Cách ba tuần lễ sau, cũng còn bãi trường, nên Trường rảnh rang. Một buổi sớm mơi, Trường ngồi tại bàn viết trên lầu mà đọc sách. Cô Mỹ ngồi gần cửa sổ mà thêu khăn mu soa (38). Hai vợ chồng mỗi người đều mắc chú ý về việc riêng của mình, nên không ai nói tới ai, làm cho trong nhà im lìm an tịnh.

Thình lình cô Mỹ kêu chồng mà hỏi:

- Anh, tại sao mà anh Phúc thương tiếc cô Hạnh quá như vậy, anh biết hôn?

- Tại ái tình.

- Em sợ không phải. Cô Hạnh là con một, mà cha mẹ cô lại có tiền nhiều, nghe nói cao su mỗi tháng bán tới năm sáu ngàn đồng. Tôi nghi anh Phúc cưới cô Hạnh không được, ảnh tức về sự hỏng mối lợi lớn, chớ không phải tại tình tự gì hết.

- Ồ! Em xem Phúc rẻ quá! Phúc tuy không phải con nhà giàu lớn, song cũng có huê lợi xài không hết, chớ phải nghèo khổ gì hay sao nên tham tiền.

- Vậy chớ cô Hạnh là gái nhà quê mới học làm tốt bộ như bà bóng, có duyên có sắc gì đó, mà anh Phúc thất tình thất chí gần cuồng trí.

- Cô Hạnh coi cũng được chớ.

- Được giống gì? Chị Lý chỉ nói tuần truớc chỉ đi xem hát bóng, chỉ gặp cô Hạnh, chỉ làm quen rồi nói chuyện chơi. Cô Hạnh nói chuyện nghe lôi thôi lắm, không có duyên dùng gì hết.

- Cô Lý tọc mạch quá! Làm quen chi vậy?

- Chỉ nói với em để chỉ ráng nghiên cứu coi cô Hạnh là người gì mà anh Phúc mê đến nỗi thất chí. Chỉ tính bữa nào rảnh chỉ sẽ đi thăm cô Hạnh rồi mời cô Hạnh lên nhà chỉ. Hễ cô Hạnh chịu, thì chỉ sẽ cho em hay đặng em lên cho giáp mặt nhau.

- Đàn bà bày chuyện quá.

- Anh không muốn cho em làm quen với cô Hạnh hay sao?

- Làm quen có ích gì, nhứt là làm quen với người như vậy; dầu họ giàu mấy mươi cũng chẳng nên gần họ.

- Xin anh đừng cản, để cho em với chị Lý làm quen đặng dọ coi tại cớ nào mà cô đành bỏ anh Phúc để ưng (39) người khác.

- Cô Lý có ý gì với Phúc hay sao mà cô lo lắng việc của Phúc quá như vậy?

- Có ý gì đâu. Tại hôm trước anh nói anh Phúc là người có bịnh, anh biểu phải giúp với anh mà chữa bịnh giùm cho anh Phúc, nên chị Lý mới lưu tâm như vậy chớ.

- Em thân thiết với cô Lý, em có thấy cô Lý có chút tình nào với Phúc hay không?

- Không có đâu. Chị Lý thấy anh Phúc thất tình rồi chán đời thì chỉ tội nghiệp giùm cho thân anh Phúc mà thôi, chớ chỉ không có tỏ lời nào để cho em thấy chỉ có tình.

- Qua coi Phúc cũng không có tình với cô Lý. Cô Lý có sắc đẹp, học thức rộng, văn nói hay, trí khôn ngoan. Phúc gần cô mà Phúc không động tâm, thì rõ ràng bịnh thất tình của Phúc không thể trị được.

- Ý kiến của chị Lý và của em cũng vậy.

