Hán học ở bên Pháp
Cảm tưởng sau khi đọc bức thư luận học của người bạn ở Paris
Sinh ra trong nước Việt Nam, nước người ta bảo nhau rằng có văn hiến bốn ngàn năm, nước theo đạo Khổng Mạnh, nước từ xưa mỗi ba năm lấy đậu hàng ba trăm cử nhân, hai chục trở lên cho đến năm sáu chục tấn sĩ, mà đến ngày nay có kẻ nào muốn nghiên cứu Hán học cho đến nơi đến chốn, phải sang đến tận bên Tây, bên Paris ! Ôi ! trong đời có sự kỳ quái như vậy, ngẫm lại xiết bao là ngao ngán !
Hán học, theo đúng cái danh từ học thuật thông hành bên Tàu lâu nay, là chỉ về cái học của một bọn học giả đời Mãn Thanh, kể từ Cố Viêm Võ cho tới Chương Bính Lân, nghĩa là cái học của bọn ấy đã gạt bỏ Tống nho Minh nho mà vói tìm lên đến Hán nho, bởi cho rằng Hán nho là gần với Khổng Mạnh hơn hết, có thể y cứ được - cho nên gọi là Hán học. Nhưng chữ Hán học tôi dùng trong bài đây, chẳng qua theo thói quen của người mình, phiếm chỉ là cái học của thánh hiền bên Tàu đó thôi.
Cái học đã là của thánh hiền bên Tàu, mà ta đây từ trước vẫn chuyên theo cái học ấy, ngày nay dầu không theo nữa cũng còn có sách vở, còn sư nho, muốn học thì dạy nhau trong nước cũng được chớ sao lại phải băng ngàn vượt biển, sang tận bên Tây, là nơi chưa hề có dính dấp gì với Hán học?
Chỗ ngao ngán là ở trong câu hỏi đó. Cho được trả lời câu hỏi ấy, phải vẽ rõ cái chân tướng Hán học của ta hồi xưa ra thế nào; khi vẽ rõ ra, sẽ thấy mà càng thêm ngao ngán !
Chúng ta kêu rằng Hán học đó có hai phương diện khác nhau. Một là cái học về nghĩa lý, tức là cái học của thánh hiền; một là cái học về từ chương khoa cử, cũng kêu là tục học. Hồi Khổng Mạnh bắt đầu đề xướng ra, nguyên chỉ có cái học nghĩa lý mà thôi; đến sau lần lần một ngày một sai đi, mới thành ra cái học từ chương khoa cử.
Nói rằng cái học nghĩa lý là nói gọn cho dễ nghe, chứ trong đó bao hàm nhiều việc lắm. Trong đó có một phần lớn tức ngày nay ta kêu bằng "triết học", xét về bản thể của vũ trụ, cùng tính mạng đạo đức là sự cần thiết cho sự sống của loài người; lại một phần nữa kêu là tu thân dạy về sự làm người cho đứng đắn; lại một phần nữa kêu là kinh tế, dạy về chánh trị kinh tế, cái cách để trị nước và an thiên hạ.
Đó là rút lại mà cắt nghĩa cho hiểu qua cái học của thánh hiền đời xưa là thế đó; ngoài ra còn có những cái tên "kinh học", "sử học" hay là "lý học", "đạo học" gì gì nữa cũng đều thu vào trong cái học nghĩa lý ấy.
Bên Tàu từ đời Hán về sau, nhà vua lập ra phép thi, tức là khoa cử. Ban đầu cũng do theo cái học nghĩa lý của thánh hiền làm tiêu chuẩn, hễ ai tinh thông nghĩa lý thì được trúng cách, tức là thi đậu; nhưng sau rồi mỗi ngày một sai đi, mà cái học khoa cử đi một đường, còn nghĩa lý đi một đường. Khi họ bỏ quên phần nghĩa lý rồi, chỉ chuyên trọng về mặt từ chương. Từ chương tức là làm từ phú văn chương cho hay cho đẹp, lấy đó làm tiêu chuẩn cho sự thi cử. Vì vậy nên nói luôn là từ chương khoa cử.
Chính bên Tàu đã bày ra cái lối học từ chương khoa cử ấy; họ cũng bị cái học vô dụng ấy làm hại đến hai ngàn năm chẳng phải ít. Song còn nhờ có một điều, là, tuy đời nào cũng trọng cái học từ chương khoa cử, mà đời nào cũng có nhiều người chuyên trị cái học nghĩa lý. Như trong đời Hán có nhiều tay danh nho chú thích các kinh đời xưa, đã đành rồi; cho tới về sau, nhà Tống, nhà Minh, nhà Thanh, là lúc khoa cử thịnh hành lắm mà các nhà nho chuyên học về cái học nghĩa lý lại cũng nhiều hơn nữa.
Xét ra là do cái quan niệm của người đi học bên Tàu từ đời xưa đến đời nay cũng vậy : họ vẫn lấy sự thi đậu làm quan làm vinh diệu, nhưng không lấy nội chừng nấy làm đủ; họ còn muốn cái thân của mình có quan hệ đến xã hội đời sau; muốn vậy thì duy có gieo mình vào cõi học mới được. Cho nên có nhiều người đã làm đến bậc đại thần, công danh rực rỡ, mà cũng còn chen chân vào đám học giả mới nghe, ấy là như Tăng Quốc Phiên và Nguyễn Nguyên[1], người đời Thanh mới đây vậy.
Lại còn những người cả đời theo học vấn mà nhất định không thèm thi cử, không thèm tranh cái danh tầm thường với đời, chỉ chăm một đường khảo cứu, trước thuật, hiến thân cho sự học.
Nhờ vậy đó mà bên Tàu, sĩ phu dầu bị cái học khoa cử làm hư đi cũng nhiều, song cái học nghĩa lý của thánh hiền đời xưa vẫn không đến nỗi mờ tối. Trong khoảng non ba trăm năm về đời Mãn Thanh mới rồi, có nhiều bậc danh nho ra đời, xiển minh đạo thánh, lại còn chói sáng hơn trước nữa, đến nay người ta đem sánh với thời đại Tái sanh (Renaissance) bên Âu châu.
