Bả phồn hoa/10
HỒI THỨ MƯỜI
Tạ Thiếu-my mắc mẹo ba lần,
La-trinh-Thám nghĩ mưu trăm cách.
Cơn mưa vừa tạnh, dáng đỏ đầy trời; mặt bể sóng bằng, cảnh chiều như vẽ. Một lúc sau làn gió hiu-hiu, vầng trăng lơ-lửng, xa trông muôn dậm, như có hàng nghìn hàng vạn con rắn vàng đương lặn lội đua chen, Bỗng thấy có hai chàng trẻ tuổi, quần áo rất sang, hốt hoảng ra bến tầu sang Áo-môn. Lên tầu rồi, cùng ngồi vào một chỗ vắng, thì thầm nói với nhau một lúc rồi dải chiếu, dở chăn ra cùng nằm. Đến nửa đêm, bốn bề vắng ngắt, chỉ còn nghe sình sịch có tiếng máy tầu. Hai người ấy đương ngủ, bỗng có một người tỉnh dậy, sẽ tát vào mặt người nằm bên để đánh thức dậy mà hỏi rằng:
— Anh ngủ có ngon không? Tôi sậm sột suốt đêm không ngủ được. Người kia đáp:
— Thế à? Tôi ngủ chẳng biết trời biết đất là gì cả. Người nọ ra dáng lả lơi mà nói:
— Tôi vẫn bảo anh là hạng người quái: Hôm thì ngủ kỳ quá, hôm thì không ngủ, quấy rầy người ta suốt đêm! Người kia đưa mắt lườm, như tỏ ý bảo đừng nói nữa. Vừa lườm vừa gác ngang chân sang bụng người nọ, ôm chặt lấy nhau, lần chăn đắp thấy phùng cao lên. Một lúc lâu, người nọ bảo người kia rằng:
Chúng mình làm việc, kể cũng đã kín đáo.... Nói đến đấy thì một người khách nằm bên, đương ngủ bỗng nghe tiếng ho sù-sụ. Hai người bèn không nói chuyện nữa. Sáng ra, tầu đã đến Áo-Môn, hai người cùng cuốn gói lên bờ.
Hai người đó, một người tức là Tạ-Thiếu-My. Ngày hôm sau chàng bỗng cùng đi với một người con gái đến nhà một người anh họ ở phố Nam-Hoàn. Người con gái ấy không biết ở đâu đến. Cùng đi với nàng lại có một con hầu. Người anh họ cũng biết bọn hào-hoa công-tử đi đâu chả kiếm được một cô nhân tình nên cũng điềm-nhiên mặc kệ. Chẳng những thế, lại cho cùng ở với mấy người vợ lẽ. Chiều hôm ấy, cả nhà cùng đi chơi phố. Bọn đàn bà ngồi giữa, anh em Thiếu-My ngồi kèm hai bên, chẳng khác gì « thần coi hoa ». Bọn đàn bà cũng hết sức chải-chuốt, để chiều chuộng chủ-nhân, và đôi khi cũng đem nhan sắc hiến cho con mắt đói của khách qua đường nữa. Xe dừng, bỗng có kẻ bán hàng dong đến bên, đưa thuốc lá mời mua. Mọi người cùng bỏ tiền mua. Kẻ bán hàng thu tiền xong lại nói rằng:
— Hôm nay rạp hát có đào kép mới, các cậu, các mợ có đi xem không? Nghe nói chỉ vì thế mà chuyến tầu-thủy ở Hương cảng sang hôm qua, khách đông đến nỗi không còn có chỗ mà nằm nữa. Thiếu-My cười khẩy mà nói:
— Anh chỉ nói láo! Hôm qua vợ chồng tôi ở bên Hương-cảng sang, chuyến tầu tối, có mấy hột khách đâu. Kẻ bán hàng có ý bẽ, chào mọi người rồi đi. Độc-giả nên rõ: Kẻ bán hàng đó chính là La-Lăng, mà cũng chính là người khách nằm cạnh Thiếu-My đêm trước. Nguyên đêm trước nằm bên, chàng đã đoán chắc người cùng nằm với Thiếu-My là con gái ăn mặc giả trai. Bấy giờ liền tìm cách hỏi dò cho đích-xác, ai ngờ mới hỏi một câu mà Thiếu-My chịu phun ra tất cả. Tuy nhiên, người con gái đi với Thiếu-My là ai, thì bấy giờ trời tối chưa kịp nhận rõ. Tự nghĩ: Mấy lần hỏng việc ở Hương-cảng, chỉ vì cớ mình không biết rõ mặt con ấy. Nay nó dù có theo Thiếu-My đến đây nữa, song ta lấy gì làm chứng cớ chắc-chắn mà phá cái án này? Nghĩ thế thì bất giác nóng lòng sốt ruột vô cùng, lững thững về nhà trọ ngủ. Sáng hôm sau, chàng ăn mặc giả ra một ông lão, thuê xe đến phố miếu Khang công, tìm vào cửa hàng mới mở của Thiếu-My. Vừa hay Thiếu-My ở trong đi ra, ông lão hớn hở chào mà hỏi rằng:
— Cậu là cậu cả nhà ông Tạ-Vân-My phải không? Có lẽ đã quên tôi rồi đấy nhỉ! Thiếu-My ngơ-ngác đáp:
— Thưa chính-phải. Xin cụ tha lỗi cho. Ông lão lại nói:
— Năm trước tôi ở Hương-cảng, thường đi lại với ông nhà. Nhân kể lại những chuyện Thiếu-My lúc bé. Thiếu-My cười mà nói:
— Cụ nhớ kỹ thật, chúng tôi quên hết cả rồi. Ông lão lại hỏi chàng lấy vợ chưa? Chàng đáp rằng: Đương có tang Ông-lão vin chuyện nói mãi vào, dần dần đã đến chuyện phong-nguyệt. Thiếu-My không bằng lòng, mượn cớ xin lỗi, rồi đi thẳng ra cửa. Ông lão mua mấy thứ đồ-đạc rồi cũng bước ra Ra đến cửa gọi xe đi, bảo kéo thẳng đến con đường 16. Đến nơi, đứng vơ-vẩn ở bên đường. Chợt thấy có một thằng nhỏ ở trong nhà bước ra, ông lão già vờ hỏi thăm đường, lại đưa tặng cho một gói thuốc lá rồi cười mà nói:
— Tôi thấy ông chủ cậu lắm vợ quá, chỉ khổ cho kẻ hầu-hạ thôi. Phàm đàn bà, ai cũng khó tính khó chiều, có phải thế không cậu? Thằng nhỏ đáp:
— Không! Thế thì cụ nhầm. Cậu tôi chỉ có ba vợ thôi, đã lấy gì làm nhiều, còn thì khách đến chơi cả đấy. Vừa mới rồi, em họ cậu tôi là cậu « Tạ tiếc » gì không biết, cũng đem vợ đến chơi. Nhà mợ ta vừa đẹp lại vừa tài, trần đời tôi chưa thấy ai được thế. Ông lão ra dáng không tin mà nói:
— Ừ, đẹp thì cậu biết, song tài thì cậu biết thế nào được! Thằng nhỏ vỗ tay nói:
— Tôi thấy cậu tôi bảo mợ ta ngày trước đã đi học, đã làm cô giáo, mà ở nhà rỗi vẫn thấy mợ ta ngồi vẽ và ngâm thơ. Hỏi đến đấy, La-Lăng (tức là ông lão) vội từ biệt thằng nhỏ, ra sở giây thép đánh giây thép cho Lý-Hoa sang ngay Áo-Môn. Lúc trở về, đi qua một sòng phán-thán, nhân vô sự liền cũng bước chân vào đánh. Phàm những nơi nhà hát, sòng bạc, tiệm thuốc, hàng ăn, thường là những chỗ lui-tới của bọn đại gian đại ác. Bởi vậy nên con nhà trinh-thám thường phải lần mò. Vào ngồi đánh một lúc thì ngảnh ra đã thấy Thiếu-My giắt một người con gái bước vào. La-Lăng mừng lắm, chú mắt nhìn người con gái, thì người cũng dễ coi, song không lấy gì làm đẹp, trong lòng lại không khỏi sinh ra nghi hoặc. Mươi phút sau, Thiếu-My đã thua đến mấy trăm, không đánh nữa, chàng cũng lủi thủi ra về.
Sáng hôm sau chàng đương ngủ đã nghe có tiếng người gõ cửa, mở cửa ra thì Lý-Hoa bước vào, chàng liền đóng chặt cửa lại, nói cho biết tình hình rò xét trong mấy hôm. Lý kinh ngạc mà rằng:
— Xưa nay tôi vẫn cho Thiếu-My là một ông chủ biết điều: cho tôi ăn, cho tôi uống, lại cho tôi tiền; thế mà cũng không năng đi lại nhà tôi, việc đó chưa chắc đã đúng. La cười nhạt mà rằng:
— Chính vì nó cho ông ăn, cho ông uống, cho ông tiền cho nên tôi lại càng nghi; chẳng qua nó thả của ra để làm mồi dử ông lừa ông đó thôi, chứ ông chủ với người làm, thân thiết gì cho lắm mà nó phải chiều ông đến thế. Bây giờ, ông bất tất phải hỏi, hãy đi đàng này với tôi. Nói xong, dẫn Lý-Hoa lại đến sòng bạc hôm trước.
Chờ nửa ngày, chẳng thấy bóng Thiếu-My đâu cả, liền cùng ra hàng ăn cơm rồi về chỗ trọ cùng ăn mặc giả dạng ra hai người nhà quê, một người già đeo kính, còn một người trẻ thì mặt đầy trứng-cá. Rồi đó lại cùng đến sòng-bạc, bỏ tiền ra đánh, làm bộ ngờ nghệt y như kẻ mới ở nhà quê ra thật. Một lúc, nghe có tiếng đàn-bà cười nói. Hai người cùng nhìn ra thì thấy Thiếu My đem một bọn đàn bà đến, song trong bọn chẳng có ai là Quan-đoàn cả. La liền bấm Lý-Hoa đi ra.