Ông Phan Khôi sẽ nhận có quốc học

Ông Phan Khôi sẽ nhận có quốc học  (1932) 
của Nguyễn Trọng Thuật

Bài đăng trên Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, số 3318 (6.1.1932); số 3320 (8.1.1932) và Ngọ báo, Hà Nội, số 1327 (16.1.1932)

LTS − Một kỳ trước, bản báo đã đăng dùm ông Lê Dư một bài nói về quốc học, tranh luận với ông Phan Khôi, nay lại tiếp được bài ông Nguyễn Trọng Thuật cũng về vấn đề quốc học, trả lời một bài Bất điều đình của ông Phan Khôi. Xét ra vấn đề này cũng có khí to lớn, cuộc tranh luận cũng là chính đáng, nên bản báo đăng dùm bài này, phải trái hay dở đã có tác giả chịu trách nhiệm. Bản báo đồng nhân xin nói trước rằng: Về vấn đề này chúng tôi chưa lưu tâm khảo cứu nên chưa thể phán đoán bên nào phải bên nào quấy cả, xin giữ trung lập. − T.N.D.B.

Ông Phan Khôi đăng bài Bất điều đình ở báo Đông tây, Hà Nội ngày 19 Décembre 1931 để phản đối lại cái đầu đề bài diễn thuyết của tôi là Điều đình cái án quốc học.

Cái án tranh biện về quốc học có với không, ông Phan Khôi thủ xướng lên và chủ trương về bên không. Nay được tin bài diễn thuyết của tôi điều đình về việc ấy, ông không nhận, ông nói "bất điều đình" là không nhận cho ai điều đình. Ông cho rằng tranh biện về học vấn là có ích mà điều đình đi là ngăn trở thì dở và có hại. Điều đình lại có tính hèn là chiết trung, một bên nói đen một bên nói trắng, kẻ điều đình sợ khó không dám ngả về bên nào bèn nói xám xám. Cho được đáp lại những lời ấy sẽ nói xuống dưới đây tôi hãy nói cho biết thế nào là ông Phan Khôi sẽ nhận có quốc học. Mà nhận là phải.

Đoạn đầu bài Bất điều đình ông Phan Khôi cho rằng nói không có quốc học là một thuyết "cực đoan". Phàm nói cực đoan là có lợi vì nó sẽ sinh ra chân lý. Ông Phan Khôi nhận lời nói của mình là "cực đoan", thế tức là ông ám nhận có quốc học rồi. Bởi vì "cực đoan" là nó vẫn ở trong một giới hạn ấy, chỉ vì nó đứng vọt về một đầu cùng nọ hoặc một đầu cùng kia như hai đầu cùng cái đòn gánh mà thôi. Như là nói về "tính người", Mạnh Tử nói "tính thiện", Tuân Tử phản lại nói "tính ác". Tính thiện với tính ác đều là cực đoan mà vẫn có tính. Nay ông nhận lý thuyết của ông là cực đoan về quốc học, thế không phải là ông đã nhận ngầm có quốc học rồi dư?

Nếu hẳn cực đoan thì có ích thật. Như là Mạnh Tử nói tính thiện thì ông phải chứng cho người ta biết thế nào là tính thiện, Tuân Tử cũng phải có chứng thế nào là tính ác. Đủ chứng rồi thì thuyết ấy đứng được, mà đều thêm chân lý ra cho cõi học cả. Lại như đối với thuyết quốc học của ta mà muốn đứng về hai cực đoan thì bên này phải nói "quốc học toàn hủ", bên kia phải nói "quốc học toàn mỹ"; toàn hủ toàn mỹ đều là cực đoan ở trong quốc học, rồi thế nào là cái chứng toàn hủ toàn mỹ thì lôi ra. Thế là có ích cả.

Ấy cực đoan thì có ích là như thế, còn như trước mà ông nói "nước ta không có cái học đáng gọi là quốc học", "không có" thì không phải là cực đoan. "Không có" thì còn phải tìm chứng gì để căn cứ cho cái "không có" nữa mà có ích. Bên có kia mà có lôi trời đất thánh thần chi chi ra thì chỉ bác đi một chữ "không" là đủ. Thế là không những không cầu ích được ở bên không, mà đến bên có dù có cái gì là có cũng cụt. Lại còn không cho đem văn thơ ra làm quốc học, rồi đánh đố tìm thế nào cho ra quốc học nữa kia. Coi đó thì nói "không có quốc học" không phải là cực đoan của quốc học, là xóa đi chứ không phải là tranh để làm thêm ích lợi ra. Thế thì không những vô ích mà lại có hại.

