Biên dịch:Phát biểu của Tổng thống Nga về các sự kiện tại Ukraina

Phát biểu của Tổng thống Nga về Ukraina  (2022) 
của Vladimir Vladimirovich Putin, do Wikisource dịch từ tiếng Anh
Bài phát biểu được phát trên truyền hình vào ngày 21 tháng 2 năm 2022. Nội dung chính là giải thích các sự kiện xảy ra tại Ukraina, thái độ của nước Nga với NATO và thông báo đề nghị công nhận sự độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.
Video bài phát biểu của Putin (có phụ đề tiếng Việt)

Tổng thống Nga Vladimir Putin: Thưa các công dân Nga, thưa các bạn,

Bài phát biểu này của tôi là về các sự kiện tại Ukraina và tại sao nó lại rất quan trọng đối với chúng ta, nước Nga. Dĩ nhiên, thông điệp của tôi cũng dành để gửi đến những đồng bào của chúng ta ở Ukraina.

Vấn đề đã vô cùng nghiêm trọng và cần phải được thảo luận một cách sâu sắc.

Tình hình tại Donbass đã đến mức độ nghiêm trọng và nguy cấp. Tôi nói chuyện trực tiếp với các bạn ngày hôm nay không chỉ để giải thích điều gì đang xảy ra mà còn để thông báo với các bạn những quyết định đã được thực hiện cũng như những bước đi có thể diễn ra sắp tới.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Ukraina không chỉ là một quốc gia láng giềng của chúng ta. Nó là một bộ phận không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tâm linh của chính chúng ta. Họ là những đồng chí, những người thân yêu nhất của chúng ta - không chỉ là những đồng nghiệp, bạn bè và đồng đội, mà còn là thân quyến, những người gắn kết với nhau bằng máu mủ, bằng giềng mối gia đình.

Từ thời thượng cổ, những người sống ở phía tây nam của vùng đất lịch sử của nước Nga đã tự gọi mình là người Nga và là người Chính thống giáo. Đó là những gì đã diễn ra vào trước thế kỷ 17, khi một phần lãnh thổ thành trở lại với nước Nga, và kể cả sau đó.

Dường như tất cả chúng ta, nói chung, đều biết đến những sự kiện này, và chúng là kiến thức phổ thông. Tuy vậy, vẫn cần phải nhắc tới lịch sử của vấn đề này để hiểu được điều gì đang xảy ra ở hiện tại, để giải thích động cơ đằng sau những hành động của nước Nga và những điều chúng ta muốn đạt được.

Do đó, tôi sẽ bắt đầu với sự thật rằng nước Ukraina hiện đại hoàn toàn do nước Nga, hay chính xác hơn, nước Nga Cộng sản, Bolshevik, tạo ra. Quá trình này trên thực tế đã bắt đầu sau cuộc cách mạng năm 1917, và Lênin và cộng sự của ông ta đã thực hiện nó theo cách thức vô cùng thô bạo với nước Nga – bằng cách chia rẽ, cắt đứt vùng đất lịch sử của nước Nga. Không ai đoái hoài tới hàng triệu người sống ở đó xem họ nghĩ gì.

Từ đó, cả từ trước và sau cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Stalin sáp nhập vào Liên Xô rồi chuyển cho Ukraina một số vùng đất trước đây thuộc về Ba Lan, Rumani, và Hungary. Trong quá trình đó, ông ta đền bù cho Ba Lan một phần đất lịch sử của nước Đức, rồi đến năm 1954, vì một lý do nào đó Khrushchev lấy Krym ra khỏi nước Nga và cũng trao nó cho Ukraina. Và thế là, đây chính là cách thức hình thành nên lãnh thổ của Ukraina hiện đại.

Nhưng bây giờ tôi muốn tập trung vào giai đoạn đầu khi Liên Xô hình thành. Tôi tin rằng điều này cực kỳ quan trọng đối với chúng ta. Thành thực mà nói, tôi sẽ phải nói riêng về nó.

Tôi sẽ nhắc cho các bạn nhớ rằng sau Cách mạng tháng Mười 1917 và cuộc Nội chiến tiếp đó, những người Bolshevik đã định tạo ra một quốc gia mới. Họ đã có những bất đồng khá nghiêm trọng trong hàng ngũ của mình về vấn đề này. Vào năm 1922, Stalin nắm giữ cả hai chức vụ Tổng thư ký Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik) và Hội đồng Dân ủy về Vấn đề Dân tộc. Ông ta đề xuất xây dựng một quốc gia trên các nguyên tắc tự chủ tức là, trao cho các nước cộng hòa – các thực thể hành chính và lãnh thổ tương lai – quyền lực rộng rãi khi gia nhập một quốc gia thống nhất.

Lênin đã chỉ trích kế hoạch này và đề nghị nhượng bộ những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người mà ông ta gọi là "phái độc lập" lúc bấy giờ. Ý tưởng của Lênin tựu trung lại là cách dàn xếp một quốc gia liên hiệp và một khẩu hiệu về quyền tự quyết của các quốc gia, tới cả quyền ly khai, là nền móng hình thành nên quốc gia Liên Xô. Ban đầu chúng được xác nhận trong bản Tuyên ngôn Thành lập Liên Xô vào năm 1922, và sau đó, sau khi Lênin chết, được tôn thờ trong Hiến pháp Liên Xô 1924.

Điều này đã lập tức đặt ra hàng loạt câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên mà thật ra cũng là câu hỏi chính: tại sao lại cần phải nhân nhượng những người theo chủ nghĩa dân tộc, để thỏa mãn những tham vọng chủ nghĩa dân tộc không ngừng tăng lên ở phần rìa của đế quốc trước đây? Mục đích của việc chuyển cho các đơn vị hành chính mới vừa được thành lập một cách tùy tiện – các nước cộng hòa – những vùng đất rộng lớn chẳng có liên quan gì đến họ? Hãy để tôi nhắc lại rằng những vùng đất này được chuyển giao cùng với lực lượng dân số trước đây thuộc về nước Nga.

Hơn nữa, những đơn vị hành chính này, trên thực tế, đã được trao cho địa vị và hình thù của một thực thể quốc gia. Nó đặt ra một câu hỏi khác: tại sao lại cần phải trao những món quà hậu hĩnh đến vậy, còn hơn cả trong giấc mơ của những người theo chủ nghĩa dân tộc sốt sắng nhất và, trên tất cả, trao cho các nước cộng hòa quyền ly khai khỏi quốc gia thống nhất mà không cần phải có điều kiện gì?

Thoạt đầu, điều này hoàn toàn không thể hiểu nổi, thậm chí là điên rồ. Những chỉ là thoạt đầu mà thôi. Có một lời giải thích. Sau cách mạng, mục tiêu chính của những người Bolshevik là phải giữ lấy quyền lực bằng mọi giá, bất cứ giá nào. Họ làm tất cả mọi thứ chỉ vì mục đích này: chấp thuận Hiệp ước Brest-Litovsk đầy nhục nhã, dù tình hình quân sự và kinh tế ở Đế quốc Đức và đồng minh là cực kỳ thảm hại và kết cục của Chiến tranh Thế giới I đã hiển hiện, và thỏa mãn mọi đòi hỏi và mong muốn của những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Khi liên hệ tới số phận lịch sử của nước Nga và người dân Nga, các nguyên tắc hình thành quốc gia của Lênin không chỉ là một sai lầm; nó còn tệ hơn một sai lầm, như người ta thường nói. Điều đó trở nên hoàn toàn rõ ràng sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.

Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể thay đổi những chuyện đã xảy ra, nhưng chúng ta ít nhất phải thừa nhận chúng một cách công khai và thành thật, không hạn chế và không nhuốm màu chính trị. Cá nhân tôi có thể thêm rằng không có bất kỳ yếu tố chính trị nào, dù có vẻ ấn tượng hay ích lợi tại bất kỳ thời điểm nào, có thể dùng làm các nguyên tắc cơ bản thành lập quốc gia.

