Cây quế trong trăng
của Lê Thánh Tông

Ấy chẳng thiềm cung[1] đan quế[2] vay ?
Thế gian ít kẻ biết mùi cay.
Thu thanh[3] bóng tỏ mười phần sáng,
Hồ sạch hương đong mấy hộc đầy.
Củi hát tư mùa Ngô[4] dõi búa,
Thuốc đâm một chén thỏ[5] vung chày.
Từ khi mình nhẹ nên bay cánh,
Chiếm được ngôi cao bốn bể hay.

   




Chú thích

  1. Thiềm cung: Cung trăng. Hằng Nga lấy trộm thuốc bất tử của chồng là Hậu Nghệ rồi trốn lên cung trăng và hóa ra con cóc. Do đó, về sau người ta dùng chữ "thiềm cung" tượng trưng cho mặt trăng
  2. Đan quế: Tương truyền trong mặt trăng có cây quế cao năm trăm trượng
  3. Thanh: Trong
  4. Ngô: Ngô Cương, thường gọi là "thằng Cuội". Ngô Cương người đất Tây Hà nhà Hán, học phép tiên, nhưng phạm lầm lỗi, nên bị thiên đình phạt làm công việc chém cây quế ở cung trăng. Ngô Cương chém được nhát nào thì vết búa lại liền ngay lát đó, chứ cây quế không bị đứt
  5. Thỏ: Tương truyền trong cung trăng có con thỏ ngọc giã thuốc