IV

BỌN cướp đang ăn uống. Hôm nay rượu khá nhiều. Anh nào cũng đã ngà ngà hoặc say bứ ra rồi Bởi vậy chúng làm huyên náo lắm. Tiếng đũa bát, tiếng cười, tiếng nói, tiếng đấm ngực, vỗ đùi, dậm chân ầm ỹ. Cái mái nhà tưởng như có thể bật tung lên. Ở một bàn mãi nẻo trong, một bọn đang đè một anh chàng cao ngổng nằm chổng kềnh ra, rồi bịt mũi anh mà giốc cả một chai rượu vào mồm. Anh giẫy, anh la, anh sặc sụa, hắt hơi và cả bọn vỗ tay, cười rú lên. Có anh tỏ sự khoái chí của mình băng cách đấm thùm thụp vào lưng anh khác. Anh kia phát khùng, đấm lại. Ấy thế là họ xô bàn, xô ghế, xông lại nhau, đấu võ. Những anh khác vây kín lấy, hò reo, khuyến khích. Rồi ngứa ngáy chân tay, một vài cặp khác cũng đấm, đá nhau chơi. Đám đánh nhau sắp thành một cuộc loạn đả to. thì một người quân canh xồng xộc chạy vào. Y hớt hơ hớt hải:

— Tống Khải bị giết rồi! Tống Khải bị giết rồi!

Mã Tùng nắm lấy cánh tay y, kéo giật lại, hỏi:

— Bị giết ở đâu? Ai giết?

Ơ đồn canh.

— Nó phải canh à? Canh với thằng nào?

— Canh với Thạch-Bình. Nhưng khi chúng tôi ra để thay phiên canh cho họ, thì chẳng thấy Thạch-Bình đâu, chỉ thấy Tống-Khải nằm trên vũng máu. Chắc là Thạch-Bình cũng bị giết rồi.

Trong khi hai người đối đáp với nhau, thì cái tin dữ đã lan đi khắp trại:

— Tống-Khải bị giết! Tống-Khải bị giết!

— Anh em ơi! Tống-Khải bị giết rồi!

Các đám đánh nhau tự nhiên ngừng lại. Người ta xôn xao hỏi lẫn nhau:

— Ai giết? Ai giết?...

Và người ta đổ xô cả lại chỗ người quân canh đang nói với Mã Tùng:

— Tống Khải bị giết à? Tống Khải bị giết à?... Ai giết?

Mã Tùng cười đắc chí:

— Còn ai giết nữa?

Hắn có vẻ rất hài lòng. Cái chết của Tống Khải chính là một dịp tốt để hắn có thể thổ lộ những lời oán trách. Hắn hạ thấp giọng, và nói tiếp:

— Chúng mình bảo: còn ai giết?... Này! tớ bảo thật: rồi đến phiên chúng mình, cũng khó khỏi chết mất xác mất! Cho nên tớ bảo: chủ-tướng hồ đồ lắm!

— Tại sao?

— Tại sao! Quân do thám đến nhà thì tin cẩn nó, chiều đãi nó hơn cả những tướng tá đã nhiều phen liều mạng vì mình. Có biết đâu rằng: có lẽ không phải nó đến đây có một mình; chắc là có nhiều thằng lọt được vào đây, ẩn nấp ở chỗ này, chỗ khác; chúng nó mưu mô gì đó; chỉ nay mai là thuyền chở binh lính ầm ầm kéo tới đây; lúc ấy, chúng nó trong đánh ra, ngoài đánh vào, chúng mình chạy chỗ nào cho thoát?

Mã-Tùng nói nghe cũng có lý. Một người bàn:

— Có khó gì? Bây giờ ta chỉ việc đi sục tìm khắp mọi nơi, bắt được thằng nào lạ, giết hết đi, rồi dự bị sẵn những phương kế mà cự địch quân ở ngoài kéo đến.

— Thì đã hẳn thế rồi. Ai chả biết. Nhưng anh có là chủ tướng không?

Anh chàng kia cứng họng, không nói được. Mã-Tùng lại cười đắc chí:

— Đó! anh không phải là chủ tướng; anh không có quyền ra lệnh; anh không được tự ý đi tìm bắt những quân do thám; bắt được, anh cũng không có quyền giết chúng. Có khi lại chính chúng nó làm anh bị giết. Cứ xem việc thằng bé con An-nam sáng hôm nay là đủ biết: Mã Tùng này vì lòng trung trực, xin giết nó, chủ tướng đã không nghe, còn hạch tội Mã Tùng này. Ấy thế mà nó chính là cái ngòi giết chết chúng mình.

Bọn chúng nhao nhao:

— Không chịu! không chịu!

— Phải giết thằng do thám ấy!

Mã Tùng làm ra sợ hãi:

— Chớ! chớ!... đừng nói thế...

Hắn hạ thật thấp giọng, như nói một điều bí mật:

Chủ tướng cũng là người An-nam đấy. Vì thế, chủ tướng mới bênh thằng bé An-nam ấy.

Một số đông tái mặt. Lòng tự-ái về chủng tộc bị tổn thương. Chúng khó chịu vì kẻ đứng đầu chúng lại là một người An-nam. Mã Tùng biết những lời khích bác của hắn đã có hiệu quả, mới bàn:

— Bây giờ chúng mình kéo cả lên phòng chủ tướng đi!

— Lên cả làm gì?

— Để báo cho chủ tướng biết Tống-Khải với Thạch-Bình đều bị giết một cách bất thình lình; như thế nghĩa là có kẻ gian lẩn lút trên đảo của chúng ta... Rồi ta nhất định xin đem thằng bé An-nam ra tra hỏi, bởi vì bắt được nó sáng hôm nay thì trưa hôm nay hai đồng chí của chúng ta bị giết. Anh em nghĩ thế nào?