Tôi không cố gắng đổ lỗi cho bất kỳ ai. Tình hình tại đất nước vào lúc đó, cả trước và sau Nội chiến, đều cực kỳ phức tạp; cực kỳ nguy cấp. Điều duy nhất mà tôi muốn nói hôm nay là điều đó chính xác là như vậy. Đây là sự thật lịch sử. Thật ra, như tôi đã nói, Ukraina Xô viết là kết quả của chính sách của những người Bolshevik và có thể gọi là "Ukraina của Vladimir Lênin" là hoàn toàn chính đáng. Ông ta là người sáng tạo và kiến trúc sư của nó. Điều này đã được chứng thực một cách đầy đủ và toàn diện trong các văn bản lưu trữ, bao gồm cả những mệnh lệnh khắt nghiệt của Lênin về vùng Donbass, nơi thực ra đã bị nhét vào Ukraina. Và đến ngày nay những "con cháu có hiếu" đã lật đổ tượng đài Lênin ở Ukraina. Họ gọi nó là sự giải trừ chủ nghĩa cộng sản.

Các người muốn giải trừ chủ nghĩa cộng sản ư? Tốt thôi, chúng tôi không có vấn đề gì với nó. Nhưng tại sao các người lại dừng lại nửa chừng như vậy? Chúng ta đã sẵn sàng cho họ thấy giải trừ chủ nghĩa cộng sản có nghĩa thực sự là gì đối với Ukraina.

Trở lại với lịch sử, tôi muốn lặp lại rằng Liên Xô được hình thành trên cơ sở của Đế quốc Nga cũ vào năm 1922. Nhưng thực tế lập tức cho thấy không thể nào bảo toàn hoặc quản lý một lãnh thổ rộng lớn và phức tạp như vậy bằng những nguyên tắc vô định hình mà hệ quả là một quốc gia liên hiệp. Họ đã quá xa rời thực tế và truyền thống lịch sử.

Lẽ tự nhiên phải đến là Khủng bố Đỏ và sự trượt dài nhanh chóng vào chế độ độc tài của Stalin, sự thống trị của tư tưởng cộng sản và sự độc quyền của Đảng Cộng sản, quốc hữu hóa và kinh tế kế hoạch – tất cả những thứ này đã biến đổi các nguyên tắc điều hành chính quyền được tuyên bố chính thức nhưng thiếu hiệu quả thành một tuyên ngôn sáo rỗng. Trên thực tế, các nước cộng hòa Xô viết không hề có quyền tự chủ nào, không có gì hết. Kết quả trên thực tế là một quốc gia tập quyền chặt chẽ và nhất thể tuyệt đối.

Thực ra, những gì Stalin thực hiện không phải là các nguyên tắc điều hành chính quyền của Lênin, mà là của chính ông ta. Nhưng ông ta đã không thực hiện các sửa đổi tương ứng trong những văn kiện bản lề, trong Hiến pháp, và ông ta không chính thức cải biên các nguyên tắc của Lênin hình thành nên Liên Xô. Có vẻ như điều đó hoàn toàn không cần thiết, vì tất cả mọi thứ dường như vận hành rất tốt trong những điều kiện của một chính thể toàn trị, và nhìn từ bên ngoài thì rất tuyệt vời, quyến rũ và thậm chí siêu dân chủ.

Vậy mà, thật là vô cùng đáng tiếc rằng những nền tảng pháp lý cơ bản và chính thức của quốc gia của chúng ta đã không nhanh chóng tẩy rửa được những ảo vọng ghê tởm và không tưởng do cuộc cách mạng tạo nên, và điều đó hủy hoại ghê gớm bất cứ một quốc gia nào. Như nó thường xảy ra ở đất nước chúng ta trước đây, chẳng một ai nghĩ đến tương lai cả.

Dường như những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản bị thuyết phục rằng họ đã tạo ra một hệ thống chính quyền vững chắc và rằng các chính sách của họ đã giải quyết được vĩnh viễn các vấn đề sắc tộc. Nhưng sự xuyên tạc, nhận thức sai lầm, và giả mạo ý kiến công chúng phải trả một cái giá lớn. Con vi-rút khát vọng dân tộc chủ nghĩa vẫn còn lởn vởn, và quả bom đặt vào giai đoạn đầu tiên nhằm tiêu diệt kháng thể của đất nước chống lại chủ nghĩa dân tộc đã bắt đầu đếm. Như tôi đã nói, quả bom này chính là quyền ly khai khỏi Liên Xô.

Vào giữa những năm 1980, các vấn đề kinh tế xã hội ngày càng trầm trọng và cuộc khủng hoảng rõ ràng của nền kinh tế kế hoạch hóa đã làm trầm trọng thêm vấn đề sắc tộc, một vấn đề không hề dựa trên kỳ vọng hoặc giấc mơ chưa thành của nhân dân Liên Xô mà chính là từ lòng ham muốn ngày càng tăng của giới tinh hoa địa phương.

Tuy nhiên, thay vì phân tích tình hình, thực hiện các biện pháp phù hợp, đầu tiên là về kinh tế, và dần dần thay đổi hệ thống chính trị và chính quyền một cách cẩn trọng và cân bằng, các lãnh đạo Đảng Cộng sản chỉ nói nước đôi về sự tái sinh nguyên tắc quốc gia tự quyết của Lênin.

Hơn nữa, trong tình hình tranh chấp quyền lực bên trong Đảng Cộng sản, các bên đối đầu nhau, với mong muốn tăng cường sự ủng hộ mình, bắt đầu kích động và khuyến khích tinh thần chủ nghĩa dân tộc một cách thiếu cẩn trọng, thao túng chúng và hứa hẹn những người có khả năng ủng hộ mình bất cứ điều gì họ mong muốn. Đứng trước những xảo ngôn mang tính dân túy và thiển cận về nền dân chủ và một tương lai tươi sáng dựa trên một nền kinh tế thị trường hay kế hoạch hóa, nhưng trong vòng xoáy của tình trạng thiếu đói thực sự của nhân dân và thiếu thốn khắp nơi, không một ai trong những người nắm giữ quyền lực nghĩ về một hậu quả thê lương của đất nước.

Tiếp đó, họ hoàn toàn đi vào vết xe đổ từ lúc hình thành Liên Xô và thỏa mãn những tham vọng của giới tinh hoa dân tộc chủ nghĩa được dung dưỡng trong chính hàng ngũ của họ. Nhưng khi làm vậy, họ quên mất rằng Đảng Cộng sản Liên Xô – ơn Trời – đã không còn công cụ để duy trì quyền lực và đất nước, những công cụ như sự khủng bố ở tầm quốc gia và chế độ độc tài kiểu Stalin, và cũng quên rằng vai trò dẫn dắt khét tiếng của đảng đang dần biến mất không còn dấu vết, giống như sương mờ buổi sáng, ngay trước mắt họ.

Và rồi, phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 9 năm 1989 đã thông qua một văn bản thực sự chết người, thứ gọi là chính sách dân tộc của đảng trong bối cảnh hiện đại, cương lĩnh của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nó bao gồm những điều khoản sau, mà tôi trích dẫn: “Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô sẽ có toàn quyền phù hợp với vai trò là các quốc gia xã hội chủ nghĩa có chủ quyền.”

Điểm kế tiếp: “Các cơ quan đại diện quyền lực tối cao của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô có thể khước từ và đình chỉ việc thực thi các nghị quyết và quyết định của Chính quyền Liên Xô trong lãnh thổ của họ.”

Và cuối cùng: “Mỗi nước cộng hòa thuộc Liên Xô sẽ có quyền công dân riêng, áp dụng cho toàn thể cư dân tại đó.”

Chẳng lẽ còn không rõ rằng những phương thức và quyết định này rồi sẽ dẫn đến điều gì hay sao?

Giờ không phải là lúc hoặc nơi để phân tích vấn đề luật pháp quốc gia hay hiến pháp, hay định nghĩa khái niệm thế nào là quyền công dân. Nhưng một người sẽ tự hỏi: tại sao lại cần phải làm xáo trộn thêm một đất nước đã ở trong tình thế phức tạp như vậy? Sự thật vẫn còn đó.

