Ái tình miếu/Chương 8
Phúc đi Sài Gòn về, thì liền thưa cho mẹ hay rằng bữa chúa nhựt sẽ có vợ chồng giáo sư Trường với cô Lý lên chơi. Bà giáo Viễn hỏi cô Lý là ai, thì Phúc cắt nghĩa cô ấy là chị em bạn của vợ Trường, hôm đi Đà Lạt có cô đi nữa. Bà giáo thấy con trước kia không ưa đờn bà con gái, mà bây giờ lại rước khách phụ nữ, thì bà lấy làm lạ, song bà không nói ra, thầm tính để dọ ý con coi có phải nó đã đổi tánh hay không. Nếu thiệt quả nhờ giáo sư Trường khuyên giải mà con bà đổi ý, chịu cưới vợ, thì bà mừng lắm vậy.
Mấy bữa rày bà giáo Viễn biểu bạn, đứa quét trong nhà, đứa dọn ngoài vườn cho sạch sẽ. Bà lại sai người kiếm vịt mập gà tơ mà mua sẵn đặng để dành đãi khách. Còn Phúc mỗi ngày cứ đi rảo ngoài vườn, kiếm coi những trái cây nào chín, những trái thơm nào già rồi ghi nhớ đặng chúa nhựt hái mà đãi bạn Sài Gòn.
Phúc lại gia công dọn dẹp cái nhà mát ở phía sau vườn, là chỗ hôm nọ Trường thích hơn hết, biểu bạn lau bàn sạch sẽ, đem ghế thêm mà để cho đủ 4 cái, lại để ít cái ly đặng múc nước dưới suối mà uống hoặc rửa tay rửa mặt cho tiện.
Đến bữa chúa nhựt, mới tảng sáng thì Phúc đã thay y phục rồi, mặc quần kaki vằn, mặc áo sơ mi cũng kaki, chơn mang giày cao su xám, bộ coi gọn gàng lắm.
Tuy vậy mà bà giáo không vừa ý nên bà nói:
- Có khách Sài Gòn mà con mặc đồ như vậy coi sao được. Con có đặt may mấy bộ đồ Tây mới, sao con không lấy ra mà bận?
- Con ở chốn vườn rẫy thì phải mặc y phục theo vườn rẫy, chớ mặc đồ tốt sao được. Đồ tốt đó để khi nào đi xuống Thủ Dầu Một, hoặc xuống Sài Gòn sẽ bận.
- Có đờn bà con gái, con phải ăn mặc cho tử tế chớ.
- Người ta kính trọng mình là tại cái gì, chớ có phải tại y phục đâu. Nếu người ta vì y phục nên kính trọng thì con không màng sự kính trọng ấy.
- Tánh ý con khác hơn người ta quá. Thôi, con làm sao tự ý con, má không cãi nữa. Bây giờ má hỏi con vậy chớ con có coi rượu chát còn mà đãi khách hay không?
- Thưa còn. Rượu cũ ở nhà còn ít chai. Mà hôm đi Sài Gòn con có mua thêm
một chục chai nữa, khách uống sao cho hết.
- Rượu tốt hôn?
- Thưa, tốt lắm.
- Đồ ăn má sắp đặt xong rồi hết. Má cũng đã có sai bầy trẻ lên chợ mua thịt heo sốt rồi nữa.
- Mình ở vườn, khách tới thì mình đãi đồ theo vườn, cần gì má phải lo lắm.
- Khách Sài Gòn mình phải đãi kha khá một chút, chớ đãi theo khách vườn họ ăn sao được, con.
- Anh em bạn của con, chớ phải quan quyền gì hay sao mà má ngại.
- Anh em bạn cũng vậy chớ, người ta tuởng mình nên lên thăm chơi, con phải tiếp đãi cho tử tế.
Hai mẹ con nói chuyện tới đó, kế nghe có tiếng xe hơi ở phía Thủ Dầu Một chạy lên. Phúc ngó ra ngoài lộ thì thấy xe của Trường. Vì Trường đã quen chỗ rồi nên chuyến nầy biểu sớp phơ chạy thẳng vô sân mà đậu.
Phúc bước ra tiếp chào. Truờng mở cửa xe leo xuống trước. Cô Mỹ với cô Lý tiếp theo sau. Hai cô mặc y phục sắc sảo, lại trang điểm đẹp đẽ, nhứt là cô Lý mặc quần trắng áo xanh, màu áo dọi nước da mặt của cô làm cho sắc cô càng thêm xinh đẹp.
Trường nói với Phúc:
- Hai cô muốn lên thiệt sớm đặng thừa trời mát đi dạo vườn chơi, nên bắt mỏa phải đi hồi 5 giờ khuya.
- Ồ! Tôi không dè hai cô ham vườn đến nỗi chịu cực thức dậy sớm mà đi như vậy.
Cô Lý nói : "Anh Phúc nầy, anh Trường gạt em, anh nói Bến Súc xa lắm, 6 giờ đi mười giờ mới tới, tại vậy nên em biểu phải đi khuya. Té ra gần quá, có xa đâu. Đường đi có dốc, mà lại có truông (43), phong cảnh xem thiệt là đẹp. Em vui lắm".
Phúc gặc đầu đáp: "Vui theo thú trên nầy. Cái vui ấy khác hơn cái vui ở thị thành; nếu cô biết vui với cái vui nầy thì có lẽ cô ở vườn ở rẫy được".
Cô Lý cười mà hỏi: "Sao anh lại nói như vậy? Người sanh trưởng ở chợ, thì phải ở chợ hoài, không thể ở vườn được hay sao?"
Phúc ngó vợ chồng Truờng mà cười rồi mới đáp: "Người quen thú chợ thì họ không ưa thú vườn. Tôi tưởng cô cũng như họ vậy chớ."
Cô Mỹ rước mà trả lời: "Chị Lý lãng mạn nên tuy ở chợ mà chỉ ưa thú vườn, chớ không phải như họ vậy đâu".
Phúc vui vẻ mời khách vô nhà. Lúc bước lên thềm, cô Lý ngó qua phía tay mặt, thấy có một cây sầu riêng đơm trái lòng thòng thì cô la lớn: "Ý! Sầu riêng kia kìa!" Truờng nói: "Thì sầu riêng chớ sao. Để vô nhà chào bác rồi sẽ đi coi, cô vội chi lắm vậy".
Bà giáo đứng sẵn tại cửa giữa chờ tiếp khách, Phúc tiến dẫn hai cô cho mẹ biết. Bà giáo vui vẻ nói: "Ông giáo sư dắt hai cô lên chơi thiệt tôi mừng lắm. Mời ông giáo sư và hai cô vô nhà". Bà thấy hai cô hình vóc yểu điệu, mặt mày tốt tươi, tướng mạo dễ thương, y phục lòe loẹt, thì bà nhìn không nháy mắt, nhứt là cô Lý vừa có sắc vừa có duyên, lại tai đeo hai hột xoàn trưu trứu, chói mặt cô sáng rỡ, thì bà mê mẩn muốn ngó cô hoài!"
