã” có nghĩa rộng lớn như đất nhà Châu bên Trung Quốc (chú giải của Trương Vĩnh Ký).
  69. Gọi là "Mô súng" vì nơi đây (ở khoảng khu vực Ngã Sáu Dân chủ ngày nay) có các mô đất cao đặt các khẩu súng đại bác để phục vụ cho công tác huấn luyện của quân đội nhà Nguyễn.
  70. Vọng Vân Đài là đài cao để xem mây, tựa như đài Vọng Vân đời Hán (chú thích của Trương Vĩnh Ký).
  71. Trường thi Hương Gia Định ở địa phận thôn Hòa Nghĩa, phía tây tỉnh thành, nay là Nhà văn hóa Thanh niên tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
  72. Cầu Cây Gõ trong Phú Lâm, ở đoạn đường Minh Phụng bắc qua rạch Lò Gốm.
  73. Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam ghi là “bà Goi”, và chú thích như sau: Cầu Ông Bỉnh, quán Bà Goi là đường Chợ Gạo xuống Rạch Nhảy, Dừa Giăng đi lên, theo lối đường có cầu Ông Bỉnh và quán Bà Goi (tr. 142).
  74. Thời trước mũi ghe thuyền của mỗi tỉnh phải sơn màu khác nhau cho dễ phân biệt, như ghe Sài Gòn thì sơn mũi màu đỏ.
  75. Trương Vĩnh Ký chú thích: "Dãy lều thầy bói ở bên đường lối chợ Cây Da Còm đi vào chợ Đũi" (dẫn lại trong Sài Gòn-Gia Định qua thơ văn xưa, tr. 277). Còn theo Vương Hồng Sển thì: "Khúc chợ sung túc hơn cả thì ở vào khoảng từ cột cờ Thủ Ngữ chạy đến đầu cầu Mống mút đường Công Lý, xóm này có tên riêng là Dãy Thầy Bói cũng gọi là Đường Thợ Tiện. Đây là dãy nhà đẹp nhứt thuở “cựu trào” (Sài Gòn năm xưa, tr. 126).
  76. Hào: Một trong sáu vạch của một quẻ trong Kinh Dịch.
  77. Câu này tả cảnh những người ăn xin ngồi dưới bóng cây, nhịp sứa (làm bằng hai miếng cây cong cong) nói thơ để xin tiền khách đi đường (theo Trương Vĩnh Ký, sách đã dẫn, tr. 277). Theo Sơn Nam thì: Giữa Cầu Kho và Chợ Quán thời chúa Nguyễn là xóm ăn mày (Bến Nghé xưa, tr. 38).
  78. Dức lác: la lối.
  79. Thuở ấy có những người Java (thuộc Nam Dương) đến Sài Gòn mua bán. Đối với con mắt người Việt lúc bấy giờ, thì họ trông thật dị dạng (theo Trương Vĩnh Ký, sách đã dẫn, tr. 277).
  80. Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam chép là: “Chốn chốn phong quan ca xướng” và chú thích “phong quan” là tử tế, lịch sự (tr. 144).
  81. Khang có nghĩa là yên vui, yên ổn. Vật phụ chưa biết nghĩa. Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam chép là: “Mắt nhìn thấy dân phong vật phú” và chú thích “dân phong vật phú” là dân đông, vật nhiều.
  82. Bản in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam chép là: “Tình thừa ưa xúc cảnh hứng hoài”. Tiếp theo là mấy câu kết thúc sau (tức không có bài thơ luật): Góp nhóp những lời quê tiếng kịch/ Nối nắm nên giọng vắn câu dài/ Mặc thuở vui vầy xếp để,/ Khi buồn lại giở coi chơi.
  83. Tiêu Tương là nơi hợp lưu của hai con sông Tiêu Thủy và Tương Thủy ở địa phận huyện Linh Lăng tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Tác giả dùng từ này có ý nói cảnh sông ở Gia Định cũng đẹp tựa Tiêu Tương, nhưng tiếc rằng bến đã vắng tàu thuyền. Tám câu cuối, tác giả có ý cảm hoài.

 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.