Ở nước ta, khi sách vở của đạo Nho truyền sang, chính vào thời đại Bắc thuộc (Sĩ Nhiếp, ngang đời Đông Hán), chẳng khác nào bây giờ Đông Dương thuộc quyền thống trị của nước Pháp, thì lại rước lấy cái học của Âu châu. Do đây suy đó thì biết rằng cái giáo dục đời bấy giờ cũng là lối giáo dục chấm câu[2], cái học nghĩa lý của thánh hiền thật chửa thấm khắp trong óc người mình chút nào. Học "chấm câu" như vậy non ngàn năm, đến lúc nước mình độc lập, lại vội vàng lập ngay ra phép khoa cử. Từ đó Hán học ở nước ta chỉ biết có từ chương khoa cử mà thôi, không hề biết đến cái học nghĩa lý.
Theo lịch sử Việt Nam thì có hai thời kỳ mà người ta cho là nho học rất thịnh, là hồi triều Lê và triều Nguyễn, ngang chừng sáu bảy mươi năm trước đây. Nhưng thịnh đó là chỉ thịnh về đằng từ chương khoa cử; nếu bảo rằng nho học thịnh thì oan cho nho học lắm, vì nho học tức là cái học nghĩa lý, mà ở nước ta nó hầu như không có.
Tôi nói như vậy, chắc lắm người cho là tôi nói vu. Họ sẽ kể ra cho tôi nghe những ông gì ông gì đã làm ra những sách gì sách gì, để chứng rằng nước ta chưa từng không có học nghĩa lý. Song tôi xin lắc đầu mà đáp lại rằng nội mấy người đó và mấy bộ sách đó không đủ kể, vì cái học từ chương đến vạn phần mà cái học nghĩa lý chỉ có một phần, thì có cũng như không. Nói tắt một lời, cái học nghĩa lý không đủ thành ra một cái học phong trong nước, thì một phần rất ít ấy cũng bị kể như là không cả vậy.
Thế không phải là nói quá. Thử đem mấy ông tiền bối của ta ra mà xét thì đủ biết. Đừng kể những kẻ đậu cái tú tài về nằm nhà hay là đậu cái cử nhân hàng, miễn cho có đường ra tòng chánh[3] làm chi. Kể mấy ông khôi thám, có tiếng hay chữ rậy trời, mà đến khi cầm lấy bút phê được rồi, là không quan tâm đến chuyện học nữa. Tiến lên một bậc, ấy là người đỗ đạt rồi mà vẫn còn ưa đọc sách ngâm thơ. Lại tiến lên một bậc nữa, ấy là người có làm được ít nhiều bài thi, văn, in thành tập, một quyển hay là mấy quyển, chớ mấy chục quyển thì cũng vẫn là ít.
Những người như Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu, lấy nghiêm cách mà nói, nghĩa là đem so với người Tàu kể cũng là hạng trước thuật thường, chớ không vào hạng học giả chân chánh được; nhưng ở nước ta thì nhân vật ấy cũng đã là tuyệt trần rồi. Kỳ dư có trước thuật thì toàn là cái lối trước thuật Vũ Phạm Khải. Ông này người đời Tự Đức, hay chữ đến vua cũng phải khen. Khi tôi ở Hà Nội, có tìm xem được văn tập của ông, rõ thật là thất vọng, vì trong đó toàn là những bài văn ứng thù, tức là thi ứng chế, biểu tạ ơn, câu đối mừng hoặc phúng cùng bài thuật, bài trướng mà thôi. Xem mà tức mình, vì từ đầu chí cuối, chẳng có chỗ nào tìm ra được cái tư tưởng, cái kiến thức và cái nhân cách của một vị nổi tiếng văn hào một thời, là ông Vũ Phạm Khải cả !
Thật ở nước Việt Nam là nước văn hiến bốn ngàn năm này, tôi chưa hề thấy có một cuốn sách nào của người Nam làm bằng chữ Hán mà trong đó nói như cuốn sách Nho giáo của ông Trần Trọng Kim mới xuất bản năm ngoái đây !
Không nên đổ tội cho ai, chỉ nên đổ tội cho cái quan niệm về sự học của người nước ta từ trước đến giờ. Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cái cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thôi không nói đến học nữa. Mà nói như vậy cũng còn chưa đúng, phải nói rằng ở giữa đám sĩ phu ta chẳng có cái gì là cái học !
Bởi cái quan niệm ấy nên khi khoa cử bị bãi rồi thì sự học cũng theo đó mà tuyệt tích luôn. Bây giờ ngồi giữa đám khoa bảng với nhau, nếu có ai dại mà khoe mình mới vừa đọc xong kinh kia sách nọ, thì hẳn trong đám đã có kẻ cười gằn, không bảo là điên rồ thì bảo là gàn dở, sao bỏ thi rồi còn học !
Cứ nhìn hiện tình trong nước, thì kẻ có học vấn đôi chút, chẳng còn biết đem nói với ai; huống chi là toan tìm tòi đạo lý thánh hiền mà lẩn quẩn xó nầy, lấy ai làm thầy làm bạn? Chẳng sang Tàu tớ cũng sang Tây - Trần Kế Xương nói phải !
Tôi có người bạn đã thông Pháp văn rồi mà muốn nghiên cứu Hán học, lâu nay hai chúng tôi vẫn chung đèn chung sách, nhưng thành tích chẳng được là bao. Sự đói khát về học vấn buộc cho bạn tôi phải sang Pháp. Ai có ngờ rằng đất Pháp lại là nơi tiện cho người ta cầu đạo thánh hiền hơn đất Việt !
Gần nay tôi có tiếp được của bạn tôi[4] một bức thơ, thơ toàn nói về sự học. Tôi đọc mà sinh ra mối cảm tưởng, không nhịn được phải giãi bày ra như trên kia. Kế đây tôi trích đăng luôn bức thư, cứ từng đoạn lại phụ thêm lời nghị luận, ấy tôi tưởng là điều có ích, muốn đem cống hiến cho độc giả, cũng nhân thể đáp lại cho bạn tôi ở bên kia trời nữa.