Vậy là từ hai năm trước khi Liên Xô chính thức sụp đổ, số phận của nó thực ra đã bị định đoạt. Vào lúc này những kẻ cực đoan và dân tộc chủ nghĩa, bao gồm chủ yếu là những người ở Ukraina, tự nhận công lao vì đã lấy được độc lập. Như chúng ta thấy, nó hoàn toàn sai. Sự phân rã của một đất nước thống nhất đã xảy ra do các sai lầm mang tính lịch sử, chiến lược của một bộ phận những nhà lãnh đạo Bolshevik và giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, những sai lầm xảy ra vào nhiều thời điểm khác nhau trong quá trình xây dựng đất nước và trong những chính sách về kinh tế và sắc tộc. Sự sụp đổ của nước Nga lịch sử được biết đến với tên Liên Xô hoàn toàn do họ gây ra.

Bất chấp tất cả sự bất công, lừa dối và cướp bóc trắng trợn nước Nga, chính dân tộc chúng ta là những người đã chấp nhận một thực tế địa chính trị mới hình thành sau sự tan rã của Liên Xô, và công nhận các quốc gia độc lập mới. Nước Nga không chỉ công nhận các quốc gia này, mà còn giúp đỡ các nước bạn trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, thậm chí khi nước Nga vẫn đang phải đối mặt với tình huống ngặt nghèo. Nó bao gồm cả các đồng nghiệp Ukraina của chúng ta, những người đã nhiều lần nhờ vả đến sự hỗ trợ tài chính của chúng ta kể từ ngay thời điểm họ tuyên bố độc lập. Đất nước chúng ta đã cung cấp sự hỗ trợ trong khi vẫn tôn trọng phẩm giá và chủ quyền của Ukraina.

Theo đánh giá của các chuyên gia và được xác nhận chỉ bằng một phép tính đơn giản về giá năng lượng, số tiền nước Nga cho Ukraina vay ưu đãi cùng với những ưu đãi về kinh tế và thương mại, đã giúp cho ngân sách Ukraina, trong giai đoạn từ 1991 đến 2013, thu lợi tổng cộng là 250 tỷ đô-la Mỹ.

Tuy vậy, thực tế còn nhiều hơn thế. Đến cuối năm 1991, Liên Xô nợ các nước ngoài và các quỹ tín dụng quốc tế khoảng 100 tỷ đô-la Mỹ. Ban đầu, đã có ý kiến đề xuất tất cả các nước cộng hòa Liên Xô cũ sẽ chung tay trả món nợ đó, trên tinh thần đoàn kết với tỷ lệ tương ứng với tiềm năng kinh tế. Tuy nhiên, nước Nga đã đứng ra trả toàn bộ số nợ của Liên Xô và đã hoàn tất lời hứa trả hết nợ vào năm 2017.

Để đổi lại, các quốc gia mới độc lập phải giao cho nước Nga những tài sản của Liên Xô ở nước ngoài. Một thỏa thuận như vậy đã được Ukraina đồng ý vào tháng 12 năm 1994. Vậy mà, Kiev đã không thông qua các thỏa thuận đó để rồi sau đó thẳng thừng từ chối thực hiện chúng khi đòi hỏi chia sẻ Kho dự trữ kim cương, vàng, cũng như các tài sản của Liên Xô cũ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những khó khăn đó, nước Nga luôn hợp tác với Ukraina theo cách thức cởi mở và chân thành và, như tôi đã nói, trên tinh thần tôn trọng lợi ích của nhau. Chúng ta đã phát triển sự cộng tác trong nhiều lĩnh vực. Do đó, vào năm 2011, thương mại song phương vượt qua 50 tỷ đô-la Mỹ. Để tôi chú thích rằng vào năm 2019, tức là trước đại dịch, thương mại của Ukraina với tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu cộng lại vẫn thấp hơn con số này.

Cùng lúc đó, thật đáng chú ý là các chính quyền Ukraina luôn thích hợp tác với Nga theo cách sao cho họ được hưởng mọi quyền lợi và đặc ân nhưng không hề bị bất cứ ràng buộc nào.

Các quan chức ở Kiev đã thay mối quan hệ đối tác bằng một thái độ ăn bám đôi khi theo cách thức láo xược nhất. Nói như vậy thật chẳng ngoa nếu nhớ lại sự hăm dọa tống tiền liên tục về việc vận chuyển năng lượng và sự thật là họ bòn rút cả khí đốt.

Tôi có thể thêm rằng Kiev đã cố gắng dùng đối thoại với Nga làm yếu tố để ngã giá trong mối quan hệ với phương Tây, dùng sự đe dọa sẽ liên kết khắng khít hơn với Nga để hăm dọa phương Tây nhằm có được lợi thế bằng cách tuyên bố rằng nếu không làm vậy thì nước Nga sẽ có ảnh hưởng lớn hơn lên Ukraina.

Cùng lúc đó, các chính quyền Ukraina – tôi muốn nhấn mạnh điều này – đã bắt đầu xây dựng quốc gia của họ bằng cách phủ nhận tất cả những gì đã thống nhất chúng ta, cố gắng làm sai lệch tinh thần và trí nhớ về lịch sử của hàng triệu người, của toàn bộ thế hệ sinh sống tại Ukraina. Không có gì là ngạc nhiên là xã hội Ukraina phải đối mặt với chủ nghĩa dân tộc cực hữu, đã nhanh chóng phát triển thành chủ nghĩa bài Nga cực đoan và tân Quốc xã. Nó dẫn tới kết quả là sự tham gia của những kẻ dân tộc chủ nghĩa và tân Quốc xã Ukraina trong các nhóm khủng bố ở Bắc Kavkaz và những đòi hỏi ngày càng to mồm đòi lãnh thổ từ Nga.

Đóng một vai trò trong đó là những lực lượng từ bên ngoài, những kẻ sử dụng mạng lưới chân rết các Tổ chức Phi chính phủ và những dịch vụ đặc biệt nhằm nuôi dưỡng khách hàng của chúng ở Ukraina và đưa các đại diện của chúng vào những chiếc ghế quyền lực.

Cũng cần ghi nhớ rằng Ukraina thực ra chưa bao giờ có được truyền thống ổn định của một quốc gia thực sự. Và, do đó, vào năm 1991 nó lựa chọn rập khuôn một cách thiếu suy nghĩ những mô hình ngoại lai, mà chẳng có liên hệ gì đến lịch sử hoặc thực tế tại Ukraina. Những tổ chức chính quyền chính trị bị điều chỉnh nhiều lần để phục vụ cho bè nhóm ngày càng đông và lợi ích của riêng chúng, mà không đoái hoài gì đến lợi ích của nhân dân Ukraina.

Một cách cơ bản, sự lựa chọn cho cái gọi là nền văn minh thân phương Tây của giới cầm quyền đầu sỏ Ukraina đã và đang không phải nhằm tạo nên những điều kiện tốt hơn để phục vụ cho lợi ích của nhân dân mà là để giữ gìn hàng tỷ đô-la mà đám tài phiệt đã ăn cướp từ người dân Ukraina và giữ chúng trong các tài khoản của các ngân hàng phương Tây, trong khi tiếp đón những kẻ thù địa chính trị của nước Nga một cách trân trọng.

Một vài nhóm công nghiệp và tài chính và các đảng phái và chính trị gia do chúng trả tiền đã dựa hơi những kẻ dân tộc chủ nghĩa và cực đoan ngay từ đầu. Những nhóm khác thì tuyên bố ưu tiên mối quan hệ tốt với Nga và sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, giành được quyền lực với sự giúp đỡ của những công dân nhiệt thành ủng hộ những điều họ nói, bao gồm cả hàng triệu người ở khu vực đông nam. Nhưng sau khi có được chiếc ghế mà chúng thèm muốn, chúng lập tức phản bội những người đã bỏ phiếu cho chúng, quên đi những lời hứa khi tranh cử mà thay vào đó là nương theo chính sách do những kẻ cực đoan đề ra và đôi khi thậm chí còn truy tố những đồng minh cũ – những tổ chức công chúng ủng hộ chính sách song ngữ và hợp tác với nước Nga. Những kẻ này đã lợi dụng sự thật rằng phần lớn cử tri là những công dân tuân thủ pháp luật với quan điểm dung hòa và tin tưởng vào chính quyền, và rằng, không như những kẻ cực đoan, họ sẽ không làm gì quá đáng hoặc sử dụng những công cụ bất hợp pháp.

