Ăn hết bát thứ ba, thằng Cu Con đưa bát nữa thì Cu Nhớn gạt đi:

- Thôi, hôm nay mày ba bát thôi.

Cu Con phản đối:

- Kìa, phần em vẫn bốn bát cơ mà?

- Hôm nay có thêm một người nữa ăn, chỉ ba bát thôi, con Đĩ Nhớn cũng thế, tao cũng thế đấy thôi.

Con Đĩ Con chống đũa xuống thành mâm:

- Thế còn em?

- Mày thì tha hồ.

Nhưng tha hồ thì còn đâu để mà tha hồ. Đĩ Con cũng chỉ còn được một vực xới nữa thôi.

Lúc ấy, Cu Nhớn mới đánh hết cơm cháy và cơm sườn lên. Nhưng tất cả chỉ còn miệng bát. Nó sẻ hai miếng cháy nhỏ đưa cho Cu Con và Đĩ Nhớn mỗi đứa một miếng:

- Đây, cho thêm chúng mày.

Rồi nó lấy một tí nước lã và giội một tí tương, đem ra cũi cho con Vện.

Lúc ấy thì cái nồi đã sạch gần như chùi. Nó lấy tay nhặt những hột cơm còn sót ở thành nồi đưa lên mồm nhai tóp tép, coi bộ khoái trá lắm.

Thằng Cu Con trông thấy thế, đòi ngay:

- Em mấy!

Cu Nhớn giơ cái nồi bóng loáng cho nó xem.

- Còn đâu, anh nhặt những hột còn sót đấy thôi mà. Thôi, đi uống nước và rửa chân tay, mặt mũi đi, rồi ở nhà trông em cho tao đi lấy sen Nhật Bản, nghe không? Hễ ra đồng mà tao mót được lúa, tao sẽ cho mỗi đứa mấy bông, nướng mà ăn.

Nói xong, nó đem bát đĩa ra cầu ao, rửa sạch sẽ, rồi đem vào chạn, xếp tử tế. Nó lại lấy gio đổ lên bếp, kẻo sợ bếp còn lửa, ở nhà những đứa nghịch dại cháy nhà chăng.

Sau khi xếp dọn mọi việc xong xuôi rồi, nó với một cái rổ sề to tướng, rồi quay hỏi Đức:

- Thế nào, mày có đi với tao không, hay mày ở nhà chơi với chúng nó?

Đức đã được no nê, lại được nghỉ ngơi, nên trong người đã thấy khoẻ khoắn, với lại nó đã thích Cu Nhớn và thèm những cử chỉ dẻo dang của nó, nên nói ngay:

- Cho tao đi với!

- Ừ, đi thì đi. Nhưng để chờ tao thả chó đã.

Đức nghe thấy nói đến chó, rụng rời:

- Ấy chết, nó cắn tao!

Cu Nhớn cười một cách kiêu hãnh:

- Đừng sợ, chó nhà tao khôn lắm. Người đã vào đến trong nhà và đi với chủ rồi, không bao giờ nó cắn cả. Nó chỉ cắn những người ở ngoài vào thôi. Chó nhà tao dữ lắm, vì tao đi vắng, sợ ai vào lấy cái gì, chứ tao ở nhà thì cứ là cũi suốt ngày, chỉ đêm mới thả.

Đức bất giác thốt lên:

- Nhà mày thì còn cái gì để cho ai lấy nữa?

- Nhà tao không có cái gì nhiều tiền, nhưng cũng khối đồ vặt. Với lại nó lấy cái gì chẳng thiệt cái ấy.

Nó cầm chiếc nứa dài, rồi khoác cái rỗ sẽ trên vai. Trước khi đi, nó quay sang dặn các em:

- Ở nhà, không được đùa đấy nhé. Phải ở nhà trông nhà. Cấm không được ra khỏi cửa và lại gần cầu ao, nghe chưa! Con Đĩ Nhớn, mày phải trông cái Đĩ Con, nghe không? Hễ nó có buồn ngủ thì nhớ lấy chiếu đắp cho nó, nghe không? Hễ nó không khóc thì được cua về, tao nướng lên cho mà ăn.

Cái Đĩ Nhớn sung sướng:

- Ừ nhé, anh bắt cua cho em nhé!

Thằng Cu Con thấy có thằng Đức cùng đi, liền theo đi. Cu Nhớn quắc mắt, quát to:

- Mày đi thì ai trông nhà? Với lại bu đã bảo không cho mày theo tao ra ngoài đầm cơ mà!

Cu Con oà lên khóc:

- Cho em đi với, cho em đi với, một mình cái Đĩ Nhớn nó trông nhà, được rồi.

