V

DŨNG rón rén sang phòng Lý Sâm. Nó hí hửng bảo chàng:

— Đã thở mạnh hơn rồi! Đã thở mạnh hơn rồi!

Tuy nó phải nói thầm, nhưng giọng nói giống như một tiếng reo. Thằng bé mừng quá, nên điệu bộ rối rít, trông buồn cười lắm. Lý Sâm mỉm cười. Chàng sẽ gật đầu, ra dáng bằng lòng, bảo:

— Tốt lắm! Vẫn còn lửa đấy chứ?

— Vâng, còn lửa. Ngồi trong phòng, ấm lắm.

— Cần phải thế. Giời này lạnh lắm. Người ta bị ngâm dưới nước mãi thế, chết rét là thường. Thổ ra bằng ấy nước rồi, lại đã uống được một chút nước gừng, bây giờ được nằm ấm áp thế, ta chắc chỉ một lát nữa là người ta tỉnh. Để tỉnh hẳn rồi, đổ cho chút nước cháo nữa, là khỏe người ngay đấy mà!

Chàng có cái vẻ tự đắc của một ông lang vừa cứu được một bệnh nhân thoát chết. Dũng nhìn chàng, cười tủm tỉm:

— Đến lúc tỉnh dậy, cô ta thấy mình mặc những quần áo đàn ông thế, chắc buồn cười lắm, nhỉ?

Nó nhe những chiếc răng nhỏ tắp như răng chuột hi hí cười. Chàng vội ngăn nó lại:

— Thôi! mày lại về phòng bên ấy đi. Ý tứ, đừng làm động mạnh. Hễ thấy có cái gì khác, lại sang bảo tao.

Nó chạy về. Nhưng nó lại chạy sang ngay. Lần này nó không vào, đứng ngoài cửa, vẫy tay rối rít:

— Nhanh lên! nhanh lên!... Mở mắt rồi!

Lý-Sâm vội giơ một ngón tay lên miệng, ra hiệu cho nó đừng làm ầm lên thế. Chàng ghé tai nó bảo:

— Mày về đi. Đừng làm người ta sợ. Nếu người ta có hỏi thì nhớ nói những lời tao giặn.

Dũng kiễng chân, rón rén lại bên giường. Nó thất vọng ngay. Đôi mắt nàng đã lại nhắm lại rồi Nhưng mí mắt hình như hãy còn run run khẽ. Dũng đánh bạo đặt bàn tay lên trán nàng xem nóng lạnh thế nào. Đôi mắt lại mở ra. Chúng đờ đẫn một thoáng rồi trừng trừng nhìn Dũng. Cái nhìn lộ vẻ ngạc nhiên và sợ hãi. Đôi lòng đen đảo đi, đảo lại. Và thiếu-nữ thở hổn hển, run rẩy như lên cơn sốt. Dũng dịu dàng gọi và hỏi để cho nàng khỏi sợ:

— Cô ơi! cô đã tỉnh chưa?

Thiếu-nữ ngây mặt ra nhìn. Dũng nghĩ thầm: « À! mà mình cũng khỉ! Cô ta là người Tàu, làm gì hiểu tiếng An-nam! ». Nó toan quay ra, đi gọi Lý Sâm. Nhưng chợt người thiếu-nữ mấp máy môi. Mới đầu nàng chỉ để thoát ra được một tiếng rên. Dũng nắm lấy tay nàng, cố dùng nét mặt và điệu bộ để tỏ cho nàng biết: nó không có ý gì làm hại. Nhưng nàng đã nói thành tiếng được. Một thứ tiếng run run, bải hoải. Nhưng Dũng nghe rõ lắm, và sửng sốt. Bởi vì nàng hỏi:

— Ai thế?

Rõ ràng là tiếng An-nam, chẳng còn ngờ gì nữa. Dũng cảm động đến thành bối rối:

— Tôi... tôi đây mà!... Cô ở đâu giạt vào đây thế?

— Tôi bị đắm thuyền. Tôi còn sống hay chết rồi?

Dũng bật cười. Nhưng thấy nét mặt ngơ ngác của nàng, nó vội ngừng ngay lại:

— Cô đừng sợ! Cô còn sống đấy! Nếu chết rồi thì cô nhìn thấy tôi sao được? Cô nói làm sao được?

— Đây là đâu vậy?

Dũng nhớ đến lời Lý-Sâm giặn, trả lời:

— Đây là nhà tôi... nhà thày tôi.

— Thày em là ai?

Dũng trở nên lúng túng, nó bèn lảng chuyện:

— À mà thày tôi giặn không được nói nhiều, phải để cho cô nghỉ. Bây giờ tôi đi lấy một ít nước sâm để cô uống cho khỏi mệt, rồi cô ăn cháo cho tỉnh người. Cô cứ yên lòng. Ở đây toàn là những người tử tế. Cô không phải lo ngại gì.

Nó lẫng cẫng chạy sang phòng bên cạnh:

— Dậy rồi! Dậy rồi!

Lý Sâm vội đưa một cái ấm con cho nó:

— Đây! Mày đem về, đổ nước sâm cho người ta. Rồi sang lấy cháo.

— Phải rồi! ông đong sẵn ra đấy nhé!...

Nó ghé miệng sát tai Lý-Sâm, bảo nhỏ:

— Tôi nói giối cô ấy rằng ông là thày tôi.

Chàng mỉm cười...