Paris, le 21 Février 1931
Anh Phan Khôi,
Viết cho anh mấy bức thư rồi đợi hoài không thấy trả lời, tôi tưởng đâu anh không có ở Sài Gòn, cho nên về sau tôi không viết nữa, sợ viết mà thư không tới tay anh thì uổng công. Sớm mai nầy mới tiếp được bức thư anh ngày 7 Janvier, còn bức thư trước 3 Janvier như anh nói, thì không hiểu sao tôi chưa nhận được.
Tôi tác khách ở xứ nầy vì cái chí cầu học đó mà thôi, chớ không có gì lấy làm thú hết. Thường nhớ tới cố hương, nhất là mấy bữa nay ở bên ta là ngày Tết, tôi không thể đừng nhớ tới cảnh Tết ở quê nhà. Anh Q. với tôi hẹn nhau đến Tết chén một bữa no say, mà vì cạn túi nên mỗi người một ngả, cũng không gặp nhau nữa.
Hôm nay lại được thư của anh K. ở Hà Nội; vài tuần trước có được thư của anh T. Đọc thư của các anh, tôi lấy làm vui lắm.
Tôi vẫn chuyên việc học như thường, phải trị nhiều món quá cũng hơi mệt. Tôi ưa đọc sách cái, ít coi manuel (sách dạy đại lược), anh Ch. biểu tôi học vậy không biết đủ chương trình, nguy hiểm cho sự thi; có thế thật, song tánh tôi ưa cái gốc hơn cái ngọn, cho nên vẫn cứ làm theo ý mình.
Về phần học văn hóa Tàu, tôi có khuynh hướng hơn. Thư viện của Institut des Hautes Etudes Chinoises có khá nhiều sách vở, có thể nói là đủ vật liệu cần dùng. Có hai viên giáo sư thật giỏi và có tiếng lắm, là ông Pelliat và ông Granet. Ông Pelliat thật là kho sách sống (billiothèque vivante), các sách Tàu và các sách Tây nói về Tàu, ông đều thuộc lòng hết; cho đến niên hiệu các đời vua, nếu hỏi tới, ông nói liền mà không lầm bao giờ. Chữ nho ông viết tốt mà viết thảo nữa; ông chuyên về Âm học cổ đại (Phonétique ancienne) của Tàu, món nầy chính người Tàu hình như không có bao giờ. Còn ông Granet cũng học rộng lắm, ông chuyên về tôn giáo và văn hóa Trung Quốc.
Đoạn đầu của bức thư này không có gì quan hệ cho độc giả, song cũng đăng luôn, cho biết được cái tình hoài của một vị du học sanh ta bên Pháp.
Trong đoạn đó có điều nên bổ luận là chỗ nói về sách chữ Hán, sách để nghiên cứu văn hóa nước Tàu.
ở nước ta, hồi học chữ Hán, kẻ học dùng sách ít quá và thường quá, như thế thì không làm thế nào biết rộng được. Đại để một người đi học kỳ cho tới đậu tiến sĩ mà chỉ dùng một bộ Ngũ kinh, một bộ Tứ truyện, một bộ Sử Tàu, một bộ Tánh lý (sách của Tống nho), một bộ Đường thi, một bộ Cổ văn là đủ. Ai rộng hơn nữa thì coi thêm bộ Uyên giám loại hàm, bộ Chiêu minh văn tuyển, bộ Quảng sự loại cùng năm ba thứ chi nữa, thế đã cho là yêm bác rồi.
Ngũ kinh Tứ thư thì nhà vua bắt phải học theo lời chú thích của Tống nho, nhất là Chu Hy tập chú; cho nên cả một đời kẻ học chỉ phải nhắm mắt và bó mình theo Tống nho mà thôi, ngoài ra không còn biết có tiên nho nào nữa, dầu những tiên nho ấy là phải, đáng theo hơn các nho đời Tống.
Sử Tàu, nào có ai hề để mắt đến chánh sử, là như Sử ký của Tư Mã Thiên, Tiền Hán thư của Ban Cố, Hậu Hán thư của Phạm Việp, cho đến Tư trị thông giám của Tư Mã Quang. Họ chỉ đeo theo bộ sử Thiếu vi tiết yếu 28 cuốn của ông Bùi Huy Bích mà đọc, sách này là thứ sách riêng tiện việc khoa cử, đâu có phải là sử !
Bùi Huy Bích là một vị đại thần cuối đời nhà Lê, đã làm ra chẳng những thứ sử Tiết yếu ấy mà thôi, Ngũ kinh Tứ truyện cũng đều có bản tiết yếu của ông nữa, ông đã di hại cho cả bao nhiêu kẻ học triều Nguyễn !
Sách vở dùng mà học chỉ có như vậy đó, cho nên tiếng là ông Nghè ông Bảng với người ta, mà người ta trăm phần mình không được một. Phải nhìn nhận tình thiệt rằng phần nhiều kẻ học ở nước ta là dốt, chớ đừng nên quá giữ thể diện !
Bây giờ ở Hà Nội có trường Viễn Đông bác cổ, tại đó có nhiều sách, nhưng tới lui khó khăn lắm, cũng không tiện cho người ham học. Bạn tôi nói ông Pelliat chuyên về Âm học cổ đại (Phonétique ancienne) của Tàu; lại nói rằng món này hình như chính người Tàu không có bao giờ. Bạn tôi nói câu đó hơi sai, nhưng mà vì có chữ hình như nên cái sai cũng nhẹ.
Phonétique ancienne là một khoa học khảo cứu cách thiết âm đời xưa. Thiết âm nghĩa là nhờ hai tiếng mà phát âm một tiếng nào; như nói : chi ư là chư, ư hồ là ô v.v Tại sao có khoa học ấy? Vì tiếng của một nước thường thay đổi luôn, đồng một chữ mà đời xưa đọc khác, đời nay đọc khác. Các sách đời xưa để lại, lâu ngày có nhiều chỗ sai suyển đi, nhờ khoa học này có thể đính chánh lại được. ấy cái công dụng của nó là như thế.
Khoa học ấy ở Tàu có đã lâu, gọi là Cổ âm học, tình cờ mà giống với chữ Phonétique ancienne chớ không phải đã dịch chữ ấy ra. Cố Viêm Võ (1613-1682) là người bày ra môn học ấy, nhưng họ Cố chưa hề chịu cái ảnh hưởng Tây học.