Trong lúc đó, những kẻ cực đoan trở nên ngày càng manh động và cứ mỗi năm lại đòi hỏi ngày càng nhiều. Chúng nhận ra rằng ép buộc nhà cầm quyền yếu đuối làm theo ý chúng thật dễ dàng, cái thứ chính quyền đã bị lây nhiễm con vi-rút dân tộc chủ nghĩa và tham nhũng, đã thay thế một cách khéo léo những lợi ích về văn hóa, kinh tế và xã hội thực sự của nhân dân và quyền chủ quyền thực sự của Ukraina thành những ý kiến về sắc tộc và đặc tính của sắc tộc.

Một chủ thể quốc gia ổn định chưa bao giờ tồn tại ở Ukraina; các quy trình bầu cử và chính trị khác chỉ là một vỏ bọc, một màn khói che đậy sự ăn chia quyền lực và tài sản giữa các tập đoàn tài phiệt.

Tham nhũng, một thách thức và vấn đề của nhiều quốc gia, trong đó có nước Nga, đã vượt quá mức thông thường tại Ukraina. Nó đã ăn sâu và xói mòn đất nước Ukraina, vào toàn bộ hệ thống, vào toàn bộ các nhánh quyền lực.

Những kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan đã tranh thủ sự bất mãn chính đáng của dân chúng để kích động cuộc biểu tình Maidan, đẩy nó lên thành một cuộc đảo chính vào năm 2014. Chúng cũng có sự hỗ trợ trực tiếp từ ngoại bang. Theo nhiều báo cáo, Đại sứ quán Mỹ đã cung cấp 1 triệu đô-la Mỹ mỗi ngày để hỗ trợ cái gọi là trại biểu tình ở Quảng trường Độc lập ở Kiev. Ngoài ra, một lượng tiền lớn đã được chuyển trực tiếp một cách vô liêm sỉ vào tài khoản của các lãnh đạo đối lập, hàng chục triệu đô-la. Vậy còn những người đã thực sự phải chịu khổ sở, những gia đình có người chết trong những vụ đụng độ diễn ra trên đường phố và các quảng trường ở Kiev và các thành phố khác thì sao, cuối cùng họ nhận được những gì? Tốt hơn hết là đừng hỏi.

Những kẻ dân tộc chủ nghĩa giành được quyền lực đã tiến hành áp bức, một chiến dịch khủng bố thật sự với những người phản đối hành vi vi hiến của họ. Các chính trị gia, nhà báo, và nhà hoạt động công chúng bị quấy rối và làm nhục công khai. Một làn sóng bạo lực quét qua các thành phố Ukraina, trong đó có cả hàng loạt những vụ giết người nổi tiếng mà không bị trừng trị. Người ta rùng mình ghê sợ khi nhớ tới thảm kịch khủng khiếp ở Odessa, nơi những người biểu tình ôn hòa bị giết chết một cách dã man, bị thiêu sống trong Tòa nhà Công đoàn. Những kẻ gây ra tội ác tàn bạo đó chưa bao giờ bị trừng trị, và thậm chí không ai muốn tìm chúng. Nhưng chúng tôi biết tên của chúng và chúng tôi sẽ làm mọi thứ để trừng phạt chúng, tìm chúng và mang chúng ra trước công lý.

Maidan không mang Ukraina lại gần hơn với dân chủ và tiến bộ. Sau khi hoàn thành cuộc đảo chính, những kẻ dân tộc chủ nghĩa và các lực lượng chính trị hỗ trợ chúng cuối cùng đã đưa Ukraina vào ngõ cụt, đẩy quốc gia vào vực thẳm của cuộc nội chiến. Tám năm sau, đất nước bị chia cắt. Ukraina vẫn đang xoay xở với cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm kha.

Theo các tổ chức quốc tế, vào năm 2019, khoảng 6 triệu người Ukraina – tôi nhấn mạnh – khoảng 15 phần trăm, không phải chỉ là của lực lượng dân số đang trong độ tuổi lao động, mà là của toàn bộ dân số đất nước, phải đi ra nước ngoài để tìm việc làm. Phần lớn trong số họ làm những công việc lặt vặt tay chân. Con số sau đây cũng nói lên nhiều điều: từ năm 2020, hơn 60.000 bác sĩ và nhân viên y tế đã rời khỏi đất nước ngay giữa đại dịch.

Từ năm 2014, hóa đơn tiền nước đã tăng gần một phần ba, còn hóa đơn năng lượng đã tăng lên gấp vài lần, trong khi giá khí đốt dân dụng tăng lên vài chục lần. Nhiều người không còn đủ tiền để trả tiền điện nước. Họ đang thực sự phải xoay xở để sống sót.

Điều gì đã xảy ra? Tại sao tất cả điều đó lại đang xảy ra? Câu trả lời rất rõ ràng. Họ đã tiêu xài và biển thủ những gì còn sót lại không chỉ từ thời Liên Xô, mà cả từ thời Đế quốc Nga. Họ làm mất đi hàng chục, hàng trăm ngàn công việc có thể giúp cho nhân dân kiếm được thu nhập chắc chắn và sinh được nguồn thu từ thuế, cùng với nhiều thứ khác có được nhờ hợp tác chặt chẽ với nước Nga. Những lĩnh vực như chế tạo máy, kỹ thuật thiết bị, điện tử, đóng tàu và chế tạo máy bay đã bị ngó lơ hoặc thậm chí bị tiêu hủy. Vậy mà đã có lúc không chỉ Ukraina, mà cả Liên bang Xô Viết, đều từng tự hào về những công ty này.

Vào năm 2021, Xưởng đóng tàu Biển Đen ở Nikolayev dừng hoạt động. Những chiếc tàu đầu tiên của họ xuất xưởng từ thời Ekaterina Đại đế. Antonov, xưởng chế tạo nổi tiếng, chưa từng chế tạo được chiếc máy bay thương mại nào kể từ năm 2016, trong khi Yuzhmash, một nhà máy chuyên về thiết bị tên lửa và vũ trụ, đã gần như phá sản. Nhà máy Thép Kremenchug cũng đang trong tình trạng tương tự. Danh sách đáng buồn này vẫn còn dài.

Còn về hệ thống vận chuyển khí đốt, chúng được xây dựng toàn bộ bởi Liên Xô, và giờ đã xuống cấp tới mức sử dụng nó là một nguy cơ lớn và là một sự trả giá cao đối với môi trường.

Tình hình này đặt ra câu hỏi: sự nghèo đói, thiếu thốn cơ hội, và tiềm năng công nghiệp và công nghệ bị đánh mất – đây có phải lựa chọn văn minh thân phương Tây mà họ đã rao giảng trong nhiều năm để lừa dối hàng triệu người với lời hứa về một thiên đường?

Tất cả đã dẫn đến một nền kinh tế tả tơi và cướp bóc trắng trợn công dân của mình, trong khi bản thân Ukraina bị đặt trong vòng kìm tỏa của ngoại bang, không những bị điều hành từ các thủ đô phương Tây, mà ngay cả trên mảnh đất của chính mình, như người ta thường nói, thông qua một hệ thống các cố vấn nước ngoài, Tổ chức Phi Chính phủ và các tổ chức khác hiện diện ở Ukraina. Chúng có tác động trực tiếp tới mọi sự bổ nhiệm hay cách chức các vị trí quan trọng và tới mọi nhánh quyền lực ở mọi cấp độ, từ chính quyền trung ương cho tới địa phương, cũng như các công ty và tập đoàn nhà nước, bao gồm Naftogaz, Ukrenergo, Đường sắt Ukraina, Ukroboronprom, Ukrposhta, và Cảng vụ Ukraina.

