Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ mười ba

HỒI THỨ MƯỜI BA

Dò tiêu-hao dùng thuật thôi-miên
Ra độc-kế hại nhà trinh-thám

Từ khi Lý-Hoa về quê, La-Lăng vẫn một mình ra công dò xét. Một hôm đọc báo, thấy có một cái « Cáo-bạch » ký tên là « Doãn-Giác-Chi ». Chàng đọc mấy chữ ấy chợt nhớ đến việc xưa, lẩm nhẩm tự nói rằng: Thằng này chắc hẳn đã thấy gió yên sóng lặng nên mới giò về đây. Ta lại phải chú ý đến nó mới được. Nghĩ thế rồi liền đi dò-la tin tức, thì ra Giác-Chi vừa về tới nơi là đến chơi ngay với Úy-Nùng. Hai người cùng mang tiếng hiềm-nghi, « đồng bệnh tương liên », cùng trù tính tìm phương tránh họa. Thiếu-My đôi khi lại chơi, thấy hai người đều lo-âu vì nỗi Quan-Đoàn thì cũng tỏ ý sẵn lòng giúp đỡ. Cái giao-tình trong khi hoạn-nạn, một giây một buộc, ai giằng cho ra. Nhân đó, ba người cùng bỏ vốn lập một cái công-ty, ngoài là cửa hàng song trong thì chính là một cái cơ-quan bí-mật. Chàng dò được tin ấy, tự nghĩ nó ba đứa mà mình có một thân, địch sao cho lại. Kế lại nghĩ: Ta đã nhận việc này thì có lẽ lại sợ chúng nó thế nào được Bất độc bất anh-hùng! Rồi chúng mày xem ông! Nghĩ thế rồi lập tức gọi giây nói mời Lại-xuyên-phong-tháo đến chơi. Lại-Xuyên là ai? Tức là một nhà Thôi-miên-thuật nước Nhật mà là một người bạn thân của La, La làm nghề trinh thám, có khi cũng phải dùng đến thuật Thôi-miên cho nên phải đánh bạn với những người như thế. Chiều hôm ấy, Lại-Xuyên đến. La liền kể rõ cho nghe việc Lý-Hoa mất vợ, xin nhờ giúp sức cho. Lại-Xuyên nhận lời. Tám giờ rưỡi tối, hai người cùng nhau đi thẳng đến chỗ cơ-quan bí-mật của bọn Giác-Chi, xồng xộc lên thẳng tầng gác thứ ba bấm chuông cửa, thì có một con hầu ra hỏi. La nói:

— Tôi muốn tiếp ông chủ. Con hầu nói:

— Nhà này lắm chủ lắm, ông hỏi ai phải nói rõ. Nói đến đấy thì phía trong nghe có tiếng quát hỏi:

— Ai thế? Con hầu đáp:

— Thưa có khách! Nói chưa dứt thì phía trong nghe có tiếng chân người rộn rịp. Ngay lúc ấy thì La cùng Lai-xuyên đã không chờ con hầu nữa, tự do đẩy cửa bước vào. Vào đến nơi thì chỉ thấy có một mình Trần-Úy-Nùng đang ngồi ở xó nhà, thủ tay vào túi, nét mặt trông cau-ráu. La ra ý thất vọng song cũng cúi chào mà hỏi:

— Ông còn nhớ tôi không? Tôi độ trước đã từng thuê chung nhà với ông ở tầng gác thứ tư trong ngót một tháng, chắc ông chưa quên thì phải. Úy-Nùng định thần lại mà đáp:

