Đoạn thứ ba

I

Thỏ bạc ác tà, cánh chim bằng vùn vụt, ngựa lồng qua cửa sổ, nghĩ cái thời giờ trong thế gian một ngày một nhanh, mặt giời mọc lúc nào, sế chiều lúc nào, đêm lúc nào, là mỗi lúc cái tuổi xuân sanh của con người ta đi một độ vào cái cảnh già-cỗi, hồi tưởng đến lúc này, thời trong dạ lại thê-lương, ngẫm cái quá-khứ thời siết nỗi buồn rầu, tưởng tượng cái tương-lai thời siết bao kinh hoảng..... Non sanh nước biếc, mây đen, mà cái quang cảnh trời thu cũng làm cho ủ rột chúa xuân, cỏ cây rầu rĩ dưới sắc trời thảm-đạm, bạn thiếu niên như chúng ta, ai là người có sẵn lòng ký-ức, nghĩ tới cái quá-khứ mà không bồi hồi lo sợ than vãn cái tương-lai? lòng cảm-hoài, tấm cảm-tình vẫn là mang-nhiên một mối cảm-động như thế, huống-hồ là một người nhi-nữ, có văn-chương, sẵn sầu-cảm, nhiều nỗi ưu-tư như Chúc-Lan (là mợ cả) đây, cái cảnh-ngộ đã lịch-lịch trên bàn tay, giòng lệ trắng đã hai hàng đầm đìa nơi khóe mắt, mỗi khi trông trời nhớ cảnh, tưởng tượng non sông như một chốn giang-hồ-lữ-thứ của con người bạc-mệnh.....

Hỡi ôi, như cô Chúc-Lan tuổi mới ngoài hai mươi, hoa xuân làm chi đến nỗi giã nhị phai mùi, mày liễu ủ rột, nửa tình nửa cảnh đã như tắm gội giọt nước cành Dương, tưởng như cô, đầu xanh có tội tình gì, mà thân-phận đã lầm-than đến thế..... Kể từ lúc cô bước chân vào sóm Bình-Khang, thật là ăn không biết mùi, ngủ không biết ngon, đêm năm canh hồn bướm phất-phơ, ngày sáu khắc bâng khuâng giấc điệp, nghĩ những lúc có khách khứa đến nhà mà lấy làm lo sợ, bụng phập phồng như người sắp phải cái nguy gì vậy..... Cô vốn rất sợ phải chào mời vồn vã các quan, vốn rất không ưa cách lả lơi kề hoa tựa nguyệt, quàng vai bá cổ, vốn không quen cách khéo léo đưa đẩy của các cô nhà nghề, vì cô vốn con nhà giáo-dục từ bé đến lớn, không ra khỏi ngoài vòng nữ-tắc, thời làm sao hiểu biết và quen được những cách của các chị em sóm Bình-Khang? Hôm ý là hôm thứ bẩy. Cửu-Má bèn gọi mấy cô nhà nghề cùng cô Chúc-Lan mà bảo rằng:

« Hôm nay có ba ông khách sang-trọng hẹn đến tối lại hát nhà ta thì các cô phải sắm sửa ăn mặc cho lịch-sự mà tiếp đãi, bọn này nghe nói hát chầu nào cũng chi sang lắm. » Mụ nói song, tức thì sai một thằng nhỏ con giải một cái chiếu cạp điều ra giữa nhà, để cháp đầu, khay thuốc lá, khay chè, sẵn sàng cả ra giường, giữa ngọn đèn điện dủ cái a-ba-dua (abat-jour) bằng ren, sáng toả khắp một góc nhà. Trông rõ, thì thấy cạnh giường, có kê một cái tủ gụ, ngoài hai mặt kính, trong có mấy bao chè tàu, vài cái ảnh...... Trong buồng gần đó là phòng ngủ, diềm màn đỏ, chăn cạp sanh, gối bông.........

Chăn ấm, gối mềm, đàn hay riệu ngọt, miếng ăn ngon, gái lịch, cuộc vui nào phong-nhã cho bằng nữa, nhân sinh còn có cái thú gì hơn cái thú hoa kề nguyệt lả nữa......

