Ông nội với cháu nội

Thuở xưa có một ông già quá chừng suy yếu đi bước gần không được, đầu gối run rẩy; gần không nghe không thấy chi hết; cái đầu lung lơ khòm xuống trước ngực, răng rụng hết đã lâu; khi ngồi lại bàn ăn, sức lực không đủ mà cầm lấy cái muỗng, một phần đồ ăn đổ xuống khăn trải bàn, một phần nơi miệng nhểu xuống. Sau thì dâu con khó chịu, mới dời ông già để ăn phía sau cái lò hơ trong xó góc nhà; đựng canh rêu trong cái chén cho ông ấy ăn, lại nhiều khi cho không đủ ăn. Ông già đem con mắt ngó nơi chỗ con cái ngồi ăn, thì lấy làm thảm sầu, lụy rơi ròng ròng dọc gò má da dun nhăn nhíu.

Vậy bữa kia hai tay run rẩy bưng không vững cái chén, nó té xuống bể đi. Người dâu la rầy ông già ấy cam lòng than thở chẳng nói đi nói lại chi hết. Khi ấy dâu con mới mua cho ông già một cái vùa bằng gỗ, giá chừng một đôi tiền cho ông ấy đựng đồ ăn. Lúc đó thằng cháu nội ông già, mới có bốn tuổi, ngồi xó góc bếp, dụm một ít tấm ván nhỏ làm đồ chơi. Cha nó thấy thì hỏi rằng: “Làm chi đó vậy, con? — Thằng con thưa rằng: tôi làm một cái máng nhỏ! Để khi tôi lớn khôn, tía má già cả đựng trong máng đó mà ăn.”

Khi ấy hai vợ chồng nhìn ngó nhau một hồi, rồi tuôn nước mắt. Từ đó sấp về sau, vợ chồng đem cha già ngồi lại ăn chung một bàn; khi ông ấy có làm đổ một chút một đỉnh[1] canh trên bàn, thì người dâu lau chùi chẳng dám nói chi hết.

   




Chú thích

  1. Một chút một đỉnh: một chút đỉnh, vài miếng.