Không hề có một nền tư pháp độc lập tại Ukraina. Nhà chức trách Kiev, theo yêu cầu của phương Tây, đã trao quyền ưu tiên lựa chọn thành viên của các cơ quan tư pháp tối cao, Hội đồng Tư pháp và Ủy ban Thẩm phán Trình độ Cao, cho các tổ chức quốc tế.

Thêm vào đó, Hoa Kỳ quản lý trực tiếp Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia, Cục Chống Tham nhũng Quốc gia, Văn phòng Công tố Chuyên trách Chống Tham nhũng và Tòa án Chống Tham nhũng Cấp cao. Tất cả mọi thứ được thực hiện dưới danh nghĩa tăng cường nỗ lực chống tham nhũng. Tốt thôi, nhưng kết quả đâu? Tham nhũng đang mạnh mẽ chưa từng có.

Người dân Ukraina có biết đây là cách đất nước đang được quản lý? Họ có nhận thấy đất nước của họ đang biến thành không chỉ là một nước bị bảo hộ về chính trị hoặc kinh tế mà còn trở thành một thuộc địa với một chính phủ bù nhìn? Đất nước đã bị tư nhân hóa. Kết quả là, chính phủ, nơi tự phong cho mình là “quyền lực của những người ái quốc” giờ không còn hành động vì lợi ích quốc gia và liên tục đẩy Ukraina vào tình trạng mất đi chủ quyền.

Chính sách nhổ tận gốc ngôn ngữ và văn hóa Nga và ủng hộ đồng hóa vẫn tiếp diễn. Verkhovna Rada đã liên tục tạo ra hàng loạt sắc luật mang tính phân biệt, và pháp luật về cái gọi là người dân bản xứ đã có hiệu lực thi hành. Những người tự nhận là người Nga và muốn gìn giữ bản sắc, ngôn ngữ và văn hóa của họ đang nhận được tín hiệu rằng họ không được mong muốn tại Ukraina.

Theo những luật về giáo dục và tiếng Ukraina là ngôn ngữ quốc gia, tiếng Nga đã còn không chỗ trong trường học hoặc nơi công cộng, thậm chí trong những cửa hiệu bình thường. Luật về cái gọi là xem xét tư cách quan chức và làm trong sạch bộ máy đã tạo ra cách thức xử lý những công chức không được mong muốn.

Ngày càng có nhiều sắc luật cho phép quân đội và lực lượng hành pháp Ukraina bẻ gãy quyền tự do ngôn luận, bất đồng chính kiến, và theo đuổi những người đối lập. Thế giới biết về các thủ đoạn đê hèn đưa ra lệnh trừng phạt đơn phương đơn phương lên các quốc gia khác, cá nhân nước ngoài và các thực thể pháp lý. Ukraina còn giỏi hơn cả những ông thầy phương Tây của nó bằng cách sáng chế ra lệnh trừng phạt lên chính công dân, công ty, kênh truyền hình, các cơ sở báo chí và thậm chí của thành viên nghị viện của nó.

Kiev tiếp tục sẵn sàng phá hủy Giáo hội Chính thống giáo Ukraina thuộc Giáo phận Moskva. Đây không phải là phán đoán cảm tính; bằng chứng về nó có thể tìm thấy trong các quyết định và văn kiện rõ ràng. Nhà chức trách Ukraina đã bất nhẫn biến thảm kịch ly giáo thành một công cụ chính sách quốc gia. Nhà chức trách hiện tại không hề quan tâm đến lời yêu cầu của nhân dân Ukraina đòi bỏ đi những luật vi phạm quyền tín ngưỡng của họ. Hơn nữa, những dự thảo luận nhằm chống lại giới tăng lữ và hàng triệu tín đồ của Giáo hội Chính thống giáo Ukraina thuộc Giáo phận Moskva đã được đệ lên Verkhovna Rada.

Vài lời về Krym. Nhân dân ở bán đảo đã tự do lựa chọn trở về với nước Nga. Nhà chức trách Kiev không thể chống lại được ý nguyện rõ ràng của nhân dân, đó là lý do tại sao họ lại chọn hành động hung hăng, kích hoạt các ổ cực đoan, gồm cả những tổ chức Hồi giáo cực đoan, gửi các lực lượng lật đổ để dàn dựng các cuộc tấn công khủng bố vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, và bắt cóc công dân Nga. Chúng tôi có những bằng chứng rõ ràng về những hành động hung hăng như vậy đã được thực hiện với sự ủng hộ của lực lượng an ninh phương Tây.

Vào tháng 3 năm 2021, một Chiến lược Quân sự mới được áp dụng ở Ukraina. Tài liệu này gần như dành toàn bộ nội dung để đối đầu với nước Nga và đặt ra mục tiêu đưa nước ngoài vào tranh chấp với nước ta. Chiến lược này yêu cầu tổ chức gồm những gì có thể coi là một phong trào khủng bố ngầm tại Krym của nước Nga và tại vùng Donbass. Nó cũng vẽ ra một cuộc chiến tranh tiềm tàng, mà sẽ kết thúc, theo các chiến lược gia Kiev, “với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế theo hướng có lợi cho Ukraina,” cũng như – xin nghe cho rõ – “với sự hỗ trợ của quân đội nước ngoài trong cuộc đối đầu địa chính trị với Liên bang Nga.” Trên thực tế, nó chẳng có gì hơn là sự chuẩn bị cho những hành động thù địch chống lại đất nước chúng ta, nước Nga.

Như chúng ta đã biết, ngày hôm nay người ta đã nói rằng Ukraina dự định tự tạo vũ khí hạt nhân, và đây không chỉ là lời nói khoác. Ukraina có sẵn công nghệ hạt nhân từ thời Xô viết và phương tiện chuyên chở vũ khí, bao gồm máy bay, cũng như tên lửa chiến thuật chính xác Tochka-U do Liên Xô thiết kế với tầm bắn trên 100 kilômét. Nhưng họ còn có thể làm hơn điều đó; nó chỉ là vấn đề thời gian. Họ đã có cơ sở cho việc này từ thời Xô viết.

Nói cách khác, có được vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ dễ dàng hơn với Ukraina so với một số quốc gia khác mà tôi không muốn nhắc đến ở đây, đó là thực hiện các nghiên cứu như vậy, đặc biệt nếu Kiev nhận được hỗ trợ về công nghệ từ nước ngoài. Chúng ta không thể loại trừ điều này.

Nếu Ukraina sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, tình hình trên thế giới và ở châu Âu sẽ thay đổi ghê gớm, đặc biệt đối với chúng ta, đối với nước Nga. Chúng ta không còn cách nào khác là phải phản ứng với mối nguy hiểm thực sự này, và nhất là khi, để tôi nhắc lại, những ông chủ phương Tây của Ukraina có thể giúp họ có được những vũ khí này để tạo ra thêm một nguy cơ cho nước ta. Chúng ta đang nhìn thấy cách chế độ Kiev được liên tục bơm vũ khí. Kể từ năm 2014, chỉ riêng Hoa Kỳ đã gửi hàng tỷ đô-la vì mục đích này, bao gồm cung cấp vũ khí và khí tài và huấn luyện chuyên gia. Trong vài tháng qua, dòng vũ khí phương Tây liên tục chảy vào Ukraina, một cách phô trương, dưới sự chứng kiến của cả thế giới. Các cố vấn nước ngoài giám sát mọi hoạt động của lực lượng vũ trang và đặc vụ Ukraina và chúng ta quá biết về điều này.

Trong vài năm qua, các lực lượng quân đội của các nước NATO hiện diện gần như thường trực trên lãnh thổ Ukraina dưới danh nghĩa huấn luyện. Hệ thống điều khiển quân đội Ukraina đã được tích hợp vào NATO. Điều đó có nghĩa là cơ quan đầu não của NATO có thể ban lệnh trực tiếp lên quân đội Ukraina, thậm chí đến từng đơn vị và nhóm quân riêng biệt.

Hoa Kỳ và NATO đã bắt đầu trơ tráo biến lãnh thổ Ukraina thành một sân khấu cho các chiến dịch quân sự tiềm năng. Các cuộc diễn tập chung của họ rõ ràng là để chống nước Nga. Chỉ riêng năm ngoái, hơn 23.000 quân và hơn một nghìn phương tiện đã tham gia.

