Anh ơi, hình như pháp luật Việt Nam chưa quy định gì về bản quyền của chữ ký đúng không ạ?
Đề tài trên Thảo luận Thành viên:Tranminh360/Lưu Thảo luận Cấu trúc 1
Nếu chữ ký là một phần của văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính thì nó thuộc phạm vi công cộng theo {{PVCC-CPVN}}, vì văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính nào cũng phải có chữ ký và con dấu. Quy định về chữ ký có ở Nghị định số 30/2020/NĐ-CP, Điều 13. Ký ban hành văn bản và Phụ lục I, phần I, mục II, mục số 7. Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền và mục số 8. Dấu, chữ ký số của cơ quan, tổ chức.
Nếu vậy thì con dấu (thường là mộc đỏ) trong các văn bản đó cũng thuộc PVCC đúng không ạ?
Xem Nghị định số 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu.
Nghị định này ghi là nghiêm cấm "sử dụng con dấu giả", "đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền", "làm giả con dấu", "sửa chữa con dấu"... vậy thì hình ảnh con dấu không đủ tự do để up lên Commons đúng không ạ? Em viết c:Commons:Copyright_rules_by_territory/Vietnam#Government_seals mà vẫn không chắc là mình có hiểu đúng chưa.
Ngoại lệ: Bộ pháp điển do Nhà nước giữ bản quyền và cho phép sử dụng miễn phí theo khoản 2, điều 14 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Nó không thuộc phạm vi công cộng như Bộ luật Hoa Kỳ.
Nhưng cái này đâu có chữ ký và con dấu nào đâu anh nhỉ. Fun fact, không hiểu sao mấy cái nghị định trong Bộ Pháp điển lại link đến trang thuvienphapluat, một trang không chính thức =)) còn trang chính thức của chính phủ là vbpl.vn thì lại không link =))
Anh ơi, pháp luật Việt Nam có quy định nào về mấy biểu trưng (logo) của các tỉnh thành hay quốc huy chưa ạ?
Mỗi tỉnh sẽ có quy định riêng về việc sử dụng biểu trưng của tỉnh đó.
Ví dụ: Quyết định số 392/2015/QĐ-UBND Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng (logo) tỉnh Bắc Giang, ở Điều 4 quy định:
1. Chỉ sử dụng biểu trưng nhằm mục đích tuyên truyền, quảng bá, khẳng định vị thế của tỉnh Bắc Giang trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
2. Vị trí đặt biểu trưng phải hài hòa, phù hợp, cân đối và trang trọng.
3. Không thay đổi tỷ lệ, vị trí hoặc khoảng cách giữa các chữ cái, các hình khối trong Biểu trưng;
4. Không thay đổi màu sắc hoặc thêm hiệu ứng khác vào Biểu trưng;
5. Không tự ý thêm hình ảnh vào trong Biểu trưng;
6. Không xoay dọc, ngang, chéo hoặc lật ngược Biểu trưng;
7. Không được thay đổi Biểu trưng dưới các hình thức khác.
Ở Điều 7 quy định:
1. Các trường hợp phải xin phép sử dụng: Trên các phù điêu, biểu tượng được xây dựng trên địa bàn tỉnh.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép sử dụng Biểu trưng.
Ở Điều 6 quy định: Ngoài các trường hợp sử dụng Biểu trưng phải xin phép quy định tại Điều 7 Quy chế này thì việc sử dụng Biểu trưng trong các trường hợp khác không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Biểu trưng (logo) tỉnh Khánh Hòa và Biểu trưng (logo) Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa, ở Điều 3 quy định:
1. Quản lý việc sử dụng, khai thác giá trị Biểu trưng theo các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Các tổ chức, cá nhân được sử dụng Biểu trưng trong các sự kiện chính trị, hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội, đối ngoại (phi lợi nhuận) nhằm quảng bá hình ảnh tỉnh Khánh Hòa và Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa phải tuân thủ theo các chỉ số kỹ thuật được quy định tại Khoản 3, Điều 4 của Quy chế này.
