Cái cày với cây gươm

Trong chỗ triền núi kia, xưa thì mắc phải giặc giã phá tán, mà nay thì bình yên, có người ta cày bừa ruộng nương chỗ ấy. Bỗng đâu cái cày nó làm bày ra một cây gươm lấp chôn tại đó đã lâu đời. Cây gươm mắng tiếng rằng: “Ủa kìa! Ai dám đụng tôi dường ấy, chẳng cho tôi ở an? Cái cày hèn kia, mầy không biết tao có quyền phạt mầy bức tử vục chạc mần rứa sao? — Cái cày nói sơ rằng: mầy khéo làm kiêu, mấy lấy quyền chi mà nói với tao thế ấy? — Cây gươm đáp rằng: mầy là đồ hèn để cày bừa, cả đời ở theo những kẻ ruộng rẫy thô tục, thiệt mầy dám cả gan tranh công với tao sao? — Tao là bậu bạn với người tráng sĩ đi đánh giặc giã, tao theo kẻ ấy dư hai mươi trận, lại nghe tinh những tiếng thắng trận: tao có oai sấm sét, tới gần binh dân khiếp vía vở chạy như bầy thú hèn kia… Bây giờ mầy dám… — Cái cày ứng tiếng rằng: thôi! Các việc cao sang mầy làm vinh hiển đó, làm cho tao ghê gớm; mầy nuôi mình bằng máu người, ấy đồ thổ sản công lao tao làm ra và lân chuyển[1] trong các mạch máu người ta. Nếu mầy theo các đạo binh Alexander, Napoléon hay César, thì có lý cho tao tỉ mày như chị em, vì mầy là một cái máy hóa tục, tiền hung hậu kiết, dữ ra lành, xấu hóa tốt. Mà nghe ra lời mầy nói lổ mổ, thì biết rõ mầy theo tướng dữ Atila, là người phá tan xứ kia thành nọ. Vậy thì mầy là một cái đồ khốn làm hại thiên hạ.”

Khi nghe lời ấy, họ nói cây gươm, mất cở, thẹn thùng, sụt xuống dưới đất hơn một trăm bước.

   




Chú thích

  1. Luân chuyển.