Bất điều đình
Bất điều đình!
Ấy là một cái danh từ mới, cũng là một cái khuynh hướng mới, tôi xin lập nó lên để phản đối và phá bỏ một cái tâm lý dở, một cái tục hủ giữa đám sĩ phu ta từ xưa đến nay, là hay điều đình, bất kỳ gặp việc gì cũng ưa điều đình.
Nhân vừa rồi, tôi ở Sài Gòn được tin Hà Nội vào cho hay rằng ông Nguyễn Trọng Thuật vừa mới diễn thuyết tại Hải Dương, đầu bài diễn văn của ông là Điều đình cái án quốc học, mà tôi phát ra cái việc trên đó.
Cái án quốc học, tức là câu chuyện cãi nhau trên báo về nước ta có quốc học không, xảy ra mấy tháng trước đây. Những người can liên vào câu chuyện ấy là các ông Phạm Quỳnh, Lê Dư, Trịnh Đình Rư, mà cũng có tôi nữa. Vậy thì hôm nay tôi viết bài này, chắc khỏi bị quở là đường đột, vì tôi chỉ kế tục cái quyền phát ngôn của tôi từ trước.
Về bài diễn văn của ông Nguyễn Trọng Thuật, tôi chưa kịp thấy, cho nên chẳng biết trong đó nói những gì. Tuy vậy, chỉ mới nghe nội hai chữ điều đình mà thôi, tôi dám quyết rằng không có giá trị; mà dầu có đi nữa thì cái giá trị cũng chẳng là mấy.
Sao vậy?
Bài ấy dẫu chưa rõ nói gì, chỉ thấy cái đầu đề nó mà biết rằng cốt để điều đình đó thôi, hòa giải cái sự tranh nhau của hai bên đó thôi, như vậy thì có ích lợi gì với cái bản thân của vấn đề quốc học đâu? Phăng tận gốc mà nói, nên tôi mới dám nói là không có giá trị.
Nay nếu nói bài diễn thuyết của ông Nguyễn là vô giá trị mà kỳ thực tôi chưa đọc nó, thì thế nào cho khỏi người ta kiện tôi là vũ đoán? Bởi vậy tôi xin xây qua mà nói cái việc làm của ông là vô giá trị mà thôi, bởi nó là việc điều đình. Phàm việc điều đình đều là việc vô giá trị.
Việc điều đình, theo một phương diện mà nói, thì nó là vô giá trị, mà theo một phương diện khác mà nói, thì nó lại là có hại nữa, cho nên tôi phản đối. Tôi không phản đối gì ông Nguyễn Trọng Thuật, tôi chỉ phản đối cái việc điều đình ấy và tất cả mọi việc điều đình xưa nay.
Tôi xin hô lớn lên rằng: Bất điều đình! Mọi việc trong thế gian, nhất là việc học, ai muốn ngả về mặt nào thì ngả, chẳng có điều đình gì hết; cũng không ai cầu ai điều đình làm gì.
Sĩ phu ta xưa nay đã thâm nhiễm cái thuyết trung dung hay là chấp trung. Do thuyết đó đẻ ra cái thuyết điều đình, tức trong tiếng tục ta hay nói là: bẻ hom tranh[1], hoặc là đứng cửa giữa. Chấp trung hay là điều đình cũng vậy, cả mẹ con nhà nó ở nơi nào hoặc trong việc nào thì còn có ích lợi, chứ ở xứ ta, trong việc học thì nó sẽ làm hại cho ta lắm, ta phải tống cổ nó đi.
Đại phàm sự học nhờ ở sự cực đoan mà mới có tiến bộ. Nói về triết học, ai khuynh hướng về duy tâm thì cứ duy tâm đi; ai khuynh hướng về duy vật thì cứ duy vật đi. Mỗi một bên đều cứ theo chỗ mình tin tưởng, dựa vào luận lý học mà phát huy nghĩa lý cho tới cùng, như vậy, nền triết học mới càng ngày càng chói sáng thêm. Học giới bên Tây sở dĩ tấn tới mau lắm là nhờ đi theo con đường đó.