Có người thì có học, có nước thì có quốc học. Quốc học chỉ là nghiên cứu cho biết đích những cái về cỗi rễ của nước mình, sao lại còn phải cãi nhau rằng có với không nữa. Cho nên tôi cho cái câu hỏi "nước ta có quốc học hay không?" làm sao mà nó ngô nghê thế. Tôi không biết nhiều tiếng Pháp, nhờ ông nào thử dịch hộ câu ấy ra tiếng Pháp xem có xuôi tai không. Đã biết nói "nước ta" sao lại hỏi "có quốc học hay không"? Có muốn hỏi thì hỏi "Quốc học ta hay hay là dở". Song có dở thì cũng chỉ là ở chỗ vụng biên tập kết cấu mà thôi chứ bản chất của nó thì sao có là dở. Hay là muốn hỏi rộng ra nữa thì hỏi "Nước ta có đại triết học hay là khoa học[1], v.v... không?". Một nước mà về triết học hay là khoa học chưa từng có một đại gia nào cũng nhiều, chứ không có quốc học thì vô hữu thị xứ (không có chỗ ấy). Ấy thế mà cứ cãi nhau mà cứ hỏi nhau thì có lạ không? Độ hơn tháng nay báo Đông tây ở Hà Nội có đăng một bài ca trù về cuộc bàn về quốc học, tôi quên tên người và số báo, chỉ có nhớ hai câu Bốn nghìn năm dâu bể bao lần, nước văn hiến mà dân vô quốc học. Người làm bài ca đó cũng vì sốt ruột đợi mãi, không thấy rõ "không" với "có" là thế nào.

Một cuộc tranh luận có hại mà lại ngô nghê như thế, truyền bá ra khắp dân gian, nhao nhao hỏi cãi. Vậy thì kẻ thứ ba mà cũng đồng ảnh hưởng lợi hại nào đấy thì thế nào không phải can thiệp vào. Vì thế mà có điều đình.

Nay xin nói về nghĩa điều đình của tôi. Nghĩa điều đình của tôi nó khác cả với những nghĩa mà ông Phan Khôi đã giảng cho nó. Kẻ điều đình thấy cái tình hình cuộc tranh biện đã như trên mà có cái ảnh hưởng về sự hại chung. Mà xét ra, thấy ông Lê Dư đem cái danh từ quốc học nghĩa mới của Nhật Bản xướng lên cho học giới ta ngày nay là hợp thời còn việc của ông làm có sơ suất thì đính chính lại có khó gì. Lại thấy ông Phan Khôi đã từ lâu chưa hề đợi ai hô hào, mà nào ông xem sách bên Giáo mà bổ khuyết cho quốc sử, nào giải nghĩa cho từng tiếng quốc ngữ một, nào tìm trong phong dao ngạn ngữ mà biết sự sinh hoạt của người đàn bà cổ Việt Nam. Thế thì ông Phan không phải là một nhà quốc học giả bậc khá đấy dư? Là nhà quốc học giả mà lại bảo không có quốc học, thế không phải là lầm dư? Mà sở dĩ lầm là chỉ vì cái danh từ quốc học mới xướng lên kia nó không có giới thuyết và định nghĩa rõ ràng mà khiến nên.

Vậy thì trước khi tham dự vào mà nói "có" phải phân tích cho khám phá hai cái lầm đó ra, và yêu cầu cho bên "không" cũng nói "có" đã. Rồi bấy giờ ta quay ra, nào ai vụ thực nào ai cực đoan, thế nào là quốc học toàn mỹ hay là toàn hủ, tìm tòi ra, phê bình đi, đem tinh thần bút lưỡi ra mà cùng nhau trì sính tung hoành, tranh tinh đấu nhuệ trong cái "có" ấy mà không thú dư. Ai không đủ sức hay là cho cái quốc học ta nó làm xấu lây đến mình thì thôi. Chứ cứ kẻ nói có người cãi không, thế là chối, là xóa, là phá đám, còn lấy gì làm ích với lợi. Ấy nghĩa điều đình của tôi là thế, là yêu cầu cho cuộc vô lý "thủ nào" ấy thôi đi mà gây nên cuộc cạnh tranh tiến bộ đó.

Bài này biện đáp với bài Bất điều đình của ông Phan Khôi nên phải có cách nói đối đãi cho vỡ vạc ra như thế chứ ở bài diễn thuyết thì tôi chỉ kể qua cái lý do sự lầm ấy vài trang, tuyệt không có giọng khách khí gì, còn thì toàn bài là khảo cứu. Biết rằng điều đình suông đối với biện luận suông thì vô bổ, tôi phải bày ra cho rõ quốc học về nghĩa đan thuần thế nào, ở nước người ta nó thế nào, ta có những gì. Thế giới công học hoặc gọi quốc học về nghĩa rộng là gì, so với đồng thời đồng học thì ta làm được những gì, chỗ nào tin thì đoán, ngờ thì tồn nghi, chứng dẫn kỹ càng. Chưa biết các bậc bác nhã sẽ coi tới mà chỉ giáo cho ra sao. Thực thì bài ấy sẽ để làm cái đụn rạ để chịu lấy những cái tên đang ngẩn ngơ tìm chỗ bắn ở trong trường tranh luận về quốc học. Thế thì bài ấy là điều đình một cách cương quyết chứ không phải là chiết trung, không phải y-a dựa vào một bên nói đen một bên nói trắng, mà kẻ điều đình nói xam xám đâu, ngả hẳn bên "có" rồi chứ không phải là không dám.

Ông Phan Khôi tuy phản đối không nhận lời điều đình của tôi, nhưng ông nói lý thuyết của ông là đứng về "cực đoan" của cuộc tranh luận quốc học thì có lợi, thế tức là ông đã ám nhận có quốc học rồi đó, tôi rất phục ông ở chỗ ấy. Tôi nói thế cũng không phải là vũ đoán. Xin mừng cho quốc học.

NGUYỄN TRỌNG THUẬT

   




Chú thích

  1. Về nghĩa hẹp (nguyên chú của tác giả)