- Hôm đi Đà Lạt về, mình tính để mượn những cuộc vui mà làm cho anh Phúc cảm, coi ảnh có bớt buồn hay không. Đi xem hát thì ảnh không vui. Mà chừng khiêu vũ coi bộ ảnh thích lắm. Chị Lý mừng, chỉ tưởng có lẽ cậy cuộc chơi ấy mà giải trí cho ảnh được; té ra vừa thấy mặt cô Hạnh thì sự vui của ảnh tiêu mất, rồi sự buồn lại nhiều thâm bằng hai. Hổm nay chị Lý phiền lung lắm. Hôm nọ chỉ có tính để chỉ lập thế cho anh Phúc gặp vợ chồng cô Hạnh, đặng ảnh chán ngán, hết mơ tưởng cô Hạnh nữa. Té ra chừng gặp rồi, tình anh Phúc còn đậm hơn nữa, thế thì hết phương giải cứu rồi.

- Hết phương!...

- Nầy, hôm qua chị Lý có tính một kế khác ngộ lắm, anh.

- Kế gì nữa?

- Chị tính làm chị em với cô Hạnh rồi chỉ dụ dỗ cô nọ bỏ chồng mà trở về với anh Phúc.

- Ồ! Mấy người phụ nữ nầy độc ác quá!

- Sao mà độc ác? Vợ của anh Phúc, mình đem trở về cho ảnh, ấy là mình làm phước, chớ có ác chỗ nào đâu.

- Mưu sự đặng phá gia cang của người ta, làm như vậy có nhơn lắm hả?

- Ác hữu ác báo. Trước kia Khuyên giựt vợ của Phúc, thì bây giờ mình lập thế cho Phúc giựt lại mà trừ, có ác chi đâu.

- Qua không muốn nghe chuyện đó.

Chị Lý nói: "Mất cô Hạnh, nên anh Phúc có bịnh; được cô Hạnh, chắc anh Phúc hết bịnh. Vậy nếu muốn cứu anh Phúc, thì phải làm cho anh Phúc được cô Hạnh..."

Trường lấy làm khó chịu, nên chắc lưỡi lắc đầu mà đứng dậy và khoát tay biểu vợ đừng nói nữa.

Lúc ấy người bồi lên lầu thưa cho Trường hay rằng có ông Phúc ở trên Bến Súc xuống thăm. Vợ chồng Trường đều chưng hửng, ngó nhau mà cười rồi lật đật xuống từng dưới mà tiếp khách.

Vợ chồng Trường thấy Phúc thì mừng rỡ, mời ngồi và hỏi thăm lăng xăng. Bữa nay Phúc mặc bộ đồ tây trắng mới tinh, chơn mang giầy da đen, bộ đàng hoàng lại nghiêm chỉnh.

Cô Mỹ nhậm lẹ hỏi trước: "Bác trên nhà mạnh hay không anh Phúc? Anh xuống Sài Gòn chơi hay là có việc chi?"

Phúc dụ dự một chút rồi đáp: "Cảm ơn chị, má tôi mạnh. Tôi xuống đây vì có chuyện một chút".

Phúc nói xuống có chuyện, nhưng mà không nói luôn coi có chuyện gì. Trường nóng nảy nên hỏi: "Toa tính xuống đặng kiếm chồng cô Hạnh mà đánh lộn hả?"

Phúc lắc đầu đáp cứng cỏi: "Không, toa đừng nhắc cô Hạnh nữa chớ. Mỏa muốn tưởng cô đã chết rồi, toa còn nhắc làm chi".

Cô Mỹ hỏi: "Anh có đem sầu riêng mà cho chị Lý hay không?" Nghe câu hỏi ấy, Phúc mới sực nhớ nên lật đật bước ra cửa kêu người kéo xe kéo biểu đem giùm cái bao vô rồi lấy tiền trả tiền xe, cô Mỹ cười và nói với Phúc:

- Hôm trước anh có hứa với chị Lý. Nếu bữa nay anh xuống mà không có trái cây cho chỉ, chắc chỉ phiền anh lắm.