Họ Cố làm ra năm thứ sách nói về âm học, kêu là Âm học ngũ thư. Trong đó có một thứ kêu là Âm luận, 3 cuốn, lời tựa làm lấy như vầy : Cái học này mất đi đã hơn hai nghìn năm. Tôi tìm tòi lâu ngày, nhờ xem sách Quảng vận mới tỉnh biết ra và suy cứu thêm nữa. Khi ấy tôi bèn cứ theo người nhà Đường mà sửa lại chỗ sai lầm của người nhà Tống, và cứ theo kinh sách đời xưa mà sửa lại chỗ sai lầm của người nhà Đường Từ đó rồi những chữ trong Lục kinh mới có thể đọc được. Lại có lời trong bức thư gởi cho người bạn, nói rằng : Tôi từ 50 tuổi về sau, rất có tâm đắc về âm học
Cái thành tích về âm học của họ Cố nhiều lắm, thử kể ra một điều sau này: Trong Kinh thư có câu rằng : Vô thiên, vô phả, tuân vương chi nghĩa. Xưa kia vua Minh Hoàng nhà Đường đọc đến đó, thấy mấy câu ấy điều hiệp ( .)[5] hết, duy có chữ phả không hiệp vận với chữ nghĩa, bèn hạ ( .) đổi chữ phả ra làm chữ bỉ" hầu cho bỉ, nghĩa (nghĩ) hiệp vận với nhau. Cố Viêm Võ cứ theo cổ âm mà cãi lại vua Minh Hoàng, lấy chứng cớ rõ ràng lắm. Cố cứ lời kinh Dịch : Đảnh nhĩ cách, thất kỳ nghĩa dã; phúc công tốc, tín như hà dã; lại trong kinh Lễ : Nhân giả, hữu dã, đạo giả, tả dã. Nhân giả, nhân dã, đạo giả nghĩa dã. Coi đó thì người đời xưa đọc chữ nghĩa là ngã, cho nên mới đem mà hiệp vận với chữ hà chữ tả. Thế thì câu trong kinh Thư đó là ngã hiệp vận với phả, đúng chớ không sai gì; sai là tại vua Minh Hoàng không biết cổ âm.
Có nhiều chỗ, họ Cố cứ theo cổ âm mà cải chánh chữ hiện thành trong sách, được đúng nghĩa hơn, thật là có ích lắm, song không kể hết ra đây được.
Từ Cố Viêm Võ về sau, các nho giả nhà Thanh, hầu hết người nào cũng thông hiểu cổ âm học, tức như Tiền Đại Hân lập ra cái thuyết rằng đời xưa không có tiếng nhẹ môi (cổ vô kinh thần âm). Sự phát kiến (découverte) này, người ta cho là có điều cống hiến rất lớn cho học giới.
Cứ như mấy điều tôi cử ra trên đây thì khoa âm học cổ đại mà bạn tôi nói đó, bên Tàu có đã gần ba trăm năm nay, mà do người Tàu bày ra, chớ không phải bắt chước của người Tây như mấy khoa khác.
Tuy vậy, chính học giả nước Tàu ngày nay cũng phải chịu cổ âm học (phonétique ancienne) của Tây là hơn của Tàu, vì họ hiểu thấu đến cái nguyên lý phát âm và toàn dùng phương pháp khoa học mà nghiên cứu, chớ Tàu thì còn chưa trọn vẹn đến bậc ấy. Tức như Đường Việt luận về âm học có nói rằng : "Những tiếng đời xưa mà học giả Trung Hoa gần đây mới phát kiến được thì hết già nửa đã bị người Tây nghiên cứu Hán học phát kiến trước mình rồi. Có nhiều điều người Tây đã biết thừa ra mà bọn học giả ta còn chưa chú ý đến !".
Lại như chữ Hán ở nước Việt Nam ta đọc khác với các tỉnh nước Tàu ngày nay, nhiều người muốn biết do một thứ tiếng nào ở Tàu đời xưa truyền sang mà thành ra như thế. Bọn ta đây không biết cố nhiên, mà học giả Trung Quốc đối với vấn đề ấy cũng chưa ai trả lời nổi. Mới đây họ mới biết rằng đó là tiếng của nước Đông Ngô đời Tam Quốc mà truyền sang từ hồi nhà Đường, có chứng cớ rành rẽ lắm. Nhưng mà không phải tự họ nghiên cứu lấy, họ thú thật rằng đó là theo như cái kết quả nghiên cứu của ông Berhard Karglgren, trong bức thư trả lời ông Maspéro, luận về thứ tiếng thiết vận.
Về điều Cổ âm học trên đây, tôi có ý đính chánh lại mấy lời không được đúng lắm của bạn tôi; song tôi cũng không quên rằng cái học ấy ở nước Tàu thật chưa hoàn toàn bằng của Tây, theo như bọn học giả của họ đã công nhận.
Một đoạn nữa tiếp đó, bàn về cách nghiên cứu Hán học của nước Tây, bạn tôi viết rằng :
Các thuyết và các quan niệm của mấy ông (chỉ mấy ông thầy đại học người Pháp) thì có thể cãi được (contestable) lắm, song sự học rộng nhớ nhiều thì tôi ( .)[6] tưởng phải bái phục.
Cái lối của Tây học là xem xét nhiều rồi đúc lại thành thuyết; lối nầy nguy hiểm lắm, họ cũng biết vậy, song họ cũng phải làm, vì họ lấy đó làm cái kết quả cho sự học vấn. Họ có câu : Pour une heure de synthése, il faut des années d'analyse, thì đủ biết họ thận trọng lắm chớ không phải không, song cũng khó tránh khỏi sự sai lầm.