Một bộ luật đã được thông qua cho phép quân đội nước ngoài đến Ukraina vào năm 2022 để tham gia vào các cuộc tập trận đa quốc gia. Đương nhiên, đây chủ yếu là quân đội NATO. Vào năm ngoái, ít nhất đã có 10 cuộc tập trận chung thế này được lên kế hoạch.

Rõ ràng, những hành động như vậy được thiết kế để che đậy sự tăng cường nhanh chóng quân đội NATO trên lãnh thổ Ukraina. Còn rõ ràng kể từ khi mạng lưới các sân bay quân sự đã được nâng cấp với sự giúp đỡ của Mỹ tại Borispol, Ivano-Frankovsk, Chuguyev và Odessa, là một vài ví dụ, có khả năng chuyên chở các đơn vị quân đội chỉ trong thời gian ngắn. Không phận của Ukraina mở toang cho các chuyến bay của máy bay trinh sát và không người lái của Mỹ để thực hiện do thám lãnh thổ Nga.

Tôi sẽ thêm rằng Trung tâm Chiến dịch Hải quân do Mỹ xây dựng ở Ochakov sẽ giúp hỗ trợ hoạt động của tàu chiến NATO, bao gồm việc sử dụng vũ khí chính xác, chống lại Hạm đội Biển Đen của Nga và cơ sở hạ tầng của chúng ta ở khắp Bờ Biển Đen.

Đã có lúc, Hoa Kỳ dự định xây dựng một cơ sở tương tự ở Krym nhưng nhân dân Krym và cư dân Sevastopol đã phá hỏng kế hoạch đó. Chúng ta sẽ luôn ghi nhớ điều này.

Tôi muốn lặp lại rằng ngày hôm nay một trung tâm như vậy đã được lập ở Ochakov. Vào thế kỷ 18, quân lính Alexander Suvorov đã chiến đấu vì thành phố này. Nhờ sự dũng cảm của họ, nó trở thành một phần của nước Nga. Cũng vào thế kỷ 18, những vùng đất ở ven Biển Đen, cũng sáp nhập vào nước Nga sau chiến tranh với Đế quốc Ottoman, được đặt tên là Novorossiya (nghĩa là nước Nga mới). Giờ đây người ta âm mưu lên án các địa điểm lịch sử này là đáng lãng quên, cùng với tên gọi quốc gia và nhân vật lịch sử của Đế quốc Nga mà không có chúng Ukraina hiện đại sẽ không có nhiều thành phố lớn hoặc thậm chí tiến được tới Biển Đen.

Tượng đài Alexander Suvorov mới vừa bị giật sập ở Poltava. Còn gì để nói nữa? Các người đang phủ nhận quá khứ của chính mình ư? Cái gọi là di sản thuộc địa của Đế quốc Nga? Vậy thì, trong trường hợp này, cứ kiên định đi.

Tiếp đó, đáng chú ý, Điều 17 Hiến pháp Ukraina nói rằng đặt căn cứ quân sự nước ngoài trong lãnh thổ là bất hợp pháp. Vậy mà, té ra nó chỉ là một thứ hình thức có thể dễ dàng can thiệp.

Ukraina là sân nhà của các đoàn huấn luyện NATO, mà trên thực tế, chính là căn cứ nước ngoài. Họ chỉ cần gọi căn cứ là phái đoàn, vậy là xong.

Kiev từ lâu đã đặt ra chiến lược tham gia NATO. Thật vậy, mỗi quốc gia có quyền lựa chọn hệ thống an ninh và gia nhập vào các liên minh quân sự. Sẽ chẳng có vấn đề gì với chuyện đó, nếu như không có một chữ “nhưng.” Các tài liệu quốc tế đã ghi rõ nguyên tắc an ninh bình đẳng và không phân ly, bao gồm nghĩa vụ không được tăng cường an ninh của chính mình với cái giá là an ninh của các nước khác. Nó được ghi trong Hiến chương OSCE về An ninh châu Âu năm 1999 thông qua tại Istanbul và Tuyên ngôn OSCE Astana 2010.

Nói cách khác, việc lựa chọn con đường đảm bảo an ninh không được tạo ra mối đe dọa an ninh cho các nước khác, trong khi việc Ukraina gia nhập NATO là một mối đe dọa trực tiếp đến an ninh nước Nga.

Để tôi nhắc lại cho các bạn nhớ rằng tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest tổ chức vào tháng 4 năm 2008, Hoa Kỳ đã ép thông qua một quyết định mà kết quả của nó Ukraina và, nhân tiện, Gruzia sẽ trở thành thành viên NATO. Nhiều đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ lúc đó hoàn toàn biết được những nguy cơ đi cùng với viễn cảnh này, nhưng bị ép buộc phải nghe theo nguyện vọng của thành viên lão làng. Người Mỹ chỉ đơn giản sử dụng họ để thực hiện chính sách chống Nga rõ ràng.

Một số quốc gia thành viên NATO vẫn lo ngại về việc Ukraina gia nhập NATO. Chúng ta đã nhận được tín hiệu từ một số thủ đô châu Âu nói với chúng ta rằng đừng quá lo lắng vì nó sẽ không thể xảy ra chỉ sau một đêm. Trên thực tế, những đồng nghiệp người Mỹ của chúng ta cũng nói y như thế. “Tốt thôi, vậy thì” chúng ta phản hồi, “nếu nó không xảy ra vào ngày mai, thì nó sẽ xảy ra vào ngày mốt. Nó thay đổi được gì khi nhìn từ khía cạnh lịch sử? Chẳng có gì khác cả.”

Hơn thế nữa, chúng ta hoàn toàn biết rõ về quan điểm và lời nói của giới lãnh đạo Mỹ rằng sự giao tranh ở miền đông Ukraina cũng không ảnh hưởng đến khả năng gia nhập NATO miễn là nó đạt được các tiêu chí của NATO và giải quyết nạn tham nhũng.

Lúc nào cũng vậy, họ cố gắng thuyết phục đi thuyết phục lại chúng ta rằng NATO là một liên minh yêu hòa bình và chỉ có mục đích phòng thủ và không hề là nguy cơ đối với nước Nga. Một lần nữa, họ muốn chúng ta tin lời họ. Nhưng chúng ta hiểu quá rõ cái giá trị thực sự đằng sau lời nói của họ. Vào năm 1990, khi nước Đức thống nhất được thảo luận, Hoa Kỳ hứa với lãnh đạo Liên Xô rằng quyền hành và sự hiện diện quân sự của NATO sẽ không mở rộng ra một phân nào về phía đông và rằng sự thống nhất nước Đức sẽ không dẫn đến sự mở rộng tổ chức quân đội của NATO về phía đông. Dẫn nguyên lời của họ.

Họ đưa ra rất nhiều đảm bảo bằng lời nói, tất cả chúng rồi cũng thành sáo rỗng. Sau đó, họ bắt đầu đảm bảo với chúng ta rằng việc các nước Trung và Đông Âu gia nhập NATO sẽ chỉ cải thiện mối quan hệ với Moskva, giúp các nước này bớt sợ hãi di sản quá khứ cay đắng của họ, và thậm chí tạo ra một vành đai các nước hữu hảo với nước Nga.

Vậy mà, điều hoàn toàn ngược lại đã xảy ra. Các chính phủ của các nước Đông Âu nào đó, tự nghiễn ra chủ nghĩa bài Nga, mang cái mớ phức cảm và định kiến của họ về mối đe dọa từ nước Nga đối với Liên minh và nhất quyết phải tăng cường tiềm năng quốc phòng chung và triển khai chúng chủ yếu để chống lại nước Nga. Còn tồi tệ hơn nữa, điều đó xảy ra vào những năm 1990 và đầu những năm 2000 khi, nhờ vào sự cởi mở và thiện ý của chúng ta, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã đạt đến đỉnh cao.