Chủ khách ngồi yên thì cô Mỹ nói với bà giáo:
- Hôm trước anh Trường lên trên nầy thăm bác, cháu mắc có việc nên đi với ảnh không được, cháu tiếc hết sức. Bữa nay cháu theo ảnh lên chơi đặng biết bác. Ở trên nầy thanh tịnh mát mẻ quá.
- Phải. Ở trên nầy mát lắm. Thằng Phúc tôi về hổm nay nó cứ khen cô giáo sư vui vẻ tử tế, thiệt nó khen không lầm. Cô giáo sư năm nay được bao nhiêu tuổi?
- Dạ cháu được 21 tuổi.
- Còn cô đây?
- Chị Lý cùng một tuổi với cháu.
Bà giáo ngó hai cô rồi cười mà nói: "Hai cô lên nhà tôi chơi thiệt tôi mừng lắm".
Cô Lý nói: "Anh Trường đi lên trên nầy rồi về cứ khoe vườn của anh Phúc. Hôm đi Đà Lạt về, hai chị em cháu xin ảnh dắt dùm lên, trước thăm bác với anh Phúc, sau coi vườn chơi, mà ảnh không chịu dắt đi, đợi tới anh Phúc xuống mời ảnh mới chịu đi đây ".
Bà giáo đáp: "Hai cô lên bữa nay thì biết đường rồi. Vậy từ nay về sau, nếu hai cô có buồn muốn lên chơi, mà ông giáo sư mắc việc đi không được, thì hai cô đi với nhau. Có xe nhà, đi trên một giờ thì tới, có xa đâu."
Cô Mỹ nói: "Thưa phải. Đường không xa. Từ rày hễ buồn thì hai cháu đi, khỏi cậy anh Trường dắt nữa."
Cô Lý nói: "Trời còn mát xin phép bác đặng anh Phúc dắt đi coi vườn chơi". Bà giáo nói: "Được, được. Mà để tôi biểu bầy trẻ làm cà phê uống lót lòng sơ sịa rồi sẽ đi chơi."
Trường và hai cô lật đật cản, nói đã lót lòng hồi khuya rồi mới đi, nên không đói.
Bà giáo mới biểu con dắt khách đi dạo vườn chơi. Phúc dắt hai cô ra sân. Trường cởi áo máng trong nhà rồi theo sau.
Cô Lý phăng phăng đi lại cây sầu riêng cô thấy hồi nãy rồi đưa tay lên mà đếm trái. Đếm rồi cô nói: "Có 16 trái thiệt lớn, không kể trái nhỏ. Có trái nào ăn được hay không, anh Phúc?"
Phúc gặc đầu nói: "Có vài trái ăn được. Để chút nữa, ăn cơm rồi tôi sẽ hái cho cô ăn mà uống cà phê."
Cô Lý liếc ngó Phúc rất hữu duyên và hỏi:
- Anh để dành đợi em lên đặng anh đãi em đó hả?
- Phải tôi để dành cho cô với chị Trường đó.
- Còn mấy cây kia sao không thấy trái?
- Trái chín sớm đã hái hết rồi.
- Vườn anh hết thảy được mấy cây sầu riêng?
- Nội phía trước nầy được 20 cây.
- Có trái anh để ăn hết hay là có bán?
- Ăn sao hết. Họ mua tôi phải bán bớt chớ.
- Nếu em được làm chủ vườn sầu riêng thì em để dành em ăn, chớ em không bán.
Trường cười mà nói:
- Nếu cô muốn làm chủ vườn sầu riêng thì cô năn nỉ xin Phúc để lại cho, rồi chừng cây có trái mặc sức mà ăn.
- Sợ anh Phúc không chịu chớ. Nếu ảnh chịu để lại cho em, thì em xin phép ba em mà mua liền. Em là con sâu sầu riêng mà!
Cô Mỹ thấy dựa mương có một đám cải sà lách với một đám rau thơm, lá lớn đại mà non nhớt, thì kêu cô Lý mà trầm trồ. Cô Lý thấy dọc theo mé lộ có một giồng mía tây (44), cây suôn đuột lại vàng tươi, thì kêu cô Mỹ mà chỉ rồi tỏ ý muốn ăn thử.
Phúc kêu thằng Biện mà nói nhỏ, biểu nó đốn vài cây mía thiệt ngon rồi đem vô nhà róc vỏ cho sạch đặng hai cô dùng.
Trường đã có đi xem một lần rồi, nên bữa nay thấy nữa tuy trong lòng cũng vui song mắt xem không lạ. Cô Mỹ với cô Lý mới được thấy lần thứ nhứt, thấy tương đào thẳng băng chứa nước trong veo, thấy cây trồng ngay hàng sum sê nhành lá, thì trong lòng khấp khởi cứ trầm trồ với nhau hoài.
Trường nói: "Phía trước nầy không có chi lắm mà khen. Ra phía sau rồi thấy cảnh u nhàn, nghe đờn suối, nghe giọng hát ve kia mới khoái lạc. Phúc dắt ra phía sau chơi, toa, mỏa thích phía sau hơn. Bữa nay mỏa có con dao nhỏ theo đây."
Cô Mỹ hỏi chồng:
- Đem theo dao chi vậy?
- Có chỗ dùng. Để lát nữa rồi em sẽ biết.
- Bí mật quá! Đi, đi riết ra phía sau coi. Mấy người dắt nhau đi vòng theo chái nhà mà đi ra phía sau. Cô Lý thấy dài theo chái nhà có một hàng đu đủ, cây nào cũng có trái đầy cổ lại có ba bốn trái chín vàng khè, thì kêu Phúc mà hỏi:
- Anh Phúc, đu dủ chín nhiều quá, sao anh không hái, cho chim ăn hoặc rụng dập còn gì.
- Đu đủ đó tôi cũng để dành cho hai cô.
- Vậy hả?...Cảm ơn.
Trường lấy cây thọc rớt một trái đu đủ nhỏ mà chín, lượm đem để trên một hòn đá, rồi móc trong túi quần tây lấy dao nhỏ ra mà gọt vỏ. Hai cô lại đứng coi.
Chừng gọt rồi, Trường cắt chia cho mỗi cô một miếng. Đu đủ chín cây ngọt và thơm, lại vừa mới mềm, nên ăn ngon lắm. Hai cô khen nức khen nở, nói chừng về mỗi người xin một trái đem về Sài Gòn.
Phúc đem lại đưa cho cô Lý một chùm dâu mà nói: "Dâu miền dưới đây ngọt lắm, cô ăn thử mà coi?"