Người Tàu hay người mình học văn hóa Trung Quốc thuần là nhờ ở cái intuition (tâm đắc, tâm truyền), mà cái này lại nhờ cái di truyền từ xưa; người Tây thì tất nhiên chỉ có thể lấy intelligence (trí tuệ), mà hiểu được thôi, cho nên nhiều khi họ xuyên tạc. (Cái trí xuyên tạc ! Chỗ này thì tôi đồng ý với ông Trần Trọng Kim Luôn thể lại nói : trong sách Nho giáo, tác giả đem ví cái intuition của ông Bergson với cái học Khổng Mạnh, hai cái vốn một vực một trời, thì thật là cái trí xuyên tạc ngược trở lại, rõ tức cười, hồi đó tôi đã nói với anh rồi)
Hiện nay, tôi đương học ông Granet giảng về sách Luận hành và lại học ông về sách Trung dung nữa. Cái quan niệm của người Tàu, và các điều nhận biết của họ về văn hóa Đông phương mình dẫu sao cũng là có ích mà mình nên biết lắm. Trò không lớn hơn thày như lời Jésus đã nói mà tôi chỉ là trò mà thôi thì ngồi yên mà nghe giảng là phải.
Bạn tôi sở dĩ có đoạn nghị luận này là vì bức thư trước của tôi, tôi có khuyên bạn tôi khá để ý coi chừng, chớ nên nhắm mắt mà nghe lời mấy ông thầy Tây hết thảy, vì thấy có nhiều ông hay nói xuyên tạc lắm trong khi nghiên cứu các vấn đề ở Đông phương về thời cổ. Đừng nói đâu xa làm chi, tại Sài Gòn, chừng ba năm trở lại đây, mấy ông đã làm cho chúng ta nhiều lần tức cười nôn ruột hay là tức mình nữa. ấy là như ông Albert de Pouvourville, ông Bouchot nói về Việt sử; ông Bonvicini nói về các hội kín ở nước Việt Nam thời xưa; chính bạn tôi là người viết thư cho tôi đây đã phải mất công viết bài trong báo tây mà cãi lại mấy ông[7].
Tôi vẫn biết mấy ông ở thuộc địa dầu có công học vấn chăng nữa, thế nào cũng không khỏi cái máu chánh trị nó lồng lên óc làm cho mờ tối mà sai lầm, có khi nói trái với lương tâm nữa cũng nên; đến như mấy ông ở bên Tây, toàn là cái thái độ học giả, chắc có thể tin được phần nhiều. Song le, lấy người nước Giáp mà nói chuyện nước ất, làm sao cũng phải có đôi điều khó hiểu ở trong; khó hiểu mà cũng cứ làm phách hiểu nhầu đi, nên mới thành ra xuyên tạc. Sợ là sợ ở chỗ đó, tôi mới khuyên bạn tôi phải để ý coi chừng.
Cứ như lời bạn tôi đáp lại đây thì tôi cũng lấy làm đồng ý. Trò không lớn hơn thầy, nhưng mà đương nhân lại cũng được phép bất nhượng ư sư. Ngồi yên mà nghe giảng là phải; song lúc ra khỏi lớp học rồi, mình có quyền lựa chọn, hoặc lấy hoặc bỏ.
Cơ khổ ! Người Việt Nam sang tận đến Paris mới đọc được sách Luận hành.
Sách Luận hành của Vương Sung, đời nhà Hán, cách đây chừng hai ngàn năm. Trong đám Hán nho có lẽ Vương Sung là có đặc sắc hơn hết. Cái triết học của ông ta là trọng về mặt thực nghiệm, không có nhắm mắt mà sùng bái thánh hiền đời xưa như nhà nho khác. Sách Luận hành 30 cuốn, đại khái ghét sự hư ngụy của người đời mà làm ra, cho nên trong đó nhiều lời phẫn khích. Bởi khuynh hướng về thực nghiệm, nên họ Vương dám hoài nghi, đối với Khổng Tử, ông cũng không tin hết mười phần cả mười. Trong sách đó có một thiên tên là Vấn Khổng, ấy là ông đem những lời của Khổng Tử mà mình còn nghi ra hỏi lại Khổng Tử.
Nhiều nhà học giả bên Tàu ngày nay đều công nhận Luận hành là sách có giá trị vào bậc nhất ở Trung Hoa. Họ nói, ở Trung Hoa xưa nay có thiếu gì sách, mà đều là sách rời rạc từng bài từng câu chắp nối lại, chớ đầu đuôi không xâu suốt với nhau, tức như Luận ngữ, Mạnh Tử cũng vào hạng ấy. Tính ra bốn ngàn năm nay chỉ được độ mươi bộ sách do cái tinh tâm của tác giả mà soạn ra, đầu đuôi xâu suốt nhau một mạch, lược kể ra: như Sử ký của Tư Mã Thiên, Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, Sử thông của Lưu Tri Ky, Văn sử thông nghĩa của Chương Học Thành và trong đó có Luận hành của Vương Sung.
Sách Luận hành của Vương Sung có giá trị đến thế, mà lâu nay mai một trong học giới là vì bị cái thế lực của học thuyết Tống nho đè nén lên, mà cái thế lực ấy lại nhờ quân chủ các đời bảo hộ cho nữa. Tống nho chỉ cho phép học giả giải thích thánh hiền, chớ không cho nghi ngờ hay là phê bình thánh hiền; mà Luận hành chủ trương cái cách sau đó cho nên bị giấu đi trong thời đại chuyên chế.
Sách Sử thông của Lưu Tri Ky về đời nhà Đường cũng bị chung một cái số phận ấy. Trong sách đó, họ Lưu dám chỉ trích đến cách chép kinh Xuân thu của Khổng Tử, trưng ra từng điều trong hai thiên Hoặc cổ và Nghi kinh. Đã sáu bảy trăm năm nay, nghĩa là sau khi cái học của Tống nho đương quyền đắc lệnh, phần nhiều kẻ học không biết đến những sách ấy; bên Tàu cũng vậy, chớ đừng nói Việt Nam ta. Nhưng đến ngày nay, cả hai sách, Luận hành và Sử thông, đã đem ra tái bản nhiều lần, được người ta hoan nghinh lắm.
May cho bạn tôi, nhân sang Tây nhờ mấy ông thầy ở trường Đại học chỉ bảo cho mới đọc được những sách ấy !
Dưới này lại dẫn tiếp bức thư người bạn.