- Sầu riêng có nhiều mà chưa chín, tôi kiếm được có hai trái. Nhưng mà tôi có đem thơm với sa-bô-chê nhiều đặng chị với cô Lý ăn chơi.

- Cảm ơn anh lắm.

Cô Mỹ kêu bồi biểu xách bao trái cây vô trong và nói: "Để lát nữa em chia hai rồi em biểu sớp-phơ đem phần của chị Lý lên cho chỉ ".

Trường cười và nói với Phúc: "Hồi nãy vợ chồng mỏa ở trên lầu đương bàn luận việc của toa kế toa vô đó“.

Phúc châu mày hỏi:

- Bàn luận việc của mỏa là việc gì?

- Toa biết ma femme với cô Lý họ tính làm sao hay không? Họ nói vì cô Hạnh phụ tình toa mà ưng Khuyến, làm cho toa thất chí nên toa buồn rầu. Họ tính cụ dỗ cô Hạnh bỏ chồng về ở với toa, đặng toa phỉ tình, toa hết buồn rầu nữa.

- Sao được!

Cô Mỹ xen hỏi Phúc:

- Sao lại không được? Anh cũng như anh Trường, không nỡ phá gia cang của Khuyến hả?

- Phá gia cang của người ta là một việc mình không nên làm. Mà còn điều nầy nữa: tấm gương đã bể rồi, dầu ráp lại cũng không lành như hồi trước được. Cô Hạnh đã phụ tình tôi mà lấy chồng khác, bây giờ dầu cô bỏ người chồng của cô đi nữa, người ấy cũng cứ đứng giữa mà ngăn tôi với cô hoài, làm sao tôi kết nghĩa vợ chồng với cô được. Vợ chồng thế ấy đã không xây nền hạnh phước cho mình được, mà lại còn làm cho tình mình đê tiện không tốt, không tốt.

- Nếu vậy thì anh hết thương cô Hạnh rồi hả?

- Cái tình của tôi đối với cô Hạnh tôi tưởng khó phai lợt được. Nhưng mà cô đã có chồng khác rồi thì không thế nào tôi bằng lòng đem cô về làm vợ tôi.

- Ý anh kỳ quá! Vì bội nghĩa mà lấy chồng khác nên không thế làm vợ anh nữa đựơc. Nhưng mà thương thì anh vẫn thương hoài, chẳng bao giờ anh quên. Phải như vậy hay không?

- Thưa, phải.

- Nếu vậy thì anh làm sao mà cưới vợ cho đựơc?

Phúc châu mày ngồi im lìm, không đáp nữa.

Trường hỏi: "Hồi nãy toa nói toa xuống Sài Gòn có chuyện một chút, là chuyện gì vậy?"

Phúc cũng cứ lặng thinh không trả lời. Cách một hồi lâu Phút vụt nói lớn: "Tôi xuống đây chẳng có chuyện chi khác, chỉ xuống đặng hỏi ý kiến hai ông bà coi tôi có thể nói mà cưới cô Lý được hay không; như được thì cũng phải cho tôi biết coi tôi có nên làm như vậy hay không?"

Vợ chồng Trường ngạc nhiên, nên ngó nhau, không biết phải trả lời thế nào cho hạp chân lý.

Cô Mỹ sợ nếu không trả lời liền, thì thất lễ với Phúc, nên cô hỏi:

- Hồi nãy anh nói tình của anh đối với cô Hạnh thì không bao giờ phai lợt được. Nếu anh vẫn thương cô Hạnh hoài, mà anh cưới chị Lý làm vợ, thì anh không sợ anh sẽ làm buồn cho chị Lý hay sao?

- Tại tôi ái ngại chỗ đó, nên tôi muốn hỏi ý kiến của chị và của Trường.

- Khó lắm! Mà anh muốn cưới chị Lý, vậy chớ anh có chút tình gì với chỉ hay không?

- Có lẽ có.

- Phải nói quả quyết mới được, không nên nói mơ hồ. Có tình hay là không có, chớ sao anh lại nói "có lẽ có"?

