Đài gương kinh của Tản Đà
27. — Tính-hạnh

27. — TÍNH-HẠNH

4° — Dăn về sự bói, cúng.

Người ta, ai cũng sẵn một lòng muốn cầu phúc mà khỏi họa, đàn bà lại thường thêm một bụng quá tin việc quỉ thần. Bởi thế, sự bói cúng thành một cái hại nhớn ở trong nước.

Cái hại ở sự cúng, không ở sự bói; nhưng phần nhiều bởi bói sinh ra cúng. Đàn bà nước ta nhiều người hay đi bói, hoặc lo người đương ốm mà đi bói, hoặc thương người đã thác mà đi bói, hoặc tự-nhiên vô-cố mà đi bói. Đã đi bói thời là đem một lòng ngờ hỏi thầy bói, thời sẵn một lòng tin tin thầy bói, dẫu thầy bói bảo sao cũng nghe. Miệng thầy bói nói ra thời thường-lề chỉ có mấy điều: Giữ sông nước, đội bát nhang, bốc mồ mả, phải cúng lễ, làm ma chay. Bởi thế mới sinh ra hình-nhân đồ mã, bởi thế mới sinh ra khăn chầu áo ngự, bởi thế mới sinh ra đón thầy đón cốt, rước sư rước mô. Vì thế cho nên nhà đương lành hóa gở, vận đã đen càng rấp, chồng không bảo nổi vợ, con không ngăn được mẹ, mất tình mất hiếu, mất ân mất nghĩa, hao tiền tốn của, nát cửa tan nhà. Con gái đương chính-đính, thường vì thế sinh ra dâm hư; người ốm chưa đến nguy, thường vì thế thành ra điềm chết; kẻ suối vàng dẫu có biết chăng nữa, nên cũng đau lòng xót ruột về gia-sự ở dương-gian[1]. Than ôi! nếu quỉ thần mà không thiêng thời cầu-cạnh lắm cũng vô ích; nếu quỉ thần mà có thiêng thời nhẽ đâu ăn lễ ăn đút, để làm phúc thoát tội cho ai. Chẳng qua, hay tin nhảm lắm thời hại nhiều; còn như họa phúc tự người ta mà sống chết có vận-mạnh.

Phương-ngôn: Bói ra ma

DẪN TRUYỆN. — Phố tỉnh Phú-Thọ, khoảng năm trước về trước, một nhà nghiệp hàng cơm cũng giầu có lịch-sự; người chồng đã già lắm mà vợ còn hơi trẻ, lập ra ban thờ ở nhà trong, đêm đêm đưa người về chầu văn, cửa ngang đóng mà lão ở nhà ngoài. Tà ma dủ tà dâm, cùng làm cho nhà ấy đến lụn-bại thất nghiệp. Gái kia đã chia con, lìa chồng, mỗi người đi một ngả.

  1. Dương-gian — 陽 間 — ở trần-gian.