Đài gương kinh của Tản Đà
7. — Chức-nghiệp

7. — CHỨC-NGHIỆP

1• Nghĩa chữ chức-nghiệp

Con người ta, lúc lên năm, lên sáu, nương dưới gối bố mẹ, cơm no áo ấm, ăn, ngủ, chơi, đùa, thật chưa biết đẻ ra đời là một sự phải lo nghĩ. Nhưng không nhẽ trẻ con được mãi, thời tất có lúc nhớn; đã tất có lúc nhớn thời ăn mặc rộng, tình lụy nhiều, tiêu-pha lắm. Của bố mẹ cho cũng có hạn, một đời người đằng-đẵng, biết lấy đâu cho vừa? Vì thế mà tự-nhiên có thân thời phải lo; vì thế cho nên con người ta đều phải có chức-nghiệp.

Chức là chức-phận, tùy cảnh-ngộ của mỗi người mà khác nhau; nghiệp là nghề-nghiệp, tùy chức-phận của mỗi người mà khác nhau. Cửa cao nhà rộng. buôn trăm bán nghìn là chức-nghiệp; đồng tiền buộc lưng, đòn gánh ngang vai là chức-nghiệp. Ruộng mẫu thóc mớ, lo chiêm tính mùa là chức-nghiệp; cấy sương gặt nắng, chân lấm tay bùn là chức-nghiệp. Con tầm lá dâu, sợi tơ cân kén là chức-nghiệp; một ngọn đèn khuya, may thuê vá mướn là chức-nghiệp. Dù sang hay hèn, nhớn hay nhỏ, đều là một nghề lương-thiện ở trong tay, để yên lành cho thân, lo liệu cho nên đời. Đã có thân sinh ra đời, phải nên liệu chức-phận của mình mà tự tìm lấy một nghề-nghiệp.

Người con gái, ăn mặc còn của bố mẹ, mình còn tơ, sớm gương trưa lược, đủng-đỉnh thanh nhàn, hai chữ chức-nghiệp như cũng chưa cần lắm. Chưa cần cho lúc làm con gái mà cần cho sau lúc có chồng con. Cần cho sau lúc có chồng con, nhưng đợi có chồng con mà mới lo thời lo đã muộn. Cho nên người con gái, ngoài các phận-sự thường, phải nên lấy chức-nghiệp làm trọng, kíp nên lấy chức-nghiệp làm cần.

Phương-ngôn: Có làm thì có ăn

DẪN TRUYỆN. — Các nước văn-minh ngày nay, đều lấy đường chức-nghiệp làm trọng. Trong nước Hoa-Kỳ có lập một cái hội, gọi là Hội chức-nghiệp, để cho các học-trò giai gái ít tuổi trong nước, ai muốn vào thời vào. Một hội chia làm hai sở nhớn để coi sóc công việc. Công việc trong hội thời như làm vườn, ruộng; nuôi trâu, dê; dệt vải, vóc, làm các thứ đồ dùng ở trong nhà và các đồ ăn hộp. Các học-trò vào hội đều góp tiền, đến ngày chủ-nhật, ngày nghỉ hè, đều phải chân tay làm cả. Hiện số vào hội đã hơn 300,000 người. Các học-trò nhớn bây giờ, tiền lương ăn để học không phải phiền đến của nhà mà đều lấy ở cái lợi ích góp tiền vào hội từ khi bé.