Bài tựa Truyện Kiều
của Chu Mạnh Trinh, do Đoàn Quì dịch

Giá sử ngay khi trước, Liêu-dương[1] cách trở, duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay; quan lại công bằng, án Viên-ngoại tỏ ngay tình oan uổng; thì đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười; mà chắc biên-thùy một cõi nghênh-ngang, ai xui được anh-hùng cởi giáp. Thì sao còn tỏ được là người thục-nữ mà đủ đường hiếu nghĩa, tay đàn bà mà lại có cơ quyền. Thế mới biết: người khôn thì hay gặp gian truân, chuyện đời khéo lắm trò quanh quẩn.

Con tạo-hóa vốn thương yêu tài sắc, nàng đà biết thế hay chưa? Khách má hồng đừng giận nỗi trăng già, ta cũng khuyên lời phải chẳng. Chỉ vì một tội: mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều; trăng gió mắc vào, phồn hoa dính mãi. Cũng có người bảo: tại nước chẩy mây trôi lỡ bước, nên cành đưa lá đón quen thân. Nào biết đâu bông hạnh nở ngoài tường[2], chưa để con ong qua tới; cho có muốn lưỡi dao liều với mạng[3], lại sợ thành cháy vạ lây. Tấm lòng này như tuyết như gương, mối sầu nọ qua ngày qua tháng. Ngọc kia không vết, giá liên thành khôn xiết so bì; nước đã trôi xuôi, hồn cựu-mộng hãy còn vơ-vẩn.

Bàn cho thật phải, tình cũng nên thương. Lại xem như bút mực tài hoa, đoạn-trường mười khúc[4]; trúc tơ phong nhã, hồ cầm một chương; câu thần vẳng giọng tiêu-tao, bóng ngọc tưởng chiều não-nuột; hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, vậy nên khách đa tình say chuyện phong lưu, trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hão; người chép sách tiếc vì tài sắc, nghìn thu sau nhặt cái phấn hương thừa.

Than ôi! một bước phong trần, mấy phen chìm nổi; trời tình mờ mịt, bể giận mông mênh. Sợi tơ mành theo gió đưa đi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch. Ai dư nước mắt khóc người đời xưa; thế mà giống đa-tình luống những sầu chung, hạt lệ Tầm-dương[5] chan chứa. Lòng cảm cựu ai xui thương mướn, nghe câu ngọc-thụ[6] não nùng. Cho hay danh-sĩ giai-nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm[7] nặng nợ. Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để riêng ai luân lạc đau lòng. Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu[8]. Cái kiếp không hoa lẩm-cẩm, còn hồn xuân-mộng bâng-khuâng[9]. Đã toan đúc sẵn nhà vàng[10], chờ người quốc sắc; lại muốn mượn chùm phương-thảo[11], hú vía thuyền-quyên. Sẵn bút nghiên chia vịnh từng hồi, đem sự tích tóm làm một tựa. Bây giờ kể còn dài chưa hết, hạt ba-tiêu như thánh thót mưa thu. Hỡi ôi! hồn còn biết hay chăng? Bóng hoàn-bội[12] tưởng ra vào Lạc-phố[13]!

   




Chú thích

  1. Liêu-dương là quê Kim-Trọng.
  2. Ý nói làm thân phận một người đàn bà có tài sắc mà lại gặp bước lưu lạc.
  3. Đây nói hồi nàng Kiều phải tay Mã-giám-sinh lừa, đã toan tự vẫn, sau nghĩ đi nghĩ lại, sợ vạ lây đến cha mẹ, lại thôi.
  4. Thúy-Kiều khi đi chơi thanh-minh về nằm mộng thấy Đạm-Tiên đưa cho mười đầu bài thơ đoạn-trường để nàng vịnh.
  5. Tức là bến Tầm-dương nói trong bài « Tì bà hành » của ông Bạch-cư-Dị; ý nói nước mắt khóc người bạc-mệnh.
  6. Ngọc-thụ 玉 樹 là cây ngọc, ví với người đẹp. Câu cổ: không nỡ trông thấy cây ngọc chôn ở trong đất. Lời viếng một người chết.
  7. Hoa = tốt đẹp; nghiêm = nghiêm trang. Kiếp hoa-nghiêm nghĩa bóng chỉ cái kiếp luân-hồi của người ta (tiếng trong kinh Phật).
  8. Như nói người cùng một hội một thuyền, cùng một số kiếp.
  9. Không-hoa là cái hoa không có thực mà mình mơ tưởng là có; xuân-mộng là cái buổi xuân-xanh ngắn-ngủi như giấc chiêm-bao. Cả câu này ý nói: mình vẫn mê-man trong cõi sắc chưa tỉnh biết nó là cái hoa không; lại ngậm-ngùi về nỗi tuổi xuân vui thú chỉ ngắn-ngủi như giấc chiêm-bao.
  10. Tích cũ Vua Hán Vũ-đế ước lấy được nàng A-Kiều, nói: « Được người này thì lấy vàng làm nhà cho ở ».
  11. Là cỏ thơm.
  12. Hoàn-bội là ngọc đeo của đàn bà.
  13. Lạc-phố là bến sông Lạc, chỗ nàng tiên ở, theo điển trong Sở-từ.


   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.


 
Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.