Cô Lý hỏi:
- Sao anh lại mời em ăn dâu?
- Tôi muốn cô ăn thử.
- Dâu ở đâu mà anh hái đây?
- Cây dâu đó.
Thuở nay cô Lý chưa biết cây dâu, bởi vậy ngó cây của Phúc chỉ cô lấy làm lạ hết sức. Cô lột một trái mà ăn thử còn bao nhiêu thì trao cho cô Mỹ. Hai cô đều khen dâu ngon cũng như khen đu đủ hồi nãy.
Ra tới phía sau rồi, Trường với Phúc để cho hai cô thong thả mà trầm trồ khen ngợi vườn cau, vườn trầu, rẫy thơm liếp trà. Hai cô dắt nhau đi xem trà.
Trường với Phúc xông vô mấy liếp thơm kiếm thơm chín mà cắt. Chừng hai cô ngó lại mới hay họ kiếm thơm, thì bương bả xông qua phụ kiếm với họ. Phúc chỉ cho Trường cắt 6 trái thơm chín rồi xách đem ra. Hai cô ráp lại mà xem rồi chia nhau mà xách.
Trường nói: "Thôi bây giờ đi kiếm chỗ nằm nghe mu-sich mà ăn thơm chơi. Trường ngó cái nhà mát rồi xâm xâm đi lại đó. Phúc với hai cô thủng thẳng đi theo sau. Phúc cắt nghĩa cách đốn trà, cách bán trà cho hai cô hiểu.
Chừng hai cô lại tới nhà mát, thì thấy Trường đã nằm ngửa trên võng, trong nhà có bàn ghế đủ hết. Phúc mời hai cô ngồi. Thằng Biện róc hai cây mía rồi, nên đem ra mà trao cho hai cô.
Trường cản không cho ăn, biểu để ăn thơm rồi mới ăn mía, bởi vì mía ngọt, nếu ăn mía trước rồi sau ăn thơm không ngon.
Phúc lo gọt thơm. Trường chỉ cái suối và chỉ các cảnh đẹp xa xa cho hai cô xem. Bầy ve trong rừng cấm cất lên kêu. Rồi chim cúc trên đầu nhành cũng tiếp mà kêu nữa. Trường nói: "mu-zích của Phúc đánh mừng hai cô đó, nghe chưa?"
Hai cô chưng hửng ngồi lóng tai nghe.
Trường nói tiếp: "Hôm trước tôi nói vườn của Phúc có nhiều thú vị thanh cao, nhàn lạc, chẳng khác nào cảnh tiên. Hôm nay hai cô lên tới đây, hai cô tin tôi hay chưa? Đây là chỗ Phúc nằm đọc sách và ngủ trưa. Nằm đây mà nhìn thảo mộc trước mắt, nghe ve đờn bên tai, đói thì hái trái cây kia mà ăn, khát thì múc nước dưới suối đó mà uống, cảnh đời của Phúc như vầy há chẳng phải là cảnh đời thần tiên hay sao? Người chán đời, hết ham lợi danh, hết trọng tài sắc, nếu thấy cảnh như vầy thì tự nhiên phải mê mẩn. Hôm trước lên đây rồi tôi muốn ở đây hoài, là tại như vậy đó."
Phúc gọt thơm rồi đưa cho hai cô với Trường mỗi người một trái. Cô Lý cầm trái thơm đứng dựa lan can mà ăn. Cô ngó cây xoài lớn, ngó xuống nước trong, ngó cùng trong vườn, ngó mông ra ngoài bưng, trong lòng cảm xúc quá, không muốn nói chuyện nữa.
Ăn thơm rồi ăn tới mía, thơm thì ngon mía lại ngọt, hai cô ăn thứ nào cũng khen dồi.
Trường muốn Phúc dắt đi coi sở mía của Phúc trồng. Phúc sẵn lòng, bèn mời khách lại suối mà rửa tay, rồi dắt trở vô nhà đặng lấy xe hơi mà đi, bởi vì sở mía ở xa, hai cô đi bộ không nổi.
Phúc trồng hơn 10 mẫu mía, nên coi minh mông, lại mía gần đúng lứa, nên xem rất đẹp.
Cô Lý không hiểu cuộc làm ăn trong thôn quê nên hỏi Phúc:
- Mía anh trồng để làm chi mà trồng nhiều dữ vậy anh Phúc?
- Để bán cho họ mua đem về ép nước làm đường.
- Sở mía nầy bán chừng bao nhiêu?
- Có người trả sáu ngàn rưỡi mà tôi chưa chịu bán.
- Cha chả! Bán nhiều tiền dữ há?
- Vốn tôi ra cũng nhiều. Về công làm, về phân, tôi tốn trên ba ngàn. Dầu tốn ba ngàn sở phí cũng còn lời nhiều.
-Thấy cảnh ở vườn em thích quá. Anh Trường nói lên đây rồi muốn ở đây hoài, nghĩ cũng phải lắm.
Phúc coi đồng hồ tay thì đã 11 giờ. Phúc sợ khách đói bụng nên mời trở về nhà đặng dùng bữa trưa.
Bà giáo đã coi cho người nhà sắp đặt bữa ăn xong rồi hết. Đồ ăn cơm thì dọn một bàn lớn ở phía trong, còn trên cái bàn tròn để ở ngoài thì có sáu bảy dĩa đựng đầy nhóc trái cây, nào thơm, nào mít, nào đu đủ, nào sa bô chê, nào vú sữa, nào dâu miền dưới, nào sầu riêng, thứ nào cũng nhiều và cũng tuơi.
Trở về nhà, Cô Lý bước vô cửa, cô thấy bàn trái cây để tráng miệng, thì cô nói lớn: "Chị Mỹ bữa nay tôi mất trí rồi tại sao vậy không biết! Tôi có làm một hộp bánh đem theo đặng cho anh Phúc. Hồi sớm mai lên tới tôi thấy ảnh tôi mừng tôi quên lửng. Hồi nãy lên xe đi ra sở mía, cái hộp bánh sau lưng chỗ mình ngồi đó chớ đâu, mà tôi cũng không nhớ. Tánh tôi tầm phào quá rồi. Chừng tôi có chồng chắc không khỏi bị mẹ chồng mắng chửi."
Nói dứt lời cô vội vã trở ra xe lấy hộp bánh tây bưng vô. Cô để lên trên bàn một chỗ với mấy dĩa trái cây rồi nói với Phúc đương lui cui mở nút ve rượu chát: "Anh Phúc, em lên thăm anh mà chẳng biết anh ưa vật chi, nên em làm đỡ ít cái bánh tây đặng đem theo để làm lễ đi thăm, xin anh vui lòng nhậm lễ ấy, gọi là anh chiếu cố hảo ý của em".
