Đại bằng phú  (Thịnh Đường) 
của Lý Bạch, do Wikisource dịch từ tiếng Trung Quốc
Đại bằng phú (大鵬賦) là một tác phẩm của Lý Bạch, được viết dưới hình thức "phú". Tại Giang Lăng, Lý Bạch nghe về Tư Mã Thừa Trinh, một đạo sĩ danh tiếng được vua Đường kính trọng, nên quyết định cùng một người đồng hương tìm gặp. Khi gặp mặt, Tư Mã Thừa Trinh ấn tượng mạnh với phong thái và tư tưởng "vô vi" của Lý Bạch, khen ngợi ông có "tiên căn." Nhờ khích lệ từ Tư Mã Thừa Trinh, Lý Bạch sáng tác Đại bằng phú, ví mình như chim bằng thần thoại để thể hiện hoài bão lớn lao và khát vọng vươn xa trong cuộc đời và sự nghiệp.

Trước kia ở Giang Lăng, ta gặp Tư Mã Tử Vi,[1] đạo sĩ danh tiếng đất Thiên Thai. Người khen rằng ta mang "tiên phong đạo cốt", xứng cùng thần tiên du ngoạn tám phương trời. Nhờ lời ấy, ta soạn nên Đại bằng phú, tự phô bày chí lớn. Bài phú ấy đã lưu truyền khắp nhân gian, người đời chốn chốn biết tới. Song ta lại tiếc khi còn trẻ, chí tưởng chưa rộng, lời ý chưa đủ cao sâu, nên về sau bỏ qua bài ấy. Đọc đến Tấn Thư, thấy bài Đại bằng tán của Nguyễn Tuyên Tử,[2] lòng ta chê rằng lời văn thô kệch. Bởi vậy, ta mới hồi tưởng viết lại, nội dung khác đi nhiều chỗ so với bản cũ. Nay giữ lại trong tay, chẳng dám truyền bá rộng rãi, chỉ nguyện lưu truyền cho con cháu sau này mà thôi.

Lời bài phú viết rằng:

Ông tiên già [núi] Nam Hoa[3] từng bày cơ trời tại chốn Tất Viên;[4] bày luận cao xa, lời lẽ kỳ dị. Ông kể truyện kỳ Tề Hài,[5] nói về con cá nơi Bắc Minh.[6] Ta không rõ nó dài mấy nghìn dặm, tên gọi là Côn. Côn hóa thành Đại Bằng, thân thể ngưng tụ từ cõi hỗn mang. Giũ bỏ vây ở hải đảo, giương cánh nơi cổng trời. [Chim Bằng] lướt qua dòng biển xuân của Bột Hải, sưởi ấm mình dưới gốc cây Phù Tang. [Thân hình] rực rỡ, chói lòa khắp vũ trụ, vượt qua đỉnh Côn Lôn. Mỗi lần vỗ cánh, khói mây mịt mờ, cát bụi tăm tối. Ngũ Nhạc [vì vậy] rung chuyển, trăm sông [vì vậy] ào ạt vỡ tung.

Chim Bằng lao lên trời cao, xuyên phá bầu trời xanh thẳm, vượt qua từng lớp mây, băng qua những đại dương sâu thẳm. Sức mạnh ba ngàn dặm giúp nó cất mình, nhắm thẳng chín vạn dặm trời cao mà bay tới. Lưng của nó sừng sững như núi Thái Sơn, đôi cánh giương dài như những tầng mây trải ngang dọc. [Chim Bằng] quay mình, lúc sáng rực huy hoàng, khi lại tối tăm mờ mịt. Thân thể cường tráng bay xuyên các tầng trời, bay đến cổng trời cao vòi vọi. Gió nổi mây dâng, vung cánh với sấm chớp; mỗi cử động trời rung, núi lắc, biển nghiêng, khí phách oai hùng không ai sánh bằng.

Chân nó quấn cầu vồng, mắt rực ánh nhật nguyệt; cánh giương mạnh, lướt nhanh như cuồng phong. Hơi thở khiến trời đất mờ ảo, lông vũ tung rơi như tuyết bay vạn dặm. Chim ấy từ phương Bắc xa xôi, vươn tới phương Nam; cánh chao mạnh mẽ, gió nổi cuốn lên. Rồng ngậm ánh sáng soi tỏ vạn vật, chim Liệt Khuyết mở đường rực rỡ. Nhìn ba núi lớn tựa hòn đá, ngũ hồ chỉ như chén nước; hành động thần ứng, hành trình cùng "Đạo". Ngài Nhiệm Công[7] thấy liền dừng câu cá, kẻ săn bắn chẳng dám giương cung; người quăng cần, người quên tên, ngửa mặt ngưỡng vọng.