Xứ ta xưa kia chưa có cuộc tranh nhau trong sự học, nên không thể cử được một vài cái lệ (exemple) nào ra đây( )[2]
Tôi dám nói cái tư tưởng điều đình đó là cái tư tưởng truyền thống (traditionnel) của người Việt Nam chúng ta. Nó bởi cái thuyết chấp trung đẻ ra đã đành rồi; song vì cớ nào người ta lại ưa thích nó, điều đó tưởng cũng nên xét cho biết.
Điều đình là việc rất dễ, mà người mình sẵn có cái tính quen hay hà rứa, hay làm lấy rồi, tự nhiên ưa cái thuyết điều đình, bởi nó dễ. Thật thế, một bên nói trắng, một bên nói đen, nó tương phản đến bậc nào, nếu mình ngả về một bên, thế tất phải tìm cho ra lẽ để chứng tỏ sự trắng hay đen đó, nó mệt lắm; chi bằng ta ở cửa giữa, nói nó vừa trắng vừa đen, hay là không ra trắng cũng không ra đen, thì có phải khoẻ hơn không? Thật, trong thiên hạ chỉ có việc điều đình là việc khỏi tốn công phu gì hết, bởi vậy mà nó cũng không có giá trị.
Thứ nữa đến cái lẽ: điều đình thì khỏi mích lòng ai, cho nên người ta ưa. Hễ cực đoan về một mặt nào thì phải phản đối với bên địch, như vậy làm mích lòng họ, không tốt; điều đình thì bên nào cũng có lẽ phải, không mích lòng bên nào.
Cuối cùng là cái thuyết điều đình nó hợp với cái tính tự đại của người ta, chỗ này làm cho người ta ưa nó còn hơn những chỗ khác nữa. Giữa đám đánh nhau, có người ra điều đình, người ấy khi nào cũng được thể diện. Người điều đình tự coi, hay là người ngoài coi, cũng như là một người kẻ lớn, người cầm cân nẩy mực; mà cái chức kẻ lớn, cầm cân nẩy mực đó, ai cũng muốn làm.
Cứ như trên đã xét thì bổn thân cái sự điều đình thật đã là vô vị, mà những cái tâm lý hợp với nó đều là cái tâm lý hèn. Người ta mà ưa làm kẻ điều đình là chỉ vì có ý sợ khó, có ý chiều đời, có ý thích làm lớn; bằng không có những ý đó thì bổn thân cái thuyết điều đình chẳng đứng một mình được, vì nó vừa đen vừa trắng, hay là không đen không trắng, dễ nói quá, mà chẳng có ý nghĩa gì.
Đen hay trắng? Muốn nói đen thì lấy chứng nghiệm mà nói đen đi! Muốn nói trắng thì cũng lấy chứng nghiệm mà nói trắng đi! Tôi không cầu ông kẻ lớn nào đem cái xám xám mà nói với tôi làm chi.
Nước ta có quốc học không? Có hay không? Ông Nguyễn Trọng Thuật nói về mặt nào thì nói, điều đình làm chi? Mà ai cầu ông điều đình?
Chúng tôi tranh nhau để tiến bộ. Ông Nguyễn Trọng Thuật ra tay điều đình, ấy là làm trở bộ đó. Chẳng những không cầu mà còn phản đối nữa, tôi bèn hô lên: Bất điều đình![3]
Phan Khôi
Chú thích
- ▲ Hom tranh là cái thanh tre nhỏ dùng để bện cái tranh. Cái hom ấy phải gấp lại chính giữa, hầu cho hai đầu bằng nhau.
- ▲ Bản gốc để dấu chấm chấm liền 3 dòng, hẳn có một đoạn bị lược bỏ.
- ▲ Lưu ý: bài này đăng báo Đông tây (Hà Nội) trước; đăng báo Trung lập (Sài Gòn) sau; giữa hai bản đăng báo có những sai biệt nhỏ (ví dụ chả/chớ; nhân/nhơn ) có thể do thợ sắp chữ ở từng miền. Nhưng đáng nói là bản đăng báo Trung lập thiếu vài đoạn nhỏ so với bản đăng Đông tây, đồng thời đảo lộn một vài đoạn nhỏ so với bản đăng Đông tây. Vì vậy bản ở sưu tập này theo bản đăng báo Đông tây.