- Tôi được gần gụi với cô Lý mười mấy ngày, tôi có dịp đi chơi với cô, nói chuyện với cô, khiêu vũ với cô, thiệt trong lúc ấy tôi không động tâm mà cảm tình chút nào hết. Nhưng mà hổm nay về nằm một mình trên vườn tôi nghe ve kêu dế gáy rồi tôi suy nghĩ các việc quá vãng và tương lai của tôi. Tôi nhớ thái độ của cô Hạnh, tôi đem thái độ ấy mà so sánh với tánh nết của cô Lý rồi tôi sanh cảm trong lòng. Cô Hạnh là người yêu của tôi, mà sao cô phụ bạc tôi, đã lấy chồng khác rồi gặp tôi, cô lại làm mặt lạ. Còn cô Lý đối với tôi thì không có tình nghĩa gì hết mà sao trong mười mấy bữa gần nhau, hễ cô thấy tôi buồn, thì cô kiếm thế làm cho tôi vui. Tôi suy xét so sánh như vậy rồi tôi cảm tình cô Lý lung lắm. Còn một điều nầy nữa: hôm ở trên Đà Lạt tôi có đàm luận về gia đình với cô Lý. Cô có nói mấy câu làm cho tôi hiểu cô biết đạo làm người hơn tôi. Tôi tưởng nếu tôi có người vợ như cô Lý, biết trọng chủ nghĩa gia đình, lại biết chỗ buồn của chồng mà lo khuyên giải giùm, thì có lẽ đời của tôi còn có thú vị chút đỉnh.

- Anh mắc lo cho phận anh, nên anh quên lo cho phận người khác. Ví như anh cưới chị Lý về rồi mà anh cứ thương nhớ cô Hạnh hoài, chị Lý phải lo khuyên giải sự buồn đó cho anh, làm vợ như vậy thì vui sướng chỗ nào đâu? Có chồng mà chồng không thương mình, cứ thương người khác, cái đời như vậy đáng tội nghiệp lắm chớ. Anh nghĩ thử mà coi.

Phúc khoanh tay ngồi thở ra mà suy nghĩ.

Trường ngồi lóng tai nãy giờ thì đã thấu hiểu tâm hồn của Phúc. Phúc được gần gụi với cô Lý, rồi đem cô mà so sánh với cô Hạnh, thì đủ thấy Phúc đã để ý đến cô Lý rồi. Mà Phúc biết cô Hạnh đã có chồng, không còn hy vọng phối hiệp với cô nữa được, tức thị mối tình của cô Hạnh đã dứt. Nếu Phúc còn nhớ cô Hạnh và hễ nhớ thì buồn, ấy là vì chưa gây mối tình khác để thay thế cho mối tình trước. Còn Phúc biết cô Lý có ý chiếu cố nên theo giải buồn cho mình, tức thị đã bắt đầu có tình với cô Lý. Nếu tình ấy chưa phát hiện tỏ rõ, ấy là vì hai người không có dịp bày tỏ niềm riêng với nhau. Hễ hai người bày tình với nhau rồi, thì tình ấy sẽ dan díu nồng nàn không kém gì tình trước. Đã vậy mà Phúc có tánh đa tình đa cảm. Người dường ấy hễ lòng sanh cảm thì tình gắn chặt, chẳng còn phải lo ngại gì nữa. Có diều nầy đáng lo, là Phúc tánh tình chất phát, còn cô Lý tánh lãng mạn; Phúc ăn ở chốn thôn quê, còn cô Lý sanh trưởng nơi thành thị. Hai người tánh ý khác nhau, nền cư xử cũng khác nhau, nếu kết vợ chồng với nhau, thì có thể gây hạnh phúc được mà hưởng hay không?

