Cành hoa điểm tuyết/Đoạn thứ nhất/IV

IV

Thế là từ đó cô dọn hàng buôn bán ở nhà bà Đồ T là người bà con quen biết với phu-nhân. Bà Đồ này là người đảm đang sắc sảo, nên buôn bán cũng giỏi, cô Bạch-thủy nhờ ở đó bà ta giậy bảo cách thức, nên chẳng bao lâu cách mua hàng, bán hàng cũng thạo. Lại thêm cô là người tư-chất thông-minh, ăn nói dịu dàng lanh lợi, nên hàng họ tuy có ít mà ngày nào bán cũng chạy. Khách mua hàng, nhà quê kẻ chợ thấy cách cô chào mời tử tế, nên đều mến cô mà chỉ đổ sô vào mua cả hàng cô, chưa được vài tháng mà vốn liếng cô cũng được kha khá, có thể đem ra mà buôn to tát được. Nhưng cô là người kiên-nhẫn bụng dạ giỏi, dẫu chắc ở cái tài mình buôn được lờ được lãi, mà cũng không hề dám đem lòng nghĩ ngợi đến cách ăn mặc sa hoa, chơi bời đua ganh với các chị em. Chỉ ngày ngày ngồi cửa hàng, đến tối lại lui vào trong nhà xem sét, tính toán sổ sách mà thôi. Đất phồn hoa cũng lắm bọn thoa quần thường tới lui truyện vãn với cô, lắm khi muốn dủ dê cô đi xem hát, đi chơi chỗ nọ chỗ kia, nhưng cô không chịu, một niềm từ chối. Vì cô hồi tưởng lại những nhời quan Giáo thân-sinh ra cô, lúc quy tiên dặn lại, thì cô lại lấy làm lo sợ, lắm lúc chiều mát đứng cửa, khách ong bướm thường qua lại rập dùi, trai anh-tuấn lắm phen lui tới, mà mắt xanh vẫn cúi, cập lông mày chưa dưng dửng với ai, chỉ ngày qua tháng lại, gót sen lui tới trong nhà, trong phòng loan một hình một bóng mà thôi.

Có lúc dảnh dang một mình buồn, đêm khuya canh tàn, mà giấc hòe chưa nhắp, thì lại giở chuyện Kiều ra ngâm, nhời nhẽ bi thảm, cho hay cái cảnh « tự-cổ-hồng-nhan-đa-bạc-mệnh » của cổ-nhân đã đặt ra mà ví vào cô Kiều cũng sâm si mường-tượng đến cảnh cô, mai sau thân bồ liễu biết là về ai? Hay lại đem mình ngọc cho ngâu vầy, mà phó mặc tấm thân này cho các gã Tràng-khanh, Tống-Ngọc? Hay Phan-An chửa gặp, mà má hồng lần lữa, rồi lại về tay anh trọc-phú, chú Công-tử bột, gã Sở-khanh nào?

Huống chi đất phồn-hoa những phường đểu-giả bạc-nghĩa không ít, nữa lại bị chúng làm nhục, nào có biết thương chút phận thuyền-quyên, hay cũng lại như ai, để lưu-danh thiên-cổ mà mang danh tài-sắc Thập-Nương[1]? Hay rồi lấy chú Lý-Sinh[2] bất nghĩa? Hay rồi không gặp kẻ thương-hoa tiếc-ngọc như Tần-Lang[3]?..... Cô ơi! ký-giả với cô vốn không quen biết, nhưng nghĩ truyện của cô, thật vì thương bạn hồng-quần như cô, mà phải liều viết giải mấy nhời thành-thực đây với cô, cũng muốn rằng cô am-hiểu nhân-tình-thế-thái ngày nay mà lấy mắt xanh trọn đá thử vàng!..........

Từ ngày cô Bạch-Thủy ở Hanoi buôn bán, thấm thoắt được ngót hai năm giời. Lúc đó cô đã 18 tuổi, nhan sắc trông tuyệt đẹp, xa gần điều nức tiếng; nhiều chỗ mượn người đến hỏi, mà cô lắc đầu không thuận đâu cả. Bởi thế truyện nhân duyên từ đấy bẵng hẳn đi. Cô cũng không nghĩ ngợi gì đến, chỉ chăm chút về cái cửa hàng mà thôi, vì cô đinh ninh rằng người tài-tử phong-nhã sẽ gặp có ngày, không nhẽ hoa thơm mà đến nỗi sa phải vũng bùn lầy.... Sớm trưa, cái lòng hy-vọng cô tất được mãn nguyện. Lo chi? người tài sắc?

  1. Mang danh tài sắc Thập-Nương đây là ý nói mang danh tài sắc mà phải vào lầu-sanh như Thập Nương.
  2. Lý Sinh là một chàng công tử hào hoa chơi bời, chép tường truyện trong Kim-cổ Kỳ Quan, mê một ả thanh-lâu là Đỗ-thập-Nương, hai bên lấy nhau. Thập Nương là gái chung tình, suất tiền của của mình mà chuộc thân, rồi theo Lý-Sinh về quê nhà. Ngờ-đâu Lý-Sinh tham tiền, toan bán nàng cho người bạn. Nàng giận lắm, bèn đổ hết vàng bạc suống sông, rồi đâm đầu theo tự tử. (Xem rõ ở truyện Kim-Cổ Kỳ-Quan)
  3. Tần Lang tên gọi là Tần-Trọng là một gã bán dầu (chép tường trong truyện Kim Cổ Kỳ Quan) người rất trung tình, vào chơi một ả Kị-nữ có danh tiếng tốt đẹp tên là Hoa Nô, đương đêm nàng ngủ nôn mửa ra, chàng lấy vạt áo mà hứng... (Xem rõ ở truyện Kim Cổ Kỳ Quan)