Phúc nghiêm chỉnh đáp: "Cô Lý, cô chẳng nệ đường xa, không khí thôn dã, cô dời gót đến tệ xá, cái ơn hạ cố ấy đã nặng lắm rồi, mà cô còn làm bánh đem theo đặng cho tôi thì nghĩa còn dài nhiều nữa, của cô cho tôi rất vui lòng thâu nhận và lát nữa tôi sẽ dùng mà tráng miệng liền, Tuy chưa ăn mà tôi chắc bánh của cô ngon, ngon hơn bánh của thiên hạ hết thảy."
Người nói người đáp đều có ý giễu cợt song cách giễu cợt ấy có lễ nghĩa, bởi vậy vợ chồng Trường cười ngất, mà bà giáo cũng tức cười, vì thuở nay ở Bến Súc bà chưa từng thấy gái dạn dĩ như vậy.
Cô Lý nói thêm: "Anh cho em trái cây tới hai lần. Anh cho trái thì em cho bánh chớ sao."
Bà giáo hối con mời khách đi dùng cơm, vì đã trưa rồi. Khách lại bàn ăn thấy có bốn chỗ ngồi. Hai cô không chịu, theo nài nỉ bà giáo phải ngồi chung mà ăn. Trường nhắc ghế để trên đầu bàn phía ngoài, rồi mời bà giáo ngồi. Bà giáo muốn vừa lòng khách, nên kêu thằng Biện biểu lấy thêm chén đũa rồi bà ngồi lại đầu bàn. Hai cô ngồi hai bên, rồi Trường với Phúc ngồi tiếp theo đó. Vợ chồng Trường ngồi một phía, cô Lý vói Phúc ngồi một phía.
Hai cô cứ xin lỗi về sự làm cực bà giáo. Bà giáo nói: "Không, không có cực chi hết. Tôi vui lắm, tôi mừng lắm. Nếu mỗi chúa nhựt được hai cô lên chơi luôn luôn thì tôi càng vui nhiều nữa."
Bữa ăn thân mật mà lại vui vẻ lung lắm, cô Lý cứ kiếm chuyện hỏi bà giáo, hoặc chọc ghẹo Phúc, cô nói không ngớt. Bà giáo gắp đồ ép hai cô ăn, bà cứ liếc ngó cô Lý, ngó mặt cô sáng rỡ, ngó miệng cô hữu duyên, ngó mắt cô long lanh, ngó tay cô dịu nhiễu, bà ngó rồi bà thương thầm, bà tưởng trong trí nếu bà được một con dâu như vầy, thì trong nhà bà chắc là vui vẻ lắm.
Ăn cơm rồi Phúc kêu thằng Biện biểu đem cà phê và mời khách ra bàn ngoài đặng ăn bánh tráng miệng. Phúc mở hộp bánh của cô Lý rồi lấy một cái mà ăn. Cô Lý rất vui lòng, cô lựa một cái mà đưa cho bà giáo và mời bà ăn. Bà giáo không từ, cô Lý càng mừng hơn nữa.
Trường nói: "Ê! Hai cô muốn ăn thứ trái cây nào cũng được, tôi xin trừ sầu riêng ra. Sầu riêng phải để dành đặng chừng uống cà phê mình chấm chút mà dống mới có thú vị. „
Bà giáo nói không sao đâu. Ông giáo sư cứ dùng đi. Còn hai trái ngoài cây cũng chín rồi. Ăn có hết, tôi biểu bầy trẻ hái thêm nữa."
Cô Lý cản: "Thưa bác, thôi, đừng biểu hái nữa. Nếu còn thì chừng về cháu xin đem về, chớ hái vô đây anh Trường ảnh ăn hết."
Ai nấy đều cười rộ.
Cô Lý ăn sầu riêng mà uống cà phê, cô cũng thích như Trường, bởi vậy cô khen Trường khéo tìm cách ăn phong lưu cao thượng.
Vợ chồng Trường quen thói ngủ trưa, nên ăn uống rồi Trường liền lại cái ghế bố mà nằm, còn cô Mỹ thì lại bộ ván cẩm lai phía bên nầy tính nghỉ một chút.
Cô Lý thấy cô Mỹ sửa soạn nằm thì hỏi:
- Chị tính ngủ trưa hay sao chị?
- Ăn cơm trưa rồi tôi phải nghỉ một chút.
- Lên vườn chơi mà ngủ trưa nỗi gì. Tôi muốn đi ra sau vườn chơi nữa.
- Chị muốn thì đi đi. Tôi ngủ.
- Thôi anh Trường đi với em.
Trường nói:
- Tôi buồn ngủ lắm. Bây giờ ông Trời biểu tôi cũng không đi được.
Phúc nói:
- Cô Lý còn muốn ra vườn hứng mát, thì tôi dắt cô đi. Ra sau nhà mát nằm nghỉ cũng được.
Cô Lý cười và đáp:
- Thôi, họ muốn ngủ thì để cho họ ngủ. Hai anh em mình đi.
Phúc với cô Lý ra cửa mà đi dạo vườn.
Cô Mỹ hỏi nhỏ bà giáo:
- Bác coi chị Lý tánh nết thế nào?
- Cô vui vẻ, lanh lợi, dễ thương lắm.
- Anh Phúc có thưa cho bác hay rằng ảnh muốn cưới chị Lý hay không?
- Không. Trời ơi! Nó muốn vậy sao được.
- Thưa bác, bác nghĩ sao mà bác nói không được?
- Cô Lý bộ sang trọng quá, có lẽ nào cô ưng thằng Phúc tôi.
- Việc đó không biết chừng. Nếu phải duyên nợ thì con vua cũng lấy thằng bán than được vậy. Mà chị Lý là con của một người buôn bán chớ không phải con vua. Còn anh Phúc là một vị điền chủ có học thức, chớ không phải thằng bán than. Hai người kết tóc trăm năm với nhau cũng vừa, có ai cao, ai thấp gì đâu.
- Thằng Phúc tôi nó có nói với cô nó muốn cưới cô Lý hay sao?
- Thưa, có. Hôm ảnh xuống lần sau, ảnh có tỏ ý đó cho vợ chồng cháu biết và ảnh hỏi coi có nên cưới hay không. Vợ chồng cháu khuyên ảnh phải suy nghĩ lại, bởi vì nếu ảnh cưới chị Lý mà ảnh còn thương cô Hạnh, thì tội nghiệp cho chị Lý. Đã vậy mà anh Phúc với chị Lý tâm tánh bất đồng, lại giáo dục cũng bất đồng, nếu kết vợ chồng thì sợ khó thuận hòa. Tại như vậy nên vợ chồng cháu không dám đốc vô, mà cũng không dám ngăn cản.
