Cu Nhớn tiếc không được đi học… Còn Đức thì phải bắt người ta thuê đi học mà chẳng chịu học cho.

Cứ nghĩ như thế mà nó thấy nó xấu hổ quá. Cu Nhớn thì lại không có đủ cơm mà ăn, còn nó thì thôi, trên cái sự no đủ.

Nó thốt nhiên thấy không bằng lòng nó và thương Cu Nhớn. Nó tiến lên một bước để cho hai đứa đi bằng nhau, rồi nó hỏi một câu tự lòng ruột:

- Sáng này, mày và em mày phải nhịn cơm cho tao ăn đấy có phải không?

Cu Nhớn chẳng giấu giếm:

- Ừ, mọi hôm chúng tao mỗi đứa bốn bát, có mày thì mỗi đứa rút đi một. Nhưng cũng không đói nữa.

Phải rồi, đói thì không đói, nhưng cũng không no.

Đức ta hỏi một câu vớ vẩn:

- Thế tại làm sao mày không thổi nhiều?

- Làm gì có. Hôm qua, bu tao đi kiếm được có chục bát gạo, chiều qua thổi vào với khoai đã mất năm bát, còn năm, sáng nay thổi nốt.

- Thế sao bu mày không mua cho rõ thật nhiều vào có được không?

Cu Nhớn phì cười:

- Phải có tiền mới mua được chứ. Hôm qua u tao đi gánh thuê được có gần ba hào thì đong gạo cả.

- Thế hôm nay u mày cũng lại đi gánh thuê đấy à?

- Chứ còn đi đâu. Nhưng tao lo hôm nay vì rắc rối có mày, u tao đi chợ trưa không biết có kiếm được như hôm qua không?

Thốt nhiên, Đức thấy hổi hận về sự mình đã đến làm phiền lụy gia đình này, hối hận về chỗ anh em Cu Nhớn phải nhịn cơm để nhường cho mình ăn.


o O o


Nhìn nét mặt tần ngần của Đức, Cu Nhớn hiểu ngay, nó vội an ủi:

- Mày đừng lo. Không có thì bu tao lại đi vay gạo ở bên bác tao rồi chờ khi nào thầy tao gửi tiền về thì trả.

- Thầy mày có giàu không? Có làm được nhiều tiền không?

- Thầy tao làm lò gạch, cơm nuôi mỗi tháng tám đồng. Thì mỗi tháng thầy tao gửi tiền về sáu đồng. Mai tao ra là để đem tiền về đây.

- Thế sao có số tiền ấy bu mày không mua gạo cả?

- Ồ, còn để may mặc, đóng thuế các thứ, chứ ăn cả thì lấy gì mà mặc. Với lại thầy tao có nợ của bác tao, còn phải trả nợ chứ. Nhưng cũng chỉ hết năm nay là hết nợ thôi. Sang năm bán lợn đi thì bu tao lại có vốn buôn.

- U mày buôn gì?

- Đi chợ, gặp gì thì buôn. Buôn cá, buôn khoai, buôn mía.

- Thế sao bu mày không buôn vóc, nhiễu? Cậu mợ tao buôn vóc nhiễu giàu lắm cơ.

Cu Nhớn trợn hai mắt, rồi nó khinh đứt Đức ta:

- Buôn vóc nhiễu phải có nhiều tiền. Ông Lý trưởng làng tao trước may một cái áo gấm mất những hơn năm chục, mày ra ở tỉnh mà mày cũng dốt không biết gì. Nhà tao đến bán tất cả đi cũng không đủ mua một cái áo gấm như ông Lý trưởng.

À, trước kia, giá ai mà bảo Đức ta dốt không biết gì như thế thì phải khốn đốn to với Đức ta rồi. Nhưng nay thì nó nhận thấy nó không biết gì thật. Và nó dốt lắm thật, vì thế cho nên nó không giận Cu Nhớn.

- Ừ, mà tao dốt thật.

Cu Nhớn thấy nó nhận thế thì liền an ủi:

- Tại mày không phải lo gì nên mày không biết đấy thôi.

- Thế mày thì phải lo à?

- Ừ ừ, tao lo nhiều thứ lắm chứ. Đấy mày xem ở nhà tao đấy, tao tất. Nấu cám lợn xong, tao lại còn phải đi kiếm củi để mai, kia, kìa đun, và nếu có nhiều thì đem bán. Đã có lần ta tích lại, đem bán được những hơn một đồng cơ. Rồi u tao mua cái quần này cho tao đấy. À thế còn mày, tại làm sao mày lại đến đây? Mày lại phải nhịn đói? Sao mày bảo nhà mày bán nhiễu giàu lắm cơ mà?