Oai phong chim Bằng lấp đầy sông Ngân, che phủ trời xanh, trải dài bốn phương. Khi Bàn Cổ khai thiên, Hy Hòa đứng bên cảm thán. Chim ấy bay lượn tám phương trời, bóng che nửa cõi bốn biển. Thân hình che ngăn ánh sáng, như khi trời đất chưa phân; bay lượn một vòng, mây tan sương tỏa.

Rồi mỗi nửa năm, nó hạ xuống bên biển; trải cánh dài che trời, hạ thấp xuống mặt đất. Nghỉ ngơi bên ao hồ mênh mông, lướt mình trong sông hồ bao la. Sức mạnh của nó làm sóng dậy, núi lở; thần Ngô rùng mình, thần biển Hải Nhược run rẩy; rùa lớn chạy lùi, cá voi lớn vội vã lướt đi, chẳng ai dám đến gần. Ta cũng chẳng thể lường sức mạnh kỳ dị ấy, đó hẳn là tạo hóa ban cho.

Chẳng thể sánh loài nhạn vàng nơi Bồng Lai, khoe áo vàng váy cúc; hay chim phượng đen Thương Ngô, khoe sắc huyền và vải gấm. Chúng an trú nơi tiên giới, chỉ quanh quẩn ao đầm. Chim Tinh Vệ cần mẫn ngậm gỗ, chim Uyên Ước buồn bã bên chén rượu; gà trời báo sáng bên đào tiên, chim Ô sáng rực dưới mặt trời. Chẳng thể tự do, gò bó theo lẽ thường. Chẳng sánh nổi với chim Bằng bay lượn giữa trời đất, không loài nào sánh kịp; chẳng kiêu ngạo mà hung hãn, thuận thời mà ẩn hiện. So tuổi với gốc trời, uống khí trời mà no lòng; dạo quanh thung lũng, đậu trên đảo lửa.

Bỗng chim hiếm[8] hiện ra mà nói rằng:

– Vĩ đại thay chim bằng! Đó là niềm vui của nó. Cánh phải ta che phủ phương Tây, cánh trái che khuất phương Đông. Ta bay khắp mặt đất, xoay vần giữa trời; làm tổ trong hư không, sân chơi giữa trời cao. Ta gọi ngươi cùng bay, ngươi cùng ta mà lướt!

Chim Bằng nghe liền đồng ý, vui mừng cùng đi. Hai loài chim lớn bay lên cõi trời, để loài chim sẻ chỉ dám đứng bờ bụi mà mỉa mai.[9]

   




Chú thích

  1. Tư Mã Tử Vi (司馬子微): Chỉ Tư Mã Thừa Trinh.
  2. Nguyễn Tuyên Tử (阮宣子): Chỉ Nguyễn Tu, là đại thần và danh sĩ thời Tây Tấn.
  3. Nam Hoa lão tiên (南華老仙): Chỉ Trang Tử.
  4. Tất viên (漆園), là tên một khu vườn trồng cây cóc kèn (Derris trifoliata), nơi từng được cho là chỗ ẩn cư của Trang Tử.
  5. Tề Hài (齊諧): Sách ghi lại các chuyện quái lạ thời Tiên Tần.
  6. Bắc Minh (北溟): Chỉ biển lớn ở phương Bắc.
  7. Nhiệm Công (任公): Thường được cho là nhân vật hư cấu hoặc mang tính biểu tượng trong văn học cổ điển Trung Quốc, được nhắc đến trong các tác phẩm của Trang Tử. Ông xuất hiện như một người ẩn sĩ hoặc triết nhân sống cuộc sống tự tại, thường ẩn cư và không màng danh lợi. Trong bài thơ Thất lý lại của Tạ Linh Vận trong Văn tuyển có câu: "Mắt thấy khe suối của Nghiêm Tử, tưởng tượng đến Ngài Nhiệm Công đang câu cá." Trương Tiển chú giải: "Nhiệm Công Tử là một người đắc đạo, dùng lưỡi câu lớn, dây câu to để câu cá tại Đông Hải."
  8. Hi hữu điểu (希有鳥): Là một loài yêu quái trong truyền thuyết thượng cổ Trung Quốc. Thần dị kinh có viết: "[Núi Côn Lôn] có một loài chim lớn tên là hi hữu, cánh trái che phủ Đông Vương Công, cánh phải che phủ Tây Vương Mẫu, trên lưng có một vùng nhỏ không có lông, rộng đến một vạn chín nghìn dặm. Hằng năm, Tây Vương Mẫu đi lên cánh của loài chim này để gặp Đông Vương Công."
  9. Hình tượng chim sẻ trong văn học và văn hóa cổ đại thường được sử dụng để biểu thị sự nhỏ bé, hạn chế, và tư duy tầm thường hoặc tầm nhìn hạn hẹp, trái ngược với những sinh vật vĩ đại và phi thường như chim bằng.


   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 
 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


 

Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.