Bà giáo ngồi suy nghĩ một hồi rồi bà nói:
- Thằng Phúc tôi nó bị người ta bội ước nên nó thất tình rồi oán tất cả đàn bà con gái, nhứt định không cưới vợ. Nó gần hai ông bà, nhờ hai ông bà khuyên giải, nên bây giờ nó biết muốn vợ, thiệt tôi mừng lung lắm. Tôi thường nói với nó hễ nó đành ai thì tôi cưới nấy cho nó, tôi không kén chọn. Nếu nó cưới được cô Lý thì tôi mừng lắm, ngặt tôi sợ cô không ưng.
Cô Mỹ đáp:
- Việc nầy cháu nói lén cho bác biết, xin bác để bụng, đừng lộ cho anh Phúc hiểu. Bác giả bộ không hay biết việc chi hết, để cho hai người đó thong thả, họ tính lẽ nào tự ý họ.
Cô Mỹ nói tới đó, rồi buồn ngủ quá, nên cô nhắm mắt ngủ khò. Trường nằm trên ghế bố ngủ đã lâu rồi. Bà giáo sẻ lén đi vô cửa sau đứng ngó ra vườn. Bà thấy Phúc với cô Lý đương thủng thẳng đi dọc theo mấy liếp thơm, thế muốn ra chỗ nhà mát. Bà khấp khởi trong lòng, nhắm dạng cô Lý, rồi nhắm tướng con, miệng chúm chím cười.
Trời trưa nắng gắt, nhưng mà nhờ lá cây che phủ, nhờ nước chứa đầy mương, nhứt là nhờ ngọn gió chướng thổi lao rao, bởi vậy trong vườn mát mẻ, chớ không nóng nực.
Cô Lý đi trước bộ hâm hở gọn gàng. Phúc đi theo sau bộ nghiêm nghị suy nghĩ.
Cô Lý thấy một trái thơm lớn thì đứng lại chỉ mà nói:
- Trái thơm lớn quá kia. Ăn được hay chưa vậy anh Phúc?
- Được. Cô muốn ăn thì tôi bẻ cho.
- Thôi, em no quá, ăn hết vô rồi. Hồi sớm mơi mình cũng đi đường nầy phải hôn?
- Không. Hồi sớm mơi mình đi phía bên kia.
Cô Lý ngó quanh quất rồi nói nữa:
- Cái nhà mát kia kìa. Đường nầy cũng ra đó được chớ?
- Được. Cô muốn ra nhà mát hay là đi đâu?
- Đi đâu cũng được tự ý anh. Anh là chủ vườn, anh biết chỗ nào đẹp thì anh đem em đi xem chơi.
- Trong vuờn tôi duy có chỗ nhà mát đó là đẹp hơn hết, có suối chảy nước ro re, có cây soài lớn che tàn mát mẻ. Bên vườn trà thì nắng lắm, lại không có chỗ ngồi chơi.
- Thôi mình ra nhà mát.
- Tôi muốn như vậy lắm, song tôi chưa dám bày cho cô.
- Tại sao mà anh không dám?
- Vì hồi sớm mơi cô đã biết chỗ đó rồi, nếu mời cô ra đó nữa sợ cô không vui.
- Chỗ đó cảnh đẹp lắm, nếu nhà em có cảnh như vậy thì em ở đó tối ngày.
- Hứ! Cái cảnh chỗ nhà mát của tôi đó là cảnh tôi sắp đặt đặng nằm mà dưỡng trí. Cảnh ấy thì vui cho người chán ngán mùi đời, chớ không phải cho người đương hăng hái trong thế đạo. Cô là người phấn chí về cuộc đời, sao cô lại vui với cái cảnh ấy?
- Hôm ở trên Đà Lạt, anh em mình ngồi chơi tại hồ Than Thở, em đã có nói với anh rằng em không phải là người vui vẻ phấn chí. Anh quên rồi hay sao?
- Tôi nhớ lắm chớ nhưng tôi không tin những lời ấy.
Cô Lý ngó Phúc cười và đáp:
- Anh không tin thì thôi, em không có quyền bắt anh phải tin. Hai người và đi và nói chuyện, chừng nói tới đây thì đi cũng đã tới trước nhà mát.
Cô Lý đứng dòm tứ phía, rồi trong lòng cũng cảm xúc như hồi sớm mai nữa. Bây giờ ve với cúc không kêu nữa, mà một lát thì nghe tiếng gà rừng gáy te te phía sau xa. Cô Lý đứng tần ngần dựa gốc xoài, tâm hồn lơ lửng sắc mặt ưu tư.
Phúc thấy vậy mới nói:
- Mời cô vô nhà đặng nằm trên võng mà nghỉ một chút . Cô Lý riu ríu đi lại cái thang mà bước lên nhà rồi ngồi trên võng, không nói một tiếng chi hết.
Phúc kéo một cái ghế mà ngồi ngay mặt cô, song cũng không nói chuyện. Tư bề vắng vẻ, gió thổi hiu hiu, suối chảy ro re, lá cây lúc lắc. Cách một hồi lâu, Phúc thình lình kêu cô Lý mà hỏi:
- Cô Lý, tôi mời cô lên nhà tôi chơi cô biết tôi có ý gì hay không?
Cô Lý nhìn Phúc cười và đáp:
- Em không biết.
- Vợ chồng Trường không tỏ ý của tôi cho cô hiểu hay sao?
- Chị Mỹ rủ em đi thăm anh chơi thì em đi, chớ chỉ có nói chuyện chi khác đâu.
Phúc ngồi lặng thinh dụ dự một hồi rồi nói:
- Tôi mời cô lên chơi là có ý muốn giáp mặt cô đặng hỏi riêng cô một việc quan hệ lắm. Tôi muốn hỏi cô coi cô có thể kết nghĩa vợ chồng với tôi hay không?
Cô Lý chưng hửng, biến sắc. Cô ngó sững Phúc rồi thủng thẳng hỏi lại:
- Anh quên cô Hạnh được rồi hay sao? Trước khi hỏi em như vậy, anh có suy nghĩ kỹ lưỡng hay không?
Phúc châu mày, day chỗ khác rồi mới đáp:
- Về câu hỏi thứ nhứt thì tôi chưa dám trả lời quả quyết. Còn về câu hỏi thứ nhì thì tôi trả lời liền được. Việc tôi muốn xin cưới cô thì tôi đã suy nghĩ kỹ lắm. Còn việc cô Hạnh thì tôi xin cô cho phép tôi tỏ tâm hồn hiện thời của tôi cho cô nghe ...Không hiểu tại ai xuôi khiến mà tôi với cô Hạnh tuy chưa có nghĩa vợ chồng, song đối với cô tôi có cảm tình nồng nàn, sâu xa không có tình nào bằng. Từ ngày cô phụ bạc tôi mà lấy chồng khác thì tôi thất tình thất chí, tôi chán ngán quá, hết muốn danh lợi, hết ham tài sắc, chán ngán đến nỗi ghét hết thảy đàn bà con gái. Tôi thệ tâm chôn cái đời của tôi trong chốn vườn rẫy, không thèm cuới vợ, mà cũng không thèm giao thiệp với anh em nữa. Ngày tôi gặp cô thì tâm hồn của tôi như vậy đó.