Trường suy nghĩ như vậy rồi mới nói: "Phúc đã nhứt định kết nghĩa trăm năm với cô Lý, thì không có lòng nào để cho cô Lý phải chịu nhục nhã hay là buồn rầu. Việc ấy tôi không lo. Tôi lo là lỡ hai người tâm ý bất đồng, giáo dục bất đồng, mà tâm hồn cũng bất đồng, nếu bây giờ hăng hái ưng nhau, sợ ngày sau mấy sự bất đồng ấy sanh ra, thì ăn năn đã muộn."

Cô Mỹ nói: "Còn việc đó nữa! Phải suy nghĩ cho kỹ, chẳng nên làm bướng".

Phúc hỏi: "Tôi muốn biết điều nầy: cô Lý là con nhà giàu, mà cô lại lanh lợi mới mẻ lắm. Còn tôi là đứa quê mùa tánh ý thật thà ăn ở lam lũ. Ví như tôi cậy mối đặng xin cưới cô, có thể cô cho sự ấy là sự điên khùng rồi cô khinh bỉ ngạo báng hay không?"

Cô Mỹ cười ngất mà đáp:

- Ồ! Không lẽ có như vậy đâu. Tâm sự của anh nhờ anh Trường thèo lẻo (40) nên chị Lý dã biết rõ đầu đuôi rồi hết. Chỉ thấy phận anh thì chỉ tội nghiệp cho anh lung lắm. Từ ngày quen với anh, thì chỉ cứ lo phương giải giùm tâm bịnh cho anh. Sự ấy em biết rõ.

- Phải, chị Lý là gái tân thời, nên bộ chỉ lau chau (41), hay nói hay cười, tự cao tự đắc. Nhưng mà cái lòng của chỉ quí như vàng, trong như ngọc, không biết ỷ giàu như gái khác, lại dám làm nghĩa mà cứu người. Ấy vậy nếu anh nói mà chỉ không ưng thì thôi, chớ chỉ không khinh bỉ đâu mà anh sợ.

- Còn ông thân của cô?

- Cũng khỏi lo. Việc nhà của chỉ em cũng biết rõ lắm. Ông thân của chỉ trộng tuổi rồi, mà còn tánh ham chơi bời. Mấy năm nay góa vợ, ổng chơi lu bù, bè bạn với kẻ thanh niên, không có cuộc vui nào mà thiếu ổng. Em biết ổng trông cho chị Lý mau có chồng đặng ổng thong thả, vì có chị Lý ở trong nhà, ổng bị phận sự làm cha bó buộc, nên không được hoàn toàn tự do. Hơn một năm nay chỗ nào cậy thì ổng cũng đốc chị Lý ưng. Chị không ưng, coi bộ ổng buồn. Ông là người sẵn lòng gả con cho mau, gả chỗ nào cũng được, chớ không phải là người kén rể đâu mà anh ngại. Vậy chớ anh không thấy hay sao? Hôm chị Lý mời anh lên nhà ăn cơm, ổng tưởng anh muốn xin cưới chị Lý, nên ổng niềm nở quá. Ấy vậy ưng hay là không ưng đều tại chị Lý, chớ không phải tại ổng.

- Theo như lời chị mới nói đó, thì mấy năm nay đã có nhiều người muốn cưới cô Lý tại sao cô Lý không ưng chỗ nào hết?

- Chị Lý tuy bề ngoài bồng chành (42), song bề trong sâu sắc lắm. Chị thường nói với em: chữ trinh là cái tiết trọng nhứt của phụ nữ, mình không nên khinh rẻ, đụng đâu bán đó. Còn chồng là một người bạn trăm năm, mình phải lừa lọc đặng khỏi phú cái đời của mình cho một người tánh tình đê tiện.

- Cô Lý nói như vậy à?

- Phải... ấy vậy chỉ chưa ưng ai hết là tại mấy người muốn cưới chỉ đều không hạp với con mắt, chớ không phải tại cớ nào khác.

- Cao lắm! Cao lắm!...