Tôi có một người bạn cùng học, người Nhật, khá lắm. Y đang làm một cái thèse để thi doctorat de l' Université nói về kinh Dịch. Y cũng có phần nhiều những ý kiến của tôi đã từng nói với anh; y kiếm được nhiều cái ngộ lắm. Tôi đợi y in rồi coi xem thế nào. Y với tôi tương đắc lắm. Y có cái kỳ lắm là y cho tư tưởng của Âu Tây là tầm thường, đồ bỏ, tự phụ cho tư tưởng á Đông là cao tột bậc, bao trùm cả những tư tưởng, khoa học tối tân của Âu Tây bây giờ. ấy là một cái ý tự phụ riêng mà người Nhật có hơn ai hết, tôi không lấy làm thích; phàm học giả mến chơn lý không bao giờ có ý khí[8] được, chơn lý ở anh hay ở tôi, ở Đông hay ở Tây, tôi cũng yêu mến tôn trọng nó một cách như nhau mà thôi. Y cũng như mấy người Tàu, người Nhật sang học ở Paris, về phần Pháp văn kém lắm, thế thì đã không thạo hết được tư tưởng các hiền triết Âu Tây, đâu mà dám bình phẩm quá đáng vậy. Lại như ông giáo sửa bài vở cho y, nhân thấy những lỗi về temps des verbes có nói: Người Viễn Đông không có cái đó trong tiếng họ, nên họ không hiểu l'emploi des temps[9]; y không chịu là phải, lại nói riêng với tôi rằng Pháp văn phiền phức vậy thậm vô ích. - Cái đó thật là y không hiểu gì hết. Cái hay của người ta mà không chịu là làm sao chớ !
Đối với kinh Dịch, tôi thú thật rằng không hiểu. Hay là vì nó không hợp với cái tì vị của tôi hay sao, không biết. Tôi muốn hiểu nó nên đã đọc qua nhiều sách chú giải của tiên nho mà rốt lại không sách nào vừa lòng. Nhiều lần tôi đem cái sự khó khăn ấy mà phàn nàn cùng bạn tôi, tỏ ý muốn ngoại kinh Dịch ra, đừng thèm nói đến nữa mà mệt não. Song bạn tôi bảo rằng không nên, vì làm như vậy có khi tự mình ngăn lấp con đường đi đến chân lý trước mặt mình.
Về kinh Dịch, bạn tôi có một cái kiến giải rất ngộ nghĩnh, cái kiến giải vẫn còn nằm trong sự hồ nghi, cũng chưa có thể lập thành giả thuyết nữa, nhưng mà ngộ. Bạn tôi đề chừng rằng trước cái lớp văn minh này của Tàu còn một lớp văn minh nữa mà đã bị hủy hoại đi. Những lý thuyết trong kinh Dịch tức là cái tri thức của văn minh bị hủy hoại kia còn sót lại, cho nên nó mập mờ khó hiểu. Hoặc giả đến nỗi Khổng Tử không hiểu được Chu Công Văn Vương, và Chu Công Văn Vương cũng không hiểu được Phục Hy chăng. Nhưng nếu một ngày kia người ta dần dần phát kiến ra được cái dấu vết văn minh tối cổ ấy, lấy nhiều điều mà ấn chứng cho nhau, thì sẽ hiểu được kinh Dịch, chưa biết chừng.
Một lẽ như vậy; còn một lẽ nữa, bạn tôi đề chừng cho những quái và tượng trong kinh Dịch, tức là cái dấu hiệu riêng gì đó, như quẻ Kiền nói long (rồng) là ám hiệu của sự gì, quẻ Khôn nói mã (ngựa) là ám hiệu của sự gì, song những dấu hiệu ấy ngày sau mất đi, thành ra không hiểu được. Bạn tôi dám ngờ sách ấy phỏng chừng như cái chương trình của hội kín đời nay mà viết ra bằng ám hiệu. Ngờ như thế là bởi sách ấy hết một phần lớn của Văn Vương và Khổng Tử, mà hai vị nầy đều là tay, theo địa vị và thời thế, có thể làm cách mạng được.
Bạn tôi nói người Nhật kia, về kinh Dịch, có phần nhiều ý kiến giống như mình, mà bạn tôi đã đem nói cùng tôi, có lẽ tức là cái ý kiến tôi giới thiệu ra trên đây. Nói người Nhật đã kiếm được nhiều cái ngộ lắm, tức là chỉ về những chứng cứ. Nguy lắm thay, kiếm được chứng cớ cho đủ lập cái ý kiến ấy thành ra giả thuyết (hypothèse) cũng đã không phải dễ, tôi chỉ sợ không khéo lại đâm ra xuyên tạc !
Một đoạn mà bạn tôi phê bình về sự tự phụ và cách học vấn của người Nhật đó thật là chơn xác lắm, tôi rất lấy làm biểu đồng tình cùng bạn tôi.
Cái gì mình không hiểu mà dám buông lời phê bình, ấy thật là nguy hiểm. Cái hay của kẻ khác, mình không nhận thấy và không phục tình, cũng lại là nguy hiểm nữa.
Thơ trước tôi có nói tôi muốn khảo cứu về kinh Xuân Thu, nay xem trong thư viện, thấy nhiều sách về vấn đề kinh Xuân Thu lắm. Những sách Tàu nhiều bản có chú thích, đến bốn năm bộ; sách dịch có hai bản : Một của người Anh là Legge, một của người Pháp, Couvreur. Người ta cãi nhau về sự chân giả sách ấy cũng nhiều, như người Anh Karlgren có viết một đoạn sách cho là ngụy thư, Hồ Thích có trả lời và dịch cả đoạn sách ấy in thành một bản, tên đề là Tả truyện chơn ngụy khảo đã đăng trong tạp chí Tân nguyệt. Tôi chạy nó mà thôi, để dành vài mươi năm nữa mới dám nói tới.
Anh nói sẽ gởi cho tôi bộ Đạo đức kinh có chú thích tốt, anh hãy thong thả sẽ gởi cũng được, vì tôi chưa cần; và ở thư viện cũng có rồi, lúc nào có giảng đến sách ấy, tôi lại thư viện coi cũng được. Còn sách lịch sử triết học Trung Hoa thì sách Tàu ở đây có đủ cả. Từ sang đến đất này, mắt được coi tay được mó tới nhiều sách Tây sách Tàu vừa lạ vừa có ích mà sướng quá, bây giờ không xu mà mua đủ, hẳn rồi; chỉ ước ao lúc về nước ta có được khá tiền mà lập cho mình một cái kho sách để dùng, thì mới thỏa chí !