Cu Nhớn quát càng to:

- Không. Mày nhớn thì mày phải ở nhà coi nhà, chứ nó bé, nó coi nhà làm sao được?

Cu Con khóc và cứ níu lấy nó. Cu Nhớn lúc ấy mới không quát nữa và dịu giọng:

- Ở nhà, chóng ngoan, mày theo anh đi, chiều bu về, bu biết, bu mắng anh. Thôi nghe anh. Chóng anh bắt cho con chuồn chuồn chúa.

Những lời dỗ dành ngon ngọt của Cu Nhớn làm cho Cu Con Xuôi tai:

- Ừ, thế anh nhớ bắt chuồn chuồn chúa cho em nhé.


o O o


Ra tới cổng, Cu Nhớn quay sang bảo thằng Đức:

- Nó mến tao lắm. Tao đi đâu, nó cũng cứ đòi đi. Nhưng tao đi đây là có việc, chứ có phải đi chơi đâu mà bảo cho nó theo được. Chốc nữa, hễ thấy chuồn chuồn, mày nhớ nhắc tao bắt cho nó nhé, chứ không về không có cho nó, cái mặt nó tiu nghỉu, tao thương lắm!

Đức gật đầu:

- Mày chiều em mày nhỉ?

- Chúng nó là em, chẳng chiều thì chiều ai? Với lại chúng nó bé.

Câu ấy khiến cho Đức nhớ lại những hành vi của nó đối với các em nó. Chẳng những nó không chiều, động một tí, nó lại còn đánh và làm tội là khác nữa. Thốt nhiên, nhìn thằng Cu Nhớn, nó thấy kém thằng Cu Nhớn đủ mọi đường. Và nó thấy nó là người anh không tốt bằng Cu Nhớn.

Nhưng những điều đó, nó chỉ để bụng mà không dám nói ra.

Thằng Cu Nhớn đi trước nó cứ nhanh thoăn thoắt, nó theo không kịp. Nhiều khi thằng Cu Nhớn phải đứng lại đợi nó và giục:

- Mày đi mau lên, không trưa thì lợn tao đói.

Thì ra cái thằng Cu Nhớn này, nó lo đủ mọi thứ. Nó có biết bao nhiêu là trách nhiệm. Rồi thì Đức thấy nó từ xưa đến nay chẳng có một trách nhiệm gì. Và nó thường gây ra những phiền lụy cho kẻ khác.


o O o


Đột nhiên, một sự so sánh nổi lên ở trong nó. Rồi nó vùng hỏi thằng Cu Nhớn:

- Thế mày bao nhiêu tuổi, hở mày?

- Tao lên mười. Tao lại đẻ tháng chín, tao non năm nên không khoẻ mấy. Thế mày?

Đức thấy thẹn, ấp úng:

- Tao cũng lên mười.

- Thế ra tao với mày bằng tuổi nhau à?

“Tao với mày bằng tuổi nhau”. Câu ấy vang lên ở trong tâm hồn thằng Đức. Bằng tuổi, nhưng nó thì thế nào, mà thằng Cu Nhớn thì thế nào?

Thằng Cu Nhớn thật là hơn nó đủ mọi thứ.

Nó nhìn Cu Nhớn bằng con mắt kính phục, rồi lại hỏi:

- Thế mày có đi học không?

- Có, năm ngoái tao có đi học ông Tổng sư ở xóm dưới được bảy tháng. Nhưng rồi sau, vì tao khôngcó tiền trả tiền học và mua giấy bút, nên tao phải ở nhà. Với lại tao còn phải ở nhà làm và trông coi chúng nó. Thầy tao, từ khi đi làm lò gạch thì không có ai ở nhà.

Rồi nó nói bằng một giọng tiếc rẻ:

- Giá tao mà được đi học đến bây giờ thì tao đỗ bằng Sơ học yếu lược rồi. Tao học biết vần Tây thì phải thôi.

Đến đây, nó ngửng đầu lên:

- Mày ở tỉnh, chắc là mày đi học phải giỏi lắm. Mày biết những gì rồi?

Đức ta sượng cả mặt. Nó rặn mãi mới ra được:

- Tao biết đọc quốc ngữ.

- Ồ, mới biết đọc có quốc ngữ thôi à? Thế mày đi học bao lâu rồi?

Đức líu lưỡi, và thấy cần phải nói dối:

- Tao mới đi học có năm tháng.

- Ồ, năm tháng, thế thì cũng khá chậm. Tao đi học chỉ có ba tháng là tao đọc làu được quốc ngữ. Bốn tháng thì tao viết được ám tả. Năm tháng thì tao làm được tính đố. À, giá thầy tao không đi làm lò gạch, và bu tao cứ cho tao đi học…