Đài gương kinh/32
32. — ĐỐI VỚI CON
4°. — Gả chồng cho con gái
Đẻ ra con gái mà muốn cho có chồng, lòng cha mẹ ai cũng như một. Nghĩa là có đẻ có thương; thương thời lo, lo thời gây dựng cho có nhà, có cửa, cho yên thân. Đã muốn cho yên thân, thời một sự lo đó rất phải nghĩ.
Gả chồng cho con mà kén rể, cũng như lấy vợ cho con mà kén dâu, một bụng tham rất nên phải dăn trước. Một sự gả chồng cho con gái, phần nhiều lại thuộc quyền về đàn bà mà tham-lam cũng lắm cách. Tham chỗ giầu sang, là mong cho con được sung-sướng. Nhưng con nhà hèn mọn mà vào cửa giầu sang, duyên phận đã nhiều bề khinh rẻ; nếu lại gặp phải nơi ít đức, miếng cao lương hồ dễ mà ăn! Tham thách cheo cưới, là muốn cho đám sách được vẻ-vang. Nhưng bên nọ thách bao nhiêu, bên kia tốn bấy nhiêu, hôn-cấu đã dễ ra thù oán; nếu lại tính những đường chuộng lợi, nỗi tình duyên còn được là bao! Bao nhiêu những cái tham đều là để cho con những cái nặng, cái khó, cái đắng, cay, sầu, tủi về sau cả mà lấy gì làm yên thân? Chẳng qua: đồng tiền trắng, lòng đời đen, cho nên tính gần không tính xa. Một chữ tham xưa nay vùi rấp đã bao người, lại e thay cho những kẻ đầu xanh duyên chửa thắm.
Vợ chồng tơ hồng chỉ thắm. Duyên ưa phận hợp thời đẹp lứa tròn đôi; giai tài gái hạnh thời thơm danh tốt phúc. Còn như quê nhà gần xa, của cải giầu nghèo, đám sách to nhỏ, những cái đó không ở trong duyên phận.
Phương-ngôn: Tham thời thâm; Giời đã bảo thầm, thời chớ có tham.
DẪN TRUYỆN. — A. — Phố phủ Vĩnh-Tường cũ, một nhà giầu có một người nàng dâu, thân-phận cũng ngang cùng đứa ở mà chịu bề nghiêm-nhặt lại phần hơn; bà chồng càng cay nghiệt một cách lạ. Người nàng dâu cũng siêng-năng giỏi-giang, hỏi ra, chỉ tội vì khi cưới làm tốn 300 bạc.
B. — Vùng rừng có một làng, xưa nay ít người làm đến chánh, phó-tổng, cho nên người làng lấy sự danh-phận trong hàng tổng làm thèm. Một nhà có con gái, gả lẽ cho một ông quan trong hàng tổng ở làng khác, cũng là một sự nhờ danh-giá. Nhưng nguyên sự lấy lẽ của nhà chồng, chỉ là cần người làm mà muốn đỡ công giả. Cho nên, khi cầy cấy, ngày mùa-màng, người vợ lẽ ấy ở nhà chồng; đến ngày ba tháng tám, công việc ngoài đồng không có mà cái ăn coi trọng thời người đi lấy lẽ lại về ở nhà mình. Nước đời như thế mà kẻ tham vẫn tham.