Cần có bọn học giả ấy của ông Phan Khôi

Cần có bọn học giả ấy của ông Phan Khôi  (1931) 
của Hoàng Tích Chu

Bài đăng trên Đông tây, Hà Nội, số 80 (13.6.1931)

Ông bạn Nguyễn Pho sang Pháp, nghiên cứu về Hán học. Học tiếng nước Tề sao chẳng đến nơi Trang Nhạc, cái chỗ ấy khiến người ta khó hiểu: chẳng sang Tàu mà lại sang Tây!

Quả nhiên, đọc bức thư gởi về, ông Phan Khôi có cảm, viết nên bài Hán học ở bên Pháp đã đăng ở Đông tây từ số 74 đến số 77 mới hạ được chữ hết.

Đại ý bài ấy thế nào? ông Phan Khôi đã nói trong đoạn kết luận.

Trước hết, tác giả muốn chia sự học ra làm hai: học nghĩa lý với học từ chương khoa cử. Ở nước ta chuyên trọng về học tầm chương trích cú, cho nên đến lúc khoa cử hết, Hán học chỉ trình bày cái cảnh điêu tàn như ngày này ở nước ta.

Nói cái cảm tưởng ấy đối với chữ Hán, tác giả muốn lo cái học cho chữ Pháp:

"Hiện ngày nay, Tây học cũng chia làm hai, một cũng là cái học nghĩa lý, một nữa lại là cái học "kiếm cơm". Nếu ngày nay ta chỉ chuyên theo cái học kiếm cơm thì nó cũng sẽ di họa cho ta như cái học từ chương khoa cử ngày xưa vậy".

Mấy câu đó, thật đã tỏ rõ cái đời đi học chữ Pháp ngày nay của người mình. Một số đông học nó chỉ để làm kế "kiếm cơm". Những câu nói học để "béo mình béo nhà", những câu nói "học cái bã giả mà không học được tinh thần", những câu chỉ trích bọn cựu nho đã có thể đem dùng để chê bọn tân học nay được rồi.

Sợ cái học "kiếm cơm" ấy sẽ di hoạ cho ta như cái học từ chương khoa cử, ông Phan Khôi gõ mạnh một tiếng chuông cảnh tỉnh:

"Rầy về sau thể nào trong nước ta cũng phải có một bọn người cả đời chỉ chuyên lo một việc học mà không biết đến việc chi hết, thế thì họa may nước mới khá ra. Không nên bắt phải kể bọn ấy sẽ dùng ra việc gì. Chỉ biết rằng phàm nước nào lập quốc vững vàng được đều phải nhờ có bọn ấy thì ta đây cũng phải có".

Câu nói trên này, tác giả muốn phá tan cái án: vật chất với tinh thần.

Từ ngày Tây học tràn sang cõi đất cổ này, người ta theo làn sóng mới, thường có một cái quan niệm sai lầm kỳ quặc. Cái quan niệm ấy thật bởi từ bọn "gọi là học giả" gây nên. Họ bảo rằng Âu hóa chỉ chuyên về phần vật chất, vì họ thấy trong vòng 50 năm nay, thốt nhiên bị tiếp xúc với cảnh đời máy móc. Họ lại thấy mấy ông triết học Pháp thường phàn nàn cái khuynh hướng người Thái Tây chỉ thích ở bề ngoài mà quên tư bồi đến bề trong, thì họ đổ giệt cho vật chất là cái luật duy nhất của đời nay.

Chịu ảnh hưởng của bọn này, từ gia đình đến xã hội như cùng một ý nghĩ: Cái học để thành người không hợp với cái buổi phải học để kiếm cơm. Nhồi vào óc những trang sách chết, để cầu lấy những mảnh bằng chết. Hai cái chết ấy tức là thây độn đường cho miếng cơm manh áo. Lột cái sống ở trong cái chết, tư tưởng của phần nhiều người chỉ có thế thôi!

Biết đâu văn hóa một nước, một xã hội phải lấy tinh thần làm nền tảng. Ta đừng tưởng tầu bay, tầu ngầm, xe hơi, giây nói, những cục sắt quay cuồng phút biến ra trăm hình ngàn trạng là tự mấy nhà kỹ nghệ chế ra được đâu. ấy là kết quả của trăm ngàn điều luật tìm thấy bởi những khối óc thanh cao nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Tôi còn nhớ, lần đầu bước chân lên đất Pháp, một buổi đi dự lễ kỷ niệm Renan ở trường Sorbonne, trông lên mấy hàng ghế trên diễn đài, thấy toàn những vị râu bạc trán hói. Một người bạn Pháp bấm tay nói nhỏ: "Văn minh nước chúng tôi đều nhờ ở những cái trán hói kia!"

Người phương Tây kính lão không phải ở cái tuổi, mà ở cái đức cái trí từng rèn tập đã lâu năm. Đó tinh ba bao chùm trên cái xã hội hỗn tạp, nó chẳng mấy lúc hiện ra, nhưng thiếu nó cũng như thiếu tín ngưỡng thì nền tảng xã hội khó lòng mà đứng vững.

Bọn học giả nước Pháp - quả như lời của ông Phan Khôi - ngoài việc học, không còn biết việc chi hết. Trong hộ Latin năm ấy, cả thảy có 6 nhà học giả, suốt ngày cầm cụi trong phòng sách, phòng thí nghiệm, bẩn thỉu dơ dáy, áo rách không biết, giày thủng không hay, ngày ít được ăn miếng thịt, đêm không mấy lúc có than, tự biệt lập một cảnh tịch mịch quạnh hiu trong cái thế giới xung quanh inh ỏi nồng nàn, tiếng đàn, hơi rượu…

Bọn học giả ấy không những đã hy sinh cho sự học mà ngay chánh phủ cũng chẳng có thể ép ra làm một việc gì. Một tuần lễ có 4 giờ dạy một lớp học chừng 4-5 chục người, các nhà ấy đã thấy khó chịu rồi.

Không phải thờ ơ với người đời bởi lòng ích kỷ, các nhà ấy chỉ sợ sự học không đuổi kịp thời giờ. Một điều luật tìm ra trong khoa học, một quyển sách in ra cho văn giới, đó những điều hạnh phúc của cái trán hói tặng cho nước, cho xã hội cả loài người.

"Nếu lấy bọn học giả kể trên làm mẫu, hỏi nước ta hiện nay có những người nào? Những người nào trong đám tây nho tận tụy với việc học mà không cần điều gì khác?

Có những ai? Tầm con mắt hẹp, tiếc chưa nhìn thấy.

Thế thì xin lấy câu này của ông Phan Khôi mà kết luận:

"Nếu đôi trăm năm nữa mà cái tinh túy của Tây học không tìm thấy được trong xứ này cũng như Hán học ngày nay, thì cái lỗi ấy đổ vào mình chúng ta".

Hoàng Tích Chu