- Phải. Em biết anh có tâm bịnh nặng lắm.
- Vì tâm bịnh ấy mà tôi được gần cô mười mấy ngày, lại cô là gái xinh đẹp và thông minh, song tôi không lưu tâm đến cô một chút nào hết ...Vì tôi trọng cô nên tôi phải tỏ thiệt. Xin cô tha cái lỗi khiếm nhã cho tôi.
- Em sẵn lòng tha. Anh cứ nói đi, chẳng cần phải ái ngại.
- Cho tới cái ngày tôi từ biệt cô mà trở về Bến Súc, thì tôi cũng chưa để ý đến cô. Chừng về trên nầy rồi, tôi nằm một mình mà chiêm nghiệm nhơn tình thế thái, tôi nhớ lại trong mười mấy ngày gần nhau, cô cứ chăm lo giải cái tâm bịnh của tôi luôn luôn, tôi nhớ cử chỉ của cô như vậy rồi tôi sanh cảm trong lòng. Tôi nói thiệt với cô, nhờ cô mà hôm nay bịnh của tôi tuy tôi không dám đoán chắc đã tuyệt hay chưa, song tôi biết đã giảm nhiều lắm vậy.
- Phải. Sự ấy em đã thấy rõ. Em lên hồi sớm mơi thì em liền thấy anh khác hôm trước xa lắm.
- Tôi tưởng nếu tôi được vinh hạnh được gần cô luôn luôn, đặng cô điều trị căn bịnh của tôi, thì có lẽ tôi sẽ mạnh được. Cô có can đảm, cô có thiện tâm, mà chịu lãnh trách nhiệm cải tử huờn sanh dùm cho một người bịnh trầm trọng, đem cái đời vui vẻ hữu dụng mà thay cái đời ảo nảo chán ngán dùm cho một sanh linh của tạo hóa hay không?
Cô Lý cúi mặt, thở ra và ứa nước mắt.
Phúc lật đật nói tiếp:
- Tuy tôi hỏi như vậy, song tôi xin cô đừng trả lời gấp. Cô hãy suy nghĩ cho kỹ, rồi trong năm mười bữa nữa, hoặc một vài tháng cô sẽ trả lời cũng được.
Cô Lý cứ ngồi trân trân, không nói một tiếng chi hết.
Phúc thấy sắc mặt cô thì biết cô bối rối lung lắm, nhưng mà Phúc sợ cô trả lời liền rồi câu trả lời ấy, hoặc vì cảm xúc, hoặc vì bất bình, mà không được chính chắn thành thật, bởi vậy Phúc lật đật nói tiếp:
- Tôi không muốn cô trả lời gấp, là vì việc hỏi cô đó là một việc quan hệ cho đời của tôi và đời của cô, bởi vì nó có thể làm cái lòng khô héo của tôi trở ra xanh tươi lại, mà nó cũng cò thể làm cho cái đời vui vẻ tốt đẹp của cô trở ra buồn rầu hư hỏng được. Vậy tôi xin cô hãy suy xét cái vấn đề ấy đủ các phương diện, hãy xem bề trong bề ngoài, hãy cân chỗ phải chỗ quấy, rồi sẽ trả lời. Tôi sanh trưởng nơi thôn quê, nên tâm tánh của tôi thật thà, cách ăn ở của tôi giản tiện, không thích hạp với đời mới. Cô sanh trưởng nơi thành thị, nên tâm tánh của cô lỗi lạc, cách ăn ở của cô sang trọng rực rỡ. Hai tâm tánh ấy có thể hiệp nhau rồi khắng khít cả đời được hay không? Hai cách ăn ở ấy có thể nhập nhau lại mà làm ra một cách ăn ở mới được hay không? Đó là những điều cần phải suy nghĩ ...
Cô Lý cũng cứ lặng thinh hoài.
Phúc thấy cử chỉ mấy thì sợ Cô Lý hoặc hờn giận, hoặc khinh bỉ thái độ của mình, bởi vậy chậm rãi nói nữa:
- Tôi chẳng khác nào người mang bịnh trầm trọng tưởng đã chết rồi, may gặp lương y cứu chữa, mới cho uống thang thuốc đầu thì bịnh đã giảm, bịnh nhơn định tâm tĩnh trí, rồi quơ níu sự sống, nên cầu khẩn lương y. Cô cũng như vị lương y ấy. Ví như trong cách cầu khẩn của bịnh nhơn có lời nào không vừa lòng hiệp ý lương y, thì xin lương y nghĩ dùm tâm hồn tán loạn của bịnh nhơn mà dung thứ, chớ đừng có hờn giận hoặc khinh bỉ bịnh nhơn tội nghiệp.
Bây giờ cô Lý biết rõ lòng dạ của Phúc được rồi, bởi vậy cô chảy nước mắt dầm dề, nhưng mà mặt cô hớn hở, miệng cô chúm chím cười, cô ngó ngay Phúc mà đáp:
- Anh Phúc, anh hỏi em vậy chớ em có thể kết nghĩa vợ chồng với anh được hay không? Em xin trả lời liền: "Được."
Phúc vừa nghe đến tiếng "Được" thì biến sắc, Phúc nhướng mắt nhìn cô Lý trân trân và nói:
- Cảm ơn cô, cảm ơn một ngàn lần ...Nhưng mà tôi ái ngại quá ...
- Vì sao mà anh ái ngại?
- Vì cô trả lời gấp cô không suy nghĩ cho kỹ.
- Em suy nghĩ rồi.
- Cô có nghĩ nếu cô ưng làm vợ tôi thì cô phải bỏ cái đời cao sang rực rỡ của cô mà sống với cái đời quê mùa vườn rẫy của tôi hay không?
- Em có nghĩ chỗ đó. Cái đời cao sang rực rỡ là cái đời giả dối bề ngoài, còn cái đời quê mùa vườn rẫy là cái đời chơn chánh ở trong. Đổi cái giả dối mà lấy cái chơn chánh thì em không giục giặc gì hết.
- Cô có nghĩ nếu cô ưng làm vợ tôi thì cô phải chịu một nguời chồng có cái tâm hồn áo não nên không vui vẻ gì hết hay không?
- Em cũng có nghĩ chỗ đó. Em sẽ ra công sửa đổi cái tâm hồn áo não của chồng em ra cái tâm hồn hân hoan hỉ lạc.
- Cô có lòng từ thiện đến nỗi hủy bỏ cái cảnh đời vui vẻ để cứu tôi hay sao?