Về vấn đề sách Xuân thu chân giả mà bạn tôi nói đó tức là nói riêng về sách Tả truyện cho nên Hồ Thích mới có sách Tả truyện chân ngụy khảo, nhưng sách này thì tôi chưa được thấy.
Sách Xuân thu, nói là nguyên văn của sử của nước Lỗ mà Khổng Tử sửa sang lại, thành ra kinh chớ không phải là sử nữa. Kinh Xuân thu, nếu để trần trụi một mình nó thì khéo mà thành ra một quyển sách độc lập. Bởi vì chép truyện vắn tắt quá, phải có Tả truyện nữa thì đầu đuôi mỗi truyện mới rõ ràng. Nhơn đó hậu nho mới có chỗ phát nghi.
Lại phải biết thêm rằng Xuân thu là kinh mà có ba thứ truyện phụ theo, là Tả truyện, Công dương truyện và Cốc lương truyện. Xuân thu có chia ra sự và lệ. Sự là việc đã chép trong đó; còn lệ là cái phép tắc biên chép của kinh ấy. Muốn biết việc đầu đuôi của Xuân thu thế nào, phải xem Tả truyện; muốn biết phép tắc biên chép của nó, phải xem Công dương và Cốc lương. Như vậy thì đức Khổng Tử tu kinh Xuân thu ra làm chi, tu ra làm chi mà nếu để một mình nó, có lẽ người ta không hiểu được, thì chẳng là vô ích? Do đó mà thành ra vấn đề.
Ngoài Công dương và Cốc lương ra, chỉ nói riêng về Tả truyện. Họ Tả ấy, có người cho là Tả Khâu Minh, học trò đức Khổng; có người nói không phải. Song phần nhiều nhận là người đồng thời với Khổng Tử, hoặc ở sau ngài không bao xa.
Nhưng cứ như văn Tả truyện thì là hoa mỹ lắm, khác hẳn với giọng văn hồi đời Khổng Tử. Bởi đó sanh ra nghi đoan[10], có kẻ cho là sách ngụy, họ nói là của người đời sau làm ra chớ không phải của Tả Khâu Minh, người đời Xuân thu.
Về các thuyết tranh biên với nhau trong vấn đề này tôi không nhớ rành rẽ lắm. Tôi chỉ nhớ đại khái mấy lời của Viên Mai (tức Tùy Viên), một nhà văn học đời Thanh.
Viên Mai rất lấy làm nghi ngờ về chỗ Xuân thu và Tả truyện quan hệ với nhau. Về Xuân thu, ông ta lấy làm lạ rằng sao thánh nhân biên chép sơ lược quá, mỗi một việc chỉ có mười lăm hai mươi chữ là nhiều, thậm chí ngắn quá chỉ có một vài chữ. Thế thì hồi đó ngài làm kinh, còn ngài bảo Tả thị làm truyện hay sao? Chỉ có vậy mới được. Chớ không lẽ nào ông thánh nói ra chỉ ngắn thon lỏn một câu một lời, không tới đầu tới đuôi chi hết, mà lại tự phụ cho là mình làm sách !
Thử kể một bài đầu kinh Xuân thu chỉ có một câu rằng : Trịnh bá khắc Đoạn vu Yển. Một câu ấy mà Tả thị kể ra chuyện rất dài, dài gấp trăm lần kinh văn. Nếu không có Tả truyện thì trịnh là gì? bá là gì? khắc là thế nào? đoạn là ai? yển là ở đâu? có ma nào mà biết được !
Thế thì chỉ có Tả thị là người đồng thời với Khổng Tử, hoặc chính là học trò ngài, thừa mạng ngài mà làm công việc ấy mới được. Mà như đã vậy thì sao văn Tả truyện lại riêng ra một lối, khác hẳn với văn Luận ngữ, sách bởi học trò cửa Khổng chép ra?
Tôi chưa thấy ai giải quyết vấn đề này cho xong. Tiếc chưa được đọc sách của Hồ Thích, tôi không biết ý kiến của một vị học giả đời nay đối với vấn đề ấy thế nào.
Dầu thế nào mặc lòng, đối với kinh Xuân thu tôi còn ngã lòng hơn kinh Dịch nữa. Tôi thấy người ta bảo rằng trong đó có nhiều những vi ngôn đại nghĩa[11], song cái đó chẳng qua người đời sau vẽ vời thêm ra, muốn gì đó thì muốn, nào có ai cấm ! Chớ bỏ hết tam truyện đi, bỏ hết chú sớ của hậu nho đi, đem một mình kinh Xuân thu trần trụi ra mà xem thì nào ai thấy được trong đó có cái gì? Lấy chứng cớ nào mà dám nói những vi ngôn đại nghĩa ấy là của Khổng Tử?
Ai có đọc sách Sử thông của Lưu Tri Ky, sẽ thấy trong đó họ Lưu trích ra nhiều cái lệ trong Xuân thu trái nhau, trái nhau đến nỗi không thể nào cắt nghĩa cho xuôi được. Tiếc thay bộ sách phê bình rất có giá trị nầy bị cái thế lực Tống nho dìm đi, thành ra những kẻ nhắm mắt theo thánh hiền cũng không có dịp được thấy những lời chỉ trích ấy, đáng tội nghiệp cho họ !
ừ mà cho Xuân thu có vi ngôn đại nghĩa đi, cho những vi ngôn đại nghĩa ấy là sản sanh từ đức Khổng đi, song đem dùng ra thời đại này không hợp nữa thì cũng chẳng còn giá trị gì. Những là nội Trung Quốc, ngoại di địch, những là quý vương tiện bá, thật không còn ăn chịu với cái tỳ vị của thế giới nầy nữa, thì nên bó nó mà chất lên gác cao kia, còn nghiên cứu làm chi vô ích. Có thời giờ dư cũng nên đọc hết thảy qua một bận cho biết nó là vậy đó mà thôi. ấy là lời tôi nhắn nhủ bạn tôi.