— Thưa có! Đêm hôm khuya khoắt, chẳng hay ngài đến chơi có dậy bảo điều chi? Vừa nói vừa bấm chuông gọi con hầu pha nước. La nói đưa đà mấy câu, rồi đưa mắt cho Lại-Xuyên. Lại-Xuyên liền đứng nhìn trừng trừng vào mắt Úy-Nùng. Không đầy ba phút, Úy-Nùng đã ra dáng mỏi mệt ngồi tựa xuống chiếc ghế dài. Lại-Xuyên vội chạy lại. đỡ nằm xuống, đem hết tinh thần mà sai khiến. Bỗng rưng Úy-nùng bồ hôi ướt đầm, dùng mình một cái rồi mở mắt đứng rậy, khoa chân khoa tay, ra ý kinh ngạc; kế lại lấy tay vẫy, làm ra bộ trêu ghẹo một người nào; chợt đi gần lại bên bàn viết, làm ra bộ như bàn giấy có người, mà chàng đứng phía sau, cúi ngửi vào tóc, hôn vào môi, lắc vào vai người ấy. Bỗng dưng lại ngồi xuống ghế, làm bộ như bế người ấy mà để vào lòng. Loay hoay đùa bỡn một hồi, ngáp dài một tiếng rồi lại nằm vào chỗ ghế cũ, coi ra ý buồn-bã lắm. Lại-Xuyên vội rót một chén nước cho uống, để cho nghỉ ngơi một lát rồi lại chú mắt nhìn vào mặt, đem hết tinh thần mà sai-khiến. Chừng ba phút sau, Uý-nùng lại vùng đứng dậy, miệng cười hớn hở, làm ra bộ đón khách; kế lắng-tai như bộ nghe khách nói truyện; rồi đó dậm chân xua tay, ra ý kinh-ngạc và ngăn-cản điều gì. Bỗng rưng thấy ôm đầu khóc lóc, một lúc mới gạt lệ, đem mặt tươi tỉnh để nhìn khách, ôm khách, hôn khách, rồi chạy ra cửa hình như đuổi theo khách. Đuổi không được lại chạy về nằm lăn ra ghế, thở chẳng ra hơi. Lại-Xuyên móc túi lấy một lọ thuốc rót ra chén, đổ cho uống rồi lại ngồi bên mà làm phép như lần trước. Chừng năm phút, thấy Uý nùng cằn-nhằn tự nói: « Uổng công » ông dã-tràng xe cát, rõ thật cú kêu cho ma ăn! » kế lại ngậm ngùi mà rằng: « Đã mấy tháng nay ta không được tin tức gì. Thôi thôi! Từ đây góc bể bên trời, sống thác mất còn, chắc chả có ngày nào lại gặp nữa. » Nằm im một lúc, bỗng đấm ngực vò đầu rồi lẩm nhẩm sẽ nói: « Được lắm! Được lắm! Nó bỏ chồng theo trai mà mình đứng ngoài mang tiếng! Đồ đĩ-dại! Rồi ông xem cho mày! » Kế đó lại gượng sầu làm tươi mà rằng: « Ừ! ừ! may còn có em, tôi cũng chẳng quý hóa gì nó cho lắm! » Nói thế rồi nhắm mắt ngủ mệt, chân tay tê-liệt như người chết. Lại-Xuyên vội vàng cầm lấy chai rượu tây, nốc vào mồm, phun vào mặt Úy-Nùng, rồi kéo tay La-Lăng tất-tả chạy ra cửa. Khi con-hầu lên đến nơi thấy trong phòng chỉ có một mình chàng nằm trơ, thì rất lấy làm lạ. Đang lúc nghi hoặc thì Úy-Nùng đã vươn vai ngồi rậy mà nói:

— Chết chưa! Mình mệt quá! Ngủ mê mà không biết... Vừa nói vừa nhìn quanh bốn phía, một lúc lâu thì sực nghĩ ra ngay. Toan đem sự mắc mẹo nói với Giác-Chi cùng Thiếu-My, nhưng ác một nỗi về việc tằng-tịu với Quan-Đoàn, ba người tuy vẫn biết nhau song vẫn phải giấu nhau, không ai dám thổ lộ chân tình, nên lúc ấy chàng đành nhẽ cũng ngậm tăm như « gái ngồi phải cọc! » Nhớ lại chuyện vừa qua, bất giác dùng mình sởn ốc, tinh thần hoảng-hốt, ngồi không yên chỗ, liền gọi người sắp xe về thẳng nhà.

La-Lăng cùng Lại-Xuyên khi ấy giắt nhau ra một hàng cơm Tây, vừa ăn vừa nói chuyện. La rót một cốc rượu đưa mời Lại-Xuyên mà nói:

— Hôm nay ông vui lòng giúp cho, tôi thật lấy làm cảm tạ. Tuy nhiên, lúc ông làm phép chẳng khác gì diễn một tấn tuồng câm, người ngoài không sao hiểu hết được, xin ông giải rõ cho nghe. Lại-Xuyên uống cạn nửa cốc rượu mà nói:

— Thưa vâng! Cứ như lời ông đã thuật lại với tôi, thì giải sự đó cũng không khó gì hết. Úy-nùng chắc cũng là tình-nhân của con ấy. Đoạn thứ nhất mới hôn hít nhau, đó chắc là lúc mới mời làm cô-giáo. Thế mà lúc dậy học, tất nhiên lại nhân khi nhà vắng, con kia đương ngồi bàn viết, thằng này đứng đằng sau ôm lấy mà đùa. Như thế trong mấy tháng mới đến đoạn thứ hai. Khi ấy chắc là con ấy ở đâu đến, nói chuyện bỏ chồng ra đi. Vì vậy nên nó dậm chân xua tay, ra ý kinh ngạc và ngăn cản. Con kia nhân lúc bất ngờ, vung mình chạy trốn, mà nó thì chạy đuổi theo. Đó là hết đoạn thứ hai mà cũng là lúc hai đứa cùng nhau quyết-biệt. Đến đoạn thứ ba tôi cho nó uống thuốc. Nguyên bộ phổi của người ta cũng như máy lưu thanh, uống thứ thuốc ấy vào, thì có câu gì đã nói tự nhiên phun ra hết cả, những lời nó nói lúc ấy, chẳng qua những lời ăn-năn hậm-hực sau khi không còn gặp mặt con kia nữa mà thôi. La-Lăng nghe xong, lại tỏ ý cám ơn. Rồi đó cùng nhau ăn no uống say đến mãi canh khuya mới tan tiệc. Hôm sau, La-Lăng liền viết một bức thư, sai người đưa đến cho Doãn-giác-Chi. Giác-chi mở ra coi, thư rằng:

« Bác Giác-chi,

« Tấn quái-kịch đêm qua, tôi thực không ngờ chúng lại dám trêu tôi đến thế. Tôi và bác Thiếu-my lấy làm lo lắm, muốn bàn tính với bác về câu chuyện ấy. Vậy chiều nay chúng tôi xin đợi bác ở nhà cao-lâu mỗ. Chỗ ấy vắng vẻ, ta có thể nói truyện lâu cùng nhau được.

« Nay kính: Úy-Nùng. »

Giác-Chi xem thư thì rõ là chữ Úy-nùng, xong lại tự nghĩ rằng: Úy-nùng hẹn ta sao không hẹn ở nhà, hay ở chỗ cơ-quan bí-mật kia, mà lại mời ra một cái hàng rượu ở ngoài đồng không? Cái này khả nghi lắm, phải đề phòng mới được. Nghĩ thế rồi liền đi thuê bốn tay du-côn, mỗi tên thủ một khẩu súng-lục đi theo xe mình ra chỗ hẹn. Vừa đi vừa tự nói: Mưu này nếu có phải thì chắc hẳn là thằng La-Lăng chơi xỏ! Được! Ta thừa cơ lại xỏ lại nó chơi! Nay lại nói La-Lăng khi viết thư hẹn Giác-chi rồi, mặc áo đương tính đi, thì trong lòng bỗng nóng như lửa đốt. Nhân gọi giây nói cho sở Cảnh-sát, không biết nói những gì. Rồi đó mới lên xe đi.

Một lúc đã đi đến cửa hàng cao-lâu hẹn Giác-chi. Cửa hàng ấy ở gần bên núi, đá núi lô nhô, cây rừng rậm rạp, phong cảnh rất là tiêu-điều. La-Lăng móc túi lấy đồng hồ xem, thấy còn sớm liền đi bách-bộ ở trên bãi cỏ. Đi một lúc người đã mệt, liền ngồi tựa vào một gốc cây, châm thuốc lá hút. Hút tàn điếu thuốc lá, liền lững thững vào nhà hàng. Ngay lúc ấy thì trong miễu cây có một cái bóng đen xô ra, chộp lấy lưng chàng. Chàng rút súng lục ra định bắn thì địch-thủ đã gạt mạnh một cái, khẩu súng rơi bắn xuống đất. Trong lúc bất ngờ, nó lại rút ra một chiếc khăn tay phủ vào mặt chàng. Chàng tự nhiên mê-mẩn tâm thần, không còn biết trời biết đất là gì nữa. Đến lúc tỉnh dậy thì thấy mình ở trong một cái hầm, tường vách bốn bề đều xây bằng đá. Ngửa cổ lên nhìn thấy có mấy cái kẽ thông bóng sáng. Nhớ lại việc lúc tối, mới biết mình đã mắc mưu gian. Chàng định tìm lối ra song không biết dùng kế gì. Móc túi còn gói thuốc lá, nhân đánh diêm châm hút. Phía trên bỗng thấy le lói có bóng đèn, và có tiếng vừa cười vừa nói:

— Thế nào ông La? Mạnh khoẻ đấy chứ! Ông thực quỷ-quyệt, nhận làm anh em với tôi để kiếm đường rò chuyện. Tôi bảo thực cho ông biết: Con Quan-Đoàn chính là ở trong tay tôi, tôi chơi đã no đã chán, phỏng ông làm gì tôi tốt! Thôi mời ông cứ ngồi yên đấy. Trên đầu ông có chiếc hàn-thử-châm, trong đó có để thứ bom rất mạnh Độ sáu giờ sáng mai, nó sẽ đưa ông lên chầu trời. Rõ thật hại nhân nhân hại nhé! Mấy nghìn đồng-bạc của thằng Lý-Hoa nuốt có ngon không? Thôi, xin phép ông, tôi đưa con Quan-Đoàn đi săm một chút! La lăng nghe những câu chế-riễu ấy, khí tức đầy ruột. Sẵn tay có con dao, đâm be bét vào kẽ vách đá. Một lúc lưỡi dao đã gẫy, chàng đành bó tay ngồi chờ cho đến phút cuối cùng...