Đề miếu bà Trương
của Lê Thánh Tông

Miếu bà Trương ở trên bờ sông Hoàng-giang, thuộc làng Vũ-điện, huyện Nam-xang (nay là phủ Lý-nhân, tỉnh Hà-nam). Nguyên bà này lấy chồng họ Trương, được nửa năm chồng phải đi lính. Lúc chồng đi, bà đã có thai, sau siinh được một đứa con trai đặt tên là Đản. Khi chồng đi vắng, ban đêm bà ngồi chơi với con, thường trỏ vào bóng mình mà nói dối là cha nó đấy. Ba năm sau chồng về, đứa bé đã biết nói. Khi gọi nó, nó lấy làm lạ hỏi: "Ông cũng là cha tôi ư? Sao nay lại biết nói? Trước cha tôi không biết nói, cứ tối thì thấy đến, mẹ tôi ngồi thì ngồi, mẹ tôi đi thì đi". Người chồng thấy con nói thế, sinh lòng ngờ vực vợ, rồi mắng nhiếc sỉ nhục vợ, đến nỗi người vợ phải đâm đầu xuống sông Hoàng-giang tự tử.

Sau đấy, một hôm buổi tối, chồng ngồi với con, bỗng đứa con chỉ vào bóng cha ở vách nói: "Kìa cha Đản lại đến kia". Người chống bấy giờ mới nghĩ ra, biết nỗi oan của vợ mình, bèn lập đàn ở bờ sông để giải oan cho nàng. Dân vùng ấy sau lập miếu thờ bà ấy ở trên bờ sông. Sau vua Lê Thánh-Tôn nhân đi qua đấy, vịnh bài thơ này:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả[1] có đôi vừng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn-tràng.
Qua đây mới biết nguồn-cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ-phàng!

   




Chú thích

  1. Chứng quả: soi xét đến lòng thành, đến lòng trinh bạch.