Nước Nga đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ của nó, bao gồm cả việc rút quân khỏi nước Đức, khỏi Trung và Đông Âu, thực hiện những đóng góp to lớn để vượt qua di sản Chiến tranh Lạnh. Chúng ta liên tục đề xuất những lựa chọn hợp tác khác nhau, gồm cả một Hội đồng NATO-Nga và các định chế OSCE.

Hơn nữa, tôi sẽ nói một điều mà tôi chưa từng nói công khai trước đây, lần này là lần đầu tiên tôi nói về nó. Khi Tổng thống Mỹ đang rời nhiệm sở Bill Clinton đến thăm Moskva vào năm 2000, tôi đã hỏi ông ta người Mỹ nghĩ thế nào về việc cho Nga gia nhập NATO.

Tôi sẽ không tiết lộ mọi chi tiết của cuộc đối thoại đó, nhưng phản ứng với câu hỏi của tôi, theo tôi, là khá kiềm chế, và thái độ thực sự của người Mỹ đối với khả năng đó thực ra có thể thấy qua những bước đi sau đó về các vấn đề liên quan đến nước ta. Tôi đang nhắc đến sự hỗ trợ công khai cho những kẻ khủng bố ở Bắc Kavkaz, sự bỏ qua các yêu cầu và lo lắng về an ninh của chúng ta, sự tiếp tục mở rộng NATO, việc rút ra khỏi Thỏa thuận ABM, vân vân và vân vân. Nó đặt ra câu hỏi: tại sao? Tất cả điều này có nghĩa là gì, mục đích là gì? Được thôi, các người không muốn xem chúng tôi là bạn bè hoặc đồng minh, nhưng tại sao lại biến chúng tôi thành kẻ thù?

Chỉ có một câu trả lời duy nhất – đây không phải là về thể chế chính trị của chúng ta hay thứ gì khác. Họ chỉ không cần một quốc gia lớn và độc lập như nước Nga tồn tại. Đây là câu trả lời cho mọi câu hỏi. Đây là nguồn cơn của chính sách truyền thống của Mỹ đối với nước Nga. Và nó dẫn tới cái thái độ đối với mọi đề nghị an ninh của chúng ta.

Ngày nay, chỉ cần liếc lên bản đồ cũng đủ cho một người nhận ra các nước phương Tây đã giữ lời hứa của họ không mở rộng NATO về phía đông như thế nào. Họ chỉ lừa dối. Chúng ta đã thấy năm làn sóng mở rộng NATO, làn sóng này nối đuôi làn sóng khác – Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary được gia nhập năm 1999; Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Rumania, Slovakia và Slovenia năm 2004; Albania và Croatia năm 2009; Montenegro năm 2017; và Bắc Macedonia năm 2020.

Kết quả là, Liên minh này, cơ sở hạ tầng quân sự này đã tiến đến biên giới nước Nga. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng an ninh châu Âu; nó gây ra ảnh hưởng tiêu cực nhất đến toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế và dẫn đến mất niềm tin vào nhau.

Tình hình tiếp tục xấu thêm, kể cả trong khu vực chiến lược. Do đó, lựa chọn khu vực để đặt tên lửa đánh chặn đang được lập ra ở Rumani và Ba Lan trong một phần của dự án tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. Ai cũng biết các bệ phóng đặt ở đó có thể dùng cho tên lửa hành trình Tomahawk – hệ thống tên lửa tấn công.

Hơn nữa, Hoa Kỳ đang phát triển Tên lửa Chuẩn 6 dùng cho đa dụng, có thể cung cấp phòng thủ vùng trời và tên lửa, đồng thời đánh các mục tiêu mặt đất và bề mặt. Nói cách khác, hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ được cho là mang tính phòng thủ đang được phát triển và mở rộng khả năng tấn công mới của nó.

Thông tin chúng ta có được cho phép chúng ta có những lý do để tin rằng sự gia nhập của Ukraina vào NATO và sự triển khai các cơ sở NATO sau đó đã được quyết định và chỉ còn là vấn đề thời gian. Chúng ta hiểu được rõ ràng rằng với bối cảnh này, mức độ đe dọa quân sự lên nước Nga sẽ tăng lên khủng khiếp, gấp vài lần. Và tôi muốn nhấn mạnh vào lúc này rằng nguy cơ của một cuộc tấn công bất ngờ vào nước ta sẽ tăng lên bội phần.

Tôi sẽ giải thích rằng các tài liệu kế hoạch chiến lược của Mỹ đã xác nhận khả năng của cái gọi là tấn công phủ đầu vào hệ thống tên lửa của kẻ thù. Chúng ta cũng biết kẻ thù chính của Hoa Kỳ và NATO. Đó là nước Nga. Các tài liệu của NATO đã chính thức tuyên bố nước ta là nguy cơ chính đối với an ninh của châu Âu-Đại Tây Dương. Ukraina sẽ đóng vai trò là nơi khởi đầu cho cuộc tấn công như vậy. Nếu tổ tiên của chúng ta nghe thấy điều này, họ sẽ không thể tin nổi. Chúng ta ngày nay cũng không muốn tin, nhưng nó là như vậy. Tôi muốn người dân ở nước Nga và Ukraina hiểu điều đó.

Nhiều sân bay ở Ukraina nằm không xa biên giới của chúng ta. Máy bay chiến thuật của NATO được triển khai ở đó, bao gồm máy bay mang vũ khí chính xác, sẽ có thể đánh vào lãnh thổ của chúng ta sâu đến phòng tuyến Volgograd-Kazan-Samara-Astrakhan. Việc triển khai ra-đa do thám trên lãnh thổ Ukraina sẽ cho phép NATO kiểm soát chặt chẽ không phận của Nga tới tận dãy Ural.

Cuối cùng, sau khi Mỹ tiêu diệt Hiệp ước INF, Lầu năm góc đã công khai phát triển nhiều vũ khí tấn công mặt đất, bao gồm tên lửa đạn đạo có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên đến 5.500 km. Nếu được triển khai ở Ukraina, những hệ thống như vậy sẽ có thể đánh các mục tiêu ở toàn bộ nước Nga ở phía châu Âu. Thời gian bay của các tên lửa hành trình Tomahawk đến Moskva sẽ chỉ chưa đến 35 phút; tên lửa đạn đạo từ Kharkov sẽ mất từ bảy đến tám phút; và tên lửa tấn công siêu âm, bốn đến năm phút. Nó giống như con dao kề vào cổ. Tôi không nghi ngờ gì rằng họ hy vọng thực thi các kế hoạch này, như họ đã làm nhiều lần trong quá khứ, mở rộng NATO về phía đông, di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của họ về phía biên giới nước Nga và hoàn toàn làm ngơ những lo lắng, phản đối và cảnh báo của chúng ta. Hãy thứ lỗi cho tôi, nhưng họ chỉ đơn giản là hoàn toàn không quan tâm về những điều như vậy và đã làm bất cứ điều gì họ cho là cần thiết.

Dĩ nhiên, họ cũng sẽ hành xử như vậy trong tương lai, như một ngạn ngữ nổi tiếng: “Chó cứ sủa còn dòng người vẫn cứ đi.” Để tôi nói ngay bây giờ – chúng ta không chấp nhận kiểu hành xử như vậy và sẽ không bao giờ chấp nhận nó. Nói như vậy, nhưng nước Nga vẫn luôn luôn chủ trương giải quyết các vấn đề phức tạp nhất bằng phương pháp chính trị và ngoại giao, tại bàn thương thuyết.

Chúng ta hiểu quá rõ trách nhiệm to lớn của chúng ta khi nói đến sự ổn định của khu vực và toàn cầu. Hồi năm 2008, Nga đã đưa ra sáng kiến lập một Hiệp ước An ninh châu Âu mà trong đó không có bất kỳ một quốc gia hay tổ chức quốc tế châu Âu-Đại Tây Dương đơn lẻ nào có thể tăng cường an ninh của họ với cái giá là an ninh của các nước khác. Tuy nhiên, đề xuất của chúng bị khước từ ngay lập tức với danh nghĩa nước Nga không được phép đặt giới hạn lên các hành động của NATO.

Hơn nữa, họ cũng nói vô cùng rõ ràng rằng chỉ có thành viên NATO mới được đảm bảo an ninh bằng văn bản pháp lý.

