Đài gương truyện của Tản Đà
30. — Vợ Tiếp-Dư nước Sở

妻輿接楚

30. — VỢ TIẾP-DƯ NƯỚC SỞ

Ông Tiếp-Dư, người nước Sở, cùng đời với đức thánh Khổng, người hiền tài mà ý khí khác đời, cho nên đời gọi là “Sở cuồng[1].”

Ông Tiếp-Dư ở nhà đi cầy, vua nước Sở sai sứ-giả đem một trăm lạng vàng, hai cái xe tứ-mã đến để đón ra làm quan, nói rằng:

— Vua muốn mời Tiên-sinh ra trị giúp đất Hoài-Nam.

Tiếp-Dư cười mà không giả nhời. Sứ-giả không được nói truyện, rồi đi ra.

Vợ Tiếp-Dư ở chợ về, hỏi chồng rằng:

— Tiên-sinh từ lúc trẻ vẫn chuộng làm điều nghĩa, nay có nhẽ gần già mà nhãng chăng? Vết bánh xe ở ngoài cổng sao mà sâu đến thế?!

Chồng nói: — Vua nhầm tưởng ta là hiền tài, muốn sai ta coi trị đất Hoài-Nam, có sai sứ-giả đem vàng và xe ngựa đến đây đón.

— Chừng nhận nhời rồi chăng?!

— Sự giầu sang, người ta ai cũng muốn. Mình sao như ghét ta nhận cái đó như?

— Phàm đã gọi con người nghĩa-sĩ, chí làm sao, không vì cảnh nghèo mà truyển dịch; nết như sao, không vì thân hèn mà đổi thay. Thiếp tôi hầu Tiên-sinh bấy lâu, cầy lấy để mà ăn, dệt lấy để mà mặc; ăn no mặc ấm, cứ đường phải mà làm, nghĩ như thế cũng đã là đủ vui. Nay nếu bằng nhận lương to của người ta, đi xe ngựa của người ta, mà rồi định chỗ đó ra làm sao?!

— Ta không nhận nhời đâu.

— Vua sai mà không theo, không là trung; theo ra, lại không phải, không là nghĩa. Chẳng thà bỏ đi xong.

Vậy rồi chồng khuân nồi niêu, vợ mang go suốt, đổi tên đổi họ, đem nhau đi thật xa. Chẳng ai còn biết là đi đâu.

Kẻ dịch có nhời bàn chung tại bài thứ 33 ở sau

  1. Nghĩa là người cuồng-sĩ ở nước Sở.