- Phải. Em nhứt định làm như vậy là vì em chắc em sẽ được hưởng hạnh phước tràn trề.
- Cô có lòng cam đảm đến nỗi dám ưng một người chồng có bịnh tâm hồn hay sao?
- Phải. Em dám làm như vậy là vì em chắc em sẽ trị bịnh cho chồng em được. Nghe những lời thâm tình ấy Phúc cảm động quá, không thể bình tĩnh nữa được, nên vùng đứng dậy bước lại đưa tay muốn nắm tay cô Lý, mà rồi Phúc ngừng lại, ngó cô Lý trân trân, nước mắt tuôn dầm dề. Phúc ngó một chút rồi nói lớn: "Người tánh tình cao thượng như vầy thì đáng kính đáng trọng lắm. Tánh tình như vầy lẽ nào không được thưởng. Tôi xin thảo mộc trong vuờn nầy, tôi xin nước suối chim rừng chung quanh đây hãy ráng giúp cho tôi xây nên cái nền hạnh phước hoàn toàn để cho vợ tôi hưởng, đặng tôi đền đáp cái tình cao thượng của vợ tôi."
Phúc phát hiện ái tình như vậy làm cho cô Lý vui lòng không biết chừng nào. Cô đứng dậy đối diện với Phúc rồi cười mà hỏi:
- Bây giờ anh còn sợ hai cái buồn nhập lại rồi nó lớn bằng hai nữa thôi?
- Tôi hết sợ rồi. Tôi hết sợ là vì tôi chắc tôi sẽ quên cô Hạnh ...À cô Hạnh, cô chê tôi không đủ tài lực mà làm cho cô huởng được hạnh phước hả? Cô dại lắm, cô lầm to! Cô ráng chống mắt mà coi tôi. Cô sẽ ăn năn, cô sẽ tiếc cái hạnh phước của cô mà cô không biết, cô để cho người khác hưởng. Cô sẽ ganh ghét cô Lý cho mà coi ...
Cũng còn nhắc cô Hạnh! Té ra chưa quên cô Hạnh được...
Cô Lý nghe Phúc nhắc cô Hạnh liền bước thối lui và la lớn:
- Anh Phúc, nín đi. Em không muốn anh nhắc cô Hạnh. Anh đừng đem cô Hạnh mà so sánh với em chớ.
Cô Lý nói mà sắc mặt cô giận lắm.
Phúc chắc lưỡi lắc đầu nói:
- Xin cô tha lỗi cho tôi. Vì tôi còn nhớ cô Hạnh, nên tôi giận rồi tôi nói bậy.
Đem cô mà để đứng ngang hàng với cô Hạnh thì nhục cô lắm. Tôi vô ý nên tôi nói điên.
Cô Lý hết giận mà rồi cô buồn. Cô ngó Phúc mà nói dịu ngọt:
- Em có thể kết nghĩa vợ chồng với anh được. Song em buộc anh một điều, nếu anh chịu thì em mới ưng.
- Cô buộc điều chi?
- Anh phải quên đứt cô Hạnh, anh không được nhớ đến người đó nữa.
Phúc do dự một chút rồi mới đáp:
- Tôi sẽ làm y lời cô buộc.
- Anh dám hứa chắc như vậy hả?
- Tôi hứa chắc.
- Vậy thì em nhứt định hiệp với anh mà sùng bái chủ nghĩa gia đình, cho tròn đạo làm người. Thôi bây giờ trở vô nhà coi chị Mỹ ngủ trưa đã thức vậy hay chưa.
Cô Lý thủng thẳng bước xuống thang. Phúc đi theo và nói:
- Chừng thành hôn rồi, tôi sẽ xin phép với má tôi mà cất cái nhà mát nầy lại cho đẹp.
- Cất lại làm chi?
- Cất lại để làm cái miễu đặng chúng ta sùng bái ông thần ái tình của chúng ta.
- Theo ý em thì nên để y nguyên như vầy đặng bảo tồn kỷ niệm về cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay.
- Đó là cái ý hay. Nhưng mà cái chòi lèo tèo như vầy không xứng Đáng với cái tình cao thượng của chúng ta.
- Tại cái chòi lèo tèo đó nên ái tình mới cao thượng chớ. Em đã quyết bỏ cái đời cao sang rực rỡ, sao anh còn tưởng tới làm chi?
- À phải. Tôi sơ sót chỗ đó ...Hễ đôi ta được thành hôn rồi, cô muốn thế nào, tôi cũng sẽ làm y theo ý cô định.
- Em muốn anh đừng nhớ tới người phụ rảy anh nữa. Anh sẽ làm y theo ý em hay không?
- Tôi sẽ ráng.
Hai người vô tới nhà. Cô Lý thấy Trường với cô Mỹ, mỗi người nằm một chỗ, đương mê mang giấc điệp, thì cô la lớn:
- Trời ơi! Tính lên Bến Súc mà chơi, té ra lên đây đặng ngủ chớ! Chị Mỹ thức dậy nói chuyện chơi để tối rồi sẽ ngủ mà.
Cô Mỹ với Trường đều mở mắt. Trường ngồi dậy vung vai và nói:
- Cô có chuyện thì cô nói, còn người ta không có chuyện gì hết thì người ta ngủ, chớ nói giống gì bây giờ.
Cô Lý nói:
- Anh với chị Mỹ thức dậy đặng em nói chuyện cho mà nghe.
- Nói chuyên gì?
- Anh có biết nãy giờ anh Phúc dắt em đi đâu hay không?
- Người ta mắc ngủ, làm sao mà biết được.
- Ảnh dắt em ra sau vườn, vô ngồi chơi trong cái nhà mát chỗ mình ăn thơm
rồi sớm mơi đó rồi ảnh nói chuyện ngộ lắm.
- Nói chuyện gì mà bộ cô vui dữ vậy?
- Ảnh hỏi em ví như ảnh xin cưới em, thì em ưng hay không?
Cô Mỹ nghe nói như vậy thì lồm cồm ngồi dậy mà hỏi:
- Anh Phúc hỏi như vậy rồi chị trả lời làm sao?
- Tôi trả lời tôi ưng.
- Ạ! ...Chị có suy xét sự quan hệ của câu chị trả lời đó hay không?
- Có ...Tôi suy xét đã lâu rồi ...Tôi suy xét từ hôm anh Trường khuyên tôi với chị phải ráng giúp với ảnh mà cứu chữa tâm bịnh cho anh Phúc.
- Té ra chị đã biết trước sự anh Phúc xin cưới chị hay sao?
- Đường đi đến "Cực lạc thế giới" chỉ có một mà thôi. Anh Phúc tu theo đạo ái tình, tự nhiên sớm muộn gì ảnh cũng phải đi theo đường ấy, làm sao mà không biết trước được.