Tháng 12 vừa rồi, chúng ta đưa cho các đồng nghiệp phương Tây của chúng ta một bản hiệp ước nháp giữa Liên bang Nga và Hoa Kỳ về các đảm bảo an ninh, cũng như một thỏa thuận nháp về các biện pháp đảm bảo an ninh cho Liên bang Nga và các quốc gia thành viên NATO.

Hoa Kỳ và NATO phản hồi với các thông điệp chung chung. Vẫn có những tia sáng lý lẽ trong họ, nhưng họ lo lắng về các vấn đề ít quan trọng hơn và tất cả trông như một nỗ lực để lái khỏi vấn đề và chuyển cuộc thảo luận sang hướng khác.

Chúng ta phản hồi điều này một cách tương thích và chỉ rõ rằng chúng ta sẵn sàng đi theo con đường đàm phán, miễn là, tuy vậy, tất cả mọi vấn đề phải được xem xét đến thành một gói bao gồm những đề xuất cơ bản của nước Nga trong đó có ba điểm chính. Một là, ngăn sự mở rộng thêm nữa của NATO. Hai là, Liên minh này phải ngừng triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở biên giới nước Nga. Và cuối cùng là, đưa khả năng quân sự và cơ sở hạ tầng của khối tại châu Âu về nơi trước đây vào năm 1997, khi Đạo luật Sáng lập NATO-Nga được ký kết.

Các đề xuất có tính nguyên tắc của chúng ta đã bị ngó lơ. Xin nhắc lại, những đồng nghiệp phương Tây của chúng ta một lần nữa lại xướng lên những công thức nhàm tai rằng mỗi nước có quyền tự do lựa chọn phương cách đảm bảo an ninh hoặc gia nhập liên minh hoặc đồng minh quân sự nào. Tức là, chẳng có gì thay đổi trong quan điểm của họ, và chúng ta cứ tiếp tục nghe đi nghe lại lời nhắc về chính sách “mở cửa” khét tiếng của NATO. Hơn nữa, họ đang một lần nữa cố gắng hăm dọa chúng ta và đang đe dọa chúng ta về lệnh trừng phạt, mà, nhân tiện đây cũng nói luôn, họ sẽ áp đặt cho dù nước Nga có tiếp tục tăng cường chủ quyền và quân đội hay không. Hãy chắc chắn rằng, họ sẽ không bao giờ nghĩ đến lần thứ hai trước khi nghĩ ra hoặc thậm chí đơm đặt một cái cớ để lại trừng phạt một lần nữa bất kể tình hình ở Ukraina có ra sao. Mục đính chính và duy nhất của họ là kiềm chế sự phát triển của nước Nga. Và họ sẽ tiếp tục làm như vậy, như họ đã làm trước đây, mà không cần bất cứ lý do chính thức nào chỉ vì chúng ta tồn tại và sẽ không bao giờ nhân nhượng chủ quyền, lợi ích quốc gia hoặc giá trị của chúng ta.

Tôi muốn nói cho thật rõ ràng và thẳng thắn: trong tình hình hiện tại, khi đề xuất của chúng ta để đối thoại một cách bình đẳng về các vấn đề cơ bản vẫn còn chưa thực sự có được câu trả lời từ Hoa Kỳ và NATO, khi mức độ đe dọa đến đất nước chúng ta còn tăng lên một cách đáng kể, nước Nga có toàn quyền đáp trả để bảo đảm an ninh chính mình. Đó chính xác là những gì chúng ta sẽ làm.

Về vấn đề quan hệ với Donbass, chúng ta thấy rằng giới tinh hoa cầm quyền Kiev không bao giờ ngừng công khai làm rõ sự thiếu nhiệt tình tuân theo Gói Biện pháp Minsk để giải quyết mâu thuẫn và không quan tâm đến một giải pháp hòa bình. Ngược lại, họ đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở Donbass giống như các năm 2014 và 2015. Chúng ta đều biết những âm mưu thiếu suy nghĩ như vậy rồi sẽ đi về đâu.

Không có ngày nào trôi qua mà cộng đồng Donbass không bị đạn pháo tấn công. Quân đội lớn mới thành lập sử dụng máy bay không người lái, thiết bị hạng nặng, tên lửa, đạn pháo và nhiều máy bắn rocket. Sự giết hại dân thường, phong tỏa, quấy rối nhân dân, trong đó có trẻ em, phụ nữ và người già, vẫn không hề giảm bớt. Như chúng ta thường nói, không hề thấy điểm cuối của con đường.

Trong khi đó, cái gọi là thế giới văn minh, nơi mà những đồng nghiệp phương Tây của chúng ta tự nhận họ là những đại diện duy nhất, lựa chọn không muốn nhìn thấy điều này, cứ như sự khủng bố và tàn sát này, thứ mà gần 4 triệu người đang đối mặt, không hề tồn tại. Nhưng chúng vẫn tồn tại và chỉ vì những người này không đồng ý với cuộc đảo chính do phương Tây ủng hộ ở Ukraina năm 2014 và phản đối con đường đi đến loài người nguyên thủy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tân Quốc xã đã thấm sâu tại Ukraina tới hàng ngũ chính sách quốc gia. Họ đang chiến đấu vì quyền cơ bản được sống trên mảnh đất của chính họ, để được nói ngôn ngữ của chính họ, và để bảo tồn văn hóa và truyền thống của chính họ.

Thảm kịch này còn kéo dài bao lâu nữa? Con người còn có thể chịu đựng được bao lâu nữa? Nước Nga đã làm mọi thứ để bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Suốt những năm qua, nước Nga đã liên tục và kiên trì thúc đẩy thực thi Nghị quyết số 2202 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17 tháng 2 năm 2015, để củng cố Gói biện pháp Minsk vào ngày 12 tháng 2 năm 2015, giải quyết tình hình tại Donbass.

Tất cả như đổ sông đổ bể. Tổng thống và nghị viên Rada đến rồi đi, nhưng tự gốc rễ cái chế độ hung hăng và dân tộc chủ nghĩa nắm quyền ở Kiev vẫn không đổi. Nó hoàn toàn là sản phẩm của cuộc đảo chính 2014, và những người khi đó dấn thân vào con đường bạo lực, đổ máu và vô pháp khi đó không thừa nhận và bây giờ vẫn không thừa nhận bất kỳ giải pháp nào khác cho vấn đề Donbass ngoại trừ giải pháp quân sự.

Do đó, tôi thấy rằng cần thiết phải thực hiện một quyết định mà đáng ra phải làm từ lâu và lập tức công nhận sự độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.

Tôi muốn yêu cầu Hội đồng Liên bang Liên bang Nga ủng hộ quyết định này và chuẩn thuận Hiệp ước Hữu nghị và Tương hỗ với cả hai nước cộng hòa. Hai văn bản này sẽ được chuẩn bị và ký sớm.

Chúng tôi muốn những ai đã giành được và tiếp tục nắm quyền ở Kiev hãy lập tức ngừng những hành động thù địch. Nếu không, trách nhiệm cho khả năng tiếp tục đổ máu sẽ hoàn toàn nằm trong lương tâm của chế độ cai trị Ukraina.

Khi tôi thông báo quyết định của mình vào ngày hôm nay, tôi vẫn tự tin vào sự ủng hộ của các công dân Nga và những lực lượng yêu nước của đất nước.

Xin cảm ơn.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này được lấy từ trang web của Tổng thống Liên bang Nga và được xuất bản theo Giấy phép Creative Commons Ghi công 4.0. Một cách ngắn gọn: bạn có quyền tự do phân phối và thay đổi tập tin miễn là bạn ghi công www.kremlin.ru. Ghi chú: Các tác phẩm đăng tải trên trang trước ngày 8 tháng 4 năm 2015 cũng được xuất bản theo Giấy phép Creative Commons Ghi công 3.0.
Thư cho phép của Thư ký Truyền thông của Tổng thống Liên bang Nga có tại đây (tiếng Anh).

Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công Chưa chuyển đổi 4.0, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.