— Phải đấy!... phải đấy!...

— Vậy thì anh em theo ta.

Chúng ùn ùn kéo đi... Lý Sâm thấy ồn ào, vội xách kiếm, ra cửa đứng. Chàng ra hiệu cho bọn Mã-Tùng đứng lại, cách xa chàng mười bước. Chỉ một mình Mã-Tùng được phép tới gần chàng Chàng hỏi hắn:

— Mã-Tùng! có việc gì?

— Bẩm chủ tướng, cả hai người quân canh bị giết.

Cái tin đột ngột ấy, chỉ làm đôi lông mày Lý-Sâm gợn rất nhanh một cái. Chàng không lộ một chút gì hoảng sợ. Chàng bình tĩnh bảo:

— Thế thì một người đến báo cho ta chẳng đủ ư? Việc gì phải làm huyên náo thế?

Mã-Tùng thấy đôi mắt sáng quắc của chàng rọi thẳng vào mắt hắn. Hắn tự nhiên lúng túng:

— Bẩm chủ tướng! anh em sợ có kẻ gian lọt vào sào huyệt... Anh em ngờ thằng bé bắt được sáng hôm nay cũng thuộc vào bọn ấy.

— Ta không tin như vậy. Nhưng được! ta sẽ ra chỗ những người bị giết xét ngay bây giờ. Nếu quả thật nó có liên can gì vào việc ấy, ta sẽ không tha thứ.

Chàng quay vào, bảo Dũng:

— Mày đi với tao!

Một lúc sau, cả bọn đến chỗ đồn canh. Xác Tống-Khải nằm ngay trên bãi bể. Mã-Tùng bàn:

— Chắc là quân gian đi một cái thuyền nhỏ, cặp bến, toan lên đảo. Quân canh của ta chặn đường, chống cự, và bị giết. Một xác còn đây, còn một xác thì có lẽ bị quăng xuống biển rồi. Quân gian, giết xong quân canh của ta, thì thấy bóng người; đó là những người ra để thay phiên. Chúng sợ, xuống thuyền và tẩu thoát.

Lý Sâm lắc đầu:

— Nếu thế tất trong đảo phải nghe thấy hiệu cấp cứu và tiếng súng. Có lý nào có thuyền lạ đến, mà quân canh không báo hiệu? Và nếu có sự xô xát, thì tất nhiên quân canh phải dùng đến súng.

Dũng lẳng lặng xem xét rất kỹ chỗ xảy ra án mạng. Lý Sâm bảo nó:

— Chúng nó ngờ cho mày cùng bọn với những thằng giết người này.

Nói xong, chàng đăm đăm nhìn vào mặt Dũng. Dũng mỉm cười:

— Đúng thế!

— Thế là nghĩa thế nào?

— Bây giờ tôi là người của ông, tức là tôi cùng bọn với những người của ông. Thế mà chính người của ông lại giết người của ông.

Chàng sửng sốt. Sửng sốt, không phải vì cái ý nói trên táo bạo, sửng sốt, chính vì một thằng bé đã tìm ra ý ấy. Cái ý mà chàng đã tìm ra từ nãy để tỏ rõ ánh sáng trong vụ này. Muốn thử nó, chàng hỏi vặn:

— Sao mày biết người của tao lại giết người của tao?

— Bởi vì chẳng có người lạ nào đến cả. Kẻ giết người là người ở trên đảo và hiện còn trên đảo. Ông trông những vết chân kia: có vết nào ra đến mặt nước đâu? Chỉ có những vết ở bên trong cái xác mà thôi. Ông lại trông vệt nước kia!...

Lý Sâm nhìn theo một vệt nước thấm ướt mặt đất, đi vào trong đảo. Dũng tiếp:

— Tôi chắc kẻ giết người, giết người này xong, đi lối ấy.

Lý Sâm mỉm cười:

— Mày bé thế nhưng còn lanh lợi hơn thằng Mã Tùng bụng phệ kia đấy!

Chàng ra lệnh đi theo vệt nước. Qua một quãng đường dài, chúng đến một trái núi nhỏ. Vệt nước cứ mờ dần, rồi biến hẳn. Những người đầu tiên, vòng lại phía sau trái núi, bỗng cùng kêu lên một tiếng ngạc nhiên. Họ thấy một cái xác đàn bà, tóc sũ sượi, quần áo ướt đẫm nằm sóng sượt trên bãi cỏ. Chẳng thấy bóng một hung thủ nào.

Mọi người ngơ ngác, chẳng hiểu sao. Lý Sâm vẫn bình tĩnh, lại gần cái xác xem. Bỗng chàng đứng phắt lên, mặt hầm hầm:

— Mã Tùng!

Kẻ bị gọi lại trước mặt chàng, đứng thẳng người, đợi lệnh...

— Anh lùng bắt cho được Thạch Bình...

— Bẩm chủ tướng!...

— Không cần nói dài lời gì nữa! Anh đã hiểu cái lệnh của ta rồi?

— Bẩm, hiểu.

— Vậy là đủ lắm.

Chàng quay mặt lại những người kia:

— Hai anh nào đi lấy ngay một tấm ván lớn và mấy cái đòn khiêng!

Chỉ mấy phút sau đã có đủ những thức ấy đem ra. Chàng chỉ vào cái xác:

— Các anh lấy gỗ và đòn buộc thành một cái cáng, khiêng người này về cho ta!