Các cô nhà nghề thì khi nghe Cửu-Má nói vội vàng chậy vào trong buồng để trang điểm, cô thì lấy áo hoa hiên mặc, cô thì ca-sơ-mia nâu, cô thì ca-sơ-mia đen, cô thì áo xuyến, quần lĩnh mới, khăn sa-tanh-mới: trâm vàng cài, bao nhiêu bộ cánh để rành rở ra hết, nào vấn khăn, đánh phấn, bôi môi, một lúc mà trông các cô khác cả đi..... Cô nào có nhân-tình sang trọng, thời có vòng có hột, đeo chíu chít cả cổ lẫn tay, nào nhẫn mặt, nhẫn ma-dê trông chói lòa sắc vàng ở chên mấy ngón tay nuồn nuột..........

Duy có cô Chúc-Lan là không ăn mặc gì cả, cứ ngồi xem các chị em mà thôi. Đương lúc các cô ăn mặc, thời có một cô, ý hẳn cũng có nhân-tình kéo cho một hai đôi xuyến, ngắm nghía mãi, rồi hỏi cô bên cạnh:

— Thế nào chị xem hôm nay tôi có khá không? Hay là để tôi đi mượn cái áo sa-tanh của chị S vậy.

— Thôi, chị còn ai hơn được nữa, còn khéo vờ vĩnh, có chúng tôi thì........

— Không thật, tôi dám đâu bì kịp với các chị....... Đương nói thì nghe tiếng Cửu-Má gọi:

« Nào các cô đâu cả, ra chào các quan đi! »

Mụ vừa nói xong, thời mấy cô ở trong buồng chậy cả ra tranh nhau nói: « Chào ba quan » Rồi ngồi cả ở giường.

Ba ông này đến hát nhà này lần này là lần thứ năm rồi cho nên đi lại với các chị em quen thuộc lắm. Một ông mặt hơi đen, chán cao, mũi to, mồm rộng, dưới cầm hơi để râu, đầu đội khăn sếp, mặc áo sa-tanh đi giầy vàng, mắt đeo kính gọng vàng, tác chừng ngoài ba mươi, một ông thì ăn bận, quần áo tây, đầu rẽ vắt cả lên, chải mượt, mặc bộ laine mùi hơi sam-sám, ngoài khoác cái áo tơi (imperméable) chân đi giầy hai mũi trên chắng dưới đen, mặt mũi nhẫn nhụi, chưa có râu, tuổi độ 25, 26. Hai ông này cũng có nhân-tình với các chị em, nên đến lúc đến nhà, thời đôi nào vào đôi ấy; Cô P..... thì ngồi cạnh ông ăn mặc ta, còn Cô Đ..... thời tựa vào ông mặc quần áo tây, nhời tan hợp nỗi hàn huyên của hai cặp nhân-tình thật vui hơn tết, tiếng cười khanh khách..... Còn mấy cô kia, cùng cô Chúc-Lan thấy các ông không hỏi đến, thì cứ ngồi thừ ra, cô nọ thì thầm với cô kia, một lúc rồi tan hết..... Cô Chúc-Lan lúc này thấy các chị em lảng cả, cũng muốn đứng giậy đi, thì thấy ông thứ ba cầm tay kéo lại nói:

« Chả mấy khi tôi đến, chưa gập cô lần nào, vậy cô ở đây truyện trò với tôi »

Cô toan đứng giậy không chịu, nhưng nhác nhìn ông này thấy người ăn mặc nho-nhã, phải giạng con nhà thi-lễ, tiếng nói nhỏ nhen, mặt mũi sáng sủa, mi-thanh-mục-tú, thật là người lương-thiện, nên không có ý sợ hãi, bèn vội vàng ngồi ngay xuống đấy.....

Nguyên người này tên là Bùi-sinh là con một nhà phú-hộ ở chốn tỉnh thành, thuở nhỏ có theo đòi chốn cửa Khổng sân Trình mấy năm, nhưng công-danh không gập, mấy phen trường ốc, vậy ông thân-sinh mới cưới vợ cho về để buôn bán, trông nom cửa nhà ruộng nương. Từ ngày ông thân-sinh mất đi thì chàng ta buôn bán ngày một phát đạt, gia-tư ngày một phong-túc, lại nhờ được người vợ khôn ngoan, nên trong nhà ăn sung mặc sướng, vợ chồng lên xe xuống ngựa, không ai bằng.