- Bà giáo Viễn nãy giờ đứng phía trong, bà nghe rõ hết các câu chuyện, bà vui mừng không kể xiết bởi vậy bà bước ra, miệng cười ngỏn ngoẻn.
Cô Lý thấy bà giáo thì cô nói:
- Áo mặc sao qua khỏi đầu được. Làm con dầu việc gì cũng phải do cha mẹ.
Anh Phúc muốn như vậy, để tôi thưa cho bác hay coi bác có bằng lòng hay không đã .
Bà giáo vừa bước lại bộ ván mà ngồi với cô Mỹ, vừa rước mà đáp với cô Lý:
- Tôi bằng lòng, tôi bằng lòng lắm. Cô ưng làm vợ thằng Phúc tôi ấy là cô gieo trong gia đình tôi một cái nghĩa lớn, dầu đến chừng nào tôi cũng không quên được. Cái ơn làm cho đời của thằng Phúc tôi được vui vẻ thì còn ơn nào lớn bằng. Còn tôi có một nàng dâu xinh đẹp, khôn ngoan, cao sang, vui vẻ như cô, thì làm sao mà tôi không bằng lòng.
Cô Lý ngó bà giáo mà cười rồi cô nắm tay Phúc kéo lại đứng trước mặt bà giáo và cô nói:
- Anh Phúc, anh hỏi em có thể kết nghĩa vợ chồng với anh hay không. Em nói được. Bây giờ bác nói bác cũng bằng lòng nhận em là dâu của bác. Vậy thì anh cậy mai nói với ba em mà xin cưới em đi. Anh muốn nói chừng nào cũng được. Để em về thưa trước cho ba em hay.
Trường nói:
- Vợ chồng tôi lãnh làm mai cho. Làm mai đặng ăn đầu heo chơi.
Cô Lý day lại nói với Trường:
- Tại anh gây chuyện thì anh phải lo chớ sao.
- Tại tôi làm sao? Tôi ngủ từ hồi trưa cho tới bây giờ tôi có biết chuyện chi đâu mà đổ thừa cho tôi.
- Tại anh tiến dẫn anh Phúc làm quen với em, rồi anh khuyên em ráng giúp với anh mà chữa tâm bịnh cho anh Phúc. Việc ấy có chị Mỹ làm chứng, anh chối sao được.
- Tôi giới thiệu đặng làm quen với Phúc, tôi cậy giải dùm tâm bịnh của Phúc, chớ tôi có xúi ưng làm vợ Phúc đâu?
- Nếu không ưng làm vợ anh Phúc, thì làm sao mà giải tâm bịnh cho ảnh được.
Bà giáo vui vẻ can rằng: "Thôi, con chẳng nên cãi với ông giáo sư. Đầu dây mối nhợ là tại nơi tôi trước hết. Tôi cậy ông giáo sư kiếm vợ dùm cho thằng Phúc tôi, nên mới có sự nầy. Tôi cám ơn ông bà giáo sư lung lắm. Để vài bữa rồi tôi biểu thằng Phúc tôi dắt tôi xuống nhà mà tạ ơn hai ông bà và cậy hai ông bà chịu khó làm mai dùm cho hai trẻ mau thành gia thất. Không biết chừng sáng mai tôi đi."
Cô Lý mồ côi mẹ đã lâu, nay nghe bà giáo kêu mình là con thì cô động lòng đứng ngơ ngẩn.
Cô Mỹ cười và hỏi bà giáo:
- Bác muốn tính gấp hay sao?
- Trong việc hôn nhơn hễ hai bên ưng thuận thì tính phức cho rồi, để dây dưa làm chi.
- Bác muốn có cháu nội cho mau đặng nựng nịu chớ gì.
- Bà giáo sư nói trúng ý tôi lắm. Tôi mong cái đó đa, mong thằng Phúc có gia đình theo như ý thầy nó muốn, đặng ổng vui lòng nơi âm cảnh. Cô Lý với Phúc nghe bà giáo nói như vậy thì ngó nhau mà cười chúm chím. Phúc kêu thằng Biện biểu múc nước cho khách rửa mặt.
Trường rửa mặt gội đầu, còn hai cô thì lại đứng trước tấm kiếng lớn soi mặt mà trang điểm . Bà giáo ngồi ngắm cô Lý, bà phỉ lòng đắc ý, nên sắc mặt hân hoan khác thường. Phúc cũng vui vẻ lo sắp đặt trà nước mà đãi khách.
Đồng hồ gõ 3 giờ. Vợ chồng Trường bàn tính đặng đi về. Bà giáo nói: "Khoan, trời còn nắng lắm, ở chơi một chút nữa dịu nắng rồi sẽ về. Để tôi đi kiếm trái cây tôi hái đặng tôi gởi cho bà giáo sư và con dâu tôi. Chuyến nầy bổn thân tôi đi kiếm mà hái mới có tình."
Bà giáo nói dứt lời, bà liền đứng dậy đi vô trong kêu người nhà đi theo bà mà hái trái cây.
Cô Lý với cô Mỹ biểu Phúc dắt đi vô trong đặng cho hai cô biết hết trong nhà từ trước ra sau. Phúc sẵn lòng dắt đi liền, rồi dắt luôn đi kiếm bà giáo đặng phụ mà hái trái cây với bà.
Cô Mỹ thấy bà giáo cắt thơm, hái dâu, hái sa bô chê, hái trái vú sữa cả thúng thì cô nói:
- Bác hái làm chi nhiều dữ vậy? Xin bác thôi, đừng hái nữa.
- Để tôi hái thêm một mớ nữa đặng tôi cho con dâu tôi.
- Bác hái hết vườn còn gì.
- Dễ hết đâu!
Cô Mỹ lắc đầu mà cười, Còn cô Lý cảm xúc nên không nói được một tiếng nào hết, chỉ ngó bà giáo với cặp mắt dan díu.
Hái trái cây xong rồi mới dắt nhau trở vô nhà. Khách đem đồ ra xe rồi từ giả mẹ con bà giáo mà lên xe. Bà giáo vịn vai cô Lý mà nói: "Ngày nào má được rước con về ở chung một nhà với má thì má vui lắm."
Mấy lời thân thiết ấy làm cho cô Lý động lòng, cô không suy nghĩ kịp, nên cô nói bướng: "Con cũng vui như má."
Được cô Lý kêu bằng má bà giáo hớn hở phỉ lòng, bà ngó cô Mỹ mà nói tiếp: "Chắc chắn sáng mai sẽ có tôi xuống."
Xe hơi chạy đã khuất rồi, mà bà giáo với Phúc vẫn còn đứng ngó theo.
Chú thích
sửa43. vùng đất hoang có cây cỏ rậm rạp
44. mía đường do Pháp đem từ thuộc địa gây giống, thân màu vàng, khác với "mía đường ta"có màu mốc lóng dài.