Đề Yên tử sơn Hoa yên tự

Đề Yên tử[1] sơn Hoa yên tự - 題安子山花烟寺
của Nguyễn Trãi
Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

安山山上最高峰
纔五更初日正紅
宇宙眼窮滄海外
笑談人在碧雲中
擁門玉槊森千畝
掛石珠流落半空
仁廟當年遺跡在
白毫光裏睹重瞳

Yên sơn sơn thượng tối cao phong,
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng.
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại;
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
Ủng môn ngọc sáo sâm thiên mẫu[2];
Quải thạch châu lưu lạc bán không.
Nhân miếu đương niên di tích tại;
Bạch hào quang lý[3] đổ trùng đồng[4].

Trên núi Yên-tử ở chòm cao nhất,
Mới đầu canh năm mà mặt trời đã rực hồng.
Mắt nhìn vũ trụ ra tận ngoài biển xanh;
Người ta nói cười ở trong làn mây biếc.
Giáo ngọc (cây trúc) cắm ở cửa rậm rà nghìn mẫu;
Tua châu (nhũ đá) treo ở đá rủ xuống lưng chừng.
Vua Nhân tôn bấy giờ còn để dấu;
Trông ánh hào quang trông thấy rõ mắt đôi con ngươi.

   




Chú thích

  1. Yên Tử: Núi Yên Tử ở huyện Đông Triều tỉnh Hải Dương, lại có tên là núi Đầu Voi. Tương truyền rằng Yên Kỳ sinh tu luyện ở đấy cho nên đặt tên là núi Yên Tử. Sách Phong vực chí chép rằng trên núi Yên Tử có ngọn Tử Tiêu, am Ngọa Vân và Long Động, chùa Yên Hóa ở trên ngọn cao nhất, Trần Nhân Tông ở đấy tu đạo Phật, tức là Trúc Lâm đệ nhất tổ
  2. Núi Yên Tử nhiều trúc, còn cả rừng trúc hoa rất đẹp ở đỉnh núi
  3. Bạch hào quang lý: trong ánh hào quang trắng. Sách Phật nói đức Phật có hào tướng sắc trắng ở giữa lông mày phóng ra ánh sáng. Vì truyền rằng Trần Nhân Tông tu thành Phật nên tác giả nói trong ánh hào quang trắng ở lông mày tỏa ra, thấy rõ mắt hai con ngươi
  4. Trùng đồng: Tương truyền Trần Nhân Tông tướng lạ là mắt có hai con ngươi. Hiện còn tháp có tượng đá của Trần Nhân Tông