Người vợ họ Hà..... là con một ông đồ giậy học, ông mất sớm còn mẹ già cày cấy buôn bán ở nhà quê, nàng ta là người rất khôn ngoan, công việc tề-gia nội-trợ lo liệu đâu vào đấy, trên có ngăn nắp, dưới có thứ tự, thật là một người rất đáng khen. Ở chốn phồn hoa là đất ăn tiêu sa phí mà nàng một niềm tiết kiệm, gắn bó từng li, không như các bà khác chỉ quen chơi bời ăn mặc, lấy cách trang điểm làm cái mộng-tưởng một đời người phụ-nữ. Bùi-sinh thấy vợ thế nên cũng kính phục, những lời nàng khuyên nhủ thường không dám sai, cho nên từ ngày hai vợ chồng lấy nhau đến bây giờ đã được 5, 6 năm, con cái được đôi ba đứa rồi, mà trên thuận dưới hòa, vợ chồng không bao giờ to tiếng với nhau.....

Hà-thị vốn biết chồng là người hiền lành, nhưng tuổi còn trẻ, cái lòng dục đương hăng hái, chi cho khỏi vướng chân vào vòng hoa nguyệt, cho nên đã hết sức ngăn cấm chồng không hề cho đi đâu, như thế cũng được vài năm, hễ động chồng định đi đâu là nàng làm mặt giận, cho nên chàng kiêng nể lại thôi. Nhưng lấy điều làm bực tức lắm, vì ăn ngày hai bữa, lại ở nhà ro ró, không có lẽ lúc nào cũng vợ chồng bám chặt lấy nhau, cũng có lúc phải mua vui cảnh ngoài, chơi bời hát sướng cho thơ thái tinh-thần chứ!

Chàng vốn cùng ông ăn bận áo sa-tanh là Trần-Quân, cùng người ăn mặc quần áo tây là Mỗ-sinh là ba người bạn đồng học thuở nhỏ, cho nên tình anh em đi lại chơi bời thân thiết lắm. Trần-Quân cũng có cửa hàng buôn to bán lớn, nên kể cũng là một nhà phú-gia ở đất Hà-thành, cách chơi bời thạo lắm. Chàng vốn ưa chốn Hồng-lâu, cho nên một hôm đã cố kéo Bùi-sinh cùng đi mấy mình. Bùi-sinh vốn xưa nay chưa hề ra khỏi nhà, nay được bước chân vào một chốn chơi bời phong nhã thế này, lẽ nào chẳng hám chẳng mê, thật là mừng như chim sổ lòng, lại được bay liệng tự do trên chốn trời rộng mênh mông.....

Từ đấy đã biết cái thú sóm Bình-Khang là thế nào, cho nên lăm le nhiều lần đã muốn đi, như lại bị Hà-Thị rữ riết nên không được đi đến đâu......

Một hôm Hà-Thị có việc phải về quê nhà, liền giao thìa khóa hòm tủ cho chàng và rặn chàng rằng:

« Tôi có việc phải về quê mấy hôm, thì cậu ở nhà, trông cửa ngõ, bảo ban chúng nó coi sóc cho cẩn thận, kẻo độ này trộm cắp nhiều lắm, sểnh ra thì mất đồ mất đạc ngay. Vậy cậu nên dữ dìn, tiền trợ búa tôi xin giao cả cho người nhà nó dữ, nó mua bán còn thừa bao nhiêu, tôi về nó sẽ tính mấy tôi, còn cậu có cần phải tiêu pha việc gì, thì cứ mở tủ mà lấy tiền, thìa khóa tôi giao cho đấy. »

Bùi-Sinh nghe vợ nói phải đi những mấy hôm mới về, thì bụng mừng rỡ lắm, vì không có ai ngăn cấm mình nữa, bèn cho người mời Trần-Quân và Mỗ-Sinh đến nhà đánh chén. Trong lúc ba anh em đương chén tạc chén thù, thì Trần-Quân gợi lên nói:

« Tôi nghĩ như anh em mình giời cho có của, có con gia-tư cũng khá, đồng tiền cũng rư rật, thế mà không nhân lúc này chơi bời cho phỉ chí thì cũng là uổng lắm. Vậy hôm nay đông đủ, ta kéo nhau lên hàng giấy, tôi nghe nhà số..... mới có một cô-đầu người rất phong-nhã, lại con nhà trâm-anh, thi-thư giỏi, ta thử đến đó xem sao! »

Bùi-Sinh và Mỗ-Sinh nghe nói, liền nhận lời đi ngay. Ba người bèn gọi ba cái xe cao-su kéo thẳng lên nhà cô-đầu...