3. Vị trí đặt biểu trưng phải hài hòa, phù hợp, cân đối và trang trọng.
4. Không được thay đổi, xuyên tạc Biểu trưng.
5. Không thay đổi tỷ lệ, vị trí hoặc khoảng cách giữa các chữ cái, các hình khối trong Biểu trưng.
6. Không thay đổi màu sắc hoặc thêm hiệu ứng khác vào Biểu trưng.
7. Không tự ý thêm chữ, hình ảnh vào trong Biểu trưng.
8. Không xoay dọc, ngang, chéo hoặc lật ngược Biểu trưng.
9. Không được thay đổi Biểu trưng dưới các hình thức khác.
10. Không tạo các liên tưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của tỉnh Khánh Hòa.
11. Không được chuyển giao hoặc chuyển nhượng giấy phép sử dụng Biểu trưng cho tổ chức, cá nhân khác.
Ở Điều 7, khoản 2 quy định: Thiết kế, sử dụng Biểu trưng để xây dựng làm quà tặng tại các hoạt động trên phải thông qua và được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý Biểu trưng.
Ở Điều 8 quy định: Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng Biểu trưng trong các hoạt động thương mại trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý Biểu trưng và phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Ở Điều 9 quy định: Sử dụng Biểu trưng ngoài các quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 phải đảm bảo đúng các quy định tại Điều 3 và Điều 4 Quy chế này, tuân thủ quy định của pháp luật và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý Biểu trưng.
Ở Điều 12 quy định: Đối với các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm về quyền tác giả và quyền liên quan được quy định tại Quy chế này và các quy định khác của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra sẽ bị xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bây giờ mình phải tìm quy định về biểu trưng của 63 tỉnh thành vì mỗi tỉnh có quy định khác nhau.
Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng biểu tượng (logo) thành phố Đà Nẵng, ở Điều 2 quy định:
1. Quản lý việc sử dụng, khai thác giá trị Biểu tượng theo các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Sử dụng Biểu tượng trong các sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị, hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội, đối ngoại và các hoạt động phi lợi nhuận nhằm quảng bá, khẳng định vị thế của thành phố trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
3. Không được thay đổi, xuyên tạc cũng như tự ý thêm hoặc bớt hình ảnh của Biểu tượng.
4. Không thay đổi tỷ lệ, vị trí hoặc khoảng cách giữa các chữ cái, font chữ, các hình khối trong Biểu tượng, làm thay đổi màu sắc hay thêm hiệu ứng khác vào Biểu tượng.
5. Không xoay dọc, ngang, chéo hoặc lật ngược Biểu tượng cũng như tạo các liên tưởng tiêu cực về hình ảnh, uy tín của thành phố Đà Nẵng.
6. Không sử dụng Biểu tượng trên các sản phẩm không hợp pháp, có tính chất phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của thành phố.
Điều 6. Các trường hợp phải xin phép khi sử dụng Biểu tượng
1. Sử dụng trên các tác phẩm tượng đài, tranh hoành tráng, công trình kiến trúc.
2. Sử dụng trong các thiết kế để sản xuất sản phẩm với mục đích thương mại.
3. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu sử dụng Biểu tượng quy định tại khoản 1 và 2 Điều này phải được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa và Thể thao.
Điều 7. Các trường hợp không phải xin phép khi sử dụng Biểu tượng
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân không phải xin phép khi sử dụng Biểu tượng ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 và 2 Điều 6 Quy chế này.
Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Biểu trưng (Logo) tỉnh Lạng Sơn, ở Điều 11, khoản 2, điểm a quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm “Biểu trưng tỉnh Lạng Sơn”; là tổ chức sở hữu quyền nhân thân quy định tại khoản 3, Điều 19, các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005, sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009 và các quyền khác theo Biên bản thỏa thuận và Thể lệ cuộc thi.
Quyết định số 419/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu tỉnh Đắk Lắk, ở Điều 6, khoản 1 quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk là cơ quan sở hữu Bộ nhận diện thương hiệu của tỉnh. Điều 10, khoản 2, điểm a quy định: Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Là cơ quan trực tiếp tham mưu quản lý, hướng dẫn sử dụng biểu trưng và các sản phẩm trong Bộ nhận diện thương hiệu tỉnh Đắk Lắk và là cơ quan được quyền thực hiện tác phẩm phái sinh từ tác phẩm chính.
Như vậy biểu trưng của các tỉnh đều có bản quyền, không cho phép tự do sửa chữa, tạo tác phẩm phái sinh và trong một số trường hợp phải xin phép cơ quan nhà nước mới được sử dụng (ví dụ như sử dụng cho mục đích thương mại).
Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng tỉnh Bạc Liêu, ở Điều 2, khoản 3 quy định: Chỉ được sử dụng Biểu trưng Bạc Liêu khi được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng tỉnh Ninh Thuận, ở Điều 2, khoản 3 quy định: Việc sử dụng Biểu trưng phải có văn bản chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ở Điều 9, khoản 2, điểm a quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm “Biểu trưng tỉnh Ninh Thuận”; là tổ chức sở hữu quyền nhân thân quy định tại khoản 3, Điều 19, các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005, sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009.
Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng biểu tượng (logo) tỉnh Tây Ninh, ở Điều 2, khoản 3 quy định: Chỉ được sử dụng Biểu tượng Tây Ninh khi được đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của tỉnh. Ở Điều 9, khoản 2, điểm a quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm “Biểu tượng tỉnh Tây Ninh”; là tổ chức sở hữu quyền nhân thân quy định tại khoản 3, Điều 19, các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005, sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009.
Về quốc huy, xem Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL, phần II. Quốc huy, trong đó có tham chiếu đến Điều lệ số 973-TTg và Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, Điều 12, Mục 1, Chương III.
Anh ơi, cái Quyết định 129/2009 có vẻ không liên quan đến Commons lắm? Còn Điều lệ 973-TTg nói là "những trường hợp cụ thể chưa nói trong điều lệ này thì các cơ quan sẽ báo cáo lên Thủ Tướng Chính Phủ để xét duyệt", vậy tức là không thể dùng quốc huy tự do được rồi.
Nếu bạn muốn tự do sửa chữa, tạo tác phẩm phái sinh hoặc sử dụng vào mục đích thương mại thì không, vì có thể phạm vào tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo Điều 351 Bộ luật Hình sự với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Em lục tung Google mà vẫn không thấy bản dịch tiếng Anh cho Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL và Điều lệ số 973-TTg. Không biết anh có tìm thấy không? =))
Trên thuvienphapluat có tiếng Anh đó: Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL và Điều lệ số 973-TTg, nhưng phải đăng ký gói Pro với giá 169.000/tháng thì mới xem được bản dịch tiếng Anh. Tôi không có tài khoản trên đó.
Cơ mà mộc quốc huy hay được đóng trong các văn bản quy phạm pháp luật, nếu vậy thì hình cái mộc đó nên thuộc PVCC chứ anh nhỉ?
Một số văn bản quy phạm pháp luật trên Wikisource được lấy nguồn từ Công báo của Chính phủ, xem Thể loại:Sách của Chính phủ Việt Nam, trong Công báo không có chữ ký và con dấu, ví dụ Trang:Cong bao Chinh phu 1011 1012 nam 2013.pdf/1, Trang:Cong bao Chinh phu 1011 1012 nam 2013.pdf/118.
Nhưng nhiều cái khác đều có mộc mà anh. Nghị định 99/2016/NĐ-CP có mộc ở trang 21; Nghị định 30/2020/NĐ-CP có mộc ở trang 20, Phụ lục I trang 1, Phụ lục II trang 1, Phụ lục III. Và như anh nói ở reply đầu tiên á: chữ ký và con dấu là một phần của văn bản quy phạm pháp luật. Nói chứ mộc quốc huy chắc không tự do vì Điều lệ số 973-TTg, nhưng các mộc khác nên thuộc PVCC chứ anh nhỉ?
Và anh có biết cái nghị định hay sắc lệnh nào liên quan đến tự do toàn cảnh ở Việt Nam không ạ?
Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, Điều 22 và Điều 23 chỉ hướng dẫn về việc tự sao chép một bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ, sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ, trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ. Còn chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó quy định tại điểm h khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ thì chưa được hướng dẫn.
OK anh ạ. Bên Commons đang vin vào chỗ "nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó" để cho rằng đó là tự do toàn cảnh. Em thì nghĩ ý đồ của người làm luật thực chất là "giới thiệu hình ảnh và không mang tính thương mại", tại vì Điều 25 toàn liệt kê những mục đích dùng phi thương mại không à. Đành chờ chính phủ ra thêm hướng dẫn vậy.
@Băng Tỏa: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ 2022, ở Điều 25, khoản 1, điểm h quy định: Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó không nhằm mục đích thương mại. Đây mới là dự thảo chứ chưa được Quốc hội thông qua.