Nói đến sự sắm sách thì thật là chuyện trời thèm. Hơn mười năm nay, tôi nhín nhịn mua được non bốn trăm đồng bạc sách mà chất không đầy một tủ. Cho nên ở đời nay mà muốn học rộng, không thể nào không chạy theo sau đít cái tư bản chủ nghĩa được !
Tôi thường hay đọc những tiểu thuyết Tàu, như Tây du, Phong thần, Thủy hử, không phải là vì có tánh con nít, ưa chuyện hoang đường, mà vì có ý muốn kiếm những tư tưởng lạ dấu trong đó, vẫn có ý phiền vì không rõ tác giả những sách đó và viết về thời nào? Mới đây được coi cuốn sách Trung Quốc tiểu thuyết sử lược của Lỗ Tấn, lấy làm khoái lắm. Như truyện Phong thần là ngụ ý ở lễ phong thiện mà ra. Lại vừa nhắm lúc tôi đọc Sử ký Tư Mã Thiên, bản dịch đối chiếu với nguyên bản, có đoạn nói về lễ đó. Sách của cha con họ Tư Mã thật có ích cho đời, chẳng những về đường lịch sử, cả về đường học vấn tư tưởng từ trước đến đời Hán, nước Tàu có những gì, đại khái có tóm lược vào trong sách đó hết. Đọc nó có thể thay cho đọc nhiều sách khác. Họ Tư Mã khuynh hướng về Đạo, cái đó cũng hơi lạ.
Nói chuyện học vấn với anh thì bao giờ cho hết ! Tôi cũng muốn viết cẩn thận cho thư có đầu đuôi, song mắc bận học, không đủ thời giờ; hai nữa nói đáng tội, tôi còn đương nhai nuốt, chớ chưa tiêu hóa kịp; huống nữa là sanh con !
Nay thơ
Thôi, về đoạn nầy không có gì quan hệ lắm, tôi xin giảm lời bàn phụ đi mà viết ít câu kết luận cho bài này.
ở đây tôi nên tỏ cho độc giả biết cái bổn ý ấy không phải ở đây mà ở trên đầu bài kia.
Trên đầu bài, tôi chia Hán học ra làm hai, là cái học nghĩa lý và cái học từ chương khoa cử. Kế đó chỉ rõ ra cái Hán học của ta hồi trước thiên về một mặt từ chương khoa cử chớ không biết đến nghĩa lý. Vì vậy mà đến lúc hết khoa cử rồi thì hết học, trình bày ra cái vẻ điêu tàn đồi phế như ngày nay.
Trong đoạn đó tôi dùng đôi lời hơi phẫn khích, chắc có người thấy mà lấy làm bất mãn. Song xin hãy lượng thứ cho tôi. Đối với người đã qua, việc đã qua, tôi không có ý hà trách làm gì. Nói như vậy là chỉ có ý làm cho cảnh tỉnh kẻ học đương thời, chớ có hững hờ mà noi theo dấu xe đã úp.
Hiện ngày nay Tây học cũng chia làm hai như vậy, một cũng là cái học nghĩa lý; một nữa lại là cái học kiếm cơm. Nếu ngày nay ta chỉ chuyên theo cái học kiếm cơm thì nó cũng sẽ di họa cho ta như cái học từ chương khoa cử ngày xưa vậy.
Rày về sau thế nào trong nước ta cũng phải có một bọn người cả đời chỉ chuyên lo một việc học mà không biết đến việc chi hết, thế thì họa may nước mới khá ra. Không nên bắt phải kể bọn ấy sẽ dùng ra việc gì. Chỉ biết rằng phàm nước nào lập quốc vững vàng được đều phải nhờ có bọn ấy thì ta đây cũng phải có.
Nếu đôi trăm năm nữa mà cái tinh túy của Tây học không tìm thấy được trong xứ nầy cũng như Hán học ngày nay, thì cái lỗi ấy đổ vào mình chúng ta.
Phan Khôi
Chú thích
- ▲ Tăng Quốc Phiên (1811-72) học giả, quan chức triều Thanh, tự coi mình là người kế thừa đạo thống Khổng Mạnh, bảo vệ cương thường luân lý quân chủ; Nguyễn Nguyên (1764-1848), nhà kinh học, quan chức triều Thanh (theo Từ điển Nho Phật Đạo (bản dịch), Hà Nội : 2001)
- ▲ Chấm câu, nghĩa là làm việc gì mà làm cách cẩu thả, làm cho có làm, cũng như bài văn chỉ chấm câu mà không khuyên điểm (nguyên chú của Phan Khôi)
- ▲ Tòng chánh (hay tòng chính) : ra làm quan (theo Đào Duy Anh)
- ▲ Tác giả bức thư này là Nguyễn Pho, từng học trường Bưởi cùng lớp với Hoàng Ngọc Phách, Tú Mỡ ; về sau làm việc ở Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội rồi du học Pháp (Xem: Lê Thanh - Cuộc phỏng vấn các nhà văn, Hà Nội : Nxb. Đời Mới, 1943, tr.94, 98, 136)
- ▲ Các chỗ này báo rách, mỗi chỗ mất 1 từ
- ▲ Chỗ này báo rách, mất 1 từ
- ▲ Ở bản gốc là : " mấy ông B.", có thể có lỗi in; ở đây tạm sửa
- ▲ Từ ý khí ở bản gốc có gạch nối, tức là một từ 2 âm tiết, nhưng nếu hàm nghĩa "ý khí" là "khí khái" (theo Đào Duy Anh) thì chưa rõ ý
- ▲ Tiếng Pháp trong bản gốc : temps des verbes : thời của động từ; l'emploi des temps : cách dùng thời (của động từ)
- ▲ Bản gốc là "nghi đoàn", không rõ nghĩa; ở đây sửa là "nghi đoan" tức là mối nghi
- ▲ "Vi ngôn đại nghĩa" : lời ít nhưng hàm nghĩa sâu sắc (theo Nguyễn Văn Khang và v.v. : Từ điển thành ngữ tục ngữ Hoa-Việt, Hà Nội : Nxb. KHXH, 1998)