Đề Bảo phúc nham[1] - 題抱腹岩
của Nguyễn Trãi
Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

平明擱棹上岩頭
乘興聊為玉局遊
九轉丹成孤鶴去
三神股斷一鰲浮
石欄影附滄江月
仙洞煙含碧樹秋
是處真堪容我隱
山中還有舊砂不

Bình minh các trạo thượng nham đầu ;
Thừa hứng liêu vi ngọc cục[2] du.
Cửu chuyển đơn thành[3] cô hạc khứ ;
Tam thần[4] cổ đoạn nhất ngao phù.
Thạch lan ảnh phụ thương giang nguyệt ;
Tiên động yên hàm bích thụ thu.
Thị xứ chân kham dung ngã ẩn ;
Sơn trung hoàn hữu cựu sa[5] phù ?

Sáng sớm gác mái chèo lên đầu núi ;
Thừa hứng hãy làm một cuộc chơi ở Ngọc-cục.
Chín lần biến hóa thuốc đơn đã thành, chiếc hạc đi mất.
Ba (núi) thần đứt chân, một cái do ngao đội nổi ở đây.
Bóng lan can đá phụ với bóng trăng trên sông xanh biếc.
Khói cửa động tiên ngậm vẻ thu của cây.
Chốn này thực đáng cho ta ở ẩn.
Trong núi có còn đơn sa cũ (để luyện thuốc) chăng?

   




Chú thích

  1. Bản in chữ Hán có chú rằng: động ở xã Yên Khánh huyện Đông Triều. Ở giữa sông lớn nhiều núi bày dựng. Động ở chân núi cúi nhìn xuống nước, phía ngoài có bãi cát ước nửa sào, trong cây cối um tùm có thờ thủy thần rất thiêng. Lại có hang sâu đốt đuốc đi không đến cùng được
  2. Ngọc cục: theo sách Đạo gia là chỗ Lão Tử đến với Trương Đạo Lăng để giảng kinh Nam đẩu, có bàn cờ và giường ngọc tự dưới đất mọc lên, người ta do đấy đặt tên là Ngọc cục. Tác giả ví cảnh này như cảnh Ngọc cục ở Tứ Xuyên Trung Quốc
  3. Đơn thành: sách Đạo giáo nói rằng nấu kim đơn (thuốc tiên) chín lần biến hóa tuần hoàn mới thành, như đơn sa nấu thành thủy ngân lại trở lại thành đơn sa, rồi cứ nấu như thế mãi, chuyển biến chín lần mới thành thuốc tốt, uống chỉ ba ngày là thành tiên (Theo sách Bảo phác tử của Cát Hồng)
  4. Tam thần: Theo Đỗ Văn Hỷ thì tam thần là ba núi thần nổi ở Bột hải mỗi núi có năm con ngao đội lên. Tức là ba núi thần đứt cẳng, một núi do ngao đội nổi lên đây
  5. Sa: tức là chu sa, cũng gọi là đơn sa, thần sa, do thủy ngân và lưu huỳnh hóa hợp thành. Xưa người tu tiên dùng chất ấy để luyện thuốc trường sinh, gọi là luyện đơn, sắc nó đỏ tươi. Bản Dương Bá Cung chép là « cựu du 遊 ». Các bản khác chép là « cựu sa 砂 »