Em cảm ơn anh ạ. Khi nào chính thức thông qua thì anh hú em nhé.
@Băng Tỏa: Đã thông qua vào ngày 16-6-2022 nhưng phải mất một thời gian thì văn bản luật chính thức mới được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, và phải đến ngày 1-1-2023 luật sửa đổi mới có hiệu lực. Vậy phải đợi đến ngày 1-1-2023 thì mới đề nghị xóa c:Template:FoP-Vietnam được.
@Băng Tỏa: Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ, điều 1, khoản 7 quy định: Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:
Điều 25. Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả
h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó, không nhằm mục đích thương mại;
Điều 3, khoản 1 quy định: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
Khi nào luật này có bản dịch tiếng Anh, anh lại hú tiếp em, anh nhé =))
@Băng Tỏa: Luật số 07/2022/QH15 đã được đăng trên Công báo của Chính phủ, còn bạn muốn bản có con dấu thì có bản sao y của Văn phòng Chủ tịch nước. Còn bản dịch tiếng Anh, chắc phải chờ khi nào chính phủ Việt Nam gửi văn bản luật cho WIPO thì trên WIPO Lex sẽ có bản dịch tiếng Anh chính thức.
Đáng chú ý là khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ đã được bổ sung câu Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Quy định này được thêm vào sau vụ tắt tiếng Quốc ca Việt Nam trên Youtube. Không biết việc Wikipedia xóa lời bài Tiến quân ca (hiện nay lời bài Tiến quân ca trên Wikipedia lại được ai đó thêm vào) hay việc Commons xóa bản ghi âm bài Tiến quân ca có bị xem là ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của luật mới hay không?
Xóa lời thì em không rõ nhưng xóa bản ghi âm thì em nghĩ là không phải "cản trở việc phổ biến, sử dụng" quốc ca vì các bản ghi âm thương mại phải được bảo hộ bản quyền chứ. Bài hát và bản ghi âm là hai chủ thể khác nhau mà. Ai muốn phổ biến quốc ca thì có thể bỏ tiền ra sản xuất, ghi âm rồi phát hành ra phạm vi công cộng cho Commons hưởng.
@Băng Tỏa: Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2022, khoản 4 quy định: Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này; quy định biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Bài Tiến quân ca thuộc trường hợp quy định ở điểm b, khoản 1 Điều 42: Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan cho Nhà nước. Vì vậy có thể Chính phủ VN sẽ thu tiền bản quyền bài Tiến quân ca từ năm 2023?
Và câu Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói trong khoản 2 Điều 7 có nghĩa là Quốc kỳ và Quốc huy Việt Nam cũng có quyền sở hữu trí tuệ, cũng có bản quyền? c:File:Flag of Vietnam.svg và c:File:Emblem of Vietnam.svg là có bản quyền theo Luật sửa đổi 2022?
@Băng Tỏa: Theo w:Quốc kỳ Việt Nam#Những giả thuyết về tác giả thì có 2 giả thuyết: Nguyễn Hữu Tiến và Lê Quang Sô. Nguyễn Hữu Tiến mất năm 1941, đã quá 50 năm; còn Lê Quang Sô mất năm 1978, chưa quá 50 năm. c:File:Flag of Vietnam.svg dùng giấy phép PD-Vietnam chỉ đúng nếu tác giả là Nguyễn Hữu Tiến thôi, chứ nếu tác giả là Lê Quang Sô thì chưa hết hạn bản quyền. Mà trong bài w:Quốc kỳ Việt Nam#Những giả thuyết về tác giả viết rằng: trong công văn số 1393/VHTT-BTCM do Thứ trưởng Bộ Văn hóa – thông tin Lưu Trần Tiêu ký ngày 18 tháng 4 năm 2001 có ghi: "Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc".
Theo w:Quốc huy Việt Nam thì tác giả là Bùi Trang Chước và Trần Văn Cẩn. Bùi Trang Chước mất năm 1992, Trần Văn Cẩn mất năm 1994, đều chưa quá 50 năm.
Rõ ràng là câu Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói trong khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2022 có nghĩa là Quốc kỳ và Quốc huy Việt Nam được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (chứ không phải không được bảo hộ). Quốc kỳ thì tác giả còn bỏ ngỏ chứ Quốc huy thì rõ ràng không tự do theo luật sửa đổi 2022 rồi.