Phúc than mấy tiếng rồi ngồi buồn xo. Cử chỉ ấy càng làm cho Trường thấy thêm bụng Phúc cảm mến cô Lý.

Phúc là bạn thiết của Trường, còn cô Lý là bạn thiết của cô Mỹ. Nếu Phúc kết tóc trăm năm với cô Lý, thì vợ chồng Trường vừa lòng lắm. Ngặt vì Trường sợ hai người tâm tánh bất đồng rồi không thể thuận hòa, còn cô Mỹ sợ Phúc cưới cô Lý rồi mà cứ nhớ thương cô Hạnh hoài, thì tội nghiệp cô Lý, bởi vậy hai vợ chồng không dám đốc vô.

Phúc ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: "Tánh cô Lý tuy lãng mạn, song trí của cô cao thượng. Trước khi cho cô biết ý tôi muốn xin cưới cô, tôi cần phải tỏ thiệt tâm sự của tôi cho cô rõ hết đầu đuôi mới được, không nên giấu cô. Tôi có thể gặp cô đặng nói chuyện riêng với cô hay không?“

Cô Mỹ lật đật đáp:

- Được chớ. Anh muốn gặp chỉ chừng nào cũng được. Anh muốn lên nhà thăm chỉ hay không?

- Tôi muốn gặp cô một mình đặng nói chuyện, sợ lên nhà cô không tiện.

- Ông thân chỉ thường hay xuống dưới tiệm, bỏ chỉ ở nhà có một mình. Anh muốn thăm chỉ, thì em dắt anh đi.

Trường cản rằng: "Không nên. Nhà của cô Lý không phải là chỗ để Phúc đến tỏ tâm sự được. Tôi muốn Phúc gặp cô Lý chỗ khác dễ nói chuyện hơn".

Cô Mỹ hỏi: "Chỗ nào? Anh muốn em mời chị Lý xuống nhà mình cho anh Phúc nói chuyện hay sao?"

Trường lắc đầu đáp: "Không. Tôi muốn Phúc mời cô Lý lên nhà trên Bến Súc chơi cho biết, rồi nhơn dịp ấy muốn nói chuyện gì với cô thì nói".

Phúc dụ dự một chút rồi mới nói với Trường:

- Mỏa sẵn lòng mời cô lắm, song không biết cô chịu đi hay không. Toa với chị Trường làm ơn mời dùm được hôn?

- Được. Để ma femme với mỏa mời giùm cho. Có vợ chồng mỏa đi, thì chắc cô chịu đi.

- Mà toa với chị Trường phải hứa chắc với mỏa một điều nầy; đừng nói trước cho cô Lý biết sự mỏa muốn xin cưới cô, nghe hôn.

- Nói trước làm chi. Sự ấy để cho toa nói chớ.

- Mỏa cũng chưa chắc mỏa phải nói hay không. Để mỏa tâm sự của mỏa cho cô hiểu, mỏa dọ dẫm ý cô, rồi mỏa sẽ nhứt định.

- Toa muốn bữa nào vợ chồng mỏa dắt cô Lý lên?

- Bữa nào cũng được, tự ý toa định.

- Bữa nay thứ ba, vậy bữa chúa nhựt tới đây tụi mỏa lên chơi được hôn? - 0ược. Lên sớm ở chơi tới chiều mát rồi sẽ về.

- Được. Cũng như mỏa lên hôm trước vậy.

Cô Mỹ mừng và nói: "Anh Trường bày chuyện đó hay lắm. Hổm nay chị Lý đòi lên thăm anh Phúc hoài, bởi vậy hễ em rủ thì chắc chỉ chịu liền. Để chiều nay em lên mời chỉ".

Hẹn hò xong rồi, Phúc từ giã vợ chồng Trường mà về liền, không chịu ở lại ăn cơm trưa.

Chú thích

sửa

38. (mouchoir) khăn tay

39. lấy làm chồng vợ

40. học chuyện người này với người khác

41. lăng xăng, vúc vắc

42. bồng bột