Đức ta cúi đầu không trả lời, rồi thì một lát sau, nó ngửng đầu lên, mắt sáng một ý định. Nó thấy nó cấn phải thú hết với Cu Nhớn là đứa mà nó thấy hơn nó đủ mọi cái.

Nó kể, nó kể hết tất cả cho Cu Nhớn nghe. Nó kể tất cả những sự hư hỏng và lười biếng của nó. Đến gần bờ đầm Bừng thì nó kể xong.

Khi thằng Cu Nhớn nghe xong rồi thì nó liền bảo Đức:

- Thế thì bác Giáo mày bảo mày lười và hư là đúng lắm rồi. À, giá tao được sung sướng như thế, và được ngày ngày cắp sách đi học thì tao chăm phải biết. Chỉ dăm bảy năm là tao đỗ đi làm quan rồi.

Đức nhìn Cu Nhớn toan nói gì, lại thôi.


o O o


Đến đầm Bừng là Cu Nhớn cởi trần ngay, rồi bơi ra giữa kéo một mảng sen Nhật Bản vào. Rồi nó lấy những cái nõn cho vào rổ. Đức cũng bóc và nhặt giúp nó, và rất sung sướng được làm như thế.

Mặt trời gần đúng Ngọ thì chiếc rổ sề đã đầy.

- Nào, bây giờ mày nhấc hộ lên đầu cho tao đội về nào.

- Trời nắng thế này mày đội thì gẫy cổ mất.

- Không sao, mọi hôm tao vẫn đội, nhưng thôi, mày muống khiêng thì hai đứa chúng mình khiêng.

Đức ta thì có làm việc gì bao giờ, cho nên mấy lần bị đổ lên, đổ xuống, cứ phải nhặt vào mãi.

Cu Nhớn thấy thế nóng ruột:

- Thôi để tao đội chứ thế này trưa thì lợn tao đói mất.

Đức rất không được vui về chỗ không được giúp Cu Nhớn, nhưng nhờ về sự sốt sắng giúp đỡ ấy mà hai đứa thành thân nhau.

Lúc hai đứa về tới nhà thì bọn trẻ ùa ra đón. Đứa đòi cua, đứa đòi chuồn chuồn tíu tít, vì chúng nó líu ríu với nhau, cho nên chúng nó quên khuấy ngay đi cái chuyện ấy. Cu Con, Đĩ Nhớn lăn ra khóc.

Thằng Đức vụt nghĩ ra, nó móc túi lấy xu ra cho mỗi đứa một xu.

Bọn trẻ trông thấy xu mừng rỡ quá chừng, nín ngay tắp lự.

Thằng Đức cho em Cu Nhớn mỗi đứa một xu rồi, còn hai xu nó cầm đưa cả cho Cu Nhớn:

- Thôi đây tao cho cả mày.

- Thế mày hết rồi ư?

- Tao không dùng đến.

- Ồ, sao lại không dùng? Mai đi thì phải dùng đến chứ. Thôi tao chỉ lấy một xu thôi, còn mày giữ lấy một xu. Ai lại lấy hết cả của mày như thế.

- Ồ, mày cứ cầm cả lấy, mai tao về nhà tao lấy của mợ tao bao nhiêu cũng có.

- Nhưng chờ tới khi mày về với mợ mày hãy hay. Từ đây về tới Hà Nội thì mày lấy gì mà tiêu?

Lời nói đầy khôn ngoan ấy khiến cho Đức phải nghe ngay.


o O o


Các em Cu Nhớn được một xu đứa nào đứa ấy buộc vào giải rút quần tử tế lắm. Chúng nó thắt những mấy vòng chỉ sợ rơi mất. Đức nhìn cái cung cách ấy mới biết đồng xu là quý. À, lúc ấy nó mới hối về chỗ nhiều khi nó tức lên vất những đồng hào đi.

Từ trước đến giờ, sinh trong cảnh giàu, lại được bố mẹ yêu chiều, nó không thấy bộ mặt thực của sự sống bao giờ. Bây giờ sẩy nhà ra thất nghiệp, nó đã biết rồi. Nó miết miết đồng xu ở trong túi quần rồi nó vùng bảo Cu Nhớn:

- À, ra tao sướng hơn mày thật. Mà tao cũng lại hư hơn mày nhiều. Thì ra tại mợ tao chiều tao quá.

Và ngậm ngùi:

- Bu mày thì không chiều mày nhỉ!

- Bu tao đi chợ cả ngày, còn lúc nào mà chiều tao. Đến cái Đĩ Con cũng chả được chiều nữa là tao. Nó khóc theo, bu tao đánh phải biết.

- Thế bu mày có thương nó không?

- Sao lại không thương, nhưng để nó theo thì đói. Làm sao mà kiếm gạo được?