Vì lẽ đó, cho nên Bùi-Sinh mới thừa dịp mà biết được cô Chúc-Lan (tức là mợ cả khi xưa); chàng vốn là người đã nhiễm cái thú tửu-sắc rồi, cho nên đến lúc trông thấy cô ta mặt hoa da phấn lưng ong, mình mẩy mềm mại, tiếng nói ôn hòa thì phải lòng ngay, bụng đã muốn cùng cô tính cuộc trăm-năm, lấy làm tiểu-thiếp rồi.......

Kịp đến lúc lại nghe cô than-vãn với mình những nguồn cơn bỏ cậu cả, lấy Bạc-Sở bị lừa, cho nên mới phải đem mình vào nơi ca-quán, thời Bùi-Sinh lại càng ái ngại thương-tâm lắm.......

Chàng liền nói với cô Chúc-Lan rằng:

« Tôi nghe truyện cô nói, thật lấy làm thương sót lắm, muốn hết sức đùm bọc cô, dẫu rằng vợ cả có rồi, nhưng nếu cô ưng thuận mà biết cảm cái bụng tôi quý hoá cô thì tôi xin lấy cô để một chỗ, tiền nong mỗi tháng xin đưa cô đủ tiêu, ăn mặc may vá gì tôi xin chịu. Nếu cô bằng lòng thế, thì tôi sẽ nói với Cửu-Má một tiếng là song ngay »

Cô Chúc-Lan nghe chàng nói, bụng còn ngần ngại chưa biết ra làm sao, không biết chàng nói thật hay nói rối, là người tử tế hay lại như Bạc-Sở ngày xưa, bụng bảo dạ:

« Nếu thật được như thế thời ta cũng nên nghe »

Bèn giả lời Bùi-Sinh rằng:

« Vâng, cậu nói thế tôi sẽ biết vậy, xin để hai ngày nữa, tôi nghĩ thế nào, sẽ thưa lại cậu biết ».

— Vậy thì hai ngày nữa tôi sẽ đến đây.

— Vâng!

Khi Bùi-Sinh về rồi, thời cô liền hỏi thăm bạn là Huệ-Lan về gốc-tích chàng ta, thấy Huệ-Lan nói chàng là người tử tế đứng đắn thời cô mừng lắm.

Hai hôm sau Bùi-Sinh quả nhiên y hẹn đến, thời cô Chúc-Lan ra chào hỏi và tỏ ý xin nghe...... Bùi-Sinh mừng rỡ, vội vàng nói truyện với Cửu-Má, và cho mụ 50 $ tạ lại cái công mụ nuôi nấng cô mấy tháng. Cửu-Má được tiền mừng rỡ, thuận ngay. Thế là từ đấy cô Chúc-Lan (tức mợ cả) lại lấy lẽ Bùi-Sinh........

Bùi-Sinh nguyên có Hà-Thị ở nhà rồi cho nên không dám đem cô về, phải thuê nhà ở phố....... cho cô ở..... Cô nhân dịp, bèn đánh giấy tìm đứa bé con gửi người nuôi ở nhà quê ra, rồi hai mẹ con thu sếp đồ đạc ở đấy..... Bùi-Sinh lại cấp cho cô 300 bạc vốn để mở ngôi hàng tạp hóa..... Chàng thường mỗi tuần lễ vài ba lần lại thăm cô, như thế được hơn một tháng, không có tiếng tăm gì... Chàng nói rối Hà-Thị rằng mới vào cái hội buôn to, mỗi tháng phải đóng 50 đồng, trong 5 năm thời thu lãi được vài trăm, và mỗi tuần lễ chàng phải lại hội ba lần để tính toán sổ sách. Trò liền bà nhẹ dạ dễ tin, lại nghe thấy nói buôn bán có lờ có lãi, thời còn nghi ngại gì nữa, nên mặc ý để cho Bùi-Sinh đi sớm về chưa.